Bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Theo quy định tại Điều 275 BLDS năm 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “
gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba BLDS năm 2015 về “
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải BTTH tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng. Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là cơ sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm BTTH.
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là “
hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”
. Qua nghiên cứu có thể thấy, BLDS năm 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo hướng có lợi cho bên bị thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện:
Một là, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định. Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm: Làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.
Nếu như BLDS năm 2005 nêu ra 3 nguyên tắc cơ bản về BTTH ngoài hợp đồng, được quy định tại Điều 605
[1] thì BLDS năm 2015 chỉ ra 5 nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ngoài 3 nguyên tắc bồi thường như Điều 605 BLDS năm 2005 thì BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc:
+ Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
+ Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Cụ thể, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 BLDS năm 2015, quy định:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”
Nghiên cứu nội dung quy định có tính nguyên tắc trên, có thể hiểu:
Thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng cần chú ý:
Một là, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm,… phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS năm 2015 quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc xác định đâu là thiệt hại thực tế còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến không chỉ khó khăn trong việc xác định trách nhiệm hình sự mà còn cả trong trách nhiệm dân sự của người gây ra thiệt hại. Dưới đây là một trong nhiều trường hợp thực tế sau: Ngày 01/02/2017, Nguyễn Văn A mang cưa lốc hiệu STIL 381 vào khoảnh 4 tiều khu 706 thuộc thôn I xã P là rừng đặc dụng đã cưa hạ 10 cây gỗ rồi quay về, với ý định chờ cây khô sẽ thuê người cưa xẻ kéo về làm nhà ở. Ngày 14/2/2017, Trạm kiểm lâm L kiểm tra phát hiện và báo cáo cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM. Qua xác minh, điều tra của cơ quan chức năng số gỗ bị đốn hạ là loại gỗ thuộc nhóm III và nhóm VII, có khối lượng 35 m3 gỗ tròn; diện tích rừng bị thiệt hại không đáng kể, vì các cây gỗ ngã nằm liền kề khu vực đất trống. Sau đó, Nguyễn Văn A đã có đơn báo cáo thừa nhận hành vi trên của mình. Tại Bản kết luận định giá tài sản số 11/KL-ĐG ngày 21/3/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K, kết luận: Giá trị thiệt hại khối lượng gỗ do khai thác trái phép tại khoảnh 4 tiểu khu 706 thuộc xã P, huyện K, tỉnh Q là 60.000.000 đồng và thiệt hại về môi trường không đáng kể. Ngày 01/4/2017, Công an huyện K ra Quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức chuyển giao cho hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM tổ chức thu gom số gỗ tròn tận thu được là 25m3, số gỗ còn lại 10m3 không tận thu được đã tiêu hủy. Sau khi hoàn tất thủ tục nghiệm thu, ngày 10/4/2017, Hội đồng định giá bán đấu giá 25 m3 gỗ, gồm 120 phách gỗ xẻ các loại, thu được 125.000.000 đồng. Chi phí cho công tác bảo quản, xử lý bán và chi phí liên quan việc bán tài sản là 85.000.000 đồng. Vấn đề đặt ra, Nhà nước bị thiệt hại thực tế trong vụ án này là 60.000.000 đồng theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện K, hay là 125.000.000 đồng theo Hội đồng định giá bán đấu giá tài sản? Đâu là thiệt hại thực tế? Chính sự khác biệt quá lớn giữa con số do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định với kết quả thu được từ Hội đồng định giá bán đấu giá, dẫn đến có các quan điểm khác nhau về trách nhiệm BTTH đối với Nguyễn Văn A.
+Quan điểm thứ nhất, thiệt hại về gỗ tròn là 35m3 trong đó tận thu được 25m3 tương đương giá trị thiệt hại 60.000.000 đồng. Sau khi bán số gỗ tận thu 125.000.000 đồng, tức là đã vượt mức so với thiệt hại là 60.000.000 đồng, trong trường hợp này A không phải bồi thường.
+Quan điểm thứ hai: Theo kết luận của hội đồng định giá tài sản của huyện K, giá trị 25m3 bị thiệt hại là 60.000.000 đồng, nhưng thực tế, qua bán đấu giá thu được 125.000.000 đồng. Như vậy, cần phải xác định thiệt hại thực tế trong vụ án này là 125.000.000 đồng để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự mà A đã gây ra.
+Quan điểm thứ ba: Trường hợp này A chỉ phải bồi thường số tiền 10.000.000 đồng, vì: Số tiền bán gỗ tận thu được 125.000.000 đồng, trừ đi chi phí phục vụ việc bán đấu giá 85.000.000 đồng, còn lại 50.000.000 đồng, trong khi số gỗ bị đốn hạ 35m3, tương đương 60.000.000 đồng. Vậy, 10.000.000 đồng là thiệt hại thiệt tế trong vụ án này, A có trách nhiệm bồi thường.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba, vì: Theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó, tương ứng với các Điều 584, 585, 589 BLDS năm 2015. Trong vụ án này, Nguyễn Văn A có hành vi cưa hạ trái phép 10 cây gỗ tròn (gỗ nhóm III và nhóm VII), thuộc rừng đặc dụng thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên TM, với khối lượng 35 m3 có giá trị 60.000.000 đồng, trong số này, số gỗ tận thu được là 25m3, bán thu được 125.000.000 đồng, trừ đi chi phí liên quan đến bảo quản, vận chuyển, bán đấu giá,…85.000.000 đồng. Do vậy, thiệt hại mà A phải bồi thường chỉ 10.000.000 đồng là phù hợp. Còn nếu như, 10 cây gỗ mà A đốn hạ không tận thu được khoảng tiền nào, thì rõ ràng, A phải bồi thường toàn bộ số tiền 60.000.000 đồng như kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện K là chính xác.
Hai là, để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi BTTH trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.
Thứ hai, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện song song với nhau, sau đây:
(i). Do không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại;
(ii). Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó. Ví dụ: Ông Trần Đ hành nghề chạy xe ba gác với thu nhập mỗi tháng khoảng 3 đến 4 triệu đồng, nhưng đã vô ý để đầu các tấm tol trên xe ba gác đâm vào người anh Nguyễn Hoàng Th., khi anh này đang đứng chờ xe buýt trên đường. Hậu quả, anh Th. bị tử vong sau đó tại bệnh viện. Mọi chi phí hợp lý để cấp cứu, điều trị nạn nhân; chi phí lo mai táng; nuôi con anh Th. (hiện mới 03 tuổi); …ước tính khoảng 250 triệu. Số tiền này rõ ràng là quá lớn so với mức thu nhập của ông Đ đã ngoài 65 tuổi. Trong trường hợp này, ông Đ có thể được giảm mức bồi thường bởi đáp ứng đủ điều kiện nói trên
Thứ ba, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại. Ví dụ: Tại thời điểm hai bên thỏa thuận tài sản bồi thường là 35 chỉ vàng 24K, nhưng thời gian sau đó, giá vàng trong nước đột biến tăng mạnh, từ đó, so với thời điểm thỏa thuận, làm cho người vi phạm khó có thể thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Như vậy bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường cho phù hợp.
Thứ tư, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Với lý lẽ công bằng, gây thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó, nhưng trong nhiều trường hợp bên bị thiệt hại lại là bên có phần lỗi dẫn đến thiệt hại. Luật quy định bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Vậy, thiệt hại không được bồi thường ở đây được hiểu như thế nào cho đúng? Với trường hợp mỗi bên đều có lỗi cố ý, đều bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe,… thì không có gì đáng nói. Nhưng với trường hợp, cả 2 bên đều có lỗi cố ý, nhưng thiệt hại mà bên bị thiệt hại gây ra cho bên gây thiệt hại không đáng kể (có thiệt hại xảy ra nhưng không lớn), còn thiệt hại mà bên gây ra thiệt hại cho bên bị thiệt hại tính toán được bằng con số cụ thể, thì vấn đề đặt ra, Tòa án có xem xét mức độ lỗi của bên bị thiệt hại khi ấm định mức BTTH đối với bên gây ra thiệt hại không? Xoay quanh vướng mắc này, thực tế thường xảy ra hai trường hợp sau:
Một là, thiệt hại hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra, như vậy, người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường, tức là người gây ra thiệt hại không có lỗi thì họ không phải BTTH. Ví dụ: Một người cố ý lao vào ô tô để tự tử;..
Hai là, thiệt hại một phần do người bị thiệt hại gây ra, còn một phần do lỗi của người gây thiệt hại, như vậy, người bị thiệt hại vẫn được bồi thường phần thiệt hại không phải do lỗi của mình. Nghĩa là, họ vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trong trường hợp này, Tòa án cần xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên để ấn định trách nhiệm bồi thường cho tương xứng. Vì người bị thiệt hại cũng có lỗi, và chính yếu tố lỗi của họ là là chất xúc tác, là nguyên nhân, dẫn phản ứng tiêu cực của bên gây ra thiệt hại và hậu quả thực tế xảy ra, nhưng họ lại là người bị thiệt hại, do vậy, họ phải tự “
bồi thường” cho mình tương ứng với mức độ lỗi đó. Tuy nhiên, việc xác định mức độ lỗi của người gây thiệt hại trong thực tiễn giải quyết án không phải dễ, nhất là việc phân chia tỉ lệ % thiệt hại xảy ra trong những trường hợp “
hỗn hợp lỗi”, như: Phạm tội thuộc trường hợp tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của người bị thiệt hại hoặc người khác gây ra hoặc thiệt hại xảy ra thuộc trường hợp người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tương ứng tại các điểm đ, c khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hoặc chỉ đơn thuần là người bị hại có lỗi, trong các vụ án về giao thông hay khi Tòa án xét xử về tội “
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 105); tội “
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (Điều 106).
BLDS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, trước đó, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã biên soạn nhiều tài liệu về những nội dung cơ bản và quy định mới trong BLDS này để tuyên truyền trong nhân dân; tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác tư pháp trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại (Điều 585 BLDS năm 2015) của các cơ quan tư pháp nói chung, một số Tòa án địa phương nói riêng cho thấy về vấn đề này chưa có sự thống nhất về nhận thức và áp dụng, từ đó, tạo ra có sự khác biệt trong đường lối xử lý, dẫn đến tính pháp chế xã hội chủ nghĩa không được đề cao. Tác giả một số trường hợp, trong rất nhiều trường hợp tương tự mà Tòa án đã xet xử để minh chứng cho nhận định này.
+Trường hợp thứ nhất: Tại tiệc liên hoan cuối năm tổ chức tại Công ty X, giữa Trần Văn M. và Đặng Thành H. (đều là công nhân của Công ty, trụ sở số 17, Nguyễn An Ninh, phường Kiến Hải, thành phố M, tỉnh T) trong tiệc rượu anh H. hay nói chuyện lớn tiếng, quơ tay nên anh M. góp ý, từ đó, phát sinh việc cự cãi, nhưng được mọi người can ngăn và cuộc vui tiếp tục đến 21 giờ thì giải tán. Trên đường về nhà, anh M. dừng xe Honda ghé vào tiệm tạp hóa ven đường mua thuốc hút. Khi vừa định bước vào tiệm, thì bất chợt từ phía sau lưng, anh H. dùng tay đấm mạnh vào mặt Đ., làm Đ. té xuống đóng gạch bê tông cạnh đó. Liền lúc này, hai tay của Đ. cầm cục gạch có kích thước 25 x 19 x 12cm ném thẳng vào người H. đứng cạnh đó chừng 02 mét. Hậu quả, anh H. bị gãy hỡ 3 xương sườn bên trái và nhiều xây xát vùng hông trái. Riêng anh M. chỉ bị bầm mặt bên phải không đáng kể. Tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh H. qua giám định 13%. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2016/HSST ngày 27/4/2017 của của TAND thành phố M. đã tuyên phạt Trần Văn M. 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Ngoài việc áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, HĐXX còn áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 để
“giảm” mức bồi thường thiệt hại do phía anh Đặng Thành H. có
“lỗi” nên không được bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
+Trường hợp thứ hai: Anh Phạm Huỳnh H. và chị Võ Quế M. đang ngồi tâm sự tại công viên của khu dân cư T, phường K, thị xã B, tỉnh T. Khoảng 20 giờ 20 phút, Lê Phúc Ng. điều khiển xe đạp chạy lòng vòng khu vực công viên và trêu chọc nhiều người, trong đó có anh H. và chị M. Khi bị anh H. phản ứng thì Ng. lớn tiếng đe dọa, sau đó, anh H. và chị M. lên xe đi về. Đến đoạn rẽ ra Quốc lộ 72, thì bị Trần Hữu Đ. chặn xe lại; Ng. từ trong lề đường bước ra, gây sự với H.. Kế đến, Ng. tát mạnh vào mặt của H., là anh bị té ngã xuống đường; Ng. còn lấy chiếc nón bảo hiểm của H. để ở xe ném về chổ H. nhưng không trúng, rồi đi về phía Đ. đang ngồi trên xe Honda cách đó chừng 5 m. Liền lúc này, H. đứng dậy, rút con dao Thái Lan (lưỡi 02cm x 15cm; cán dao màu vàng) trong túi quần, chạy theo đâm vào vai phải phía sau, rồi lên xe chở M. về nhà. H. được Đ. đưa đến bệnh viện cấp cứu điều trị vết thương, 07 ngày sau ra viện. Tỉ lệ tổn thương cơ thể của Ng. qua giám định 16% . Tại Bản án số 08/2017/HSST ngày 15/5/2017 của TAND thị xã B, xử phạt Phạm Huỳnh H. 18 tháng tù về tội “
Cố ý gây thương tích”, đồng thời buộc bồi BTTH cho Ng. số tiền gần 22 triệu đồng, dù áp dụng tình tiết “
người bị hại có lỗi” khi lượng hình phạt, nhưng HĐXX không áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 khi xem xét quyết định trách nhiệm dân sự BTTH đối với H..
+Trường hợp thứ ba: Trần Minh L. do thiếu quan sát khi điều khiển mô tô qua đường, dẫn đến va chạm giữa xe mô tô do Trần Văn Th. điều khiển, làm cả 02 xe bị ngã, L. và Th. đều bị xây xát nhẹ. Tuy nhiên, L. không thừa nhận lỗi của mình, nên buộc Th. bồi thường cho mình số tiền 800.000 đồng để sửa chữa xe. Th. không đồng ý và đề nghị báo Cảnh sát giao thông để giải quyết. Thấy vậy, L. dùng nón bảo hiểm của mình xông vào đánh trúng mặt và đầu của Th. gây chảy máu. Phản ứng lại, Th. rút cập côn nhị khúc từ trong ba lô, đánh trả lại gây ra các vết thương vùng mặt, đầu và hông trái của L.. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 129/2017/TgT, tỉ lệ tổn thương cơ thể của L. 32%; Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 130/2017/TgT, tỉ lệ tổn thương cơ thể của Th. 11%. L. yêu cầu Th. bồi thường cho mình số tiền 91.380.000 đồng. Th. cũng có đơn yêu cầu L. BTTH số tiền 17.090.000 đồng. TAND huyện B đã lần lượt xét xử 02 vụ án này. Theo đó, tại Bản án số 12/2017/HSST, Tòa nhận định L. là người có lỗi và áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 để tuyên buộc bị cáo Th. bồi thường cho L. số tiền 45.900.000 đồng. Tại Bản án số 14/2017/HSST, Tòa nhận định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo L. và tuyên buộc bồi thường cho Th. số tiền 15.090.000 đồng.
Đối với trường hợp thứ ba có lẽ không phải bàn luận gì thêm vì quá rõ, hành vi gây thiệt hại của mỗi bên được HĐXX xem xét đánh giá mức độ lỗi ở từng vụ án là khác nhau, nên có sự lựa chọn áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 cho phù hợp. Tuy nhiên, từ kết quả xét xử 02 vụ án thuộc trường hợp thứ nhất và trường hợp thứ hai của cấp xét xử sơ thẩm thuộc TAND tỉnh T, cho thấy, giữa 02 vụ án này có điểm chung giống nhau, đó là, người bị thiệt hại đều có lỗi và bên gây ra thiệt hại, thực tế không bị thiệt hại gì đáng kể do hành vi có lỗi của người bị thiệt hại gây ra. Nhưng với trường hợp thứ nhất, HĐXX của TAND thành phố M, đã áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 để ghi nhận bên bị thiệt hại có lỗi, buộc bên gây thiệt hại chỉ phải bồi thường tương ứng mức độ lỗi của mình gây ra bồi thường số tiền 11.700.000 đồng trên tổng số thiệt hại 19.500.000 đồng (tương ứng tỉ lệ 6/4). Với trường hợp thứ hai, HĐXX TAND thị xã B, tỉnh T lại không áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015, theo đó, Bản án số 08/2017/HSST có nhận định:
“Tuy người bị hại có lỗi, nhưng thực tế không gây ra thiệt hại gì đáng kể cho bị cáo và bị cáo cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại nên không phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho H….”
Từ thực tiễn xét xử, xoay quanh quy định tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của HĐXX thể hiện tại Bản án số 08/2017/HSST của TAND thị xã B, đó là: Khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015, chỉ có thể được áp dụng khi và chỉ khi chứng minh được rằng có thiệt hại thực tế xảy ra do phía bên bị thiệt hại đã gây ra cho người gây ra thiệt hại. Nghĩa là, phải có thương tích cụ thể hoặc thiệt hại về vật chất mà có thể cân, đông, đo đếm được. Ngược lại, cũng không ít người cho rằng, với trường hợp thứ hai, HĐXX không áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 là không đứng về lẽ phải, không bảo đảm sự công bằng, bởi, nếu như Lê Phúc Ng. không có hành vi đánh H. làm té ngã xuống đường, mặc dù, tát tay đó không gây ra thương tích gì, nhưng không có nghĩa là không có thiệt hại xảy ra. Suy cho cùng, Ng. là người có lỗi.
Tác giả đồng tình với quan điểm này. Thực tế có nhiều trường hợp người bị thiệt hại có lỗi và lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả mà họ phải gánh chịu do người phạm tội gây ra. Chẳng hạn, Nguyễn Văn C. và Trần Thị Ph. đều ở cùng thôn, dù biết rằng chị Ph. là vợ của anh Nguyễn Văn Q., nhưng mỗi khi ra đường gặp Ph., C. đều buông lời ve vãn, tán tỉnh. Tại tiệc cưới bạn của hai người vào đêm 20/2/2017, lợi dụng đêm tối và chỗ đông người, C. cố ý đụng chạm vào những vùng nhạy cảm trên thân thể của Ph., dù bị Ph. phản ứng quyết liệt nhưng C. vẫn không buông tha. Không kiềm chế được sự tức giận, Q. cầm chai thủy tinh đựng rượu (dung tích 75ml) đánh mạnh vào đầu C.. Tỉ lệ tổn thương qua giám định 12%. Trường hợp này, rõ ràng C. là người có lỗi vì đã đẩy tinh thần của Q. vượt lên mức bình thường, nghĩa là, chính hành vi của C. là nguyên nhân trực tiếp làm cho tinh thần của Q. bị kích động. Tuy nhiên, có ai chứng minh được rằng thiệt hại thực tế về danh dự mà Ph. phải gánh chịu do bị C sàm sỡ tương ứng là bao nhiêu? Nếu không cân, đong, đo, đếm được thì liệu Tòa án có áp dụng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 khi Tòa án xét xử để ấn định trách nhiệm dân sự đối với Q. không? Nếu Tòa án không áp dụng, rõ ràng pháp luật không được các cơ quan thực thi pháp luật tuân thủ triệt để.
Điều 617 BLDS năm 2005 có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
:“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”. Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Bộ luật dân sự năm 2015, là ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự ; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự. Nội dung quy định tại Điều 617 BLDS năm 2005, được nhà làm luật sắp xếp lại theo hướng phù hợp hơn với cơ cấu từng điều trong bộ luật mới, do vậy, có thể thấy, nội dung khoản 2 Điều 584 và khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 chính là nội dung quy định của Điều 617 BLDS năm 2005. Do vậy, theo tác giả, quan điểm cho rằng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 là quy định mới được bổ sung, điều kiện áp dụng phải có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra đối với bên gây ra thiệt hại trong trường hợp người bị hại có lỗi là chưa thật sự phù hợp.
Lỗi không tự nó có vị trí độc lập với các yếu tố khác trong việc xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Hình thức lỗi cũng không phải là không thể xác định. Theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, phía bên gây thiệt hại dù có lỗi cố ý hay có lỗi vô ý khi gây thiệt hại cho phía bên bị thiệt hại thì người đó thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi có lỗi của mình gây ra. Không vì người gây thiệt hại có lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý trong khi gây thiệt hại mà mức bồi thường tăng hay giảm tương ứng theo tính chất lỗi, mà không xem xét thêm các yếu tố khác. Tương tự như vậy, cũng không vì lý do thiệt hại thực tế mà bên bị thiệt hại gây ra cho phía bên gây thiệt hại không đáng kể (có thiệt hại nhưng không lớn), thì buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, dù người bị thiệt hại có lỗi do cố ý. Vì như vậy sẽ mâu thuẫn ngay chính trong phán quyết của HĐXX, đó là, khi lượng hình phạt có xem xét đến tình tiết giảm nhẹ :người bị hại có lỗi”, nhưng khi xem xét đến trách nhiệm dân sự của bên gây ra thiệt hại (bị cáo), thì lại không đề cập đến quy định tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015.
Trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trong BLDS năm 2015, không có quy định cụ thể về mức độ lỗi, vì vậy, việc xác định trách nhiệm dân sự
“hỗn hợp lỗi” trong trường hợp cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi gây ra thiệt hại thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với mức độ lỗi của mình. Mức độ lỗi trong trường hợp này được xác định dựa trên những cơ sở lý luận pháp luật hình sự trong việc phân biệt mức độ lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý của một người mà gây ra thiệt hại thì tương ứng với nó mức bồi thường thiệt hại có khác nhau. Như cách đặt vấn đề ở phần trên, lỗi phản ánh yếu tố tâm lý của con người, có tác động trực tiếp đến hành vi của người đó và thiệt hại xảy ra do hành vi vô ý vì cẩu thả, vô ý vì quá tự tin hoặc cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp gây ra thiệt hại đã phản ánh yếu tố tâm lý chủ quan của người đó. Việc xác định trách nhiệm hỗn hợp căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi bên đã có tính thuyết phục, bởi tính hợp lý của cách xác định đó.
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả:
i). Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại cho dù lỗi đó là vô ý hay cố ý, mà bên gây thiệt hại hoàn toàn không có lỗi thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường.
ii). Bên gây thiệt hại có lỗi vô ý, bên bị thiệt hại rõ ràng có lỗi cố ý thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường.
iii). Bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đều có lỗi cố ý trong việc gây ra thiệt hại thì trách nhiệm dân sự phải được xem xét theo hướng mức độ bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mỗi bên.
Thứ năm, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Quy định này đễ thấy nhất khi hành khách di chuyển bằng đường hàng không. Theo đó, phía bên cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về thiệt hại đối với vật dụng bị cấm theo qui định mà do hành khách mang theo trong hành lý; hoặc trong hành lý ký gửi của hành khách bao gồm: Thiệt hại đối với các đồ vật dễ vỡ, hàng mau hỏng (đồ tươi sống, thực phẩm dễ hư hỏng…), tác phẩm nghệ thuật, máy ảnh, máy quay phim, tiền, đồ trang sức, kim loại quí, đồ làm bằng bạc, đá quí, thuốc chữa bệnh, hàng hoá nguy hiểm, máy tính, các thiết bị điện tử, giấy tờ có giá trị chuyển đổi thành tiền, chứng khoán, tài liệu đàm phán, hợp đồng, tài liệu kinh doanh, hàng mẫu, hộ chiếu, giấy tờ tùy thân khác, … để trong hành lý ký gửi mà không khai báo vận chuyển theo dạng hành lý có giá trị cao và thiệt hại đối với các đồ vật tương tự khác cho dù phía bên cung cấp dịch vụ có biết hay không biết. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của chính mình, theo quy định tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015, hành khách có thể kê khai giá trị hoặc có thể tự mua thêm bảo hiểm riêng cho hành lý của mình trong trường hợp giá trị thực tế hoặc chi phí thay thế của hành lý ký gửi hoặc hành lý xách tay vượt quá mức giới hạn trách nhiệm của phía nhà cung cấp dịch vụ.
Ths.LS Lê Văn Sua
[1] Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.