Quy định về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, vướng mắc, kiến nghị hoàn thiện

08/04/2015
 

Theo Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây được viết tắt là BLTTDS), cá nhân, cơ quan, tổ chức do BLTTDS quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong đời sống xã hội, tồn tại nhiều quan hệ pháp luật đan xen vào nhau và chúng gắn chặt với nhau. Một cá nhân, cơ quan, tổ chức thường là chủ thể trong nhiều quan hệ pháp luật đó. Khi một quan hệ phát sinh mâu thuẫn thường kéo theo các quan hệ pháp luật khác mâu thuẫn theo hoặc khi một vài chủ thể trong cùng quan hệ pháp luật cùng mâu thuẫn sẽ ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các chủ thể khác trong quan hệ pháp luật đó. Cho nên, khi một tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự của mình sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khác. Chính vì vậy, khi giải quyết yêu cầu khởi kiện, đòi hỏi Tòa án phải đảm bảo sự tham gia đầy đủ các chủ thể trong quan hệ pháp luật đó hoặc các chủ thể trong các quan hệ pháp luật khác có liên quan đến quan hệ pháp luật đang tranh chấp. Để đảm bảo quyền khởi kiện của các chủ thể khác tham gia vào vụ án phát sinh từ yêu cầu của người khởi kiện, cũng như giúp giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác, BLTTDS quy định cá nhân, tổ chức này có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện của mình trong cùng vụ án. Theo đó, yêu cầu của bị đơn được xác định là yêu cầu phản tố; yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được xác định là yêu cầu độc lập.

Nhìn chung, quy định của BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập tương đối đầy đủ, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng quy định về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đã phát sinh một vài vướng mắc, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự. Để góp phần hoàn thiện quy định BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, trong phạm vi bài viết này, tác giả lần lượt trình bày quy định của BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, vướng mắc qua thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện quy định BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.

1. Quy định của BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

1.1. Về yêu cầu phản tố

Theo khoản 4 Điều 60 và khoản 1 Điều 176 BLTTDS, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Với quy định trên, phản tố có thể được hiểu là việc bị đơn khởi kiện lại nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Mục đích của yêu cầu phản tố là để bù trừ nghĩa vụ, khấu trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Về bản chất, yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập. Nhưng vì yêu cầu này có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án đang được giải quyết và nhằm cho vụ án giải quyết chính xác, nhanh chóng hơn nên bị đơn có quyền yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án. Trong trường hợp, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập thì vụ án vẫn được tiếp tục. Khi đó, Tòa án sẽ ban hành quyết định đình chỉ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập và ra thông báo thay đổi địa vị tố tụng cho đúng với tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án.

Về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, khoản 1 Điều 176 BLTTDS quy định, cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đồng thời, khoản 3 Điều 176 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Với các quy định này có thể hiểu, khoảng thời gian mà bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố chỉ trong khoảng thời gian từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án cho đến trước thời điểm Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu của yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sẽ muộn hơn. Bởi vì, về nguyên tắc, yêu cầu độc lập chỉ được đưa ra sau khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết việc Tòa án đang giải quyết vụ án và họ được đưa vào tham gia tố tụng trong cùng vụ án.

Về điều kiện của yêu cầu phản tố, theo khoản 2 Điều 176 BLTTDS, để yêu cầu phản tố được Tòa án chấp nhận thụ lý, giải quyết trong cùng vụ án thì yêu cầu đó phải đảm một trong các điều kiện: (1) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (2) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và (3) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Đồng thời, các khoản 3, 4 và 5 Điều 13 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 05/2012) còn hướng dẫn chi tiết các điều kiện của yêu cầu phản tố. Theo đó, yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, theo các khoản 1, 2 Điều 13 Nghị quyết số 05/2012, khi xem xét các điều kiện của yêu cầu phản tố, cần lưu ý, được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết. Đồng thời, cần phân biệt yêu cầu phản tố với ý kiến của bị đơn. Theo đó, chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).

Về trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu phản tố, theo Điều 178 BLTTDS thì thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Cho nên, trình tự giải quyết yêu cầu phản tố cũng được thực hiện như trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu khởi kiện.

1.2. Về yêu cầu độc lập

Theo khoản 4 Điều 56 BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi tham gia vào vụ án dân sự, bên cạnh việc đứng về nguyên đơn hoặc đứng về bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn tham gia với vai trò độc lập để đưa ra yêu cầu của mình nhưng yêu cầu này liên quan, gắn với vụ án đang được giải quyết.

Về bản chất, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng là một yêu cầu khởi kiện, có thể được khởi kiện thành vụ án độc lập. Tuy nhiên, nếu giải quyết yêu cầu độc lập sẽ không bảo vệ kịp thời quyền lợi của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên yêu cầu này phải được giải quyết trong cùng vụ án. Đồng thời, khi yêu cầu độc lập được giải quyết trong cùng vụ án thì vụ án được giải quyết nhanh hơn, tránh việc phải xác định vụ án giải quyết trước sau, kéo dài thời gian giả quyết các vụ án làm mâu thuẫn trong nhân dân trầm trọng hơn.

Về phạm vi yêu cầu, theo điểm b khoản 1 Điều 61, khoản 1 Điều 177 BLTTDS, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn. Với quy định trên thì yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể đối với nguyên đơn hoặc đối với bị đơn. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 61 BLTTDS, khi đưa ra yêu cầu độc lập thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của BLTTDS.

Về điều kiện của yêu cầu độc lập, theo khoản 1 Điều 177 BLTTDS, yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được chấp nhận là yêu cầu độc lập khi đảm bảo đầy đủ 03 điều kiện gồm: (1) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (2) yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết và (3) yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Về thời điểm đưa ra yêu cầu độc lập, theo khoản 2 Điều 177 BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Cho nên, có thể hiểu thời điểm kết thúc của việc đưa ra yêu cầu độc lập là khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Về thời điểm bắt đầu, BLTTDS không quy định như yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu có thể xác định khi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được Tòa án thông tin chính thức về vụ án đang giải quyết. Việc thông tin này có thể qua thông báo thụ lý vụ án nếu như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được xác định ngay trong đơn khởi kiện của người khởi kiện; hoặc thông qua văn bản yêu cầu tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.

Về trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập, theo Điều 178 BLTTDS, cũng như yêu cầu phản tố, trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Cho nên, trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập cũng được thực hiện như trình tự thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện.

2. Vướng mắc qua thực tiễn áp dụng quy định của BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

Thứ nhất, về quyền, nghĩa vụ của bị đơn có yêu cầu phản tố và quyền, nghĩa vụ của đương sự bị yêu cầu phản tố, bị yêu cầu độc lập

Bên cạnh quy định quyền chung của các đương sự tại Điều 58, BLTTDS còn quy định quyền riêng của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phù hợp với tư cách tham gia tố tụng của họ.

Tuy nhiên, BLTTDS chỉ mới quy định quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn theo khoản 2 Điều 61 BLTTDS mà không quy định quyền, nghĩa vụ của bị đơn khi họ có yêu cầu phản tố; quyền, nghĩa vụ của bị đơn, nguyên đơn bị yêu cầu phản tố, bị yêu cầu độc lập.

Trong khi đó, bản chất của yêu cầu phản tố là việc bị đơn khởi kiện lại nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nên bị đơn phải có quyền lợi của nguyên đơn; nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bị phản tố có quyền lợi và nghĩa vụ của bị đơn; nguyên đơn, bị đơn bị yêu cầu độc lập có quyền lợi và nghĩa vụ của bị đơn.

Việc không quy định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự liên quan đến yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự liên quan đến 02 loại yêu cầu này. Đồng thời, sẽ khó ràng buộc nghĩa vụ của họ trong các hoạt động tố tụng.

Chẳng hạn, theo điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng thì Tòa án ban hành quyết định chỉ yêu cầu khởi kiện của họ. Do BLTTDS không quy định bị đơn có yêu cầu phản tố có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn nên trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, khi Tòa án đã triệp tập hợp lệ đến lần thứ 02 mà bị đơn vẫn vắng mặt thì Tòa án không có căn cứ để đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn. Tương tự, trường hợp bị đơn vắng lần thứ hai tại phiên tòa, không vì sự kiện bất khả kháng thì Tòa án cũng không có căn cứ để đình chỉ yêu cầu phản tố của họ. Bởi vì, Điều 199 BLTTDS chỉ quy định Tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập khi nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai, không vì sự kiện bất khả kháng mà không quy định trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai.

Để khắc phục vướng mắc này, đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong vụ án, cần bổ sung vào BLTTDS quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn có yêu cầu phản tố và quyền, nghĩa vụ của đương sự bị yêu cầu phản tố, bị yêu cầu độc lập. Theo đó, nguyên đơn bị phản tố, bị yêu cầu độc lập thì có quyền của bị đơn; bị đơn có yêu cầu phản tố thì có quyền của nguyên đơn; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bị yêu cầu phản tố thì có quyền của bị đơn.

Thứ hai, về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

Theo khoản 2 Điều 176 BLTTDS thì yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận khi thuộc 01 trong 03 trường hợp gồm: (1) để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (2) loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc (3) giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Tuy nhiên, do BLTTDS không quy định rõ nên đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau về yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, bị đơn chỉ có quyền phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khi yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với bị đơn. Nếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn thì bị đơn không thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.[1]

Quan điểm thứ hai cho rằng, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bất kể yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với nguyên đơn hay đối với bị đơn. Bởi vì, BLTTDS không hạn chế quyền phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai. Bởi vì, BLTTDS không hạn chế quyền phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Bên cạnh đó, mặc dù, yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi đảm bảo 01 trong 03 điều kiện tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 176 BLTTDS. Tuy nhiên, nếu như 02 điều kiện tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 176 BLTTDS nhằm để bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì điều kiện thứ ba tại điểm c khoản 2 Điếu 176 BLTTDS lại chỉ quy định yêu cầu phản tố có sự liên quan với yêu cầu độc lập và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Do đó, khi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì dù yêu cầu đó đối với nguyên đơn hay đối với bị đơn thì bị đơn đều có quyền yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, cần có sự hiểu, áp dụng thống nhất cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

Bên cạnh đó, quy định về quyền phản tố của bị đơn trong BLTTDS cũng không thống nhất. Tại khoản 1 Điều 176 BLTTDS quy định, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 60 BLTTDS chỉ quy định bị đơn có quyền phản tố đối với nguyên đơn mà không quy định quyền phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Để có sự thống nhất, cần bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 60 BLTTDS cho tương thích với quy định tại khoản 1 Điều 176 BLTTDS.

Thứ ba, về các điều kiện của quyền yêu cầu độc lập

Theo điểm c khoản 1 Điều 177 BLTTDS, việc thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập phải làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Điều kiện “làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác hơn” không gặp vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, điều kiện “làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh hơn” tại điểm c khoản 1 Điều 177 BLTTDS chưa có sự áp dụng thống nhất.

Có quan điểm cho rằng, khi xem xét thụ lý yêu cầu độc lập, Tòa án phải dự trù thời gian giải quyết yêu cầu này. Nếu việc thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập kéo dài thời gian giải quyết vụ án thì Tòa án không thụ lý, giải quyết trong cùng vụ án.

Quan điểm khác lại cho rằng, việc giải quyết yêu cầu độc lập trong cùng vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh hơn là so sánh việc giải quyết vụ án bao gồm cả yêu cầu độc lập so với vụ án, yêu cầu độc lập được giải quyết bằng 02 vụ án riêng biệt.

Với quy định hiện hành, chúng tôi cho rằng, quan điểm thứ nhất là phù hợp. Bởi vì, cơ sở phát sinh vụ án xuất phát từ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phải được đảm bảo trước nhất. Nếu thời gian giải quyết kéo dài, quyền lợi của nguyên đơn khó đảm bảo. Cho nên, trong trường hợp dự trù thời giải quyết vụ yêu cầu độc lập sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án thì Tòa án không được thụ lý yêu cầu độc lập trong cùng vụ án.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại ít quan tâm đến tiêu chí này. Trong trường hợp có yêu cầu phản tố mà Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý, giải quyết trong cùng vụ án thì Tòa án cấp phúc thẩm xác định Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bất kể yêu cầu đó đã được đưa ra gần hết thời gian chuẩn bị xét xử. Đồng thời, theo Điều 13 Nghị quyết số 05/2012 thì trong trường hợp Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập để giải quyết trong cùng vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ tính lại từ đầu. Cho nên, khi thụ lý yêu cầu độc lập thì thời hạn giải quyết vụ án sẽ đương nhiên kéo dài. Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử khi Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập, kiến nghị bỏ điều kiện việc giải quyết yêu cầu độc lập trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh hơn.

Thứ tư, về phạm vi áp dụng yêu cầu phản tố

Theo khoản 1 Điều 176 BLTTDS, bị đơn có yêu cầu phản đối chỉ áp dụng đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Cho nên, trong trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì bị đơn không có quyền phản tố đối họ, bất kể để giải quyết đúng đắn vụ án cần phải giải quyết yêu cầu này của bị đơn. Vướng mắc này được thể hiện qua vụ án sau:

Theo đơn khởi kiện ngày 17/11/2014, bà N.T.L cho rằng, vào ngày 22/3/2014, bà O có vay của bà L số tiền 4.000.000 đồng, thời hạn vay đến tháng 06/2014 sẽ hoàn vốn vay, lãi 3%/tháng. Khi vay bà O có lập biên nhận ngày 22/3/2014. Khi đến hạn thanh toán, bà L có yêu cầu thanh toán nhưng bà O không thực hiện. Vì vậy, bà L khởi kiện yêu cầu bà O có nghĩa vụ thanh toán vốn vay 4.000.000 đồng và nợ lãi 1.000.000 đồng.

Theo lời khai cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án, bà O thừa nhận có vay của bà L như trình bày của bà L. Tuy nhiên, vào ngày 04/7/2014, bà O, bà L và bà H.T.H thỏa thuận chuyển nghĩa vụ từ việc bà O trả nợ vay cho và L sang bà O phải trả nợ cho bà H đối với khoản nợ mà bà L nợ bà H. Sau đó, bà O đã trả cho bà H xong. Nay bà L khởi kiện bà O nên bà O yêu cầu bà H trả lại số tiền mà bà O đã trả cho bà H xong để bà O trả nợ cho bà L.

Bà H cung cấp lời khai việc chuyển nghĩa vụ trả nợ của bà O như trình bày của bà O. Bởi vì, trước đó, bà L có nợ tiền mua bán của bà H là 5.000.000 đồng. Theo thỏa thuận của các bên nên bà O đã trả 5.000.000 đồng cho bà H xong. Bà H không đồng ý trả lại số tiền này cho bà O.

Trong khi đó, bà L không thừa nhận có việc chuyển nghĩa vụ trả nợ của bà O như bà O, bà H khai vì bà L không nợ tiền mua bán của bà H như trình bày của bà H.

Chúng ta thấy rằng, yêu cầu của bà O cần phải được xem xét, giải quyết trong cùng vụ án để đảm bảo kịp thời quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên, với quy định tại khoản 1 Điều 176 BLTTDS thì bà O không có quyền yêu cầu bà H hoàn lại số tiền mà bà O đã trả cho bà H trong cùng vụ án. Bởi vì, bà H không có yêu cầu độc lập nên bà O không có quyền yêu cầu phản tố đối với bà H. Chính quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bà L.

Để khắc phục vướng mắc này, chúng tôi cho rằng, cần mở rộng phạm vi yêu cầu phản tố của bị đơn. Theo đó, dành quyền cho bị đơn yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bất kể người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không trong những trường hợp nếu yêu cầu của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập được giải quyết bằng vụ án độc lập sẽ không đảm bảo kịp thời quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

Thứ năm, về phạm vi yêu cầu độc lập

Theo khoản 1 Điều 177 BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập chỉ áp dụng đối với nguyên đơn, bị đơn. Cho nên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có quyền yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác, cho dù, yêu cầu này được giải quyết bằng vụ án độc lập sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án. Vướng mắc này được thể hiện qua vụ án sau:

Ông B.M.Ng, đại diện những đồng thừa kế của cụ ông B.V.U và cụ bà T.T.N cho rằng, cụ U, cụ N có tạo lập được 01 căn nhà gắn liền với đất tọa lạc số 33/3, đường T.K.N, khóm T, phường C, thị xã C, tỉnh A theo bằng khoán điền thổ số 83 do chế độ cũ cấp. Đến năm 1970, cụ U thoát ly khỏi gia đình và đi theo cách mạng, nên cụ U làm thủ tục xin ly hôn với cụ N và giao cho cụ N căn nhà này. Đến năm 1971, cụ N lánh nạn nên dẫn các con về tỉnh H.G sinh sống. Đến năm 1978 chiến tranh biên giới, cụ N quay trở về nhà 33/3 thì căn nhà trên đã được Ban tự quản khóm T mượn làm lớp học bổ túc văn hóa. Đến năm 1983, căn nhà trên không còn sử dụng làm lớp học nữa nên cụ N đòi lại nhà thì được biết ông N.V.B và bà V.T.C đang sử dụng. Ông B, bà C cho rằng, căn nhà này mua của bà O.T.K nên không đồng ý trả lại căn nhà trên cho cụ N. Năm 1988, cụ N có lập di chúc để lại căn nhà trên cho các anh em ông Ng, có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường C, thị xã C.

Vì vậy, ông Ng đại diện đồng thừa kế cụ U, cụ N yêu cầu Tòa án nhân dân thị xã C buộc bà C, ông B phải bồi hoàn giá trị nhà và đất theo giá Nhà nước quy định đối với căn nhà tọa lạc tại số 33/3 đường T.K.N.

Tuy nhiên, phần đất này đã được bà C, ông B cho ông N.T.N (con bà C, ông B) vào năm 2004 và ông N được Ủy ban nhân dân thị xã C cấp quyền sử dụng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01787QSDĐ/aE ngày 30/11/2004. Đến năm 2009, ông N thế chấp quyền sử dụng đất này cho Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã C để đảm bảo khoản vay 300.000.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, do sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là Ngân hàng) có đơn yêu cầu Tòa án buộc ông N trả nợ vay và duy trì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo việc trả nợ. Tuy nhiên, Tòa án đã từ chối yêu cầu này, bởi vì, Ngân hàng và ông N đều là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 177 BLTTDS thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ có quyền yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn mà không có quyền yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác trong cùng vụ án. Cho nên, trong trường hợp này, Ngân hàng chỉ có thể khởi kiện thành vụ án độc lập.

Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, khi Ngân hàng khởi kiện thành vụ án độc lập thì vụ án nào được giải quyết trước, vụ án nào phải chờ kết quả giải quyết vụ án còn lại nên gây khó khăn cho Tòa án và kéo dài thời gian giải quyết cả 02 vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng, đồng thừa kế của cụ N.

Để tháo gỡ vướng mắc bày, kiến nghị cần mở rộng phạm vi yêu cầu độc lập. Theo đó, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác khi đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 177 BLTTDS và nếu yêu cầu này được giải quyết bằng vụ án độc lập sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án.

3. Một vài kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục các vướng mắc bên trên, kiến nghị hoàn thiện các nội dung sau:[2]

Thứ nhất, bổ sung vào Điều 59 BLTTDS khoản 3 với nội dung sau:

3. Các quyền, nghĩa vụ tại Điều 60 của Bộ luật này khi bị phản tố, bị yêu cầu độc lập.”

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 60 BLTTDS với nội dung sau:

Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu không thể giải quyết bắng vụ án độc lập hoặc hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong trường hợp này, bị đơn có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.”

Thứ ba, bổ sung vào Điều 61 BLTTDS khoản 5 với nội dung sau:

5. Các quyền, nghĩa vụ tại Điều 60 của Bộ luật này khi bị phản tố.”

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 61 BLTTDS với nội dung như sau:

“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung Điều 176 BLTTDS với nội dung như sau:

Điều 176. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

1. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, bất kể yêu cầu độc lập đó đối với nguyên đơn hay đối với bị đơn, hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

3. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chấp nhận khi yêu cầu phản tố có liên quan đến vụ án đang giải quyết, nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác hơn và yêu cầu này giải quyết bằng vụ án độc lập sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án.

4. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung Điều 177 BLTTDS với nội dung như sau:

Điều 177. Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn, bị đơn khi có các điều kiện sau đây:

a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong cùng vụ án khi yêu cầu này đảm bảo các điều kiện tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này và việc giải quyết yêu cầu này bằng vụ án độc lập sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”

Yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là một trong những nội dung vô cùng quan trọng được BLTTDS quy định nhằm đảm bảo quyền khởi kiện cua công dân, đảm bảo kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, một vài quy định của BLTTDS về các vấn đề này đã phát sinh bất cập, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Với các đề xuất trong bài viết, tác giả hy vọng góp phần vào việc hoàn thiện quy định BLTTDS về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án dân sự.

Ths. Thái Chí Bình


[1] Xem: Nguyễn Văn Cường, Trần Tuấn Anh, Đặng Thanh Hoa (chủ biên), (2012), Bình luận khoa học BLTTDS sửa đổi, Nxb. Lao động, tr.101.

[2] Chữ nghiêng là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung; chữ bị gạch ngang là nội dung đề nghị loại bỏ.