Áp dụng pháp luật nuớc ngoài tại VN - những lợi ích và bất lợi của VN khi tham gia Công ước Viên 1980

03/02/2016

Để điều chỉnh và giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế, một trong các cách phổ biến là quốc gia xây dựng các quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật của mình và trong các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Việc áp dụng các quy phạm xung đột cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó thừa nhận và cho phép áp dụng luật nước ngoài và tất nhiên đây là một đòi hỏi thực tế khách quan đáp ứng việc củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ đa phương, đa diện của quốc gia với nước ngoài. Thực tiễn tư pháp quốc tế đã chứng tỏ rằng, ở những mức độ và với những điều kiện khác nhau, tất cả các nước đều thừa nhận và cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài, việc áp dụng pháp luật nước ngoài là không tránh khỏi, là đặc thù của tư pháp quốc tế. Ví dụ: Hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau tại Pháp. Sau hai mươi năm chung sống tại Pháp, họ quyết định đưa cả gia đình trở về Việt Nam sinh sống, được một năm sau thì họ nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án địa phương có thẩm quyền nơi cư trú tại Việt Nam. Để giải quyết được việc này, chỉ khi Tòa án có thẩm quyền đó công nhận việc kết hôn của hai công dân Việt Nam ở Pháp trước đây là hợp pháp và tài sản của họ ở Pháp là hợp pháp.

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của cặp vợ chồng trên cũng như lợi ích của con cái họ, Tòa án Việt Nam không thể giải quyết nếu không tính tới việc trong chừng mực nào đó cần thiết phải áp dụng pháp luật của Pháp. Khi áp dụng pháp luật nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý nhất định.  Mỗi quốc gia các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý về áp dụng luật nước ngoài là khác nhau. Tuy nhiên, phạm vi cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài phải được xác định trên cơ sở chủ quyền quốc gia và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; đồng thời bảo đảm hiệu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ xã hội và pháp luật của nước mình.

1. Quy định của pháp luật Việt Nam về áp dụng pháp luật nước ngoài

Vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Chẳng hạn, tại  Điều 122 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, có quy định về việc Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, như sau:

1. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này.

Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng.”

Tại Điều 4[1] Luật hàng không dân dụng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Điều 5[2] Luật Thương mại năm 2005; khoản 3[3] Điều 759 Bộ luật Dân sự năm 2005 đều quy định về vấn đề áp dụng pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế. Theo các văn bản vừa nêu, pháp luật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam dựa trên các cơ sở sau:

Một là, có quy phạm xung đột trong Điều ước quốc tế quy định;

Hai là, quy phạm xung đột trong văn bản pháp luật quốc gia quy định;

Ba là, có sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự.

Như vậy, pháp luật nước ngoài không chỉ được áp dụng khi có sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà còn được áp dụng khi có sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng về việc áp dụng pháp luật nước ngoài.

Vấn đề quyền lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên chủ thể được bắt nguồn từ nguyên tắc tự do về mặt ý chí, cụ thể hơn, đó là tự do giao kết hợp đồng và tự do xác định nội dung hợp đồng – Đây là “nguyên tắc vàng” của luật hợp đồng. Trong quan hệ hợp đồng, tự do ý chí là vấn đề trọng yếu của hợp đồng và về nguyên tắc, ý chí của các bên tham gia giao kết hợp đồng mang tính quyết định. Từ những nền tảng quan trọng đó, các bên chủ thể tham gia hợp đồng không những được tự do thỏa thuận xác lập, thực hiện hợp đồng trong khuôn khổ quy định của pháp luật mà còn được tự do thỏa thuận lựa chọn pháp luật của một quốc gia nào đó để áp dụng cho hợp đồng. Ngoài ra, việc quy định các bên chủ thể tham gia quan hệ có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cũng thể hiện một xu thế phát triển tất yếu trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế là các nước đối xử với luật nước ngoài ngang tầm quan trọng với luật trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các quan hệ dân sự, thương mại quốc tế, góp phần thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của một quốc gia. Phù hợp với xu thế chung của thời đại, pháp luật Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến quyền lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên chủ thể tham gia giao dịch dân sự, thương mại quốc tế. Quyền lựa chọn pháp luật áp dụng được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật. Điển hình như Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này đã cho thấy các bên trong hợp đồng hoàn toàn có quyền tự do thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng, dĩ nhiên, sự lựa chọn đó phải nằm trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài, quyền lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên chủ thể là rất quan trọng. Luật Thương mại năm 2005 có quy định “Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Trong lĩnh vực quan hệ hàng hải có yếu tố nước ngoài, Bộ luật hàng hải năm 2005 đã khẳng định quyền lựa chọn pháp luật của các bên chủ thể tại khoản 2, khoản 3 Điều 4. Tại Điều 3[4] Bộ luật Hàng hải năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, thay thế cho Bộ luật Hàng hải năm 2005) có quy định tương tự. Từ đó, có thể nhận thấy rằng, luật nước ngoài được áp dụng trong hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, do Bộ luật hàng hải quy định, tức là trên cơ sở quy phạm pháp luật xung đột trong Bộ luật này hoặc trong Điều ước quốc tế được áp dụng quy định áp dụng pháp luật nước ngoài. Ví dụ, khoản 2 Điều 3 quy định: “Trong trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tổn thất chung thì áp dụng pháp luật nơi tàu biển ghé vào ngay sau khi xảy ra tổn thất chung đó”.

Trường hợp thứ hai, do có thỏa thuận trong hợp đồng, tức là các bên chủ thể trong hợp đồng hàng hải thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài. Đây là quy định mà Bộ luật Hàng hải cho phép các bên chủ thể trong hợp đồng hàng hải có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng. Quy định này phù hợp với thực tiễn quốc tế hiện nay và tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho các bên chủ thể thiết lập quan hệ hợp đồng.

Các quy định đó cũng như các quy định khác trong các văn bản pháp luật Việt Nam về quyền lựa chọn pháp luật áp dụng của các cá nhân, tổ chức còn cho thấy rằng:

Một là, các bên tham gia quan hệ có quyền lựa chọn pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế để áp dụng, nhưng không có quy định các bên có quyền lựa chọn điều ước quốc tế để áp dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực quan hệ thương mại quốc tế. Đây là một điểm còn hạn chế của pháp luật Việt Nam. Do vậy, về nguyên tắc, theo pháp luật Việt Nam các bên không có quyền lựa chọn điều ước quốc tế liên quan đến quan hệ giữa các bên để áp dụng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một Công ước điển hình, thể hiện sự thống nhất cao, phù hợp với thực tiễn điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng theo các quy định của pháp luật Việt Nam thì các bên cũng không có quyền trực tiếp lựa chọn Công ước này.

Tuy nhiên, các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vẫn có thể gián tiếp lựa chọn Công ước này thông qua việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và pháp luật nước ngoài đó có quy định (quy phạm xung đột) cho phép các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng, trong đó có cả lựa chọn điều ước quốc tế để áp dụng. Bởi vì, pháp luật Việt Nam có quy định dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài là áp dụng cả quy phạm thực chất và cả quy phạm xung đột. Khoản 3 Điều 759 Bộ luật Dân sự năm 2005 đều có quy định tương tự về vấn đề này. Vì thế, nếu pháp luật nước ngoài được áp dụng đó không dẫn chiếu tới pháp luật Việt Nam thì có thể dẫn chiếu tới pháp luật nước ngoài khác hoặc tới Điều ước quốc tế. Việc lựa chọn Công ước Viên năm 1980[5] theo cách đó là cần thiết đối với các bên chủ thể, bởi vì, trong xu thế toàn cầu hóa các quan hệ kinh tế quốc tế và chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng công ước Viên năm 1980 để điều chỉnh các quan hệ hợp động mua bán hàng hóa quốc tế là điều tất yếu mà các thương nhân Việt Nam phải tính đến khi đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài.

Hai là, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể các bên tham gia quan hệ lựa chọn pháp luật áp dụng đối với toàn bộ hay một phần quan hệ giữa các bên, và cũng không quy định về thời điểm lựa chọn pháp luật, đặc biệt là không có quy định các bên có quyền sửa đổi hoặc thay đổi sự lựa chọn pháp luật áp dụng. Đây cũng là điểm hạn chế của pháp luật Việt Nam, nó gây những khó khăn trong việc thực hiện pháp luật trong thực tiễn.

2. Áp dụng pháp luật nước ngoài điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở tòa án và trọng tài của Việt Nam.

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đang là vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới hiện nay. Chính đặc điểm này tạo ra sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau càng cao giữa các quốc gia và khu vực. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng việc áp dụng pháp luật nước ngoài là một nhu cầu khách quan không thể tránh khỏi ở tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự và thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của các giao lưu dân sự, thương mại, đầu tư, lao động,... giữa nước ta với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực, số lượng các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được các tòa  án Việt Nam thụ lý giải quyết cũng gia tăng.

Mặc dù việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết các vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài là một trong những hoạt động diễn ra từ rất lâu và rất phổ biến trên thế giới, và mặc dù pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều quy định cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết những vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp nhất định với những nguyên tắc nhất định nhưng đây vẫn là một hoạt động hoàn toàn mới mẻ đối với các tòa án. Mới mẻ ở đây không phải vì thực tế ở Việt Nam không có vụ án nào đòi hỏi phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết, và chúng ta cũng không thể nói rằng trong lĩnh vực này, các quy định của pháp luật đã đi trước thực tiễn, mà thực tế là việc các tòa án, trọng tài Việt Nam áp dụng pháp luật nước ngoài trong quá trình giải quyết một vụ án là rất hãn hữu, do đó, việc tích lũy kinh nghiệm hoạt động áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài là hoàn toàn chưa có.

Trong lĩnh vực trọng tài, Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, có quy định về  Luật áp dụng giải quyết tranh chấp, như sau:

“1. Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.

3. Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”. Thực tế, trọng tài Việt Nam đã dựa vào nhiều yếu tố của tranh chấp để xác định luật áp dụng cho hợp đồng. Ví dụ, vụ tranh chấp tranh chấp lớn về ưu đãi thuế theo hợp đồng phân chia sản phẩm liên quan đến một mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam, mà (phía Việt Nam) PVN là bị đơn trong vụ tranh chấp. Theo lập luận của các nguyên đơn là họ ngầm định được hưởng một số ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù các ưu đãi đó chưa từng được bàn đến trong các vòng đàm phán và cũng không được quy định trong hợp đồng phân chia sản phẩm hay giấy chứng nhận đầu tư có liên quan.

Để giải quyết vấn đề này, PVN và nguyên đơn đã đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế. Một Hội đồng Trọng tài quốc tế được thành lập theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) gồm các trọng tài viên hàng đầu thế giới. Trong quá trình cân nhắc vấn đề để đưa ra phán quyết, Hội đồng Trọng tài nhất trí với quan điểm của PVN là luật Việt Nam được áp dụng, đưa ra “một cách tiếp cận vấn đề linh động và đa dạng, phù hợp với quyền lợi thương mại hợp lý của Chính phủ Việt Nam và các công ty dầu khí quốc tế”[6].

Để hoạt động trọng tài thực sự hiệu quả thì luôn cần đến vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án. Các quy định của Luật TTTM hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được nội dung này, tuy từ thực tiễn cho thấy vẫn còn những quy định chưa phù hợp, còn những cách hiểu khác nhau làm phát sinh vướng mắc khi áp dụng Luật TTTM về vai trò của Tòa án đối với trọng tài như: việc xem xét lại quyết định của Tòa án hủy hay không hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài… Trong khi đó, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng hủy phán quyết trọng tài của Tòa án đã và đang gây tâm lý lo ngại cho người dân và doanh nghiệp khi đưa ra quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài…

Việc áp dụng pháp luật nước ngoài ở các Toà án nước ta hiện nay đang là vấn đề có nhiều tranh cãi. Vấn đề đặt ra là việc Toà án nhân dân Việt Nam không áp dụng pháp luật nước ngoài khi có yêu cầu phải áp dụng thì có phải là Toà án đó  đã vi phạm pháp luật không? Có ý kiến cho rằng, đối với những trường hợp mà quy phạm xung đột pháp luật cho phép các bên chọn pháp luật nước này hay nước kia để điều chỉnh quan hệ của họ và họ đã chọn pháp luật nước ngoài nhưng khi toà án áp dụng pháp luật Việt Nam, họ không có phản ứng gì thì toà án không vi phạm pháp luật. Ở đây, chúng ta coi như các đương sự từ bỏ pháp luật nước ngoài và ngầm chọn pháp luật Việt Nam.

Theo quan điểm của tác giả, việc toà án không áp dụng pháp luật nước ngoài khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới là toà án đã vi phạm pháp luật. Như đã phân tích ở trên, việc một quốc gia có cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của quốc gia đó, xuất phát từ yêu cầu của mỗi quốc gia trong quá trình bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như pháp nhân của nước mình, của chính bản thân mình trong giao lưu dân sự quốc tế. Nhưng khi việc áp dụng pháp luật nước ngoài đã được ghi nhận trong pháp luật quốc gia thì quốc gia đó cần phải tuân thủ những quy định đó. Không thể tự mình xây dựng luật rồi lại tự mình vi phạm luật. Trong thời đại ngày nay, khi mà chúng ta đang tiến tới xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì đây là điều cần phải khắc phục kịp thời.

3. Lợi ích của Việt Nam khi tham gia Công ước Viên 1980[7]

3.1. Lợi ích về kinh tế

Việt Nam đang trên con đường hội nhập một cách chủ động và tích cực vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh các hoạt động thương mại quốc tế, trong đó thương mại hàng hóa vẫn là hoạt động sôi động nhất là động lực và từ lâu đã đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong nước, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO. Do đó, việc xác định một nguồn luật thống nhất điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho Việt Nam vì hầu hết các cường quốc thương mại trên thế giới đều đã gia nhập Công ước Viên, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam, như: Pháp, Mỹ, Italia, Liên bang Nga, Canada, Đức, Hà Lan, Australia, Trung Quốc…Các công ty, doanh nghiệp của các nước này đã áp dụng và đã quen áp dụng Công ước Viên cho các hợp đồng mua bán hàng hoá ký với các đối tác nước ngoài.

Có thể khẳng định rằng, CISG mang lại cho Việt Nam ba lợi ích kinh tế lớn sau:

Thứ nhất, đơn giản hóa, giảm chi phí luật trong quá trình thương mại quốc tế.

Như chúng ta đã biết, càng ít nhân tố gây trở ngại nền kinh tế càng tự do thì thị trường càng hoạt động hiệu quả và có tính cạnh tranh cao. Trong đó nhân tố gây trở ngại lớn nhất cho giao dịch thương mại quốc tế, đăc biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam, chính là môi trường luật nước ngoài. Hơn nữa trong đàm phán ký kết hợp đồng giữa Việt Nam và các nước phát triển thì luật được chọn để điều chỉnh thường là luật của các nước phát triển vì các doanh nghiệp Việt Nam có ít thế và lực trong đàm phán lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Điều này làm doanh nghiệp trong nước khó đánh giá được kết quả kinh doanh vì môi trường luật của nước ngoài thường không ổn định và chứa đựng nhiều rủi ro.

Việc áp dụng CISG như một nền tảng luật cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ giảm sự bất ổn và các chi phí pháp luật liên quan. CISG cung cấp một nguồn luật mà các thương gia, thường là những người không chuyên về luật, dễ dàng hiểu rõ vì CISG được soạn thảo không phải bằng ngôn ngữ chuyên ngành luật. Như vậy sẽ giảm chi phí nghiên cứu tìm hiểu luật trước khi ký hợp đồng hay có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng vì đã có một nguồn luật thống nhất.

Hơn nữa các doanh nghiệp trong nước sẽ ít phải áp dụng Luật nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội bảo vệ mình vì việc tham dự một phiên tòa tại nước ngoài, sử dụng nguồn luật nước ngoài là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Những lợi ích do một văn bản thống nhất luật như Công ước Viên đem lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng lớn, thì chúng ta lại càng khẳng định những lợi ích mà Công ước này đem lại cho Việt Nam, một quốc gia ở đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 80% số lượng các doanh nghiệp.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh công bằng trên thị trường quốc tế.

Nếu các bên làm hợp đồng trên một cơ sở luật chung thì sẽ dễ dàng đánh giá các lựa chọn, chào giá khác nhau trên thị trường về rủi ro, độ chặt và nghĩa vụ trong hợp đồng. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mang lại lợi ích về mặt kinh tế không nhỏ.

Thứ ba, tăng cường hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới

Với tính chất là một văn bản thống nhất luật, Công ước Viên đã thống nhất hoá được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Trong quá trình tiến hành trao đổi hàng hóa với các đối tác nước ngoài, việc áp dụng các văn bản luật quốc gia sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi, làm phát sinh những xung đột pháp luật với các nước khác và khi giải quyết tranh chấp cũng khó khăn. Khi gia nhập Công ước Viên, Việt Nam sẽ thống nhất nguồn luật áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế với các nước đối tác khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi đó, các thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài sẽ cùng chung tiếng nói, cùng chung một cơ sở pháp lý và các mối quan hệ mua bán hàng hóa sẽ gắn chặt hơn, lâu bền hơn và rộng mở hơn nữa, tránh được các tranh chấp phát sinh.

3.2. Lợi ích về pháp lý

Ngoài những lợi ích về mặt kinh tế, việc tham gia Công ước Viên có thể đem lại những lợi ích rõ ràng cho Việt Nam về mặt pháp lý.

Thứ nhất, với nền kinh tế mới phát triển và mở cửa quốc tế chưa lâu, hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế còn rất nhiều thiếu sót và cần nhiều nguồn luật quốc tế bổ sung. Quan trọng hơn, như trên đã phân tích, các quy định này hầu hết được soạn thảo để điều chỉnh quan hệ dân sự trong nước, chứ không có những quy định cụ thể, riêng biệt cho giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế. Việc tham gia và áp dụng CISG sẽ giúp hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế theo hướng ổn định, rõ ràng, công bằng hơn và phù hợp với xu thế chung của luật pháp quốc tế.

Thứ hai, là một hệ thống Dân luật (Civil Law), cách tiếp cận của hệ thống luật Việt Nam khá trùng khớp với Công ước Viên, vì thế khi tham gia CISG Việt Nam sẽ không gặp phần lớn những khó khăn về tìm hiểu và áp dụng án lệ như trường hợp của các nước theo hệ thống Thông luật (Common Law), cũng như sẽ gặp ít khó khăn hơn về việc giải thích ngôn ngữ trong Công ước.

Thứ ba, việc CISG trở thành một phần luật nội địa sẽ tạo điều kiên cho việc xử án, xử trọng tài tại Việt Nam trở nên thống nhất và dễ dàng hơn, bởi chỉ có một nguồn luật được giải thích và áp dụng. Các doanh nhân, trọng tài viên, thẩm phán đều không cần xem xét, nghiên cứu và cân nhắc bất kỳ nguồn luật nước ngoài nào khác ngoài CISG. Việc giải thích và áp dụng CISG dễ dàng hơn rất nhiều việc viện dẫn đến một hệ thống luật địa phương, bởi vì việc diễn giải Công ước được hỗ trợ bởi Các nguyên tắc UNIDROIT, PECL (theo cơ chế “bổ sung luật”), các Bình luận Chính thức của Ban Tư vấn CISG,[8] các án lệ của CISG đăng tải trên hệ thống dữ liệu UNILEX, cũng như hàng ngàn bài viết học giả được đăng tải trên trang web chính thức của CISG (PACE).

Thứ tư, ngay cả khi Việt Nam không tham gia CISG, có nhiều trường hợp CISG vẫn sẽ được áp dụng trong thương mại quốc tế có một bên Việt Nam tham gia, cụ thể là: i) Nếu quy phạm xung đột dẫn chiếu đến luật một nước là thành viên CISG;[9] ii) Nếu các bên tham gia giao dịch cùng lựa chọn áp dụng CISG; iii) Khi trong hợp đồng các bên không lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án hoặc trọng tài) lựa chọn CISG để giải quyết tranh chấp.

3.3. Các lợi ích khác

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế và pháp lý nói trên, việc Việt Nam tham gia Công ước Viên cũng sẽ có ý nghĩa lớn về mặt chính trị và ngoại giao, vì CISG, vốn được xây dựng trên cơ sở hài hòa hóa lợi ích của các nước XHCN và các nước tư bản, các nước phương Đông và phương Tây, các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, được đánh giá là một Công ước rất thành công và có ảnh hưởng bao trùm trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế. Với mục tiêu phấn đấu trở thành đầu tàu của khối ASEAN trong việc là cầu nối phát triển quan hệ ASEAN với các nước, tổ chức chính phủ khác trên thế giới, việc Việt Nam tham gia Công ước Viên sẽ đánh dấu vai trò to lớn hơn nữa của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ quốc tế nói chung.

4. Một số bất lợi của Việt Nam khi tham gia Công ước Viên 1980

4.1. Bất lợi về kinh tế

Những bất lợi về mặt kinh tế do CISG mang lại không đáng kể, các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ đóng góp về tài chính, không phải thành lập một cơ quan riêng để thực thi Công ước, cũng không có bất kỳ nghĩa vụ báo cáo định kỳ nào. Nhìn chung, các nguyên tắc của Công ước cũng phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật hợp đồng Việt Nam. Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 đã được ban hành trên cơ sở tham khảo các văn bản luật quốc tế, trong đó có Công ước Viên, và vì vậy, nhìn chung là tương thích với các nguyên tắc của Công ước này. Với lý do đó, khi gia nhập Công ước Viên, Việt Nam không phải sửa đổi pháp luật hiện hành và không phát sinh chi phí cho việc sửa đổi luật.

Tuy nhiên, trong giao dịch buôn bán quốc tế, mỗi ngành mỗi lĩnh vực đều có những điều khoản hợp đồng chuẩn đặc thù ví dụ mua bán dầu, gạo, hoa quả tươi… và các doanh nghiệp không muốn từ bỏ những điều khoản đã được sử dụng rộng rãi và quen thuộc này. Do đó cho dù Việt Nam có gia nhập CISG thì Công ước này cũng không thể điều chỉnh tất cả các hợp đồng mua bán quốc tế trong đó có Việt Nam tham gia. Hơn nữa việc áp dụng CISG cũng còn hạn chế trong quan hệ buôn bán giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp của các nước chưa tham gia công ước.

4.2. Bất lợi về pháp lý

Khi tham gia Công ước Viên, Việt Nam có thể gặp một số trở ngại về pháp lý sau:

Thứ nhất, nội dung Công ước Viên còn khá mới mẻ đối với hệ thống xây dựng pháp luật, tư pháp và trọng tài ở Việt Nam, vì vậy các bên Việt Nam (doanh nghiệp, tòa án, trọng tài) cần có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, hiểu rõ khi áp dụng CISG trong các quan hệ giao dịch thương mại quốc tế. Hiện nay tại Việt Nam có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về nội dung CISG cũng như thực tiễn áp dụng CISG trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam. Điều này khiến việc diễn giải, áp dụng CISG trong thực tế của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, trong hệ thống giáo dục pháp luật của Việt Nam nói chung (ngoại trừ một số rất ít trường đại học chuyên ngành luật, hợp tác với nước ngoài) cũng chưa có nội dung nào giới thiệu, đào tạo chuyên sâu về CISG. Các doanh nghiệp, nhà thực hành luật Việt Nam cũng chưa có diễn đàn nào riêng để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về CISG như tại nhiều nước khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ làm giảm sức mạnh, tiếng nói của các doanh nghiệp Việt Nam, và khả năng xét xử tòa án, trọng tài tại Việt Nam khi có tranh chấp liên quan đến CISG.

Để kết thúc bài viết này, tác giả xin được trích dẫn lời phát biểu của ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, tại buổi Tọa đàmKỹ năng và Kinh nghiệp Trọng tài Thương mại Quốc tế” được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tổ chức vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội: “Việt Nam có thể coi là một quốc gia hội nhập bậc nhất ở Đông Nam Á, ngoài việc là thành viên của WTO, chúng ta còn ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, mà gần đây nhất là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP. Cách đây vài ngày, Chủ tịch nước đã ký tham gia Công ước quốc tế về mua bán hàng hóa năm 1980 (CISG). Là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế, chúng ta phải tham gia vào Luật chơi chung của Quốc tế. Việc phát triển Trọng tài thương mại là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập này.”

 

Phạm Thị Hồng Đào

Văn phòng luật sư Thạnh Hưng



[1] Điều 4. Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật

1. Pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay được áp dụng đối với quan hệ xã hội phát sinh trong tàu bay đang bay và áp dụng để xác định các quyền đối với tàu bay.

2. Pháp luật của quốc gia nơi ký kết hợp đồng liên quan đến các quyền đối với tàu bay được áp dụng để xác định hình thức của hợp đồng.

3. Pháp luật của quốc gia nơi thực hiện việc cứu hộ hoặc giữ gìn tàu bay được áp dụng đối với việc trả tiền công cứu hộ hoặc giữ gìn tàu bay đó.

4. Pháp luật của quốc gia nơi xảy ra tai nạn do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau, do tàu bay đang bay gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại.

[2] Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế

1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

[3] 3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[4] Điều 3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật

1. Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến quyền sở hữu tài sản trên tàu biển, hợp đồng thuê tàu biển, hợp đồng thuê thuyền viên, hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý, phân chia tiền công cứu hộ giữa chủ tàu cứu hộ và thuyền bộ của tàu cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm ở vùng biển quốc tế, các vụ việc xảy ra trên tàu biển khi tàu đang ở vùng biển quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch.

2. Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tổn thất chung thì áp dụng pháp luật nơi tàu biển kết thúc hành trình ngay sau khi xảy ra tổn thất chung đó.

3. Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tai nạn đâm va, tiền công cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm xảy ra tại nội thủy hoặc lãnh hải của quốc gia nào thì áp dụng pháp luật của quốc gia đó.

Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tai nạn đâm va hoặc cứu hộ xảy ra ở vùng biển quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà Trọng tài hoặc Tòa án của quốc gia đầu tiên đã thụ lý giải quyết tranh chấp.

Trường hợp tai nạn đâm va xảy ra ở vùng biển quốc tế giữa các tàu biển có cùng quốc tịch thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch.

4. Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì áp dụng pháp luật của quốc gia nơi hàng hóa được trả theo hợp đồng.

[5] Công ước Viên về Hợp đồng Mua bán Hàng hoá Quốc tế của Liên hợp quốc được thông qua năm 1980 (viết tắt theo tiếng Anh là CISG - Convention on Contracts for the International Sale of Goods) được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Công ước này áp dụng đối với các hợp đồng mua bán giữa người mua và người bán có trụ sở thương mại tại các nước là thành viên của Công ước, song Công ước có sự nhất quán trong việc nhấn mạnh yếu tố tự do của hợp đồng, theo đó các bên có quyền quy định các điều khoản cụ thể theo thỏa thuận.

Ngày 18/12/2015 vừa qua, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (“CISG”) để trở thành viên thứ 84 của Công ước này. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã đi trước nhiều nước ASEAN khác để trở thành thành viên thứ 2 sau Singapore gia nhập Công ước quan trọng này. Công ước Viên bắt đầu có hiệu lực ràng buộc tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017.

[6] http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/vu-kien-pvn-va-xu-huong-moi-trong-xu-ly-tranh-chap-thuong-mai-122976.html

[7] http://www.trungtamwto.vn/node/913

[8] Ban tư vấn CISG (CISG-AC) được thành lập năm 2001 do nhu cầu ngày càng tăng của việc làm rõ các vấn đề tranh cãi liên quan đến CISG. CISG-AC đóng góp vào việc hướng dẫn giải thích Công ước Viên thông qua các Bình luận Chính thức.  Hiện đã có 09 Bình luận Chính thức được công bố. Xem them tại <http://www.cisgac.com/> truy cập ngày 10/8/2009.

[9] Điểm b khoản 1 Điều 1 CISG: “Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên Công ước này.