Hiểu như thế nào cho đúng về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

07/05/2015
 

Phòng Tư pháp huyện G nhận được công văn của UBND xã E đề nghị kiểm tra tính pháp lý đối với hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng đối với Nguyễn Văn H, sinh 11/9/1998 là người địa phương, tóm tắt nội dung vi phạm của H như sau:

Từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 12 năm 2014, H đã có hành vi chửi bới, xúc phạm bố mẹ 3 lần, bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã. Từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 4 năm 2015, H tiếp tục có hành vi chửi bới, xúc phạm bố mẹ 1 lần và một lần ăn cắp tiền của bố mẹ, bị xử phạt vi phạm hành chính. Bố, mẹ H có đơn đề nghị đưa H vào trường giáo dưỡng. Căn cứ hành vi vi phạm của H, UBND xã E đã giao Công an xã thiết lập hồ sơ và tiến hành các thủ tục cần thiết hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu UBND xã E gửi Phòng Tư pháp huyện kiểm tra tính pháp lý.

Sau khi nhận hồ sơ, phòng Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu, kiểm tra tính pháp lý thì xảy ra hai nhóm ý kiến khác nhau về hai vấn đề chính:

Một là, có đủ điều kiện để đưa H vào trường giáo dưỡng hay không? Về vấn đề này có hai loại ý kiến đưa ra.

+ Loại ý kiến thứ nhất cho rằng đã có đủ điều kiện để xem xét đưa H vào trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể H thuộc đối tượng 4. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.” Theo ý kiến này thì H đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, trong vòng 6 tháng bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần về gây rối trật tự công cộng nên đủ điều kiện bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

+ Loại ý kiến thứ hai cho rằng H chưa đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 vì H mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính một lần về hành vi trộm cắp còn hành vi xúc phạm, chửi bới bố mẹ dù bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không phải là hành vi vi phạm hành chính về gây rối trật tự công cộng mà là hành vi vi phạm hành chính về phòng chống bạo lực gia đình (cả hai hành vi này được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

Chúng tôi có cùng quan điểm với loại ý kiến thứ hai.

Hai là, có thể áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với H theo quy định của khoản 2, Điều 43 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay không? Về vấn đề này cũng có hai loại ý kiến đưa ra.

+ Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, có thể áp dụng được vì khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008 đã quy định:

“2. Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

3. Thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”

Hành vi chửi bới, xúc phạm bố mẹ của H là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008, cụ thể:

Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;”

+ Loại ý kiến thứ hai cho rằng không thể áp dụng quy định khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008 để đưa H vào trường giáo dưỡng vì Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định đối tượng này, cụ thể, Điều 91 và Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ quy định:

Điều 91. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

1. Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 của Luật này nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng.

Điều 92. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”

Loại ý kiến này cho rằng, do Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 ra đời sau Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nên quy định về đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải ưu tiên áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cơ sở của nội dung này là quy định tại khoản 3  Điều  83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, cụ thể:

“Điều 83. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.”

Chúng tôi có cùng quan điểm với loại ý kiến thứ hai.

Hai vấn đề trên vẫn đang tiếp tục được tranh luận với các lập luận và lý lẽ riêng của hai nhóm, rất mong nhận được sự trao đổi, thảo luận của các bạn đồng nghiệp, bạn đọc quan tâm./.

Nguyễn Văn Đại - Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh