Hãy cứu lấy những “Dòng sông trăng, dòng sông lụa” ở Hà Nam.

08/10/2008
Hà Nam, nằm bên lưu vực những con sông đẹp và thơ mộng của Đồng bằng Bắc Bộ. Sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ đã đi vào thi ca, nhạc hoạ tạo nên một hình ảnh đẹp. “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa, nong kén vàng như lúa…”. Tiếc rằng những dòng sông thanh bình, đẹp đẽ ấy giờ đây đang từng ngày, từng ngày trở thành những dòng sông đen, “sông chết”.

Chẳng biết nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng, nước thải của các cơ sở y tế ….. trên địa bàn Hà Nội, Hà Tây (cũ) được đổ vào các dòng sông từ bao giờ. Chỉ biết rằng đã có đến trên 10 năm nay, dòng nước đen từ phía Hà Nội đổ về sông Nhuệ, rồi tràn đen đặc sông Đáy, sông Châu, bốc lên một thứ mùi nồng nặc vô cùng khó chịu. Những năm đầu, thấy cá tôm nhao lên mặt sông, người dân kéo ra đông nghịt vớt lấy mang về dùng mà không hề biết những hiểm hoạ khôn lường từ việc làm vô thức đó. Với những nhà nuôi cá lồng, bao nhiêu vốn liếng đổ ra đón vụ cá Tết cuối năm bỗng chốc trở thành mất trắng mà không biết kêu ai. Vài ba ngày dòng nước đen nhạt dần nhưng rồi chẳng bao lâu lại có một đợt nước khác chảy về. Cá, tôm trên sông thưa dần. Con nào còn sống thì dường như cũng quen với luồng nước độc nên những đợt nước đen về sau không còn thấy còn nổi lên nữa. Xóm chài Phù Vân, Lê Lợi nơi ngã ba sông của thành phố Phủ Lý đã bao phen điêu đứng. Nhiều gia đình làng chài ngậm ngùi từ bỏ nghề nuôi cá lồng, cá bè, từ bỏ nghề bắt cá, cào hến đã gắn bó bao đời để tứ tán lên thành phố bán hàng rong, làm cửu vạn.

Cũng không ít lần lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các Bộ, ngành chủ quản và các tỉnh gây ảnh hưởng, bị ảnh hưởng (Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình) liên quan đến sự ô nhiễm đã họp bàn phân tích, đánh giá và tìm giải pháp khắc phục. Vấn đề này cũng đã từng được các đại biểu Quốc hội thay mặt đông đảo cử tri nhiều lần đưa ra thành những ý kiến nóng bỏng, khẩn thiết tại diễn đàn nghị sự. Tuy nhiên qua từng năm, từng năm dòng nước đen nồng nặc sự chết chóc kia vẫn cứ xuất hiện ngày càng nhiều với mật độ và mức độ ngày càng dày hơn, ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước đây, chỉ có mùa cuối năm nước cạn mới thấy rõ. Còn bây giờ thì ngay cả giữa mùa mưa vẫn cứ thấy nước đen đặc dòng sông. Ở cách xa hàng cây số vẫn thấy rõ mùi khó chịu. Thực ra lượng nước thải không qua xử lý từ các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề vẫn liên tục được xả thẳng, không thương tiếc vào sông hằng ngày, hằng giờ. Tuy nhiên chỉ khi nào nước sông cạn hoặc lượng nước thải quá nhiều thì mới thấy rõ bằng màu nước đen và mùi nồng nặc khó chịu.

Không thể nói hết sự khốn khó của những hộ dân ở xóm chài Lê Lợi, Phù Vân, Phủ Lý. Cuộc sống của những người dân ở đây vốn đã rất khó khăn nay càng khó khăn, bức bối hơn bởi sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng của sông. Mọi nguồn nước sinh hoạt các gia đình ở đây đều lấy trực tiếp từ mặt sông bởi họ sống hoàn toàn trên thuyền. Nguồn thu nhập của họ cũng trông cậy từ sông nước với việc đánh cá, bắt tôm. Từ ngày sông bị ô nhiễm, cứ mỗi đợt nước đen về, cả làng lại mất ngủ vì mùi từ sông bốc lên. Nước sinh hoạt phải lên bờ xin từng thùng. Khó khăn về nguồn thu nhập, nguồn sống càng nan giải hơn. Dòng sông chết mòn kéo theo cá, tôm trở lên khan hiếm dần. Đánh bắt cả ngày mới thu được một hai chục ngàn. Ra chợ bán lại phải dấu diếm, nói dối may ra mới bán được bởi người dân rất kỵ “cá nước pin” (cá bị nước thải từ nhà máy Pin Văn Điển). Những con cá tươi giãy đành đạch nhưng khi ăn mới thấy rõ có mùi nồng nặc, tanh hắc. Nước ô nhiễm thế, thịt cá không bị nhiễm độc mới là chuyện lạ. Rồi chuyện rau muống cũng đau lòng không kém. Nhiều hộ xưa kia sống với bè rau muống trên sông nay cũng đành chặt phá bè cho trôi xuôi. Đọc sách báo được biết rau muống là loại rau hút mạnh kim loại nặng mà trong dòng nước ô nhiễm ấy các kim loại nặng có thể gây ung thư trực tiếp như chì thì vượt tiêu chuẩn hàng  chục, hàng trăm lần.

Nước có đen đặc, người dân vẫn phải sống, vẫn phải làm ăn, sinh hoạt. Nước có đen đặc nhà máy nước của Công ty cấp nước vẫn phải làm việc để cung cấp nước cho các cơ quan, công sở, trường học. Hứng 1 ca nước máy để 1 lúc có cặn lắng ở bên dưới. Vẩn thông thường còn không thể lọc hết thì những kim loại độc hại lọc được đáng bao nhiêu? Thường xuyên phải dùng nguồn nước không đảm bảo, không biết hiểm hoạ sẽ như thế nào đối với cư dân sống ở lưu vực các con sông đã từng một thời như mộng, đẹp đẽ ấy.

Những ngày gần đây đang là cuối mùa mưa, đang có mưa lớn do ảnh hưởng của mấy cơn bão liên tiếp. Lượng nước mưa lớn như thế cũng chẳng thể pha loãng được dòng nước đang kỳ ô nhiễm nặng. Có thể nói các dòng sông của tỉnh đang giãy giụa và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân đang bị đe doạ nghiêm trọng.

Những ngày qua càng nghe thông tin về vụ việc Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải … người dân trong tỉnh càng mong ước các cấp, các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc để nhanh chóng khi chưa quá muộn cứu lấy những “dòng sông trăng, sông lụa”, cứu lấy sự thanh bình trong cuộc sống của hàng ngàn dân cư ven bờ.

Vũ Xuân Thuỷ - Sở Tư pháp Hà Nam