Bàn về chế định di tặng theo quy định của pháp luật dân sự ở nước ta hiện nay

28/10/2019

1. Khái lược về chế định di tặng theo quy định của pháp luật dân sự
Di tặng là một nội dung nhỏ trong chế định thừa kế theo di chúc được quy định trong pháp luật dân sự nước ta qua các giai đoạn. Trước năm 1945, ở nước ta vấn đề di tặng cũng đã được quy định trong các Bộ luật: Bộ Dân luật Bắc Kỳ, Dân luật Trung Kỳ và trong các sắc lệnh điền thổ ngày 21/7/1925 và ngày 29/3/1939. Tuy nhiên, những văn bản pháp luật nói trên đều có những quy định phân biệt sự tặng giữ với di tặng, được gọi là sinh thời tặng giữ và di tặng nhân tử và đều được coi là cho.
Đối với sinh thời, tặng giữ được thực hiện khi người tặng cho còn sống và người được tặng đồng ý nhận. Theo án lệ ở Nam Bộ trước đây thì sự tặng giữ bao giờ cũng có thể bị người tặng giữ bãi bỏ, trừ trường hợp người được tặng giữ đã chuyển giao tài sản tặng giữ cho người thứ ba thông qua một giao ước (hợp đồng). Nhưng theo quy định của Dân luật Bắc Kỳ, Dân luật Trung Kỳ và Sắc lệnh điển thổ nói trên thì sự tặng giữ không thể bị truất bãi. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể (vợ hoặc chồng vi phạm đạo đức hoặc người vợ đã phạm vào một trong bảy điều “thất xuất” sau: không thể sinh con; dâm dật; không thờ cha, mẹ, chồng; lắm điều; trộm cắp; ghen tuông; có ác tật thì sự tặng giữ bị bãi bỏ. Điều 798 Bộ Dân luật Trung Kỳ quy định: “Sự tặng giữ giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể bị truất bãi bất cứ lúc nào và vô điều kiện, mặc dù khi cho đã có điều kiện cấm đòi lại”.
Đối với di tặng nhân tử, di tặng nhân tử chỉ có thể thực hiện được sau khi người để lại di tặng chết. Người được di tặng có quyền sở hữu vật di tặng kể từ thời điểm nhận vật. trong trường hợp người được di tặng chết trước người để lại di tặng thì sự di tặng đó không có hiệu lực thi hành. Theo quy định của pháp luật thì di tặng mang tính chất cá nhân, tức là người nào được chỉ định đích danh thì được hưởng. Từ sau năm 1945, ở nước ta không có quy định nào về di tặng, chỉ đến khi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 được ban hành thì di tặng đã được quy định tại Điều 674. Khi BLDS năm 2005 được ban hành thay thế BLDS năm 1995, về di tặng được quy định tại Điều 671, có nội dung tương tự được quy định tại Điều 674 BLDS năm 1995, tuy nhiên đã có sự thay đổi một số từ (Điều 674 BLDS năm 1995 quy định: “Nghĩa vụ tài sản của người di tặng”, còn BLDS năm 2005 quy định: Nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc).
Nếu so sánh việc di tặng  được quy định trong BLDS nước ta với việc “sinh thời tặng giữ” trong Bộ dân luật Bắc Kỳ 1931, chúng ta thấy Bộ dân luật Bắc Kỳ coi “sinh thời tặng giữ” là một hợp đồng (hay còn gọi là khế ước) nên cần phải có sự chấp thuận của người thụ tặng. Nhưng di tặng trong BLDS chỉ là một hành vi dân sự đơn phương nên không cần sự chấp thuận nói trên thì di chúc vẫn được coi là hợp pháp. Nó chỉ bị thất hiệu, nếu sau khi người lập di chúc chết mà người được di tặng lại từ chối quyền thụ tặng. Mặt khác, theo quy định của Bộ Dân luật Bắc Kỳ thì việc tặng giữ có thể được thực hiện ngay cả khi người tặng còn sống nếu đối tượng của tặng giữ là một động sản. Nếu đối tượng tặng giữ là một bất động sản thì việc tặng giữ chỉ được thực hiện khi người tặng đã chết và đây mới thực chất là việc di tặng. Trong BLDS nước ta, việc di tặng nói chung chỉ thực hiện sau khi người di tặng đã chết. Tức là, những gì mà người chết lúc còn sống đã cho người khác và người khác đã nhận thì đó là đối tượng của một hợp đồng tặng cho.
Như vậy, về di tặng chỉ được quy định từ BLDS năm 1995, năm 2005 và hiện nay di tặng được quy định trong BLDS năm 2015.
2. Nội dung chế định di tặng theo quy định của pháp luật hiện hành
Điều 646 BLDS năm 2015 quy định: “1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc”. Đây là một quyền của người lập di chúc mong muốn tặng một phần tài sản của mình cho một người bất kỳ sau khi họ chết.
Tuy nhiên, trên cơ sở quy định trên, tác giả cũng đưa ra quan điểm của mình về di tặng như sau: “Di tặng là người để lại di sản thừa kế tặng di sản thừa kế của mình cho một cá nhân hoặc một tổ chức bất kỳ thông qua di chúc”.
Thực tiễn đã có những quan điểm khác nhau về di tặng:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Di tặng giống như hợp đồng tặng cho ở tính không đền bù, mặc dù chỉ thể hiện ý chí đơn phương của người di tặng. Khi người được di tặng đồng ý nhận thì họ có quyền hưởng phần di sản đó mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Di tặng là việc người để lại di sản dành một phần trong số di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý nguyện trong một di chúc. Theo quan điểm này thì chỉ được coi là di tặng nếu phần tài sản đó được người để lại di sản di tặng cho người khác nhưng mới chỉ xác định trong di chúc, và đối tượng của di tặng có thể là một bất động sản nhưng cũng có thể là một động sản.
Quan điểm thứ ba cho rằng: bản chất của di tặng không phải là hợp đồng tặng cho, bởi vì hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa người tặng cho và người được tặng cho. Chủ thể tặng cho và chủ thể nhận tặng cho đều phải còn sống để thể hiện ý chí cho và nhận tài sản. Nhưng di tặng chỉ phát sinh từ cơ sở định đoạt của người có di sản lập di chúc và người được chỉ định nhận di tặng khi người để lại di tặng chết. Người được di tặng chỉ có thể là một người hay nhiều người cụ thể, là người này mà không phải là người khác, tùy thuộc vào sự định đoạt của người có di sản lập di chúc.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật về thừa kế, kể từ thời điểm mở thừa kế thì toàn bộ tài sản, nghĩa vụ tài sản của người chết để lại được chuyển dịch cho người thừa kế. Di tặng là phần di sản của một người được để lại để tặng cho người khác theo sự định đoạt của người có tài sản đó bằng cách lập di chúc. Quyền của người được chỉ định hưởng di tặng có được đáp ứng ngay hay không được đáp ứng ngay sau khi người để lại di sản chết? Địa vị của người được hưởng phần di tặng có tương tự như địa vị của người thừa kế theo di chúc trong quan hệ nhận di sản thừa kế? Để giải đáp những vấn đề trên ta cần làm rõ những nội dung sau:
(1) Di tặng là một phần tài sản trong khối di sản của người chết để lại; việc xác định giá trị của di tặng không thể vượt ra ngoài phạm vi giá trị khối di sản của người đó và tuân theo thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Điều 658 BLDS năm 2015, phần di tặng được trừ từ di sản còn lại đó. Người được di tặng không phải là người được thừa kế di sản mà được hiểu là người có quyền tài sản từ khối di sản của người để lại di tặng. Như vậy, di tặng chỉ phát sinh từ căn cứ duy nhất đó là di chúc. Thực chất, phần di tặng đã được xác định theo sự định đoạt của người lập di chúc vẫn thuộc về người được di tặng, theo đó phần di sản sau khi đã trừ đi phần di tặng còn lại là di sản được chia thừa kế.
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người di tặng thì phần di tặng đó cũng không được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này. Người được di tặng là ai cần phải được đặt ra, vì lợi ích của người được di tặng có sự liên quan trực tiếp đến lợi ích của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015; Nếu người được di tặng là người không thuộc diện thừa kế theo pháp luật thì phần người này được di tặng được khấu trừ để bảo đảm lợi ích của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, nếu phần di tặng đó chiếm phần lớn giá trị di sản của người lập di chúc.
Phương thức trên cũng được áp dụng đối với người được di tặng khác đồng thời là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di tặng. Trong trường hợp người để lại di tặng đồng thời là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà giá trị phần di tặng đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của những người khác (người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc) thì giá trị di tặng do người này được hưởng cũng bị khấu trừ để bảo đảm lợi ích của những người nói trên (Điều 644 BLDS năm 2015).
(2) Trong trường hợp toàn bộ khối di sản của người để lại di tặng chỉ còn một phần ngang bằng với phần di tặng hoặc thấp hơn phần di tặng xác định được (theo giá trị) sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại, thanh toán cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (nếu có) thì phần tài sản còn lại đó thuộc về người được di tặng. Tuy nhiên, theo Điều 646 thì: “Di tặng là việc  người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc”. Một phần di sản mà người lập di chúc dành để di tặng cho người khác hưởng có thể được định lượng bằng một khoản tiền, có thể được chủ định chính xác một vật cụ thể khác. Việc giải quyết di tặng trong tình huống trên cần phải dựa vào sự định đoạt của người để lại di tặng là tiền hay là vật khác tiền? Để giải quyết thỏa đáng các tình huống trên, cần phải làm rõ những trường hợp sau: (i) Di tặng là vật vẫn còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, sau khi đã thanh toán toàn bộ khoản nợ của người chết để lại thì vật đó thuộc về người được di tặng. ngược lại, vật mà người lập di chúc đã chỉ định dùng để di tặng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế của người để lại vật đó thì việc di tặng sẽ không thể thực hiện được (do đối tượng của di tặng không còn). Đối tượng của di tặng là vật (khác tiền) phải được hiểu là vật đặc định hoặc vật đã được đặc định hóa. Việc di tặng cũng không thể thực hiện được trong trường hợp vật được người lập di chúc chỉ định để di tặng cho một người hoặc di tặng cho nhiều người đã được dùng toàn bộ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người đó với người khác; (ii) Di tặng là một khoản tiền nhất định mà người di tặng đã ghi rõ trong di chúc và di sản vẫn còn thì người được di tặng hưởng khoản tiền đã xác định từ di sản. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người để lại di tặng không đủ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người đó thì cho dù di tặng được xác định là một vật hay là một khoản tiền thì chúng đều được dùng để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại (quyền của các chủ nợ được ưu tiên thanh toán).
(3) Người được di tặng có quyền nhận và cũng có quyền từ chối quyền hưởng di tặng mà không hạn chế quyền định đoạt như đối với người thừa kế. Người được di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật của người để lại di tặng. Người thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật chỉ được hưởng di sản sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại từ di sản của chính người đó. Người được di tặng không phải dùng di tặng để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết, nếu di sản khác của người để lại di tặng vẫn còn đủ để thanh toán. Phần di tặng liên quan đến sự từ chối quyền hưởng của người được di tặng là di sản để chia thừa kế theo pháp luật.
(4) Quan hệ giữa người được di tặng với những người thừa kế khác là quan hệ giữa bên có quyền tài sản đối với bên thực hiện nghĩa vụ trong phạm di sản của người chết để lại di tặng. Nguời được di tặng không phải là chủ nợ của người để lại di sản. Phần di tặng không phải là một khoản trả nợ được chuyển giao cho người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản, bởi vì nếu di tặng là một khoản nợ sẽ được ưu tiên thanh toán theo quy định tại Điều 658 BLDS 2015. Mối quan hệ giữa người được di tặng với những người thừa kế khác là quan hệ nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở định đoạt ý chí của người để lại di tặng. Người thừa kế phải chuyển giao phần di tặng từ di sản của người để lại di tặng là thực hiện nghĩa vụ về tài sản bằng tài sản của người để lại di sản để lại nghĩa vụ đó. Điều kiện di sản còn tồn tại là căn cứ phát sinh nghĩa vụ của những người thừa kế chuyển giao phần di tặng cho người có quyền nhận theo sự định đoạt của người để lại di tặng. Nghĩa vụ của người thừa kế đối với người được di tặng dựa trên căn cứ di chúc hợp pháp.
(5) Trong trường hợp người lập di chúc đã định đoạt hết tài sản của mình để di tặng thì việc xác định kỷ phần bắt buộc cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 644 BLDS 2015, cũng được giải quyết tương tự như trong trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản đối với các trường hợp khác không phải là di tặng. Phần còn lại sau khi đã trừ đi tổng số kỷ phần bắt buộc cho từng người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, là phần di tặng được chuyển giao cho người được di tặng.
Những quy định về di tặng, pháp luật chỉ định lượng di sản mà không định tính tài sản, mọi tài sản xác định được giá trị về kinh tế đều có thể quy đổi thành giá trị của di tặng. Pháp luật quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho người lập di chúc định đoạt tài sản của mình một cách tự do nhất và không bị ràng buộc vào tính chất của tài sản mà chỉ quan tâm đến giá trị của tài sản dùng để di tặng. Tuy nhiên, trên thực tế và theo truyền thống, phong tục, thói quen thì không phải mọi loại tài sản đều có thể được dùng để di tặng. Điều 644 BLDS 2015 quy định cho người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để tặng cho người khác nhưng điều luật ở trên lại không quy định tính chất của phần di tặng đó. Do đó, nếu sự suy đoán thông thường thì không phải mọi tài sản của người chết để lại đều được dùng để di tặng. Tài sản dùng để di tặng chỉ bao gồm những vật (tài sản) có giá trị kinh tế nhỏ mang ý nghĩa tinh thần là cơ bản và nó được xem như là vật kỷ niệm dành cho người được di tặng. Cách hiểu như trên không đúng với nội dung của Điều 646 BLDS 2015 đã quy định di tặng là: “Việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác”. Nếu việc theo quy định  tại Điều 105 BLDS 2015 thì các quyền tài sản của một người cũng là tài sản của người đó. Như vậy, quyền sử dụng đất của cá nhân cũng là tài sản và theo đó nó cũng có thể là đối tượng của di tặng ( tuy nhiên phải phù hợp với những điều kiện do BLDS và Luật Đất đai quy định).
Từ cách đặt vấn đề như trên thì di sản dùng để di tặng được hiểu không những bao gồm vật đặc định hoặc vật được đặc định hóa, khoản tiền mà còn lại các quyền tài sản khác của người để lại di chúc nhằm để di tặng quyền đó cho người khác. Ngoài ra, người được di tặng không thể hiểu chỉ có thể là cá nhân. Cách hiểu như vậy là không đúng, bởi pháp luật không quy định người được di tặng chỉ có thể là cá nhân.
Theo cách hiểu về tài sản và di tặng như trên thì đối tượng của việc di tặng được xác định trong phạm vi rộng bao gồm: (i) Tài sản là vật đặc định hoặc tài sản được đặc định hóa; (ii) Các quyền tài sản của một người bao gồm: Quyền sử dụng đất, số dư trên tài khoản gửi tổ chức tín dụng bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, các trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền nhận số tiền bảo hiểm, các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng hoặc từ các căn cứ pháp lý khác, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp…Di tặng là một phần trong khối di sản của một người để lại khi qua đời, sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người để lại di sản đó với người khác mà phần di sản còn lại đó vẫn bảo đảm được quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
3. Hạn chế trong việc để lại di sản di tặng và hướng hoàn thiện
+ Mặc dù dành cho người để lại di sản quyền để lại di sản nhưng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ của người để lại di sản, pháp luật nước ta đã quy định: “Trường hợp toàn bộ di sản không đủ thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ của người này” (Khoản 3 Điều 646 BLDS 2015). Quy định này là một sự hạn chế của pháp luật đối với quyền dùng di sản để di tặng.
Vì vậy, để tạo cách hiểu thống nhất trong trường hợp trên, ta nên thay cụm từ “di sản” bằng “di sản chia thừa kế”. Cụ thể, khoản 3 Điều 646 nên được sửa đổi như sau: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản chia thừa kế không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.
Với quy định này, sẽ có một cách hiểu thống nhất là: di tặng chỉ được dùng để thực hiện nghĩa vụ khi toàn bộ di sản chia thừa kế không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc. Mặc dù, cùng là người được hưởng di sản của người chết để lại nhưng kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại thừa kế trong phạm vi di sản được hưởng. Ngược lại, người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ đó. Chỉ trong trường hợp toàn bộ di sản chia thừa kế không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại, thì phần tài sản là di tặng mới được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ tài sản còn lại này.
+ Quy định trên cũng cho thấy vấn đề hiệu lực của di tặng, vấn đề tư cách chủ thể hưởng di tặng, thời điểm phát sinh quyền được hưởng di tặng, vấn đề từ chối hưởng di tặng, vấn đề “bất xứng” của người thụ tặng, tính phụ thuộc của phần được trích ra cho di tặng với toàn khối di sản vẫn chưa được BLDS hiện hành dự liệu. Sự thiếu quy định này sẽ sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp. Đây cũng là một hạn chế lớn mà BLDS cần sửa đổi để bổ sung thêm nội dung này vào quy định của luật để đảm bảo tính chặt chẽ hơn nữa, tránh tình trạng khi có tranh chấp xảy ra thì khó có hưởng giải quyết ổn thỏa./.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình