Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương

14/04/2015
 

Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn (hay còn gọi là chính quyền cấp xã) có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị - hành chính. Là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, đảm bảo cho các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được triển khai thực hiện trong cuộc sống.

Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở, trong hoạt động thi hành công vụ. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp xã nói riêng và hệ thông chính trị nói chung, xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ CBCC cấp xã. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã vững vàng về chính trị, văn hóa, có đạo đức lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi chức năng, nhiệm hiệm vụ theo đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phục vụ nhân dân... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng và hiệu quả công việc, là khâu then chốt trong sự nghiệp cách mạng, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào những thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “ Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ, giải thích cho dân chúng hiểu và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[1].

1. Thực trạng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, nước ta có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã[2], bao gồm 1.567 phường, 597 thị trấn và 9064 xã, với tổng số trên 222.735 cán bộ, công chức và 317.766 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Đây là những người trực tiếp thực hiện và đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện.

a) Những kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 18/03/2002 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong những năm qua, đội ngũ CBCC đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm cán bộ đã được thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định, bước đầu bố trí các chức danh công chức phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo; việc quản lý, sử dụng công chức đã dần đi vào nề nếp, hầu hết số công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đều có trách nhiệm với công việc và vị trí công tác được giao, từng bước thực hiện tốt chế độ tiền lương, quy định đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với CBCC, vì vậy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Đặc biệt là từ khi có Luật Cán bộ công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 114/2003/NĐ-CP; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV; Nghị định số 112/2012/NĐ-CP thì đội ngũ CBCC không ngừng được kiện toàn, củng cố, phần lớn được rèn luyện, thử thách trong quá trình công tác, được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, góp phần giúp hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và Ủy ban nhân dân cấp xã nói riêng có chuyển biến và hiệu quả hơn.

Đến nay cơ bản đội ngũ CBCC có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao các mặt công tác, khơi dậy được nguồn lực của nhân dân, nâng cao trình độ dân sinh, dân trí, dân chủ ở cơ sở, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đảm bảo an ninh, chính trị, quốc phòng ở các địa phương và trên địa bàn cấp xã.

b) Một số tồn tại, hạn chế

Cùng với nhiều nỗ lực, cố gắng và sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã thì hiện nay công tác cán bộ đối với đội ngũ CBCC cấp xã vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể:

Một là, một số CBCC cấp xã do chuyển từ cơ chế cũ, được hình thành từ nhiều nguồn nên cơ cấu chưa đồng bộ, trình độ, phẩm chất, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.  

Hai là, trình độ các mặt của một số cán bộ cấp xã còn quá thấp so với yêu cầu, nhiệm vụ, nên mặc dù đã qua đào tạo, bồi dưỡng nhưng do đầu vào không bảo đảm nên chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng không cao, các lớp bồi dưỡng chủ yếu là ngắn hạn nên hiệu quả thấp dẫn đến cán bộ không biết việc để làm hoặc không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, một số chức danh cán bộ cấp xã tuy đã đạt tiêu chuẩn về trình độ, nhưng do độ tuổi cao, năng lực hạn chế lại chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lí nhằm động viên, khuyến khích các cán bộ trên nghỉ việc nên chưa thể bố trí, bổ nhiệm được cán bộ trẻ để thay thế.

Bốn là, một số nơi vẫn còn tình trạng cán bộ đi học theo kiểu chạy bằng cấp, để đủ tiêu chuẩn theo quy định; nhiều cán bộ dù đã đạt chuẩn nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống; một số cán bộ chưa chịu khó học tập, rèn luyện, tác phong công tác, nề nếp làm việc chuyển biến chậm, cán bộ còn thiếu sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng nhiệm vụ chính trị của địa phương, nên chưa có những giải pháp tốt, mang tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, chất lượng CBCC cấp xã còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ, một số nơi việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của cấp trên xuống cơ sở không kịp thời, đầy đủ; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cơ sở còn chậm; giải quyết công việc còn nhiều sai sót, dẫn đến việc khiếu nại, gửi đơn thư vượt cấp... Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận CBCC cấp xã ý thức trách nhiệm với công việc không cao, làm việc theo kiểu cầm chừng, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Sáu là, ở một số địa phương, một số CBCC cấp xã hoạt động chưa thực sự dựa vào pháp luật, đôi khi còn giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan, việc ứng xử với nhân dân, với cộng đồng còn nặng về tập quán, thói quen, tình cảm, một số CBCC cấp xã tư tưởng dao động, không dám làm việc trong những thời điểm “nóng”,… một số ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm với nhân dân, chưa thật sự tâm huyết với công việc, một số ít có biểu hiện suy thoái đạo đức, mất đoàn kết, cơ hội, bè phái, cục bộ gia đình, dòng họ đã làm giảm lòng tin của cán bộ và nhân dân.

Bảy là, một số CBCC tuy có trình độ nhưng năng lực các mặt còn hạn chế, đặc biệt là năng lực, kỹ năng hành chính (thể hiện qua việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản, xử lý tình huống hành chính, thực thi công vụ…); một số làm việc thụ động, cầm chừng, trách nhiệm không cao, không nắm rõ tình hình địa phương, tình hình công việc; một số ít có biểu hiện thiếu trách nhiệm, chưa thật sự quan tâm đến cơ sở và kể cả công chức chuyên môn cấp xã theo ngành, lĩnh vực phụ trách.

Tám là, một số CBCC cấp xã (kể cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính có phần chưa nghiêm; trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của công chức là thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa phát huy đúng mức nên có phần ảnh hưởng đến phong cách, tác phong, lề lối làm việc của CBCC, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong tiến trình xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần Hiến pháp năm 2013

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trên thì làm tốt công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt cơ sở là một nhiệm vụ cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đó và đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Theo chúng tôi, trong thời gian tới chúng ta cần thực hiệm một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, cần rà soát, tổng hợp đội ngũ CBCC cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định, CBCC đạt chuẩn về trình độ nhưng có độ tuổi cao, năng lực hạn chế chưa đủ điều kiện nghỉ hưu để xem xét từng trường hợp cụ thể;

Hai là, đề xuất, vận dụng hợp lý chính sách khuyến khích đối với cán bộ cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ có độ tuổi cao, năng lực hạn chế chưa đủ điều kiện nghỉ hưu tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc;

Ba là, đề nghị cấp có thẩm quyền quy định chế độ tiền lương và định mức biên chế đối với CBCC phù hợp với từng khu vực, vùng, miền và phân loại đơn vị hành chính các cấp; đề xuất ban hành quy chế, chính sách thu hút cán bộ, sinh viên giỏi có trình độ Đại học, trên Đại học về công tác tại xã;

Bốn là, phối hợp thực hiện tốt việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ cấp xã; đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước;

Năm là, thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu bầu cử các vị trí cấp trưởng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước phải đảm bảo yêu cầu về trình độ (Đại học trở lên, ưu tiên học chính quy), năng lực tốt và có trình bày đề án, kế hoạch hoặc giải pháp tốt phát triển ngành, lĩnh vực liên quan (điều kiện đặc biệt có thể miễn);

Sáu là, đổi mới và nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại CBCC (có sự tham gia nhận xét của các cơ quan, đơn vị cấp huyện đối với đánh giá CBCC cấp xã và có sự tham gia nhận xét của cấp xã, cơ quan cùng cấp có liên quan theo từng ngành tương ứng đối với đánh giá CCVC cấp huyện); nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cấp huyện trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá đội ngũ CBCC; xây dựng kế hoạch, quy hoạch, làm tốt công tác quy hoạch CBCC; kiên quyết xử lý đối với CBCC trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời thay thế, luân chuyển và mạnh dạn đề bạt công chức trẻ có năng lực, đủ sức đảm đương nhiệm vụ theo yêu cầu mới;

Bảy là, phối hợp thực hiện tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã bầu hoặc phê chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 35/2012/NQ-QH13[3];

Tám là, phối hợp thực hiện tốt việc giao ban định kỳ (theo tháng hoặc quý) giữa cơ quan cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã để nhận xét, đánh giá, hướng dẫn kịp thời công tác chuyên môn; xây dựng quy chế và tăng cường công tác điều động, luân chuyển CBCC cấp huyện về làm việc tại xã, thị trấn và CBCC cấp xã lên làm việc ở huyện; thực hiện tốt quy định về điều động, luân chuyển CBCC cấp xã thành công chức cấp huyện (điều động, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, chuyên viên cấp huyện có năng lực, phẩm chất tốt làm cán bộ lãnh đạo cấp xã; điều động, bổ nhiệm CBCC cấp xã có năng lực, phẩm chất tốt làm lãnh đạo, chuyên viên cấp huyện; từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương, tạo động lực cho CBCC tích cực làm việc, nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở vừa tạo sự liên thông trong đội ngũ CBCC ở các cấp.

Chín là, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ quy hoạch, gắn với sử dụng, đúng với ngạch và chức danh cán bộ, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống theo từng chức danh CBCC cụ thể. Cử CBCC tham gia đào tạo;

Mười là, cụ thể hóa các quy định của từng địa phương, trung ương áp dụng vào tình hình cụ thể ở địa phương để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng hiệu quả hoạt động của Ủy ban nhân dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ CBCC;

Mười một là, đổi mới mạnh mẽ, một cách đồng bộ tác phong và tư duy làm việc của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và toàn thể nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở; kiên quyết loại trừ tư tưởng cục bộ, không ủng hộ cái mới, chậm chuyển biến, đổi mới phong cách lãnh đạo và nề nếp làm việc trì trệ của đội ngũ CBCC;

Mười hai là, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công vụ; mạnh dạn xử lý CBCC nhũng nhiễu, hách dịch, gây khó khăn cho công dân.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, đây là một sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Nhằm đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Hiến pháp mới đã quy định một cách khái quát và xác định nguyên tắc về mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương[4]. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã vững vàng về chính trị, có đạo đức lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi chức năng, nhiệm hiệm vụ theo đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phục vụ nhân dân... có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở, góp phần xây dựng thành công Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.

                                                                                                                        Việt Tiến



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2002, t5, tr269

 [2]Xem mạng lưới điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội, http://vbsp.org.vn/

[3] Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội: Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

 [4] Xem: Chương IX từ Điều 110 đến Điều 116, Hiến pháp năm 2013