Quốc hội thảo luận hai dự án: Luật về hội và Luật Đê điều

12/06/2006
Quốc hội thảo luận hai dự án: Luật về hội và Luật Đê điều
Ngày 9/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận hai dự án: Luật về hội và Luật Đê điều tại Hội trường Ba Đình và Hội trường 37 Hùng Vương (Hà Nội).
Trước đòi hỏi thực tiễn của đời sống xã hội, việc thành lập và phát triển các hội đã trở thành nhu cầu và yêu cầu của nhân dân. Tính đến tháng 6/2005 có 320 hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc và hơn 2.150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Hầu hết các hội đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, công tác tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về hội còn bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng tình hình phát triển của xã hội.

Để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hội, thì việc xây dựng và ban hành Luật về hội là một yêu cầu khách quan và cần thiết.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau như: đối tượng áp dụng của luật; việc kết nạp người nước ngoài làm hội viên liên kết của hội; nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ đối với hoạt động của các hội…

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật về hội.

Thảo luận về đối tượng áp dụng của luật, đại biểu Lê Quốc Trung (Bình Thuận) cho rằng, cần xác định một luật khung cho hội hay một luật để điều chỉnh một nhóm đối tượng nhất định thì mới có thể xác định được rõ đối tượng áp dụng.

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) bổ sung về vấn đề này nêu: mục đích của hội là để tập hợp đông đảo nhân dân, mở rộng dân chủ, cho nên cần tránh tình trạng “nhà nước hoá” tổ chức và hoạt động của hội, không can thiệp quá sâu vào tổ chức hội.

Thảo luận về dự án Luật Đê điều, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, cần phải có Luật về đê điều, vì Pháp lệnh Đê điều năm 2000 đã đi vào cuộc sống, nhưng cũng bộc lộ những bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Đê điều không còn phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Luật Đê điều trình Quốc hội lần này được Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường thẩm định và cho rằng, nội dung của dự thảo Luật Đê điều phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đê điều; soạn thảo đúng quy định về trình tự; nội dung tương đối đầy đủ… và đây là bước thể chế hoá các các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đê điều.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh điều hành thảo luận, đề nghị các đại biểu tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau như: tên Luật và phạm vi điều chỉnh; phân cấp đê; đầu tư xây dựng, tu bổ đê điều; xử lý những công trình xây dựng hiện có trong hành lang bảo vệ đê điều; sử dụng bãi sông và lòng sông; tính khả thi của luật… 

Về tên gọi, có 3 phương án: “Luật Đê điều và phòng, chống lụt, bão”, “Luật đê, kè” và “Luật Đê điều”. Theo đại biểu Trần Thị Mai Phương (Tỉnh Long An), tên gọi: “Luật Đê điều” là hợp lý hơn cả, vì tên gọi này đã được sử dụng trong Pháp lệnh đê điều hơn 5 năm qua,  rất quen thuộc và đã đi vào cuộc sống, hơn nữa lại ngắn gọn, dễ hiểu. Bàn về tiêu chí để phân loại đê, theo bà Phương dự luật chưa đề cập cụ thể, do đó dễ xảy ra tiêu cực khi phân bổ kinh phí xây dựng các loại đê. Đồng quan điểm với đại biểu Trần Thị Mai Phương về tên luật có các đại biểu Lương Thị Hoa (Tỉnh Thanh Hoá); về tiêu chí phân loại đê có đại biểu Trần Thanh Khiêm (Tỉnh Cà Mau).

Vấn đề việc xử lý những công trình xây dựng hiện có trong hành lang bảo vệ đê điều, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm vấn đề này. Theo đại biểu Nguyễn Văn Dũng (Tiền Giang), dự thảo luật quy định: Nhà cửa, công trình ở mặt đê, mái đê và trong phạm vi 5m kể từ chân đê hiện tại trở ra đối với đê cấp đặc biệt, cấp I,II và III phải di dời… là chưa đủ. Một số ý kiến đề nghị không nên thành lập lực lượng bảo vệ đê chuyên trách.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về bố cục, nội dung các điều, khoản, câu chữ, văn phong của từng dự thảo Luật. Quốc hội giao các Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Ngày mai, các đại biểu họp phiên toàn thể tại Hội trường Ba Đình. Buổi sáng nghe và thảo luận báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội về tình hình thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; buổi chiều nghe và thảo luận báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi và người tàn tật./.

(Theo website Chính phủ)