Thứ nhất, theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch và với quy định như trên nên dẫn đến việc quy định về thành phần hồ sơ chứng thực hợp đồng rất đơn giản.Tuy nhiên, cùng với xác nhận năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch…, thì phải xem xét đến nội dung của hợp đồng giao dịch, đặc biệt đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Để xác định hợp đồng, giao dịch có đúng quy định hay không thì bắt buộc cơ quan thực hiện chứng thực phải yêu cầu các bên thực hiện hợp đồng, giao dịch bổ sung thêm các loại giấy tờ có liên quan như: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Giấy chứng tử, Giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được hưởng di sản…Nhưng yêu cầu này là không đúng quy định trong Nghị định 23/2015/NĐ-CP và thủ tục hành chính đã công bố công khai.
Thứ hai, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT- BCA của Bộ Công an quy định
“Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực» quy định này thời gian qua, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển quyền sở hữu xe của cá nhân. Quy định này vẫn còn hiệu lực, do vậy hiện nay người dân khi liên hệ đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký sang tên thì được hướng dẫn làm Giấy bán, cho, tặng, xe của cá nhân theo mẫu, sau đó được hướng dẫn về UBND xã/phường/thị trấn chứng thực đối với chữ ký của người bán, cho, tặng, cho xe theo quy định của pháp luật về chứng thực. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 24 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định
« Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác ». Tại điểm d khoản 4 Điều 24 của Nghị định quy định :
« Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản ». Chính vì vậy, Giấy bán, tặng, cho xe của cá nhân thực chất là hợp đồng mua bán, vì vậy, cần phải lập thành hợp đồng, phải được công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Công chứng và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Thứ ba, chứng thực chữ ký: Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “
Không được chứng thực chữ ký nếu giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội, tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân”. Quy định này sẽ không phát sinh vướng mắc, nếu giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực sẽ ký và được lập bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu giấy tờ, văn bản đó được lập bằng tiếng nước ngoài (nhất là những thứ tiếng không thông dụng như tiếng Ả rập, Ấn Độ, Phần Lan, Hà Lan…) thì người thực hiện chứng thực khó có thể hiểu được nội dung của giấy tờ, văn bản đó để giải quyết hay từ chối chứng thực. Do đó, người dân lại phải dịch sang tiếng Việt trước khi yêu cầu chứng thực chữ ký và cơ quan thực hiện chứng thực khi có bản dịch thì mới dám tự tin để chứng thực chữ ký đối với các loại văn bản giấy tờ được lập bằng tiếng nước ngoài, dẫn đến tốn kém và phiền hà cho người có yêu cầu chứng thực chữ ký và pháp luật cũng không có quy định phải dịch ra tiếng Việt.
Thứ tư, một số quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chưa cụ thể, gây khó khăn cho công chức khi thực hiện chứng thực, đó là không quy định thời gian niêm yết, dẫn đến địa phương còn lúng túng đối với trường hợp yêu cầu chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn công tác chứng thực trước đây như Nghị định 75/2000/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT- BTP-BTNMT lại quy định khá cụ thể về thủ tục; bên cạnh đó, Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định đối với loại việc này phải có niêm yết trong thời gian 15 ngày…).
Thư năm, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP nêu thẩm quyền của Phòng Tư pháp là “chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản” nhưng trong Nghị định này lại không có mẫu hợp đồng nên khi áp dụng giữa các cơ quan không thống nhất về mẫu gây khó khăn cho công dân.
Thứ sáu, việcchứng thực chữ ký người dịch, một số địa phương, nơi chưa có đội ngũ người dịch có trình độ, nên chất lượng bản dịch chưa được bảo đảm, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân khi có yêu cầu. Để thực hiện chứng thực chữ ký người dịch, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP giao các Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và ký hợp đồng cộng tác viên với người dịch. Nhưng thời gian qua, nhiều Phòng Tư pháp không thể thực hiện được do không có đội ngũ cộng tác viên dịch thuật đáp ứng được yêu cầu.
Thứ bảy, tính an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch liên quan đến đất đai, nhà ở được chứng thực tại UBND cấp xã: theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì
“2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;…”. Nếu người yêu cầu chứng thực/công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến đất đai, nhà ở trung thực thì không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên, người yêu cầu chứng thực/công chứng có hành vi gian dối: ví dụtại khoảng thời gian 1-2 ngày, cùng một đối tượng của hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu chứng thực vừa đến UBND cấp xã yêu cầu chứng thực, vừa đến Phòng Công chứng/Văn phòng công chứng (Tổ chức hành nghề công chứng) yêu cầu công chứng, trong trường hợp này thì sẽ xảy ra tình trạng người thực hiện chứng thực không thể biết được hợp đồng, giao dịch này đã được công chứng tại các Tổ chức hành nghề công chứng (các Tổ chức hành nghề công chứng có thể tra cứu ngăn chặn vì hiện nay đa số các địa phương đều có cơ sở dữ liệu công chứng, còn UBND cấp xã thì chưa có cơ sở dữ liệu). Như vậy, hợp đồng, giao dịch có thểxảy ra tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch ngay tình.
Thạc sỹ Trần Thị Tú