Theo Điều 34 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản thì người bán đấu giá có 3 chủ thể sau: Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản. Nhưng trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ký hợp đồng uỷ quyền cho Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp đứng ra bán đấu giá tài sản thi hành án.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá và của các bên tham gia đấu giá thì cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi tiêu cực khi tham gia đấu giá tài sản thi hành án. Việc phát hiện và xử lý hành vi thông đồng, dìm giá của người tham gia đấu giá tài sản là rất khó khăn. Đặc biệt, hành vi thông đồng, dìm giá lại có sự tham gia của người bán đấu giá tài sản.
Trong thực tế, có địa phương, khi nhận được đơn tố cáo về hành vi trên, Giám đốc Sở Tư pháp đã giao cho Trung tâm bán đấu giá tài sản tiến hành xác minh đơn tố cáo. Trung tâm đã cử cán bộ đến gặp người tố cáo để lập biên bản xác minh. Nội dung Biên bản xác minh tương tự như đơn tố cáo. Người bị tố cáo thì bác bỏ nội dung tố cáo. Ví dụ như vụ việc xảy ra ở Trung tâm bán đấu giá tỉnh N. Để xử lý được hành vi này theo "Điều 26. Hành vi vi phạm của người tham gia đấu giá tài sản" của Nghị định 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì có 2 quan điểm:
+ Quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào đơn tố cáo và Biên bản xác minh nêu trên có thể xử lý ngay theo Điều 26 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP.
+ Quan điểm thứ hai: Chưa thể xử lý ngay được, Giám đốc Sở Tư pháp cần giao cho Thanh tra Sở chủ trì (không có sự tham gia của Trung tâm bán đấu giá - để bảo đảm nguyên tắc khách quan) và ra quyết định thành lập đoàn xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết tố cáo.
Để có cơ sở chắc chắn kết luận có hành vi thông đồng dìm giá thì cần phải xác minh, thu thập, củng cố thêm chứng cứ như: lấy lời khai và yêu cầu người tố cáo giải trình, tổ chức đối thoại, đối chất; thu thập xem có nguồn chứng cứ trực tiếp hoặc gián tiếp nào khác không, ví dụ: băng ghi âm, ghi hình, lời khai của nhân chứng, các văn bản cam kết về việc thông đồng dìm giá của các đối tượng… Sau khi đã xác minh, thu thập các chứng cứ, Trưởng Đoàn xác minh phải lập hồ sơ xác minh, ký Báo cáo kết quả xác minh để Giám đốc xem xét, tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ. Nếu các chứng cứ đều phản ánh những nội dung cơ bản thống nhất là có hành vi thông đồng dìm giá thì Giám đốc ra quyết định xử lý tố cáo.
Trong trường hợp có các ý kiến đánh giá về chứng cứ khác nhau thì gửi toàn bộ hồ sơ xác minh lên Thanh tra Bộ để xin ý kiến hướng dẫn.
Sau khi có Quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp thì mới có cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 26 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP.
Theo tác giả, để xử lý được hành vi thông đồng dìm giá theo Điều 26 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP, Giám đốc Sở cần thực hiện theo quan điểm thứ hai.
Để ngăn chặn và chủ động phòng ngừa hành vi thông đồng, dìm giá của người tham gia đấu giá tài sản thì cần phải nắm rõ thủ đoạn thông đồng, dìm giá:
+ Thủ đoạn thứ nhất: Có sự tham gia của người bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp này thì người bán đấu giá tài sản sẽ chủ động bàn bạc với một số người thông đồng, dìm giá và đặt ra các quy định, nội quy bán đấu giá tài sản. Nội dung của nội quy bán đấu giá tài sản thông thường sẽ quy định tổ chức bán đấu giá tài sản làm 2 vòng, người trả giá đầu tiên của vòng 2 phải cao hơn giá đã trả cao nhất của vòng 1. Do đó, khi vào đấu giá sẽ tạo ra tâm lý trả giá thấp trong vòng 1. Lúc này sẽ có ít nhất 2 người thông đồng với nhau, một người sẽ trả trên mức giá sàn rất thấp, sau đó, người kia sẽ trả mức giá rất cao để không có người nào trả giá tiếp theo. Vòng 1 kết thúc với kết quả người trả giá cao nhất và người trả giá liền kề có giá chênh lệch rất lớn. Khi vào vòng 2 đấu giá, sẽ không có ai trả cao hơn mức giá của người trả giá cao nhất của vòng 1. Như vậy người trả giá cao nhất vòng 1 sẽ trúng đấu giá, sau đó người này từ chối mua tài sản, chịu mất tiền cọc và theo khoản 1, Điều 21của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản thì "Trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá.".
Thủ đoạn trên là hết sức tinh vi, hầu hết người tham gia đấu giá tài sản bị lừa và không mua được tài sản, thiệt hại của người có tài sản bán đấu giá là rất lớn.
+ Thủ đoạn thứ hai: Không có sự thông đồng của người bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp này. Lúc này sẽ xuất hiện một số "quân xanh" trả giá thật thấp, một người sẽ trả giá cao hơn số người này và ngay sau đó, sẽ có một người trả mức giá rất cao để không có người nào trả giá tiếp theo. Kết quả người trúng đấu giá và người trả giá liền kề có giá chênh lệch rất lớn. Sau đó người trả giá cao nhất sẽ từ chối mua tài sản, chịu mất tiền cọc và theo khoản 1, Điều 21của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề.
Với thủ đoạn trên thì người tham gia đấu giá tài sản chưa kịp trả giá đã bị chặn giá bởi người trả giá cao nhất và không mua được tài sản.
Qua theo dõi các đơn thư tố cáo về hành vi thông đồng dìm giá trong bán đấu giá tài sản thì hầu hết các hành vi thông đồng dìm giá được thực hiện theo thủ đoạn thứ nhất.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi thông đồng dìm giá với các thủ đoạn nêu trên thì cần có những giải pháp sau:
- Giám đốc Sở Tư pháp cần chỉ đạo thật chặt chẽ Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản trong việc ban hành nội quy bán đấu giá, đặc biệt, không nên quy định đấu giá 2 vòng để ngăn chặn thủ đoạn thông đồng, dìm giá có sự tham gia của người bán đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá tài sản bị lừa theo thủ đoạn thứ nhất đã nêu ở trên.
- Sửa đổi khoản 2, Điều 14 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP tức là phải tăng khoản tiền phải đặt trước của người đăng ký mua tài sản bán đấu giá lên từ 8% đến 10% giá khởi điểm.
- Bổ sung khoản 1, Điều 21 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP "Trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm và không thấp hơn 80% giá cao nhất đã được trả. Khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá.".