Chỉ tiêu tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, đôi điều cần bàn

07/10/2016
Ngày 05/02/2016 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 383/BTP-TGPL về việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý. Đây là cơ sở ban đầu quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý.
Trên thực tế, từ sau khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, đến nay Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức rất nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) để tạo nguồn cho các địa phương bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Qua đó, lực lượng Trợ giúp viên pháp lý được hình thành và ngày càng phát triển. Đã góp phần cùng với lực lượng Luật sư cộng tác viên đảm bảo việc tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Đúng theo quy định của Luật TGPL là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL.
Qua thực tiễn hơn 8 năm thi hành Luật TGPL, các hoạt động TGPL ở địa phương như: TGPL Lưu động, hoạt động Câu lạc bộ TGPL, việc tham gia tư vấn pháp luật ngay tại cơ sở của các Cộng tác viên TGPL…đã góp phần rất tích cực cùng với chính quyền các cấp, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Bên cạnh đó, việc tham gia tố tụng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã bổ sung thêm lực lượng cùng với lực lượng Luật sư đã góp phần nâng cao chất lượng của những người tiến hành tố tụng, nhất là việc nâng cao chất lượng trong công tác bào chữa, bảo vệ của những người tham gia tố tụng.
Lực lượng Trợ giúp viên pháp lý ra đời, đến nay đã có thể khẳng định được vị trí của việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng! Trong nhiều trường hợp tham gia tố tụng cho người được TGPL, phần lớn đều đã được người được TGPL hài lòng. Bên cạnh đó, dư luận xã hội nói chung, tuy chưa có khảo sát thực tế, song qua việc tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý với hàng nghìn vụ án dân sự, hình sự, hành chính tại các cơ quan tiến hành tố tụng…chưa có những ý kiến phản biện nào, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý. Điều đó cho thấy, vị thế của Trợ giúp viên pháp lý trong việc tham gia tố tụng đã được khẳng định. Thể hiện rõ nét và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, của Trợ giúp viên pháp lý là đã được khẳng định trong các Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính… vừa được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2016.
Đối với Trợ giúp viên pháp lý, khi mới ra đời có thể chất lượng chưa đảm bảo. Một số người tiến hành tố tụng còn nghi ngờ khả năng tham gia tố tụng, người được TGPL có thể chưa an tâm với chất lượng đạt được và dưới góc nhìn của xã hội vị thế của Trợ giúp viên pháp lý chưa “ngang bằng” với Luật sư! Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh. Với nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính…giữa một bên là Luật sư và một bên là Trợ  giúp viên pháp lý, đã chứng tỏ sự “sánh vai” ngang bằng nhau trong nhiều trường hợp. Đến nay chưa có dư luận hay một sự phiền hà nào đối với việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý từ phía người được TGPL hay các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng các cấp! Việc ngày càng có nhiều yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Trợ giúp viên pháp lý, cũng đã khẳng định vị thế của Trợ giúp viên pháp lý. Bởi hiện nay về chất lượng “đầu vào” của Trợ giúp viên pháp lý không chỉ là cử nhân Luật, với hai năm kinh nghiệm làm công tác pháp luật nữa. Để được bổ nhiệm là Trợ giúp viên pháp lý, ngoài thời gian tập sự công việc tại cơ quan, đơn vị, còn đòi hỏi phải được đào tạo qua nghiệp vụ Luật sư, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Việc thực tập của Trợ giúp viên pháp lý, tuy không được đặt ra, nhưng thực tiễn khi tham gia tố tụng trong những lần đầu, luôn có người đi trước kèm cặp. Bên cạnh đó, có thể Trợ giúp viên pháp lý còn có ưu thế hơn nữa so với một số người bào chữa khác là phải học qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, về quản lý Nhà nước; điều kiện tiếp nhận thông tin phong phú hơn từ các nguồn: Hội nghị sơ kết, tổng kết, các buổi hội ý, trao đổi ý kiến, các cuộc thảo luận nghiệp vụ tập trung của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, của Sở Tư pháp, các cuộc họp phê bình, góp ý trong thực hiện nhiệm vụ công tác đối với viên chức của cơ quan sự nghiệp Nhà nước…
Từ những vấn đề trên, việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu cho Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng là điều cần phải được thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế số người liên quan đến các vụ án hình sự được TGPL so với tổng số bị can, bị cáo chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nếu tính cả số người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), thì con số có thể từ 15-20%. Qua khảo sát tại (tỉnh Bình Định) cho thấy: Năm 2015 TAND các cấp đã thụ lý 947 vụ án với 1.740 bị cáo. Trong tổng số bị cáo đưa ra xét xử có 159 người chưa thành niên, chiếm 12,5%! Bên cạnh đó, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và một số biện pháp hữu hiệu khác, số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm đã được kéo giảm hàng năm. Năm 2015, toàn tỉnh Bình Định xảy ra 731 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, làm chết 11 người, bị thương 134 người, giảm 19,3% so với năm 2014. Trong đó trộm cắp giảm 30%, cố ý gây thương tích giảm 14%...(nguồn Báo Bình Định). Như vậy, tùy thuộc vào năm bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, được chia ra làm 3 quãng thời gian công tác, với 3 mức tương ứng là: Đạt, đạt khá và đạt tốt. Mức thấp nhất từ 04 đến 07 vụ việc tố tụng/năm,  cao nhất là trên 22 vụ việc tố tụng/năm. Như vậy để đạt được yêu cầu vị trí việc làm của Trợ giúp viên pháp lý, bình quân mỗi Trợ giúp viên pháp lý phải đạt ít nhất 10 vụ việc tố tụng/năm. Đây là con số không cao. Song để đạt được con số ấy đối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý có từ 10 Trợ giúp viên pháp lý trở lên là khó có thể đạt được.
Để đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, qua đó từng bước khẳng định việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước, cùng song hành với lực lượng cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí ngang bằng chất lượng như nhau, chúng tôi xin đề xuất như sau:
- Nhân việc lùi thời gian thi hành Bộ Luật Hình sự, Tố tụng Hình sự …Bộ Tư pháp có thể trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội bổ sung việc chỉ định bào chữa không chỉ đối với một số trường hợp như Điều 76 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, mà tất cả các trường hợp nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, cử người bào chữa miễn phí cho họ.
- Việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trước hết phải thực hiện nghĩa vụ. Đối với Trợ giúp viên pháp lý là người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, do vậy mỗi trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện một số vụ việc tố tụng nhất định, tương đương với mức tiền lương được nhận. Đối với các viên chức đang công tác tại Trung tâm (trừ Kế toán, văn thư, thủ quỹ). Số người còn lại mặc dù chưa là Trợ giúp viên pháp lý, nhưng cũng phải được giao chỉ tiêu tham gia cùng với Trợ giúp viên pháp lý thực hiện nghĩa vụ.  Đối với Luật sư tham gia tố tụng theo nghĩa vụ hàng năm với chỉ tiêu do Liên đoàn Luật sư Việt Nam giao. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, số lượng vụ việc còn lại mới được thanh toán bồi dưỡng theo chế độ. Với số lượng vụ việc tham gia tố tụng này, phần kinh phí chi cho trợ giúp pháp lý không nhiều.
- Cần xem xét sử dụng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cho có hiệu quả và tương xứng với trình độ đào tạo và thực hiện công việc. Có thể nói rằng Trợ giúp viên pháp lý hiện nay từng bước đã được chuẩn hóa về bằng cấp, kinh nghiệm và ngang bằng với những người tham gia tố tụng khác. Song vẫn bị giới hạn bởi việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý hiện tại chỉ trong phạm vi của một địa phương cấp tỉnh. Đây là hạn chế và thiệt thòi cho người được trợ giúp pháp lý, đồng thời hạn chế trong việc hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia tố tụng cũng như hỗ trợ việc tham gia tố tụng đối với những nơi có ít Trợ giúp viên pháp lý.
Còn nhiều vấn đề cần bàn, song việc đảm bảo chỉ định người bào chữa cho tất cả các trường hợp người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích không mời được người bào chữa hiện nay là điều có thể thực hiện được. Với 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý, với hàng nghìn Trợ giúp viên pháp lý, viên chức của Trung tâm và với chỉ tiêu mỗi Luật sư hàng năm tham gia nghĩa vụ từ 3-5 vụ tố tụng, thì số người bị buộc tội đều được đảm bảo có người bào chữa chỉ định. Bên cạnh đó, việc thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện./.
 Huỳnh Văn Chưa
Giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh Bình Định