1. Đặt vấn đề nghiên cứu
Ngày 17/2/2025, Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập một đội ngũ đại diện của khu vực tư nhân để họp về phát triển kinh tế, gồm các nhà sáng lập của BYD, Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi và công ty startup về AI DeepSeek. Cuộc gặp trên - lần đầu tiên kể từ năm 2018, làm dấy lên suy đoán Bắc Kinh sẽ trao cho khu vực tư nhân nhiều quyền tự do hơn khi đối mặt với thương chiến Mỹ - Trung. Cuộc gặp này diễn ra sau chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 4/2/2025. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu chậm lại và thất nghiệp tăng mạnh trong giới trẻ đã khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, cũng như thúc đẩy chiến lược “dựa vào chính mình” thông qua định vị lại khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). (1)
Từ ngày 24 đến 25/2/2025, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) họp Phiên họp thứ 14 tại Bắc Kinh xem xét dự thảo Luật Thúc đẩy KTTN, đặc biệt là thông qua Luật Thúc đẩy KTTN - luật cơ bản đầu tiên tập trung cụ thể vào sự phát triển của khu vực tư nhân. Ngày 5/3/2025, tại Kỳ họp thứ 3, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XIV, Báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Lý Cường trình bày, đã nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiều nhiệm vụ về việc phát huy đầy đủ vai trò chủ chốt của KTTN, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và vốn tư nhân, phát đi tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của KTTN. (2)
Tại Việt Nam, KTTN từ lâu đã được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, sau hơn hai thập niên, đóng góp của khu vực này vào GDP vẫn chỉ duy trì ở mức xấp xỉ 50% và tốc độ chuyển mình còn khá khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là một ví dụ đáng tham khảo, cho thấy cách thức định hướng, hỗ trợ và khai mở tiềm lực khu vực tư nhân một cách đồng bộ, hiệu quả. (3)
Do đó, việc thúc đẩy KTTN phải được luật hóa. Hệ thống luật pháp phải được kiện toàn và những cải cách về môi trường cạnh tranh phải được thực thi quyết liệt để tạo niềm tin cho cộng đồng DN theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: “Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN”.
Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và bắt kịp những quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển khối KTTN theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW “coi trọng, chủ động nghiên cứu chiến lược, chính sách từ sớm, từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của thế giới, góp phần tăng cường tính dự báo và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật” là đặc biệt cần thiết.
2. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, trước đây Trung Quốc đã xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp và sự kém phát triển, trì trệ là không tránh khỏi. Sự chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, vai trò KTTN trong nền KTTT đã làm cho Trung Quốc “thay da đổi thịt” nền kinh tế. Thay đổi quan trọng nhất trong nền kinh tế Trung Quốc những năm 90 là việc tư nhân hóa. Theo thống kê, 80% DN do Nhà nước sở hữu từ cấp huyện trở xuống đã được tư nhân hóa. Các chương trình tư nhân hóa đều do chính quyền địa phương khởi xướng với lý do quan trọng nhất là số nợ của khu vực Nhà nước đang dần lớn lên. Năm 1995, chính quyền Trung ương sau nhiều lần khảo sát điều tra đã đưa ra chính sách “nắm lớn, thả nhỏ” theo đó Nhà nước chỉ chú trọng vào từ 500-1.000 DN lớn và cho thuê hoặc bán các DN nhỏ hơn. Đến năm 1997, 500 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn nhất đã nắm giữ 37% tổng số của các DN công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nộp 46% tổng số thuế các DNNN phải nộp và chiếm 63% tổng số lợi nhuận trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DN nhỏ hơn do các chính quyền địa phương nắm giữ lại rất thấp.
Từ chính sách “thả nhỏ” đã xuất hiện thuật ngữ “thay đổi sở hữu”. Kể từ năm 1994, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến trên toàn đất nước. Nội dung của “thay đổi sở hữu” bao hàm cả khoán và cho thuê, hai biện pháp được sử dụng trước đây và các biện pháp như bán, chuyển thành công ty do người lao động nắm giữ hay chuyển thành hợp tác xã. Chính sách này đã có tác động trực tiếp tới các DN đội mũ đỏ. Tính đến 2001, khu vực KTTN của Trung Quốc đã đóng góp 50% vào GDP, thu hút trên 20 triệu lao động, góp 40,1% vào tổng giá trị sản lượng công nghiệp như: (i) hình ảnh cơ cấu đa sở hữu: Từ chỗ trong nền kinh tế chỉ tồn tại sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể thì cho đến nay Trung Quốc công nhận sự tồn tại của đa loại hình sở hữu và kinh tế nhiều thành phần; (ii) Đổi mới quản lý nhà nước tạo dựng môi truờng pháp lý cho KTTN bằng cách xây dựng một hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích cho khu vực tư nhân phát triển như xây dựng luật DN cá thể, luật công ty hợp danh, luật công ty …; (iii) mở cửa thị trường cho DNTN, sau khi gia nhập WTO thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho nhiều đối tác nước ngoài và khuyến khích các DN tham gia hội nhập. Tuy nhiên, một số lĩnh vực mà các DNTN vẫn chưa được phép tham gia như tài chính, thị trường đất đai. Trước sự khôi phục nhanh chóng của khu vực tư nhân Trung Quốc cho rằng phải nhanh chóng có các chính sách mở cửa các lĩnh vực này để DNTN có thể tham gia phá vỡ thế độc quyền nhà nước; (iv) thúc đẩy sự hình thành và ra đời các tổ chức trung gian để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, quan hệ với các cơ quan công quyền, đào tạo thu thập thông tin, duy trì trật tự thị trường.
Một số vấn đề cần tiếp tục được giải quyết trong phát triển KTTN ở Trung Quốc: Về tài chính có 3 cách để các DNTN tiếp cận các nguồn tài chính: vay phi chính thức, vay từ ngân hàng và huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán; Tính phi chính thức của DNTN (cản trở tiềm năng phát triển KTTN); Các DNTN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ không thực hiện ghi chép sổ sách kế toán đầy đủ, nhiều trường hợp DNTN cố ý sử dụng mánh khoé trong việc ghi chép và lưu trữ nhiều loại sổ sách kế toán; DNTN dường như không có ý thức tuân thủ pháp luật; Các DNTN không có cơ chế quản lý nội bộ hợp lý, không minh bạch rõ ràng; Các DNTN vẫn chưa đánh giá đúng nguồn vốn con người. Chẳng hạn, DNNN và DN FDI, các DNTN thường trả một mức lương thấp cho các sinh viên mới tốt nghiệp. (4)
Trong thời gian gần đây, trước những thách thức kép về tái thiết chuỗi công nghiệp toàn cầu và chuyển đổi, nâng cấp trong nước, các DNTN Trung Quốc đang khám phá những con đường mới để phát triển chất lượng cao nhờ sự hỗ trợ chính sách của chính phủ. Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ đóng góp “56789” là chỉ DNTN đóng góp hơn 50% thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% thành quả đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, tạo hơn 80% việc làm ở thành thị, chiếm hơn 90% tổng số DN. Ngoài ra, từ các cụm sản xuất thông minh ở Đồng bằng sông Trường Giang đến vùng cao kinh tế số ở khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, từ những “gã khổng lồ” nhỏ có “chuyên môn hóa, chính xác và đổi mới” đến các công ty nằm trong danh sách Top 500 toàn cầu, các DNTN đã trở thành trụ cột hỗ trợ cho khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc. (5)
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khu vực tư nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 70% đổi mới công nghệ và 80% việc làm ở đô thị ở nước này. Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc cho thấy, trong quý I/2025, 1.979.000 DNTN mới đã được thành lập tại nước này, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước - vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình của 3 năm qua. Trong đó, 836.000 DN, tức trên 40% thuộc 4 lĩnh vực mới, gồm công nghệ mới, ngành nghề mới, hình thức kinh doanh mới và mô hình kinh doanh mới. Tính đến cuối tháng 3, số lượng DNTN đã đăng ký của Trung Quốc vượt 57 triệu, chiếm 92,3% tổng số DN. (6)
Điển hình như tại Nghĩa Ô (Chiết Giang), trung bình có 20 triệu bưu kiện chuyển phát nhanh được gửi đến các nước trên thế giới mỗi ngày từ 75.000 DN vừa và nhỏ; tại Thâm Quyến (Quảng Đông), DJI Innovations đã viết lại bối cảnh công nghiệp quốc tế với 70% thị phần máy bay không người lái tiêu dùng toàn cầu; tại Hợp Phì (An Huy), iFlytek đã thu hút 3,8 triệu nhà phát triển để xây dựng hệ sinh thái thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo mở của mình… Sự trỗi dậy của những “lực lượng cơ sở” này xác nhận logic tiến hóa của nền KTTN từ “đi sau sang dẫn đầu”. (Công Tuyến (2025), KTTN: Nguồn lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, truy cập tại TTXVN/Vietnam+, theo địa chỉ: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-tu-nhan-nguon-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-trung-quoc-post1020563.vnp, truy cập lúc 13h ngày 2/5/2025) |
Theo các nhà phân tích, ngày nay, Trung Quốc cần thúc đẩy lực lượng KTTN để giúp nền kinh tế thứ hai thế giới vượt qua hàng loạt vấn đề lớn, từ làm chủ công nghệ, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng đến phục hồi nền kinh tế nội địa đang trì trệ, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và cạnh tranh với Mỹ với các mục tiêu sau: Đầu tiên là tự chủ công nghệ. Trong một hội nghị, Tencent và Baidu cũng có mặt nhưng không ngồi hàng đầu. Ngoài ra, sự xuất hiện của Jack Ma, vốn gần như ẩn dật sau khi Ant Group bị chặn IPO hồi 2020, được nhiều người xem là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang khôi phục vị thế của các DN công nghệ tư nhân; Thứ hai là củng cố nền kinh tế nội địa. Nigel Green, Nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn tư vấn tài chính deVere Group (UAE), chỉ ra rằng trong nhiều thập kỷ, mô hình kinh tế của Trung Quốc dựa vào các khoản đầu tư do Nhà nước lãnh đạo và phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng; Thứ ba là khôi phục niềm tin nhà đầu tư, duy trì dòng vốn. Một trong những lợi ích rõ ràng nhất khi chuyển hướng sang hỗ trợ khu vực tư nhân là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. (7)
Như vậy, Trung Quốc đã có những hành động lập pháp mạnh mẽ, nhanh chóng, dứt thoát, kịp thời để kêu gọi các doanh nhân thể hiện tài năng, tin tưởng vào mô hình và thị trường Trung Quốc, đồng thời cam kết đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNTN và Nhà nước - Luật Thúc đẩy KTTN của Trung Quốc năm 2025 sẽ tạo ra môi trường pháp lý đảm bảo sự đối xử công bằng, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của các DNTN.
3. Nội dung cơ bản của Luật Thúc đẩy KTTN của Trung Quốc năm 2025
Luật Thúc đẩy KTTN của Trung Quốc gồm 9 chương 78 điều, được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua sau 3 lần xem xét. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025. Luật này quy định các biện pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh, cải thiện môi trường đầu tư và tài chính, khuyến khích DNTN tham gia vào các dự án khoa học và đổi mới công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế của khu vực tư nhân (8). Quá trình soạn thảo Luật dành riêng cho khu vực tư nhân được Trung Quốc khởi động từ năm 2024. Luật được thông qua trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan với Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hòa hoãn. Đạo luật này được đánh giá là có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, bởi khu vực tư nhân hiện là một bộ phận quan trọng của cơ cấu kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực tạo việc làm và xuất khẩu. (9)
Về bố cục, Luật gồm: Chương I: Quy định chung; Chương II: Cạnh tranh công bằng; Chương III: Xúc tiến tư và tài chính; Chương IV: Đổi mới khoa học và công nghệ; Chương V: Chuẩn hóa hoạt động; Chương VI: Đảm bảo dịch vụ; Chương VII: Bảo vệ quyền và lợi ích; Chương VIII: Trách nhiệm pháp lý và Chương IX: Các điều khoản bổ sung.
Về khẳng định vai trò pháp lý của KTTN trong nền kinh tế Trung Quốc: KTTN là một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, là một lực lượng mới trong việc thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển chất lượng cao, là lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc xây dựng toàn diện thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại và thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh và chất lượng cao của nền KTTN là một chính sách lớn mà đất nước đã tuân thủ trong một thời gian dài. Nhà nước kiên trì khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn phát triển KTTN theo đúng pháp luật, phát huy tốt hơn vai trò của pháp quyền trong việc củng cố nền tảng, ổn định kỳ vọng, lợi ích lâu dài. Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc đối xử bình đẳng, cạnh tranh công bằng, bảo vệ bình đẳng và phát triển chung, thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của nền KTTN. Tổ chức KTTN được hưởng tư cách pháp nhân, cơ hội thị trường và quyền phát triển bình đẳng với các loại hình tổ chức kinh tế khác (Điều 2 và Điều 3).
Đây là chính là tuyên ngôn khẳng định các nguyên tắc trọng tâm trong thúc đẩy KTTN. Đặc biệt, công tác thúc đẩy sẽ tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần gũi dân chủ, vận hành theo hướng “đúng chính trị”, Nhà nước khẳng định luôn duy trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản của xã hội chủ nghĩa: có hệ thống kinh tế đa sở hữu trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo và kinh tế phi công hữu phát triển (KTTN) được khuyến khích, hỗ trợ và dẫn dắt phát triển. Điều này thể chế hóa quan điểm Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX chỉ rõ, kiên trì khuyến khích, hỗ trợ và chỉ đạo phát triển KTTN, bảo đảm các loại hình kinh tế sở hữu đều bình đẳng tiếp cận các yếu tố sản xuất, tham gia cạnh tranh thị trường một cách công bằng, được pháp luật bảo hộ bình đẳng, thúc đẩy lợi thế bổ sung và sự phát triển chung của các loại hình kinh tế sở hữu. (10)
Về cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận thị trường: Chính quyền nhân dân các cấp và các cơ quan liên quan thực hiện hệ thống đánh giá cạnh tranh công bằng, xây dựng chính sách, biện pháp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được rà soát cạnh tranh công bằng, đánh giá định kỳ, kịp thời làm sạch, bãi bỏ các chính sách, biện pháp cản trở thị trường thống nhất quốc gia, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm tổ chức KTTN tham gia cạnh tranh thị trường một cách công bằng. Nhà nước bảo đảm các tổ chức KTTN sử dụng hợp pháp, bình đẳng tất cả các loại yếu tố sản xuất, nguồn lực dịch vụ công như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, dữ liệu, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác, áp dụng hợp pháp, bình đẳng các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ phát triển. Các cấp chính quyền nhân dân và các cơ quan liên quan phải đối xử bình đẳng với các tổ chức KTTN khi xây dựng và thực hiện các chính sách, biện pháp trong các lĩnh vực như bố trí kinh phí của chính phủ, cung cấp đất, chỉ tiêu thải chất ô nhiễm, dữ liệu công khai, giấy phép đủ điều kiện, xây dựng tiêu chuẩn, công bố dự án, đánh giá chức danh nghề nghiệp, đánh giá thành tích, nguồn nhân lực (Điều 10, 11 và Điều 13).
Luật quy định hệ thống “danh mục áp trừ” cho tiếp cận thị trường cầm quyền, giúp tư nhân có khả năng thành lập và phát triển doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực (Điều 10). Trừ các lĩnh vực nhậy cảm hay cần theo cơ chế kiểm soát đặc biệt, thị trường thiết lập cơ chế thông tin theo quy định, các DNTN được tự do đầu tư, kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong phạm vi cho phép bình đẳng. Ngoài ra, các quy định về tiếp cận yếu tố sản xuất cũng được nhắc đến. Các DNTN có quyền sử dụng các yếu tố như đất đai, nguồn nước, hình thức tài chính… bình đẳng với doanh nghiệp khác (Điều 13).
Về hỗ trợ đầu tư và tài chính: Luật đặt ra nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy quỹ đầu tư và vốn cho DNTN. Hệ thống này bao gồm khuyến khích tham gia các dự án quốc gia, tạo điều kiện cho cấp tín dụng, và hỗ trợ thông qua thị trường vốn (Điều 16, 17, Điều 20-25). Hỗ trợ sự tham gia của các tổ chức KTTN vào các chiến lược, dự án lớn của quốc gia. Hỗ trợ các tổ chức KTTN đầu tư, khởi nghiệp vào các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi, các ngành công nghiệp tương lai và các lĩnh vực khác, khuyến khích chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi, nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại (Điều 16); Các cơ quan nhà nước cần công bố thông tin dự án và phương án thu hút cổ phần tư nhân tham gia.… ban hành thông tin khuyến khích DNTN đầu tư vào các dự án lớn, hướng dẫn DNTN đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm (Điều 17). Ưu đãi tín dụng và tài chính quy định từ Điều 20 - 25 quy định hàng loạt biện pháp tài chính tạo điều kiện cho DNTN huy động vốn và vay vốn. Nhà nước khuyến khích ngân hàng chấp nhận nhiều hình thức đảm bảo tín dụng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng cao khả năng chấp nhận nợ xấu và nâng cao chất lượng dịch vụ cho DNTN, đảm bảo ngân hàng phải đối đãi bình đẳng về quyền lợi, lãi suất và quản lý rủi ro khi cho vay đối với DNTN.
Về thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới: Luật mạnh vai trò của DNTN trong đổi mới sáng tạo và công nghệ. Tại Điều 27 đến Điều 30 quy định Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ DNTN tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiên tiến và chuẩn mực công nghệ. Cụ thể, Nhà nước hướng DNTN nghiên cứu cơ sở và công nghệ cốt lõi, phát triển công nghệ cơ bản và công nghệ gốc, đẩy mạnh tích hợp công nghệ khoa học với sản xuất, thúc đẩy hình thành các ngành công nghiệp mới, mô hình mới, động lực mới. Đồng thời, các quỹ nghiên cứu phi lợi nhuận được khuyến khích tài trợ DNTN thực hiện nghiên cứu cơ bản và công nghệ mang tính công ích.
Về quyền lợi và nghĩa vụ của DNTN: Luật chỉ rõ quyền lợi hợp pháp của DNTN được Nhà nước bảo hộ. Điều 58 quy định quyền nhân thân, quyền tài sản và quyền tự chủ trong kinh doanh… của DN KTTN và doanh nhân tư nhân được pháp luật bảo vệ, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đều không được xâm hại. Đặc biệt tại Điều 57 khi ra nước ngoài kinh doanh, DNTN được Nhà nước Trung Quốc hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi trên trường quốc tế. Đồng thời, DNTN cũng có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và pháp luật quán lý. Điều 6 (Chương I) nêu rõ DN KTTN và doanh nhân tư nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh, trung thực, tín nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm quyền lợi lao động của người lao động, duy trì lợi ích quốc gia và công cộng, đồng thời chấp thụ sự giám sát của chính quyền và xã hội.
“Vì muốn phát triển, tăng trưởng hai con số thì bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, phải có sự tham gia của KTTN”. (Nguồn: Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề xuất nhiều giải pháp gỡ vướng về thể chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2/2025 (truy cập tại https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=6837, truy cập lúc 12h ngày 31/3/2025) |
Về dịch vụ công và hỗ trợ hành chính: Ngoài các cơ chế nhằm thúc đẩy kinh tế, Luật còn đề ra các biện pháp để nâng cao chất lượng hỗ trợ cho DNTN trong các thủ tục và dịch vụ công (Điều 44 đến Điều 56).
Về cơ chế thực thi và xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ thể: Để luật pháp có hiệu lực thực tế, Chương VIII của Luật quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm và trách nhiệm của các cán bộ, tổ chức. Mục tiêu là đôn đốc thực thi đầy đủ các quy định trong Luật, bảo vệ quyền lợi, và chặt chẽ các hành vi trục lợi. Đặc biệt tại Điều 74 khẳng định rõ nếu xâm hại quyền lợi hợp pháp của DNTN, phạt hành chính sẽ thực hiện theo quy định pháp luật khác; gây tổn hại người và tài sản thì phải bồi thường dân sự; nếu đủ giá trị hình sự thì chịu trách nhiệm hình sự. (11)
Như vậy, Luật Thúc đẩy KTTN năm 2025 của Trung Quốc đã đồng bộ chặt chẽ về mặt thể chế hạn chế những “điểm nghẽn thể chế” để bảo vệ và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới của doanh nhân tư nhân Trung Quốc.
4. Hàm ý chính sách kinh nghiệm cho Việt Nam
Ngày 30/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là một nghị quyết đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Có nêu rõ “sự bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế; KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” và gần đây nhất, Thông điệp của Tổng Bí Thư Tô Lâm tại bài viết “Phát triển KTTN - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược về KTTN. Tổng Bí thư cũng yêu cầu nhất quán quan điểm “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, trên cơ sở đó xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, DN và doanh nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc “bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của DNTN”. Theo Tổng Bí thư, Nhà nước phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, không phân biệt đối xử giữa KTTN với DNNN và DN đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách. Tổng Bí thư cũng yêu cầu đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để khu vực KTTN có thể phát triển nhanh và bền vững. “Phải coi nhiệm vụ thúc đẩy phát triển KTTN là trọng tâm của chúng ta hiện nay”. Và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển KTTN, do Thủ tướng làm Trưởng Ban.
Như vậy, theo Nghị quyết số 66-NQ/TW, yêu cầu “coi trọng, chủ động nghiên cứu chiến lược, chính sách từ sớm, từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của thế giới, góp phần tăng cường tính dự báo và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật” là đặc biệt cần thiết. Luật Thúc đẩy KTTN của Trung Quốc năm 2025 có hàm ý một số kinh nghiệm cho Việt Nam với quan điểm việc tham khảo kinh nghiệm từ Trung Quốc - quốc gia có nhiều điểm tương đồng trong mô hình phát triển cũng gửi gắm một thông điệp rằng: Việt Nam cần học hỏi, nhưng không rập khuôn; cần linh hoạt vận dụng các kinh nghiệm quốc tế để phát huy tốt nhất tiềm năng nội tại của DNTN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động. Cụ thể:
Thứ nhất, cần có sự thống nhất và nhất quán về tư duy đối với KTTN. Lực lượng có tỷ lệ đóng góp quan trọng cho nền kinh tế (12), vai trò quan trọng của KTTN trong việc ổn định tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và duy trì việc làm, vun đắp sức sản xuất chất lượng mới, xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại; thúc đẩy toàn diện chấn hưng nông thôn, thúc đẩy phát triển nhịp nhàng giữa các vùng miền, bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân... không ngừng nổi bật.
Thứ hai, thể chế hóa việc giải phóng toàn bộ tiềm năng của các DNTN mới tạo ra động lực kinh tế tự duy trì bằng cách tạo ra sự cạnh tranh, hiệu quả và đổi mới. Có các chính sách tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn nhằm thoát khỏi vòng xoáy giảm phát hiện nay. Cần thay thế sửa đổi toàn diện khẩn trương Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 theo hướng nội dung mới là Luật Phát triển KTTN để đảm bảo tính toàn diện, bình đẳng, không manh mún thể chế, chính sách.
Thứ ba, coi trọng thể chế hóa rõ ràng, thống nhất quy định các biện pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh; cải thiện môi trường đầu tư và tài chính; khuyến khích DNTN tham gia vào các dự án khoa học và đổi mới công nghệ; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế của họ. (13)
Thứ tư, nâng cao khả năng thực thi pháp luật. Các nỗ lực sẽ “chuẩn hóa” việc thực thi pháp luật liên quan đến DN, giảm thiểu việc áp đặt các khoản phí, tiền phạt và kiểm tra tùy tiện, đồng thời giải quyết các khoản nợ chưa thanh toán đối với DN thông qua các công cụ như trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương. (14)
Thứ năm, cơ chế thực thi và xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ thể. Để luật pháp có hiệu lực thực tế, cần quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khẳng định rõ nếu xâm hại quyền lợi hợp pháp của DNTN, phạt hành chính sẽ thực hiện theo quy định pháp luật khác; gây tổn hại người và tài sản thì phải bồi thường dân sự; nếu đủ giá trị hình sự thì chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ sáu, tăng cường truyền thông pháp luật, thực hiện hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý khi ra nước ngoài kinh doanh, DNTN được Nhà nước hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi trên trường quốc tế./.