Mô hình và tổ chức Tòa Trọng tài tại Cộng hoà Séc

14/05/2025
Mô hình và tổ chức Tòa Trọng tài tại Cộng hoà Séc
Tòa Trọng tài (1) (Arbitration Court) được đặt tại Phòng Thương mại và Nông nghiệp Cộng hòa Séc (Hospodářská komora České republiky) (2) có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại/liên quan đến tranh chấp về tài sản và các vấn đề liên quan đến hợp đồng giữa các doanh nghiệp ở cả trong nước và nước ngoài. 
Về tổ chức và hoạt động, Tòa Trọng tài có Hội đồng điều hành bao gồm 13 thành viên (trong đó có 6 thành viên được phía Hiệp hội doanh nghiệp đề cử, 6 thành viên được phía Hiệp hội nông nghiệp đề cử và người thứ 13 là Chủ tịch Hội đồng sẽ do cả hai bên Hiệp hội thống nhất đề cử) với khoảng 650 Trọng tài viên, đều là những người có uy tín trong hoạt động nghề nghiệp (2/3 là người có quốc tịch Séc và 1/3 là người có quốc tịch nước ngoài). Hội đồng này có nhiệm kỳ 3 năm. 
Tòa Trọng tài có chức năng (3): Giải quyết tranh chấp thương mại/liên quan đến tranh chấp về tài sản giữa các bên một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không cần đến hệ thống tòa án thông thường; Cung cấp một diễn đàn chung để các bên có thể trình bày và bảo vệ quyền lợi của mình.
Cơ cấu: Tòa Trọng tài bao gồm các chuyên gia và luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại, giúp đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra dựa trên kiến thức chuyên môn vững vàng.
Quy trình tố tụng: Các bên có thể lựa chọn Tòa Trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng của họ; Quy trình thường linh hoạt hơn so với quy trình tại tòa án, cho phép các bên điều chỉnh thời gian và hình thức trình bày sự việc.
Hòa giải: Trong nhiều trường hợp, Tòa Trọng tài cũng cung cấp dịch vụ hòa giải để giúp các bên đạt được thỏa thuận trước khi quyết định vào tố tụng chính thức.
Tính pháp lý: Các quyết định của Tòa Trọng tài có tính ràng buộc pháp lý cho các bên và thường được công nhận và thi hành tại nhiều quốc gia, có giá trị tương đương với phán quyết của Tòa án.
Hoạt động trọng tài Séc hiện cũng chưa đi theo Luật mẫu UNCITRAL, nhưng đã là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài quốc tế. Có hai hình thức làm việc của Trọng tài (5): Trọng tài làm việc tại Tòa Trọng tài thì có phạm vi giải quyết tranh chấp rộng hơn, được quyền xử lý tất cả các vụ việc liên quan đến tài sản; Trọng tài được chỉ định theo vụ việc và thực hiện trong một phạm vi giải quyết tranh chấp nhất định. 
Về cơ bản, Tòa án không can thiệp vào các nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, liên quan đến hủy phán quyết của Tòa Trọng tài, theo thống kê đến nay đã có khoảng 4.500 quyết định của Trọng tài, tuy nhiên chỉ có 6 quyết định bị Tòa án tuyên hủy phán quyết đó (tỷ lệ phán quyết của Trọng tài bị hủy rất thấp chưa đến 1%), bởi một số lý do như: có quyết định do một Trọng tài đã kết thúc công tác nhưng vẫn cứ tiếp tục tham gia xét xử, 01 người bị phát hiện liên quan đến một bên sau đó cứ tiếp tục xét xử, 01 người không bảo đảm cân đối quyền và lợi ích của hai phía… hay 01 Trọng tài đưa ra phán quyết nhưng không đầy đủ lý do để đảm bảo cân đối giữa các bên nên Tòa án yêu cầu giải quyết lại.
Tòa Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trực tuyến (online) đối với trường hợp chỉ có 01 Trọng tài và với giá trị giải quyết tranh chấp nhỏ, đơn giản hoặc do yêu cầu của các bên không thể đến trực tiếp được và các bên phải xin phép trước Tòa Trọng tài thì mới có thể tổ chức qua phương thức trực tuyến. Thực tế số lượng các vụ việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trực tuyến không nhiều. Để giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trực tuyến, Tòa Trọng tài phải có Hệ thống riêng bảo đảm an toàn. 
Hiện nay, Tòa án ở CH Séc (6) theo xu hướng muốn nhiều việc có thể giao cho Tòa Trọng tài giải quyết vì phương thức giải quyết nhanh, chất lượng, chi phí thấp và góp phần giảm tải cho bộ máy của Tòa án. Tòa Trọng tài cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, trao đổi với các Tòa án địa phương, Tòa án cấp cao để có sự hưởng ứng, tôn trọng về hoạt động Trọng tài.
                                                                              
                                                                     Đoàn công tác
[1] Ngoài Tòa Trọng tài này, còn có một Tòa Trọng tài thương mại khác chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến chứng khoán.
[2] Tòa Trọng tài Séc được thành lập từ khá lâu từ năm 1939, trước đây thuộc Tiệp Khắc. Tuy nhiên, từ năm 1989, đã có sự thay đổi trong hoạt động trọng tài và bây giờ trực thuộc Phòng Thương mại và Nông nghiệp Cộng hòa Séc; Tòa Trọng tài hoạt động theo Luật số 216/1994 Coll của CH Séc và đã ban hành Quy tắc tố tụng trọng tài của Tòa Trọng tài; đã ký hợp tác thỏa thuận với Trung tâm trọng tài VIAC của Việt Nam.
[3] Đến năm 2016, theo quy định của pháp luật CH Séc, Tòa Trọng tài không được phép xử lý các tranh chấp liên quan đến bảo về người tiêu dùng nữa. Trước đây số lượng tranh chấp về tiêu dùng là khá lớn.
[4] Theo luật của CH Séc về điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Trọng tài cũng không yêu cầu quá cao nhưng đối với Tòa Trọng tài này khi lựa chọn để trở thành Trọng tài phải là người có bằng thạc sỹ luật, có kinh nghiệm về kinh tế, kiến trúc sư…, đặc biệt phải có uy tín và thông thường từ 30 tuổi trở lên.
[5] Hệ thống Tòa án ở Séc: ở địa phương có Tòa án địa phương và 14 Tòa án cấp tỉnh và trên đó có 02 Tòa án thượng thẩm và 02 Tòa án tối cao.