Cần huy động các nguồn lực cho công tác trợ giúp pháp lý

27/07/2021
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), Chính phủ đã đưa TGPL lồng ghép vào các chương trình xóa đói giảm nghèo để ưu tiên huy động nguồn lực cho công tác này. Tuy nhiên, kinh phí dành cho hoạt động này vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xã hội hóa hoạt động TGPL là một chủ trương lớn của Đảng đã được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của tổ chức, cá nhân chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong công tác TGPL, tăng thêm cơ hội, khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân, giảm bớt gánh nặng công việc lên các cơ quan nhà nước. Luật TGPL sửa đổi năm 2017 cũng có các quy định bảo đảm mục tiêu tăng cường xã hội hóa hoạt động này.

Hiện nay, theo Thông tư số 59/2020/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan TGPL nhà nước, nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động này bao gồm: từ ngân sách nhà nước cấp; nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các địa phương có trách nhiệm ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình theo quy định. Kinh phí cho hoạt động này phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, thực hiện chế độ báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy kinh phí cấp cho hoạt động này còn thấp so với yêu cầu. Trong khi đó, việc huy động, hỗ trợ nguồn lực tài chính trong xã hội đối với công tác này chưa được thường xuyên nên việc triển khai một số hoạt động còn hình thức, chất lượng chưa cao.

Thực tế cũng cho thấy, ngoài các Trung tâm TGPL nhà nước thì vai trò của các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư trong công tác TGPL là rất quan trọng. Song, hiện nay, tỷ lệ tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL còn quá thấp, chủ yếu là luật sư mới hành nghề, chưa có kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế với số lượng và chất lượng vụ việc tham gia tố tụng còn chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do thể chế về chế độ đãi ngộ, thu hút cán bộ, viên chức công tác trong lĩnh vực TGPL còn nhiều bất cập và thấp, từ đó ảnh hưởng đến nguồn nhân lực công tác về TGPL.

Trong bối cảnh nguồn lực của ngân sách còn hạn chế, để công tác này phát huy hiệu quả về lâu dài, bảo đảm tính ổn định và bền vững, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TGPL, bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác này. Theo đó, việc tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và hỗ trợ xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL với những giải pháp, bước đi phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương là hết sức cần thiết. Đồng thời cần đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ hỗ trợ cho các hoạt động TGPL thông qua các Dự án tài trợ, Dự án hợp tác…

Ngoài ra, để có cơ sở khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL và luật sư tham gia thực hiện TGPL, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có hướng dẫn các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư tham gia TGPL tự nguyện, thực hiện nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp của luật sư theo quy định của Luật Luật sư và tham gia làm cộng tác viên TGPL.

Cùng với đó, cần có thêm các quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ người thực hiện TGPL, có cơ chế tài chính khuyến khích, thu hút các nguồn nhân lực tham gia TGPL; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ các cơ quan, tổ chức và người dân về TGPL.

Bảo Ngọc

baophapluat.vn