Cải cách hành chính: Cái khó là cơ chế xử lý cán bộ

18/01/2008
"Chúng ta chưa có sự phân cấp cụ thể thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền các cấp đối với cán bộ cấp dưới, cho nên có trường hợp xác định đầy đủ cơ sở, khẳng định chắc chắn cán bộ không làm tròn trách nhiệm được giao, thậm chí vô cảm, tắc trách trong xử lý công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức, nhưng xử lý họ như thế nào còn là bài toán khó". Ông Nguyễn Doãn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã bộc bạch như vậy khi nói về công tác cải cách hành chính.

Giảm ít nhất 50% thời gian làm thủ tục hành chính

PV:  Cải cách hành chính là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm, tỉnh Phú Thọ triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Doãn Khánh: Phú Thọ xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những khâu đột phá, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng. Trong CCHC,  tỉnh Phú Thọ tập trung vào mấy khâu lớn. Một là, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, trong đó hướng vào các lĩnh vực cơ bản là xúc tiến đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư, CCHC về mặt thủ tục trong lĩnh vực tư pháp. Đặc biệt, trong đó có việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân và các vấn đề liên quan đến đời sống thường ngày của người dân  như chứng minh thư, hộ tịch, hộ khẩu và xử lý nhiều vấn đề khác. Hai là, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính, mà đây trọng tâm là nâng cao trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.

Từ những trọng tâm trên, vừa qua, tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân tại các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn, cụ thể hóa lộ trình CCHC theo chiến lược của Chính phủ đến năm 2020. Theo đó, tỉnh đã thực hiện rút ngắn thủ tục hành chính đối với những phần việc liên quan đến cơ chế một cửa, với tiêu chí đề ra là giảm thấp nhất 50% thời gian cho các tổ chức và công dân khi quan hệ làm việc với cơ quan nhà nước khi giải quyết vấn đề liên quan đến cơ chế một cửa.

Đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu

PV: Trong CCHC thì việc nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức khi cá nhân, tổ chức có việc cần đến cơ quan nhà nước là rất quan trọng, Phú Thọ thực hiện mục tiêu này như thế nào, thưa ông?

          Ông Nguyễn Doãn Khánh: Liên quan đến nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy chính quyền, tỉnh chúng tôi tập trung vào mấy việc. Một là, xác định  quy trình xử lý công việc đối với từng cơ quan, đặc biệt là nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Để làm được việc này, tỉnh tập trung vào rà soát tất cả các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, các phòng, ban chuyên môn, đặc biệt là công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CCHC, xác định trách nhiệm của họ gắn với quy trình thủ tục theo hạn định và quy trình thủ tục đã được xác định. Và ở đây, để xử lý những vướng mắc trong trường hợp có những ách tắc, cả về tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức, chúng tôi quy định khi người trực tiếp thi hành mà không thực hiện, người thủ trưởng trực tiếp không thực hiện thì người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp trên có quyền ký các thủ tục đảm bảo thời gian cho công dân, tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp này trách  nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan nhà nước vẫn thuộc về công chức trực tiếp có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện và thủ trưởng trực tiếp cơ quan.

Vấn đề thứ hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm trong cơ chế CCHC "một cửa". Hiện nay, Phú Thọ đã có đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác CCHC từ tỉnh, huyện, đến xã, phường, thị trấn. Đội ngũ này được đào tạo qua đại học chính quy và được tuyển chọn một cách nghiêm túc.

PV: Có ý kiến cho rằng số lượng cán bộ làm ở bộ phận "một cửa" hiện nay còn khiêm tốn so với yêu cầu của nhân dân, thêm vào đó đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC cũng chưa được hưởng những chính sách ưu đãi đúng với công sức bỏ ra nên nhiều người chưa mặn mà với công việc. Phú Thọ giải bài toán này thế nào?

Ông Nguyễn Doãn Khánh: Để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động, tỉnh đã ban hành chế độ chính sách và định biên được hưởng đối với đội ngũ cán bộ làm ở bộ phận "một cửa". Phú Thọ quy định UBND cấp xã được bố trí 2 người, cấp huyện được bố trí 3 người, các Sở, ngành được bố trí từ 2 - 4 người làm công tác cải cách hành chính ở bộ phận "một cửa". Chẳng hạn, một số Sở, ngành có liên quan nhiều đến công việc hành chính như Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính đã được ưu tiên bố trí 3 người, đặc biệt Sở Kế hoạch - Đầu tư là nơi CCHC liên thông, lại làm thêm nhiều nhiệm vụ liên quan đến đầu tư nên chúng tôi bố trí 4 người. Mức hưởng trợ cấp của đội ngũ này dưới xã là 100.000 đồng/tháng, cấp huyện là 120.000 đồng/tháng/người. Đối với tỉnh là 140.000 đồng/người/tháng.

Muốn CCHC, phải "thông" trong tư tưởng, ý thức

PV: Thưa ông, ở nhiều địa phương có tình trạng "một cửa" nhưng "nhiều khóa", ở Phú Thọ có giám sát việc này không và ông cho rằng làm thế nào sẽ hạn chế được  tình trạng "một cửa, nhiều khóa"?

Ông Nguyễn Doãn Khánh: Theo tôi, muốn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CCHC, trước hết phải "thông" ngay trong tư tưởng và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Nếu mà trên "thoáng" nhưng dưới chưa "thông", đặc biệt là người thừa hành trực tiếp mà không "thông" thì cũng không thể thực hiện đầy đủ, toàn diện nhiệm vụ CCHC. Cho nên, để thực hiện đúng chỉ có "một cửa", "một cửa liên thông" thì cơ quan đứng ra nhận làm đầu mối xử lý có trách nhiệm nhận và trả kết quả liên quan đến tổ chức, công dân. Vấn đề ở đây là phải giám sát việc thực hiện. Hiện nay tỉnh Phú Thọ đang triển khai hai việc chính liên quan đến hoạt động giám sát này. Đó là  thực hiện các cuộc thanh tra công vụ đối với cán bộ, công chức nói chung, đặc biệt là cán bộ công chức nằm trong các bộ phận thực hiện CCHC một cửa ở các sở, ban, ngành, các huyện và các địa phương.

 Bên cạnh đó, trong năm 2008 này, tỉnh sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện CCHC một cửa, trước hết là thực hiện các quy định về mặt thời hạn trong thủ tục hành chính, trong giải quyết công việc cho tổ chức và công dân theo hướng tiết kiệm đến mức tối đa mặt thời gian, công sức, tiền của của tổ chức, công dân khi có công việc quan hệ với nhà nước. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tổ chức đánh giá một cách có hệ thống và giám sát việc chấp hành các kết luận, quyết định của các cơ quan cấp trên tại các cơ quan hành chính của tỉnh. Một nội dung nữa tôi cho rằng cũng rất quan trọng, đó là phải xây dựng cơ chế có sự tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua các tổ chức đoàn thể, mặt trận tổ quốc và chính quyền cơ sở trong việc giám sát cán bộ, công chức thực hiện chức trách của mình, nhất là cán bộ được phân công trực tiếp làm nhiệm vụ CCHC một cửa.

PV: Chủ trương là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, tỉnh có gặp vướng mắc gì không thưa ông?

Ông Nguyễn Doãn Khánh: Còn nhiều điểm vướng. Trước hết, về cơ sở vật chất, Phú Thọ là tỉnh nghèo nên trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phục vụ CCHC, đặc biệt là CCHC liên thông còn rất thiếu, chưa kết nối được đầy đủ với các Sở, ngành, các huyện và giữa các cơ quan cải cách hành chính một cửa. Vấn đề thứ hai là đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ. Nhưng có một vướng mắc tôi cho là rất lớn, đó là cơ chế liên quan đến xử lý cán bộ. Hiện nay chưa có sự phân cấp cụ thể về thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền các cấp đối với cán bộ cấp dưới, cho nên trong nhiều trường hợp xác định đầy đủ cơ sở khẳng định cán bộ làm không đầy đủ trách nhiệm, thậm chí vô cảm, tắc trách trong xử lý công việc liên quan đến cá  nhân, tổ chức, nhưng xử lý họ như thế nào còn là bài toán khó. Khó bởi nó còn do cơ chế quản lý về mặt tổ chức của Đảng đối với cán bộ thuộc diện quản lý, cơ chế liên quan đến việc bầu cử của cán bộ thuộc diện dân cử, và nhiều cơ chế khác ràng buộc. Cho nên, việc xử lý những trường hợp, đặc biệt là xử lý các trường hợp có vi phạm, thiếu trách nhiệm còn qua quá nhiều khâu trung gian, quá nhiều cơ quan có thẩm quyền, đến mức nhiều khi chúng ta không thực hiện được. Vấn đề này theo tôi rất cần được tháo gỡ.

PV: Xin cảm ơn ông !

Hồng Thúy