Theo Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây viết tắt là BLHS), một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt là xem xét tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể, chi tiết tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Nhìn chung, quy định của Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã góp phần quan trọng vào việc quyết định hình phạt đúng với tội phạm đã gây ra trên thực tế. Tuy nhiên, do một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chưa được hướng dẫn kịp thời và tội phạm diễn ra vô cùng đa dạng nên việc hiểu, áp dụng một vài tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chưa được thống nhất, trong đó, có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”. Để góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”, trong phạm vi bài viết này, tác giả lần lượt trình bày dấu hiệu pháp lý, vướng mắc, bất cập qua thực tiễn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” và đề xuất hoàn thiện.
1. Dấu hiệu pháp lý của tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”
Theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự thì “phạm tội nhiều lần” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bên cạnh quy định phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự còn quy định phạm tội nhiều lần là tình tiết định khung tăng nặng của nhiều tội phạm được quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự, “những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Cho nên, chỉ khi phạm tội nhiều lần không được quy định là tình tiết định khung tăng nặng trong điều luật cụ thể thì phạm tội nhiều lần mới được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Mặc dù Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn giải thích thế nào là phạm tội nhiều lần nhưng trong thực tiễn đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về tình tiết này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, “Phạm tội nhiều lần là phạm tội từ hai lần trở lên như hai lần trộm cắp, hai lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ba lần chứa mại dâm, bốn lần tham ô... và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành một tội phạm độc lập nhưng tất cả các tội phạm đó đều bị xét xử trong cùng một bản án...; Phạm tội nhiều lần là người phạm tội có nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội, nhưng hành vi đó chỉ cấu thành một tội, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp và chưa đưa ra truy tố, xét xử...”
Quan điểm thứ hai cho rằng, “Phạm tội nhiều lần là phạm từ hai tội trở lên mà những tội ấy được quy định tại cùng một điều luật (hoặc tại cùng một khoản của điều luật) tương ứng trong phần riêng Bộ luật Hình sự, đồng thời đối với những tội ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử.”
Quan điểm thứ ba cho rằng, “Phạm tội nhiều lần là có từ hai lần trở lên phạm cùng một loại tội, trong đó mỗi lần đều đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, nay các lần phạm tội đó được xét xử trong cùng một bản án.”
Quan điểm thứ tư cho rằng, “Phạm tội nhiều lần là đã từ hai lần phạm tội đó trở lên, mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành của tội phạm phải, đồng thời, trong các lần phạm tội đó, chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Bên cạnh đó, khi hướng dẫn áp dụng một số tội phạm cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” khi chúng được xác định là tình tiết định khung hình phạt.
Đối với các tội về ma túy, theo tiểu mục 2.3 mục 2 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật Hình sự thì tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước đây, khi hướng dẫn về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” đối với các tội về ma túy được Bộ luật Hình sự năm 1985 quy đinh thì liên ngành tư pháp trung ương cũng có hướng dẫn áp dụng tương tự. Theo điểm b mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (sau đây được viết tắt là Thông tư liên tịch số 10/1998), “Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 Điều 185b, khoản 2 Điều 185c, khoản 2 điều 185d, khoản 2 Điều 185e, khoản 2 Điều 185g, khoản 2 Điều 185h, khoản 2 Điều 185i, khoản 2 Điều 185k, khoản 2 Điều 185m, khoản 2 Điều 185n được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 Điều luật tương ứng; đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Đồng thời, điểm c mục 2 Phần III Thông tư liên tịch số 10/1998 còn hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với một số tội phạm khác. Theo đó, “Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 3 Điều 112a, khoản 3 Điều 113a, khoản 2 Điều 114, khoản 2 Điều 201, khoản 2 Điều 137 được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần hiếp dâm trở lên, hai lần cưỡng dâm trở lên…) và mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 Điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”
Đối với tội chứa mại dâm, đã có có sự thay đổi khi hướng dẫn áp dụng áp dụng từng thời điểm khác nhau. Trước đây, điểm b mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 01/1998 quy định “Cũng được coi là phạm tội nhiều lần người nào hiếp dâm, cưỡng dâm giao cấu… từ hai lần trở lên đối với một người.” Nay Mục 4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự lại quy định, chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” tại điểm c khoản 2 Điều 254 Bộ luật Hình sự đối với người chứa mại dâm khi thuộc 01 trong 03 trường hợp: (1) Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn); (2) Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian; (3) Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau.
Đối với 02 trường hợp, (1) Chứa mại dâm một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục; (2) Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thoả thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian thì không coi là phạm tội nhiều lần.
Đối với tội lưu hành tiền giả, theo mục 11 Phần I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ thì “Cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó). Nếu có hai lần phạm tội lưu hành tiền giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999”.
Đồng thời, tiểu mục 3.3 mục 3 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự cũng quy định tương tự, “Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự”.
Ngoài ra, để áp dụng thống nhất tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” đối với các tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới và Tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1985, Mục 6 Phần I Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng đã hướng dẫn như sau: Áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với các Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 97 Bộ luật Hình sự năm 1985) và Tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm (Điều 166 Bộ luật Hình sự năm 1985) khi ngoài lần phạm tội bị bắt quả tang mà trong quá trình điều tra người phạm tội khai trước đó có một hoặc nhiều lần buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm và có ít nhất là một lần có số lượng đã đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt "Phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 97 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng vật phạm pháp của tất cả các lần cộng lại.
Qua các quan điểm và quy định bên trên, thấy rằng, mặc dù chưa có sự thống nhất về khái niệm và dấu hiệu pháp lý của tình tiết “phạm tội nhiều lần” nhưng tổng hợp các quan điểm và quy định về tình tiết phạm tội nhiều lần trong các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự khi phải đảm bảo các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, người phạm tội đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội (từ hai hành vi phạm tội trở lên), tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau.
Thứ hai, nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
Thứ ba, tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự, có thể cùng một khoản, có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.
Trong thực tiễn, do không nắm rõ đặc điểm này nên có quan điểm cho rằng, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” khi các lần phạm tội đó phải phạm vào cùng 01 khoản trong một điều luật quy định về tội phạm cụ thể; nếu các lần phạm tội đó phạm vào các khoản khác nhau trong một điều luật quy định về tội phạm cụ thể thì không được áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”.
Thứ tư, các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án.
Thứ năm, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.
Thứ sáu, tình tiết “phạm tội nhiều lần” chưa được quy định là tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung hình phạt.
Thứ bảy, tùy vào đặc trưng của từng tội phạm cụ thể mà cơ quan có thẩm quyền quy định riêng về tình tiết “phạm tội nhiều lần”.
2. Một số vướng mắc qua thực tiễn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”
Thứ nhất, xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” đối với tội đánh bạc
Theo điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01/2010), cách xác định số lần đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá được quy định như sau: “Trường hợp đánh bạc dưới hình thức … cá độ bóng đá, ... thì … một lần cá độ bóng đá… (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là … tham gia cá độ trong một trận bóng đá, ... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.”
Đồng thời, theo điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 thì “Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự”.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng lại có cách hiểu khác nhau. Chúng tôi xin nêu ví dụ như sau:
Từ ngày 24/11/2012, L.V.T bắt đầu bán kèo cá cược bóng đá ăn thua bằng tiền tại nhà thuộc tổ 20, khóm C, phường C, thị xã T, tỉnh T cho nhiều người tham gia cá cược các giải bóng đá nước ngoài diễn ra vào đêm thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Sau đó, T tổng hợp nhập vào hai trang mạng cá cược Sbobet và Ibet888 do Th (không rõ họ và địa chỉ) giao cho T để hưởng tiền hoa hồng 0,5% trên tổng số tiền cá cược.
Khoảng 18 giờ 15 phút ngày 02/12/2012, T mở 02 trang mạng để lấy kèo. Sau đó, T bán kèo cá cược trực tiếp và thông qua điện thoại cho nhiều người tham gia cá cược với tổng số tiền 37.700.000 đồng. Trong đó, xác định được P.T.H mua kèo cá cược cùng lúc 05 trận đấu với tổng số tiền 13.600.000 (gồm: trận Granada gặp Espanyol với số tiền 4.600.000 đồng; trận Cologne gặp Ingolstadt số tiền 2.000.000 đồng; trận Napoli gặp Pescara số tiền 2.000.000 đồng; trận Genoa gặp Chievo số tiền 3.000.000 đồng; trận Deportivo gặp Real Betis số tiền 2.000.000 đồng). Ngoài ra còn một số người khác mua kèo (nhưng không xác định được họ tên, địa chỉ) mỗi người mua 01 trận (số tiền mỗi trận từ 500.000 đồng đến 1.700.000 đồng) với tổng số tiền 24.100.000 đồng.
Đến 21 giờ cùng ngày, trong lúc T đang xem bóng đá thì bị Lực lượng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an thị xã T kiểm tra và bắt quả tang.
Sau đó, T và H bị khởi tố, truy tố về tội “Đánh bạc” với số tiền đánh bạc của mỗi người lần lượt là 37.700.000 đồng và 13.600.000 đồng. Việc xác định T và H có phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” hay không đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, do H mua nhiều trận và số tiền mỗi trận đều từ 2.000.000 đồng trở lên nên H và T phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng, do H mua cùng lúc nhiều trận bóng đá nên chỉ xem là H, T đánh bạc 01 lần và không thể áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” đối với H và T.
Chúng tôi cho rằng, mỗi quan điểm đều có những hạt nhân hợp lý. Nếu căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 được viện dẫn bên trên thì H và T phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào dấu hiệu thời gian thì rõ ràng việc T, H mua bán số đề không đảm bảo do họ mua bán cùng lúc nhiều trận bóng đá. Bên cạnh đó, đặc thù của hành vi cá độ bóng đá, thông thường người cá độ chơi nhiều trận bóng đá cùng lúc (nhất là nhiều trận diễn ra cùng lúc hoặc chênh lệch thời gian không đáng kể 05 phút, 10 phút). Việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cá độ bóng đá phải xem xét toàn bộ việc cá độ các trận bóng đá cùng lúc.
Tương tự, việc xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” đối với việc đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá cược đua ngựa cũng gặp vướng mắc tương tự. Cho nên, để có sự thống nhất, phù hợp với đặc thù của tội đánh bạc, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” vào Nghị quyết số 01/2010.
Thứ hai, đối với tội trộm cắp tài sản, khoảng cách giữa các hành vi chiếm đoạt trong bao lâu thì được xác định là nhiều lần chiếm đoạt để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”
Đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút. Cho nên, trong một khoảng thời gian nhất định, người phạm tội có thể chiếm đoạt nhiều tài sản. Tuy nhiên, do không có quy định về khoảng cách giữa các lần chiếm đoạt để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” nên chưa có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Chúng tôi xin nêu vướng mắc qua 02 vụ án sau:
Vụ án thứ nhất: Khoảng 8 giờ ngày 11/10/2014, N.Q.Đ điều khiển xe đạp đến Cửa hàng điện thoại Tr.Th (tại số 39, đường Q.Tr, tổ 23, ấp T, xã N, huyện T, tỉnh A) để chiếm đoạt điện thoại. Tại đây, Đ giả vờ hỏi mua điện thoại Iphone 04 rồi yêu cầu bà L.T.Nh (chủ cửa hàng) cài đặt phần mềm. Trong lúc bà Nh không quan sát, Đ chồm người qua tủ trưng bày điện thoại, đẩy cửa kính chiếm đoạt 01 điện thoại Nokia Lumia 630, vỏ màu cam, giấu trong túi áo khoác. Sau khi chiếm đoạt điện thoại Nokia Lumia 630 màu cam, Đ quan sát không thấy ai để ý nên khoảng 02 phút sau, Đ tiếp tục chiếm đoạt điện thoại Nokia Lumia 630, võ màu vàng. Khi Đ đang cầm điện thoại màu vàng trên tay thì bị chị L.Th.Q (cháu bà Nh, phụ giúp bà Nh bán hàng) từ nhà đi đến Cửa hàng Tr.Th phát hiện nên truy hô. Q giữ Đ lại; còn bà Th gọi điện báo Công an xã N đến mời Đ về trụ sở xử lý.
Theo biên bản định giá tài sản số 296/BB-ĐG ngày 14/10/2014 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện T xác định, 02 điện thoại di động bị chiếm đoạt có giá 6.200.000 đồng (3.100.000 đồng/cái).
Đ bị truy tố xét xử về tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự và phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Vụ án thứ hai: Do thuê phòng trọ gần nhà bà T.Th.H và ông Đ.H.Ph (thuộc tổ 5, ấp TB, thị trấn AP, huyện A, tỉnh A) nên K.Q.Th biết thời gian sinh hoạt của gia đình bà H, ông Ph. Khoảng 22 giờ ngày 20/9/2012, lợi dụng lúc bà H, ông Ph đi vắng, Th mang theo tua vít đến nhà ông Ph, bà H. Tại đây, Th dùng cây tua vít mở 04 ốc khoen cửa phía sau nhà bà H, ông Ph đột nhập vào bên trong. Th đến két sắt chiếm đoạt 116.000.000 đồng. Do nghe tiếng động từ nhà bên cạnh, sợ bị phát hiện nên Th ngồi im trong phòng ngủ của ông Ph, bà H khoảng 15 phút. Thấy im lặng, Th tiếp tục chiếm đoạt 01 dây chuyền vàng 18 kara, trọng lượng 3,5 chỉ, 01 nhẫn vàng 24 kara, trọng lượng 0,5 chỉ. Khoảng 22 giờ 30 cùng ngày, ông Ph, bà H về nhà. Sợ bị phát hiện, Th vào nhà bếp ẩn náo. Đến khoảng 23 giờ 30, khi biết ông Ph, bà H đã ngủ, Th tiếp tục chiếm đoạt 02 điện thoại di động Iphone 5 của ông Ph, bà H rồi tẩu thoát bằng cửa phía sau. Đến ngày 22/9/2012, Th bị bắt giữ.
Theo biên bản định giá số 135/BB-ĐG ngày 26/11/2012 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện A, xác định: 01 dây chuyền vàng 18 kara, trọng lượng 3,5 chỉ, trị giá 11.400.000 đồng; 01 nhẫn vàng 24 kara, trọng lượng 0,5 chỉ, trị giá 2.300.000 đồng; 02 điện thoại di động Iphone 5, trị giá mỗi cái 5.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà Th chiếm đoạt là 139.700.000 đồng.
Th bị truy tố xét xử về tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Th không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Qua 02 vụ án trên, chúng ta thấy rằng, đã không có sự áp dụng thống nhất về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”. Trong vụ án thứ nhất, Đ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” với lập luận các lần Đ chiếm đoạt tài sản có sự gián đoạn về thời gian và giá trị tài sản bị chiếm đoạt của từng lần đều trên 2.000.000 đồng. Đối với vụ án thứ hai, Th không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” do các tài sản mà Th chiếm đoạt chỉ trong 01 lần Th đột nhập vào nhà ông Ph, bà H.
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, thời gian giữa các lần Th chiếm đoạt tài sản của ông Ph, bà H cách xa hơn thời gian giữa các lần Đ chiếm đoạt tài sản của bà Nh. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về thời gian giữa các hành vi chiếm đoạt để xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” nên khó xác định cách giải quyết nào là thiếu chính xác. Để có cách hiểu, áp dụng thống nhất, kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
Thứ ba, đối với các tội xâm phạm sở hữu, trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội, giá trị tài sản của từng lần chiếm đoạt đều trên định lượng và tổng giá trị các tài sản bị chiếm đoạt đủ định lượng định khung của điều luật tương ứng thì người phạm tội có phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” hay không
Hầu hết các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt được quy định tại các điều từ Điều 133 đến Điều 140 Bộ luật Hình sự đều có quy định định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là tình tiết định khung. Tuy nhiên, đã có sự áp dụng thiếu thống nhất trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” khi người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà giá trị tài sản của từng lần chiếm đoạt đều trên định lượng và tổng giá trị các tài sản bị chiếm đoạt đáp ứng định lượng của tình tiết định khung tăng nặng trong điều luật tương ứng. Chúng tôi xin nêu vướng mắc qua vụ án cụ thể như sau:
Khoảng 01 giờ ngày 16/6/2013, Ph.Th.L đi tìm tài sản chiếm đoat. Khi đến khu vực tổ 16, khóm H.B, phường V.M, thành phố C, tỉnh A, L nhìn thấy cửa sau nhà bà C.Th.Th.Tr không khoá nên L đột nhập vào nhà chiếm đoạt 02 điện thoại di động (trị giá 9.600.000 đồng) và 47.000.000 đồng. Đến ngày 20/8/2013, L bị bắt.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an thành phố C còn xác định L còn 02 lần khác chiếm đoạt tài sản của người khác.
Lần thứ nhất: Vào khoảng 23 giờ ngày 11/5/2013, trên đường đi tìm tài sản chiếm đoạt, L phát hiện nhà ông Tr.Ng.D (thuộc tổ 5, ấp K.B, xã K.A, huyện C.P, tỉnh A) có dựng 01 xe mô tô biển số 67H1- 3421 (trị giá 17.000.000 đồng), để sẵn ổ khóa trong xe không người trông coi nên vào chiếm đoạt mang đi bán được 9.000.000 đồng.
Lần thứ hai: Vào khoảng 20 ngày 20/5/2013, L đột nhập vào nhà ông Ng.V.Ng (thuộc tổ 7, ấp Kh.Đ, xã Kh.A, huyện C.P, tỉnh A) chiếm đoạt 01 điện thoại di động (trị giá 3.000.000 đồng), 01 xe mô tô 67L1-8732 (trị giá 10.000.000 đồng) và 34.000.000 đồng.
Do tổng giá trị tài sản mà L chiếm đoạt là 120.600.000 đồng nên L bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, do tài sản trong cả 03 lần L chiếm đoạt đều trên 2.000.000 đồng nên đã có quan điểm khác nhau trong về việc có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” đối với L hay không.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, L đã 03 lần lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, giá trị tài sản mà L chiếm đoạt mỗi lần đều trên mức định lượng của tội trộm cắp tài sản nên mỗi lần L chiếm đoạt tài sản đều đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, tổng giá trị tài sản của các lần mà L chiếm đoạt là 120.600.000 đồng nên L phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, Điều 138 Bộ luật Hình sự không quy định “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định tội, định khung hình phạt nên L còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự đối với L là không đúng. Bởi vì, khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định, “Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Trong khi đó, mặc dù, tài sản trong các lần mà L chiếm đoạt đều trên định lượng của tội trộm cắp tài sản nhưng giá trị tài sản của các lần chiếm đoạt đã được cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự L theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, về mặt bản chất, tình tiết “phạm tội nhiều lần” là nguyên nhân, tiền đề để xác định giá trị tài sản làm căn cứ để truy tố L theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Cho nên, nếu áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” sẽ làm bất lợi cho L.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất. Trước tiên, chúng ta thấy rằng, đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi và có nhiều quan điểm khác nhau trong thời gian qua. Thẩm chí, có những trường hợp, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã kháng nghị hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản rút kinh nghiệm trong toàn ngành kiểm sát của tỉnh đó. Trở lại nội dung vụ án, vấn đề ở đây cần xem xét lại về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng các trường hợp tương tự.
Về lý luận, rõ ràng tình tiết tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự và tình tiết “phạm tội nhiều lần” tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự đều là tình tiết hình sự. Trong khi đó, tình tiết hình sự được hiểu “là những biểu hiện của tội phạm bao gồm những biểu hiện của hành vi phạm tội, những điều kiện, đặc điểm của người phạm tội, những hoàn cảnh, tình huống, đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện tội phạm qua đó phản ánh tính nguy hiểm của tội phạm, trách nhiệm hình sự của người phạm tội phản ánh quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm cũng như chính sách hình sự của Nhà nước.” Tùy theo những tiêu chí khác nhau mà tình tiết hình sự được phân thành những loại khác nhau. Nếu dựa vào ý nghĩa, tầm quan trọng của tình tiết hình sự đối với cấu thành tội phạm cụ thể và hậu quả pháp lý khi các tình tiết thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì tình tiết hình sự được phân thành: (1) tình tiết định tội; (2) tình tiết định khung hình phạt; (3) tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; … Trong đó, tình tiết định khung hình phạt là những tình tiết của tội phạm phù hợp và thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt (cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ) của những tội phạm cụ thể; còn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là các tình tiết hình sự phản ánh mức độ nguy hiểm hơn của hành vi phạm tội so với trường hợp phạm tội không có tình tiết hình sự này.
Dựa vào quy định của Bộ luật Hình sự và thực tiễn áp dụng, tình tiết định khung hình phạt và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có những điểm khác nhau cơ bản:
Thứ nhất, nếu như tình tiết định khung hình phạt được vận dụng để xác định hành vi phạm tội phạm vào khoản nào của điều luật quy định tội phạm cụ thể, là căn cứ phân hóa trách nhiệm hình sự thì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự lại là căn cứ quyết định hình phạt, cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi có hành vi phạm vào tội phạm cụ thể.
Thứ hai, nếu tình tiết định khung hình phạt chỉ áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể thì tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng cho tất cả các tội phạm hoặc nhiều tội phạm khác nhau.
Thứ ba, về căn cứ áp dụng, tình tiết định khung hình phạt được quy định trong cấu thành tăng nặng hoặc giảm nhẹ do điều luật về tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự quy định; còn tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định duy nhất tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Thứ tư, tùy thuộc vào từng tội phạm khác nhau mà vai trò của tình tiết hình sự được biểu hiện khác nhau. Có tình tiết hình sự là yếu tố định khung hình phạt ở tội này nhưng ở tội khác chúng chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong thực tiễn, khi giải quyết vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản” có nội dung tương tự vụ án này theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã buộc phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, “L.Ng.T đã 09 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt, tổng cộng 2.323.000.000 đồng của Công ty Cổ phần nội thất H.P nên ngoài việc phạm vào tình tiết định khung về tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị cáo còn phạm vào tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo là thiếu sót.”
Không những thế, nghiên cứu một số tội phạm trong phần tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự, chúng ta thấy rằng, bên cạnh cạnh quy định định lượng giá trị tài sản chiếm đoạt, nhà làm luật còn quy định tình tiết phạm tội nhiều lần là tình tiết định khung hình phạt. Đó là các tội: Tội buôn lậu (các điểm d, đ, k khoản 2 Điều 153); tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (các điểm a, b, đ khoản 2 Điều 154); các tội về ma túy từ Điều 193 đến Điều 196; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (các điểm b, d khoản 2 Điều 226b); Tội rửa tiền (các điểm c, e g khoản 2 Điều 251); tội tham ô tài sản (các điểm c, d khoản 2 Điều 278); tội nhận hối lộ (các điểm c, e khoản 2 Điều 279)…
Như vậy, tình tiết hình sự là tình tiết định khung hình phạt hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phải được xác định dựa vào từng tội phạm cụ thể. Trong đó, việc xác định tình tiết định khung hình phạt phải dựa vào từng tội phạm cụ thể được quy định trong phần tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự; còn việc xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phải dựa vào khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Qua thực tiễn và quy định tại một số tội phạm cụ thể khác của Bộ luật Hình sự, tình tiết “phạm tội nhiều lần” với tình tiết định lượng là dấu hiệu định khung vẫn được quy định trong cùng điều luật. Có nghĩa rằng, việc cộng giá trị định lượng của các lần phạm tội để xem xét là tình tiết định khung hình phạt không ảnh hưởng đến việc có áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội hay không. Trong quá trình áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” chỉ được xem là tình tiết định khung khi chúng được quy định rõ trong khung hình phạt tăng nặng của điều luật quy định về tội phạm cụ thể. Chúng ta không được suy đoán từ nguyên nhân, kết quả của tình tiết khác để cho rằng tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung khi điều luật đó không quy định.
Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất, liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn để khắc phục việc hiểu, áp dụng khác nhau trong thời gian qua.
3. Một vài kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục các vường mắc, bất cập bên trên, kiến nghị các nội dung sau:
Thứ nhất, đối với tội đánh bạc, để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” phù hợp với đặc thù của tội đánh bạc, kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 nội dung như sau:
“Trường hợp một người tham gia chơi nhiều lô đề, tham gia cá độ nhiều trận bóng đá, tham gia cá độ trong nhiều kỳ đua ngựa mà số tiền của từng lô đề, từng trận bóng đá, từng kỳ đua ngựa đều trên định lượng thì chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự nếu người đó mua các lô đề, cá độ các trận bóng đá, cá độ các kỳ đua ngựa không cùng một lúc. Nếu người đó mua các lô đề, cá độ các trận bóng đá, cá độ các kỳ đua ngựa ở nhiều thời điểm khác nhau thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.”
Thứ hai, đối với việc xác định các lần chiếm đoạt đối với tội trộm cắp tài sản, kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương cần hướng dẫn theo hướng sau:
Trong trường hợp các lần chiếm đoạt độc lập, tách bạch về thời gian thì khi các lần chiếm đoạt đều đủ định lượng của tội trộm cắp tài sản thì xác định là nhiều lần phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt nhưng các hành vi đó diễn ra trong khoảng thời gian, không gian nhất định thì chỉ xem là 01 lần phạm tội mà không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” cho dù các lần chiếm đoạt đều đủ định lượng của tội trộm cắp tài sản.
Thứ ba, để có sự áp dụng thống nhất trong việc định tội, quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội, giá trị tài sản của từng lần phạm tội đều trên định lượng và tổng giá trị các tài sản bị chiếm đoạt đáp ứng khung hình phạt tăng nặng của điều luật tương ứng, kiến nghị liên ngành tư pháp trung cần hướng dẫn theo hướng:
“Đối với các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại các điều từ Điều 133 đến Điều 140 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần phạm tội mà tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt của các lần phạm tội đó đủ định lượng của tình tiết định khung hình phạt trong tội phạm tương ứng thì người phạm tội phải bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng và họ còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.”
Bên cạnh đó, để thống nhất áp dụng tình tiết định khung tại các điều luật khác, liên ngành tư pháp trung ương cần hướng dẫn về cách áp dụng tình tiết định khung “phạm tội nhiều lần” như sau:
“Tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung hình phạt khi khung hình phạt trong điều luật về tội phạm cụ thể có quy định rõ về tình tiết này. Trong trường hợp, định lượng là tình tiết định khung của điều luật về tội phạm cụ thể được cộng từ định lượng của các lần phạm tội cụ thể thì người phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.”
Việc áp dụng đúng, chính xác tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó, có tình tiết “phạm tội nhiều lần” sẽ giúp Tòa án quyết định hình phạt đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội gây ra. Do chưa được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết nên việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” trong thời gian qua còn có những vướng mắc, hạn chế nhất định. Vì vậy, việc tổng hợp, đánh giá thực tiễn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này để đề xuất khắc phục là cần thiết. Với các đề xuất trong bài viết này, tác giả mong được góp phần hoàn thiện quy định về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như bảo vệ quyền lợi ích của người phạm tội ngày càng tốt hơn.
ThS. Thái Chí Bình