Những rủi ro tiềm ẩn trong các giao dịch bất động sản và vai trò của đăng ký giao dịch bất động sản

08/10/2008
Theo xu thế phát triển, ở Việt Nam, thị trường bất động sản ngày càng phát triển, nhưng nhà nước chưa kiểm soát được đầy đủ các diễn biến của thị trường. Các giao dịch ngầm vẫn diễn ra mà chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu của Nhà nước

Ở các khu vực đô thị, thị trường phi chính quy chi phối khoảng 70 - 80% các giao dịch về nhà, đất. Theo báo cáo về Chỉ số minh bạch thị trường bất động sản năm 2006 của Tập đoàn đứng đầu thế giới về quản lý tiền tệ và dịch vụ bất động sản Jones Lang Lasalle, qua khảo sát tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì Việt Nam có số điểm là 4.69, đứng thứ 56/56 quốc gia được khảo sát. Như vậy, Việt Nam có số điểm minh bạch thị trường vào loại thấp nhất thế giới, trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có Việt Nam rơi vào vùng xám cấp 5.[1] Đây có thể nói là tình trạng đáng báo động nếu chúng ta không khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung của nước ta.

          Việc thiếu thông tin về bất động sản do tính minh bạch của thị trường không đảm bảo là một yếu tố xấu đẩy các giao dịch vào những rủi ro cao. Do không có thông tin rõ ràng về tình trạng của tài sản, người tham gia giao dịch sẽ rất dễ trở thành đối tượng của các thủ đoạn lừa đảo như nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đã được thế chấp, hay bên bảo đảm dùng chính tài sản bảo đảm đem thế chấp tiếp tại một ngân hàng khác... Ngoài ra, thực tế công tác quy hoạch về bất động sản cũng còn nhiều bất cập do quy hoạch treo, manh mún, thiếu đồng bộ, không công khai đầy đủ thông tin, dẫn đến tình trạng người dân dễ mua phải bất động sản trong diện quy hoạch. Nhận định về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chính "những hoạt động của thị trường “ngầm” trong thị trường bất động sản đang “níu kéo” mọi cố gắng của Nhà nước cũng như xã hội"[2]. Hiện nay, các dịch vụ thanh toán, dịch vụ định giá, đăng ký và thẩm định bất động sản, dịch vụ tư vấn pháp lý và tư pháp, dịch vụ thông tin... đều thiếu hoặc dừng lại ở mức sơ khai, thiếu tính chuyên nghiệp cao. Ngay cả hệ thống thông tin về các quy hoạch, dự án, kế hoạch đầu tư phát triển bất động sản và kinh tế của chính quyền các cấp cũng thiếu công khai, minh bạch, được cất giữ như một thứ bí mật quốc gia hoặc bí mật ngành và trở thành nguồn lợi cho những người nắm giữ chúng. Người nắm giữ và kiểm soát các thông tin về bất động sản coi đó là những thông tin không được phép tiết lộ. Vì vậy, gây tác hại khôn lường cho sự phát triển thị trường bất động sản nói riêng, hiệu quả đầu tư xã hội nói chung và gây những bi kịch dở khóc, dở cười cho người mua, kẻ bán bất động sản. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta phát triển chưa ổn định, thị trường bất động sản ở nước ta phát triển mang tính tự phát, do cung cầu về bất động sản còn mất cân đối, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của người dân và của doanh nghiệp còn rất lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế. Chính vì vậy mà dẫn đến tình trạng đầu cơ về nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản làm cho thị trường "nóng, lạnh" thất thường, tạo nên những cơn sốt giá khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào tình trạng điêu đứng. Lịch sử kinh doanh bất động sản đã chứng kiến không ít những vụ tự sát, nhảy lầu tự tử của các ông chủ kinh doanh địa ốc bị lâm vào tình trạng phá sản phải tìm đến cái chết để "thoát nợ".

          Do đó, việc công khai hóa và minh bạch hóa các giao dịch về bất động sản là một trong những điều kiện sống còn của thị trường bất động sản, mà một trong những công cụ quan trọng để công khai và minh bạch các giao dịch về bất động sản là đăng ký bất động sản. Đó cũng chính là giải pháp quan trọng mà nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ đã đề xuất khi trả lời báo VN.Media ngày 30/7/2006 "một trong những điều kiện để thoát được "vùng xám" này (tức tình trạng vướng mắc trong quản lý thị trường bất động sản) là chúng ta có được Luật Đăng ký bất động sản với một hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất, đầy đủ, minh bạch, công khai". Một khi các giao dịch về bất động sản được đều được đăng ký, Nhà nước sẽ có thể quản lý được hoạt động của thị trường bất động sản. Mặt khác, đăng ký các giao dịch bất động sản sẽ giúp quản lý được thông tin về bất động sản. Việc các thông tin về tình trạng pháp lý của bất động sản được công khai hóa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu sẽ giúp cho nhà đầu tư yên tâm tham gia giao dịch trên thị trường, hạn chế được các hành vi lừa đảo và từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản ở nước ta.

Ngọc Phượng


[1] Quý Tâm, Tuổi trể Online, ngày 29/7/2006.
[2] VN Media.vn ngày 03/8/2006, Bất động sản Việt Nam: Làm thế nào để minh bạch, công khai