Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự 2015 và hướng hoàn thiện

25/03/2019
Áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm không chỉ nhằm loại bỏ điều kiện vật chất của người đã thực hiện hành vi phạm tội mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng biện pháp này được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS) của Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn nhiều bất cập, chưa có cách hiểu đúng, thống nhất dẫn đến việc tùy nghi áp dụng nên không đạt được mục đích cũng như dẫn đến vi phạm tố tụng khi quyết định áp dụng.
1. Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Bản án đã có hiệu lực pháp luật là kết quả cuối cùng khép lại toàn bộ quá trình tố tụng từ khi khởi tố vụ án cho đến suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Bản án xác định được bị cáo có phạm vào tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố hay phạm vào một tội danh khác hoặc là tuyên bố một người là không có tội. Nếu xác định hành vi mà bị cáo đã thực hiện là tội phạm, thì Bản án phải ghi rõ hành vi của bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của BLHS, mức hình phạt, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo (điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS). Khi tiến hành nghị án Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án, trong đó có biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo (điểm d khoản 3 Điều 326 BLHS). Như vậy, nếu cần phải áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo thì khi ra bản án Tòa án phải thể hiện nội dung biện pháp tư pháp được áp dụng trong Bản án.
Bộ luật hình sự, các văn bản quy phạm pháp luật khác không đưa ra khái niệm thế nào là biện pháp tư pháp, nhưng theo GS. TSKH Lê Cảm thì: “Biện pháp tư pháp là biện pháp cưỡng chế về hình sự của nhà nước ít nghiêm khắc hơn hình phạt do pháp luật hình sự quy định và được cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể áp dụng đối với người phạm tội nhằm hạn chế quyền, tự do của người đó hoặc hỗ trợ hay thế thế cho hình phạt[1].
Trong các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, thì biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại Điều 47 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), về bản chất nội dung của điều luật vẫn được kế thừa về mặt nội dung cũng như hình thức kết cấu điều luật trước đây đã quy định tại Điều 41 BLHS năm 1999, chỉ có một số thay đổi về từ ngữ pháp lý đã được chuẩn hóa, thể hiện sự chính xác trong kỹ thuật lập pháp.
Nếu như khoản 1 Điều 41 của BLHS 1999 chỉ quy định là “tịch thu, sung quỹ nhà nước” thì khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 đã sửa đổi cụm từ trên thành “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy” đảm bảo sự lựa chọn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng biện pháp tư pháp đối với vật, tiền có giá trị sử dụng và những vật, tiền không có giá trị sử dụng hoặc thậm chí còn gây phương hại nếu để chúng tồn tại thì phải tiêu hủy. Bên cạnh đó, điều luật còn bổ sung thêm việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy đối với “khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội” và “vật thuộc loại nhà nước cấm tàng trữ” đảm bảo được sự chính xác cũng như bổ sung những bất cập qua thực tiễn xét xử thời gian trước đây khi áp dụng BLHS 1999.
Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng như sau:
Thứ nhất, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội
Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội cần phải được hiểu rằng công cụ, phương tiện đó chính là điều kiện cần thiết để người phạm tội thực hiện được hành vi phạm tội của mình hoặc thúc đẩy hành vi phạm tội diễn ra được nhanh chóng, mà nếu không có nó thì người phạm tội không thể thực hiện được hành vi của mình, và tùy vào từng vụ án cụ thể mà xác định đó là công cụ hay là phương tiện dùng vào việc phạm tội, ví dụ: A dùng xe mô tô thuộc sở hữu của mình đi đến khi vực nhà máy X, để xe ở ngoài tường rào rồi leo qua tường rào dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa vào kho lấy trộm đồ, rồi lại quay chở ra dùng chiếc xe đó mang tài sản đi tiêu thụ, thì phải xác định chiếc xe là phương tiện dùng vào việc phạm tội, còn chiếc kìm cộng lực là công cụ dùng vào việc phạm tội và tùy vào phương tiện, công cụ còn giá trị sử dụng hay không, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy cho phù hợp. Ngược lại, nếu chiếc xe đó lại là A mượn của B, khi mượn B không hề biết mục đích mà A dùng vào việc thực hiện hành vi phạm tội, thì tuy chiếc xe là phương tiện dùng vào việc phạm tội nhưng sẽ được trả lại cho B nếu xác định B không có lỗi trong việc để A sử dụng tài sản vào thực hiện tội phạm.
Thứ hai, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội
Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có là  những vật, tiền mà người phạm tội có được thông qua việc thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: vật, tiền do tham ô tài sản, nhận hối lộ mà có, do tiêu thụ tài sản của người phạm tội… hoặc do người phạm tội mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có là trường hợp sau khi có được vật, tiền người phạm tội đã thông qua một bước nữa là dùng chính vật, tiền có được để thực hiện một giao dịch khác. Ví dụ: Dùng tiền nhận hối lộ để mua nhà, mua xe hay đổi vật mình thực hiện hành vi phạm tội có được lấy những vật khác…
Khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội là khoản lợi phát sinh từ việc phạm tội mà có, sau khi thực hiện hành vi phạm tội người phạm tội đã dùng vật, tiền mà mình có được để phát sinh lợi nhuận như cho vay lấy lãi, gửi tiết kiệm… và một số tội thì số tiền thu lợi bất chính là tình tiết định tội, định khung hình phạt được quy định là dấu hiệu cấu thành tội phạm của một số tội như: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); tội làm, buôn bán tem giả, vé giả (Điều 202)…
Thứ ba, vật thuộc loại nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành
Việc áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy đối với vật thuộc loại nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành thường được áp dụng đối với những vật là đối tượng của tội tàng trữ, buôn bán, lưu hành mà BLHS coi đó là tội phạm như:; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tội tàng trữ trái phép chất mà túy (Điều 249); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207)…
2. Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật
2.1 Việc xác định công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội
Việc tịch thu đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội không khó xác định, chỉ cần các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được Công cụ, phương tiện nào được người phạm tội sử dụng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, đối với những loại tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý thì không có vấn đề gì, nhưng đối với những tội phạm được thực hiện do  lỗi vô ý, nhất là đối với các vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, hiện nay giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và đặc biệt khi xét xử vẫn có quan điểm khác nhau giữa người bào chữa với Viện kiểm sát, giữa Viện kiểm sát với Hội đồng xét xử về việc xác định phương tiện dùng vào việc phạm tội.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: cần tịch thu đối với phương tiện giao thông của chủ sỡ hữu đã gây tai nạn, vì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội, do đó phải áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS đối với phương tiện này.
Quan điểm thứ hai cho rằng: không tịch thu đối với phương tiện mà phải trả lại cho chủ sở hữu nếu họ đã thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại, các nghĩa vụ khác mà bản án đã tuyên, nếu chưa thực hiện xong việc bồi thường, án phí thì có thể tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Bởi lẽ, đây là hành vi phạm tội với lỗi vô ý, điều luật quy định là “dùng” vào việc phạm tội, chủ sỡ hữu trước khi gây tai nạn hoàn toàn không có ý định thực hiện hành vi phạm tội nên không thể áp dụng biện pháp tư pháp là tịch thu phương tiện được.
Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng biện pháp tư pháp còn có quan điểm nhận định khác nhau, đa số các Tòa án sẽ tuyên trả lại lại cho chủ sở hữu tài sản nếu không ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề dân sự và thi hành án. Tuy nhiên, cũng có quan điểm của Viện kiểm sát lại cho rằng cần phải tịch thu sung quỹ nhà nước vì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Ví dụ: Vụ Đỗ Thị Tuyền phạm tội “Vi phạm quy định về diều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2 Điều 202 BLHS (Điều 260 BLHS 2015). Tại thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H nhận định như sau: Bị cáo Tuyền đã điều khiển xe mô tô BKS 90B1-72149 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị cáo gây tại nạn. Như vậy, chiếc xe mô tô BKS 90B1-72149 được xem là phương tiện dùng vào việc phạm tội, cần phải tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, đại diện VKSND thành phố P thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị trả lại cho bị cao chiếc xe trên là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 41 BLHS (Điều 47 BLHS 2015) [2].
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, không thể coi đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội được, sự việc xảy ra nằm ngoài mong muốn, không có trong ý thức chủ quan của họ, nên không thể áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 BLHS được. Trong trường hợp này, phải xác định chiếc xe là vật chứng của vụ án và các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng biện pháp xử lý vật chứng quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, và cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể trả lại cho chủ sở hữu  hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án (điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS).
2.1 Việc xác định vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội
Thực tiễn xét xử cho thấy, đây là vấn đề thường xuyên xảy ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, việc áp dụng thế nào vẫn do nhận thức chủ quan của người tiến hành tố tụng, mà chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về việc áp dụng, dẫn đến sự tùy nghi lựa chọn biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, nhất là đối với các tội có tính chất chiếm đoạt. Chẳng hạn: A trộm cắp tài sản của B, sau đó bán cho C được một triệu đồng, tiêu xài cá nhân hết. Trong trường hợp hợp này có các quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: phải tịch thu số tiền một triệu đồng vì đây là tiền do phạm tội mà có, nên phải buộc người phạm tội nộp lại số tiền trên để sung vào ngân sách nhà nước.
Quan điểm thứ hai: người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã phải bồi thường cho bị hại, do đó không áp dụng biện pháp tịch thu số tiền trên, nếu xét thấy cần phải áp dụng hình phạt tiền, thì có thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung quy định tại điều luật đó trong bản án.
Quan điểm thứ ba: nếu không xác định được bị hại hoặc bị hại không yêu cầu bồi thường khoản dân sự thì áp dụng biện pháp tịch thu, nếu bị hại yêu cầu bồi thường thì không áp dụng biện pháp tịch thu.
Qua nghiên cứu một số bản án xét xử thời gian gần đây có liên quan đến việc áp dụng biện pháp tư pháp, chúng tôi nhận thấy việc tịch thu hay không tịch thu số tiền trên của Hội đồng xét xử khi ra bản án vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, dựa trên nhận thức chủ quan chứ chưa có một chuẩn mực pháp lý cụ thể. Điển hình một số Bản án như:
+ Bản án số 158/2018/HSST ngày 29/6/2018 của Tòa án nhân dân Quận T, thành phố H có nội dung: Nguyễn Văn Th thực hiện 03 vụ trộm cắp tài sản với nhiều tài sản khác nhau, các tài sản trộm cắp được Th đã mang bán cho anh Nguyễn Thanh V được 1.200.000 đồng, bán cho anh Nguyễn Hữu H được 1.200.000 đồng, một số tài sản thu hồi được và một số không thu hồi được. Tại phiên tòa chỉ có bị hại Phương Sanh Duyên yêu cầu bồi thường, các bị hại khác không yêu cầu bồi thường, anh Nguyễn Hữu H và anh Nguyễn Thanh V cũng không yêu cầu bồi hoàn lại số tiền mua tài sản trên nên Tòa án chỉ buộc Th bồi thường cho anh Duyên, còn lại không xem xét giải quyết, cũng không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu số tiền mà Th đã có được khi bán tài sản[3].
+ Bản án số 95/2018/HSST ngày 16/7/2018 của Tòa án nhân dân thành phố U tỉnh Q có nội dung: Lê Thanh L và Phạm Văn C thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là cây mai cảnh đem bán được số tiền 1.200.000 đồng cho anh B và anh D, tại phiên Tòa anh B và anh D không yêu cầu các bị cáo hoàn trả lại số tiền nêu trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLHS, khoản 2 Điều 106 BLTTHS truy thu sung quỹ nhà nước số tiền 1.200.000đ mà bị cáo bán 02 cây mai cảnh là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và được Tòa án chấp nhận[4].
+ Bản án số 72/2018/HS-ST ngày 28/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh H có nội dung: Nguyễn Phương P thực hiện nhiều hành vi trộm cắp tài sản tại Bệnh viện đa khoa huyện K, tỉnh H, tài sản có được P bán lấy tiền tiêu xài trong đó có 01 chiếc điện Nokia 2  P cầm cố cho chị Hoàng Thị K với giá 500.000 đồng, trong vụ án các bị hại không yêu cầu bị cáo phải trả giá trị các tài sản không thu hồi được và tự nguyện cho bị cáo, chị K không yêu cầu không yêu cầu bị cáo hoàn lại số tiền 500.000 đồng nói trên. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS truy thu của bị cáo số tiền 500.000 đồng thu lợi bất chính sung vào ngân sách nhà nước và được Tòa án chấp nhận[5].
Từ một số nhận định và áp dụng pháp luật trong việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước trong các ví dụ nêu trên đã cho thấy, về tính chất cũng như tình tiết vụ án là giống nhau nhưng việc áp dụng khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu sung quỹ nhà nước với nhận định đó là số tiền thu lợi bất chính của các Tòa án là khác nhau, cũng như nhầm lẫn giữa khái niệm vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có hay khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Như vậy, có người phạm tội thì bị tịch thu có người lại không bị tịch thu, trong khi đó chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành cấp trên nên việc áp dụng của Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn mang tính tùy nghi áp dụng.
Theo quan điểm của chúng tôi, thì đối với các tội xâm phạm sở hữu nếu xác định được bị hại thì buộc người phạm tội phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nếu tài sản không còn thì buộc phải trả lại giá trị tài sản đã bị chiếm đoạt, còn việc người bị hại và người có quyền lợi liên quan không yêu cầu người phạm tội trả lại thì không đặt vấn đề giải quyết vì đây là nghĩa vụ dân sự do các bên đã tự thỏa thuận, Tòa án có thể cân nhắc áp dụng thêm hình phạt bổ sung là hình phạt tiền tùy vào điều  kiện thi hành án của bị cáo chứ không áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trường hợp, vật, tiền mà người phạm tội chiếm đoạt không xác định được bị hại, tài sản bị chiếm đoạt là tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước; còn khoản thu lợi bất chính thường áp dụng với các tội quy định dấu hiệu “thu lợi bất chính” là tình tiết định tội hoặc định khung được quy định trong điều luật cụ thể, người phạm tội tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tội mua bán trái phép chất ma túy… thì xác định đây là khoản thu lợi bất chính và áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Một là, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Vì vậy, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần lựa chọn Bản án có áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 BLHS chuẩn mực nhất  phát triển thành Án lệ, để các Tòa án áp dụng trong quá trình xét xử.
Hai là, Trong khi chưa có Án lệ, liên ngành tư pháp Trung ương hoặc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần ban hành Nghị quyết,  Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 để các Cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng kịp thời, đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật.  
Phạm Tuân
 
[1] Lê cảm (2005), Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (phần chung), nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, Tr. 679
[2] Thông báo rút kinh nghiệm số 03/TB-VKS ngày 10/9/2015 về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H
[3] http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta155817t1cvn/chi-tiet-ban-an
[4] http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta153545t1cvn/chi-tiet-ban-an
[5] http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta161654t1cvn/chi-tiet-ban-an