1. Thực tiễn ghi nhận quyền kết hôn bình đẳng của người đồng tính
Vấn đề bảo vệ quyền của người đồng tính đang thực sự dần trở thành một trong những mối quan tâm, lo ngại của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, quyền được sống, được hưởng chính sách an sinh xã hội bình đẳng như các chủ thể khác trong xã hội và quyền được kết hôn là những quyền đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nhân quyền của những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Hôn nhân cùng giới là một vấn đề về quyền công dân và là vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo ở nhiều quốc gia phương Tây[1]. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới dựa trên quyền chung của con người, bình đẳng trước pháp luật[2] và mục tiêu bình thường hóa mối quan hệ LGBT[3]. Những người phản đối thường dựa vào việc từ hôn nhân có bao gồm cả các cặp cùng giới hay không. Các lý do khác là tác động trực tiếp và gián tiếp của hôn nhân đồng giới, vấn đề con cái, nền tảng tôn giáo[4], truyền thống và chủ nghĩa dị tính luyến ái. Nhiều người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng sự phản đối hôn nhân đồng giới là do chứng ghê sợ đồng tính luyến ái[5]. Chấm dứt kỳ thị trong tiếp cận hôn nhân dân sự đã trở thành vấn đề bức bách ở nhiều quốc gia.
Đến hết tháng 12-2013, tình hình ghi nhận quyền kết hôn bình đẳng của người đồng tính trên thế giới như sau[6]:
- Có 16 quốc gia thừa nhận quyền kết hôn bình đẳng trên toàn lãnh thổ: Vương quốc Hà Lan (2000), Vương quốc Bỉ (2003), Vương quốc Tây Ban Nha (2005), Liên bang Canada (2005), Cộng hòa Nam Phi (2006), Vương quốc Na Uy (2008), Vương quốc Thụy Điển (2009), Cộng hòa Bồ Đào Nha (2010), Cộng hòa Iceland (2010), Cộng hòa Argentina (2010), Vương quốc Đan Mạch (2012), Cộng hòa Uruguay (2013), New Zealand (2013), Cộng hòa Pháp (2013), Anh (2013) và xứ Wales (2013).
- Có 03 quốc gia chỉ công nhận ở một số bang/tiểu bang/vùng lãnh thổ: Mỹ[7], Brazil[8] và Mehico[9].
Bên cạnh đó, cũng có một sự kiện khá hi hữu khi vào năm 2013, một số phụ nữ đồng tính Campuchia đã chung sống với nhau hơn 10 năm ở một số tỉnh Campuchia sẽ có thể trở thành những cặp đôi đồng tính đầu tiên ở châu Á được công nhận về mặt pháp lý[10]. Một nhà hoạt động nhân quyền Campuchia nói rằng một số chính quyền địa phương ở các quốc gia Đông Nam Á đã công nhận những cặp đồng tính đang chung sống như kết hôn. Ông Srorn Srun - giám đốc điều hành cộng đồng cầu vồng[11] Campuchia nói: “Một số chính quyền địa phương đã cấp chứng nhận kết hôn cho các cặp đồng tính nữ”. Pháp luật Campuchia vẫn lưu giữ định nghĩa hôn nhân là giữa một người đàn ông và một phụ nữ, nhưng ở một số tỉnh ở Campuchia, các quan chức chính quyền địa phương đã quyết định công nhận các cặp đồng tính. Hiện nay, đã có 15 cặp đồng tính nữ được cấp giấy chứng nhận hôn nhân tại các tỉnh Kandal, Takeo, Prey Veng và Kampong Chnang. Điều này có nghĩa rằng phụ nữ đồng tính Campuchia sẽ may mắn là các cặp vợ chồng đồng tính đầu tiên được công nhận về mặt pháp lý ở châu Á. Ông Srun cho biết ông nghĩ rằng các cặp vợ chồng đồng tính nữ được chấp nhận hơn so với các cặp vợ chồng đồng tính nam vì họ thường ở lại quê hương của họ và sống một cuộc sống yên tĩnh. Một số cặp đồng tính nữ đã chung sống với nhau từ trước thời Khmer Đỏ. Sự kiện này được bao phủ bởi các phương tiện truyền thông Campuchia và ngày hôm sau Thủ tướng Campuchia - ông Hun Sen đã phát biểu kêu gọi không phân biệt đối xử với người đồng tính nam và đồng tính nữ tại Campuchia. Tuy nhiên nhà hoạt động LGBT Srun lại cho rằng cộng đồng LGBT thật sự chưa muốn công nhận pháp lý hôn nhân đồng tính vì vấn đề chính với họ là sự khó khăn để nhận được chấp nhận từ gia đình. Việc ghi nhận đối với các cặp đồng tính nữ này giống với việc công nhận hôn nhân thực tế.
2. Pháp luật điều chỉnh quyền kết hôn của người đồng tính của một số quốc gia
Khi hợp pháp hóa quyền kết hôn bình đẳng của người đồng tính, hầu hết các quốc gia không có đạo luật riêng với tên gọi “Luật hôn nhân cùng giới”. Pháp luật chỉ ban hành một đạo luật mới để định nghĩa lại khái niệm hôn nhân, bãi bỏ điều kiện về giới tính của hai bên phối ngẫu (phối ngẫu: vợ hoặc chồng), không phân biệt giới tính, xu hướng tính dục và áp dụng cho tất cả mọi người. Những khái niệm “vợ/chồng” được thay bằng thuật ngữ không mang tính phân biệt giới tính như “partner, spouse” (người chung thân, phối ngẫu). Các cặp cùng giới hay khác giới đều được pháp luật nhìn nhận và đối xử như nhau. Bên cạnh đó, Hiến pháp của một số quốc gia cũng quy định vấn đề cấm kỳ thị đối với các xu hướng tính dục và bản dạng giới (ví dụ như Hiến pháp Nam Phi). Đối với các quốc gia khác mặc dù Hiến pháp chưa ghi nhận vấn đề cấm phân biệt đối với các xu hướng tính dục nhưng pháp luật cũng vẫn có thể ghi nhận quyền kết hôn bình đẳng của người đồng tính. Điều này dễ hiểu vì Hiến pháp chỉ quy định nam, nữ có quyền kết hôn còn pháp luật ghi nhận một cách cụ thể hơn, thừa nhận bình đẳng giữa các xu hướng tính dục (vì thực chất người đồng tính cũng chỉ mang giới tính nam hoặc nữ). Dưới đây có thể tham khảo quy định của một số quốc gia về vấn đề này.
(1) Vương quốc Hà Lan - quốc gia tiên phong trong việc ghi nhận các xu hướng mới về quyền con người
Hà Lan là một trong những quốc gia ủng hộ ghi nhận các xu hướng mới về quyền con người, ví dụ như về quyền an tử (cái chết êm ả) hay quyền của cộng đồng người LGBT. Hiến pháp Hà Lan thông qua ngày 17-1-1983 (sửa đổi năm 1989) ngay tại Điều 1 quy định[12]: “Tất cả mọi người ở Hà Lan sẽ được đối xử bình đẳng trong các trường hợp ngang bằng. Phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, quan điểm chính trị, chủng tộc, giới tính hay bất kỳ yếu tố nào khác sẽ không được cho phép”. Trong Chương về quyền cơ bản (chương 1) của Hiến pháp Hà Lan cũng không quy định cụ thể quyền kết hôn là sự kết hợp giữa một nam và một nữ. Như vậy, Hiến pháp Hà Lan đã quy định theo hướng mở, cấm phân biệt đối xử đối với các vấn đề về giới tính.
Vào giữa những năm thập niên 80 của thế kỷ XX, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền của người đồng tính đã yêu cầu Chính phủ phải cho phép người đồng tính kết hôn. Vào năm 1995, Quốc hội Hà Lan quyết định thành lập một Ủy ban đặc biệt nghiên cứu khả năng của hôn nhân đồng tính. Ủy ban này đã hoàn thành công việc vào năm 1997 và kết luận rằng quan hệ hôn nhân dân sự nên được mở rộng[13]. Sau các cuộc bầu cử năm 1998, Chính phủ hứa sẽ giải quyết vấn đề này. Vào tháng 9-2000, dự thảo luật cuối cùng đã được đưa ra tranh luận trong Quốc hội. Dự luật được 109 phiếu ủng hộ trong khi có 33 phiếu phản đối. Sau đó, Thượng viện thông qua dự luật vào ngày 19-12-2000.
Như vậy, Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa kết hôn đồng tính. Đạo luật công bố ngày 21-12-2000 đã sửa đổi phần 1 của Bộ luật dân sự liên quan đến việc mở rộng quan hệ hôn nhân đối với những người cùng giới tính (tên tiếng Anh đầy đủ là Act on the Opening up of Marriage), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2001. Theo đạo luật nói trên, Điều 30 của Bộ luật dân sự Hà Lan được sửa đổi thành: “Một hôn nhân có thể được xây dựng bởi hai người cùng giới hoặc khác giới tính. Pháp luật chỉ xem xét hôn nhân trong những mối quan hệ dân sự của nó”. Luật cũng yêu cầu ít nhất một người trong cặp đôi là công dân Hà Lan[14].
Quyết định của Quốc hội năm 2000 đã vượt qua sự phản đối dữ dội từ đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và các đảng cánh hữu khác, theo đó luật mới không chỉ cho phép các cặp đồng tính ở đây được kết hôn mà đồng thời còn cho họ nhận nuôi con nuôi chung[15]. Điều đáng chú ý là phần lớn dư luận Hà Lan tỏ ra hài lòng với sự thay đổi luật. Một cuộc thăm dò khi đó cho thấy 62% người Hà Lan không phản đối hôn nhân đồng giới[16]. Năm 2001, cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên trên thế giới đã diễn ra giữa hai người đàn ông, dưới sự chứng kiến của thị trưởng Amsterdam. Chín tháng sau khi luật được thông qua, hơn 2.400 cặp đồng tính đã kết hôn[17].
Theo luật hiện hành tại Hà Lan, chính quyền địa phương phải thực hiện đăng ký kết hôn cho các cặp đôi đồng tính. Tuy nhiên, cán bộ của các chính quyền địa phương có quyền từ chối thực hiện việc này nếu trong hợp đồng làm việc của họ không có điều khoản quy định phải thực hiện điều này[18]. Tương tự, một số nhà thờ cũng có quyền từ chối làm lễ thành hôn cho các cặp đôi đồng tính tại Hà Lan.
(2) Liên bang Canada - quốc gia phát triển về quyền của người đồng tính
Tại phần I của Hiến pháp Canada năm 1982 quy định mỗi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền được bảo vệ lợi ích mà không có phân biệt đối xử, không bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, nòi giống, dân tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, tuổi tác hoặc khuyết tật về tâm thần/thể chất (Điều 15)[19]. Như vậy, cũng tương tự các bản Hiến pháp khác, Hiến pháp Canada cũng ghi nhận nguyên tắc cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính với hướng để mở, không quy định cụ thể về quyền kết hôn của nam, nữ.
Cùng năm 2005 khi Tây Ban Nha thông qua quyền kết hôn cùng giới, Canada cũng làm điều tương tự, sau khi hàng loạt Tòa án đã cho phép việc này diễn ra tại 9/13 tỉnh cùng vùng lãnh thổ của nước này. Canada áp dụng luật cho phép kết hôn đồng tính và nhận con nuôi kể từ tháng 7-2005. Trước đó, vấn đề xu hướng tính dục đã được bổ sung vào Đạo luật nhân quyền Canada năm 1996[20]. Đạo luật hôn nhân dân sự năm 2005[21] thừa nhận quyền kết hôn của người đồng tính. Điều 2 của Đạo luật này định nghĩa hôn nhân với mục đích dân sự là sự kết hợp của hai người (two persons) để loại trừ những người khác (nghĩa là hôn nhân không biệt cùng giới tính hay khác giới tính).
Cũng theo điều 5 của Đạo luật nói trên, một cuộc hôn nhân được thực hiện ở Canada sẽ là hợp lệ nếu hai bên (spouse) đã cư trú ở Canada, tuân thủ các quy định của pháp luật Canada về lưu trú, nhà ở. Mặc dù đạo luật nói trên cho người đồng tính nam và đồng tính nữ quyền được tiến hành hôn lễ như các cặp hôn phối bình thường, nhưng rõ ràng các quan chức giáo hội sẽ không cho phép các cặp đồng giới được kết hôn trong nhà thờ. Một số tỉnh ở Canada trở thành điểm đến cho những cặp đồng tính từ các quốc gia khác khi họ muốn kết hôn tại đây. Những yêu cầu về việc cư trú tại Canada ít khắt khe hơn so với các nước cũng cho phép hôn nhân đồng giới, nhưng các cặp hôn nhân đồng giới mới này có lẽ không được công nhận tại quê hương của họ. Hiện nay, cặp đôi đồng tính đã kết hôn ở Canada cũng có quyền nhận con nuôi chung như cặp đôi khác giới.
(3) Cộng hòa Nam Phi - quốc gia tiên phong ở châu Phi
Nam Phi là một trong số ít các quốc gia tiến bộ ở châu Phi. Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi ban hành năm 1996[22]. Điều 9 của Hiến pháp quốc gia này quy định về sự công bằng, trong đó đề cập đến vấn đề xu hướng tính dục. Theo đó, mọi người đều ngang bằng trước pháp luật và có quyền được bảo vệ một cách bình đẳng bởi pháp luật (khoản 1, Điều 9). Nhà nước không được phân biệt đối xử một cách trực tiếp hay gián tiếp vì một hay nhiều lý do, bao gồm chủng tộc, giới, giới tính, tình trạng mang thai, dân tộc, nguồn gốc, màu da, xu hướng tính dục, tuổi tác, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ… (khoản 3, Điều 9). Từ quy định này của Hiến pháp, Nam Phi là quốc gia đầu tiên và cũng là duy nhất ở châu Phi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào ngày 30-11-2006. Hành động của Nam Phi được xem là rất đặc biệt khi châu Phi là nơi tình dục đồng giới bị lên án thường xuyên và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Luật được thông qua chỉ một năm sau khi Tòa án cao nhất nước ra phán quyết rằng Hiến pháp Nam Phi được dựng lên sau thời Apartheid[23] đảm bảo rằng người đồng tính nam và đồng tính nữ có quyền kết hôn.
Việc ghi nhận quyền kết hôn bình đẳng của Nam Phi cũng khá đặc biệt. Đạo luật kết hợp dân sự năm 2006 của Nam Phi quy định cặp đôi đồng tính, cặp đôi người chuyển giới có quyền đăng ký sống chung với hình thức kết hợp dân sự hoặc kết hôn theo đạo Luật về Hôn nhân năm 1961[24]. Một cặp đôi sẽ nhận được một Giấy chứng nhận kết hợp dân sự hoặc đăng ký kết hôn tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ[25]. Tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của Luật về Hôn nhân năm 1961 cũng sẽ được áp dụng cho các cặp đôi theo quy định tại Đạo luật kết hợp dân sự này. Để được đăng ký kết hợp dân sự hoặc kết hôn, cặp đôi phải chưa kết hôn, từ đủ 18 tuổi trở lên; nếu đã từng kết hôn phải có bằng chứng về việc đã ly hôn hoặc giấy chứng tử của vợ hoặc chồng (đã chết); nếu là người nước ngoài phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hợp lệ[26]. Việc công nhận kết hợp dân sự hoặc kết hôn này ở ngoài Nam Phi chỉ có giá trị khi nước đó có quy định về kết hôn dân sự/kết hôn tương tự như của Nam Phi. Việc công nhận chỉ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Luật cũng quy định rõ việc kết hợp dân sự hay kết hôn tại Nam Phi cũng không có giá trị ở những quốc gia hình sự hóa người đồng tính.
Để có thể đăng ký kết hợp dân sự hoặc kết hôn, cặp đôi phải nộp đầy đủ các giấy tờ chứng minh mình đủ điều kiện theo quy định của đạo luật kết hợp dân sự 2006. Bên cạnh đó, cũng cần có 2 người làm chứng cho cặp đôi. Tuy nhiên, cũng theo luật này, giới chức nhà thờ và các quan chức phụ trách hôn nhân dân sự được quyền từ chối tổ chức làm lễ cưới cho các cặp đồng tính, nếu điều này khiến họ không thấy thoải mái. Nam Phi cũng cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi kể từ tháng 11-2006.
(4) Cộng hòa Pháp - quốc gia bảo thủ cũng công nhận hôn nhân cùng giới
Hiến pháp của Cộng hòa Pháp được thông qua vào năm 1958, qua 24 lần sửa đổi (lần gần đây nhất là năm 2008) trong phần Lời mở đầu đã tuyên bố: “Nhân dân Pháp trịnh trọng tuyên bố thiết tha gắn bó với các quyền con người và các nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân như đã được quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789, được khẳng định và bổ sung trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, cũng như những quyền và nghĩa vụ quy định trong Hiến chương về môi trường năm 2004”[27]. Hiến pháp của Pháp cũng không có quy định cụ thể nào liên quan đến quyền kết hôn của nam, nữ. Như vậy, có thể hiểu quyền con người của Pháp gắn bó với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789.
Ở Cộng hòa Pháp, vào năm 1985, Quốc hội đã thông qua đạo luật cấm phân biệt đối xử với người đồng tính trong công việc, vấn đề nhà ở, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công và tư. Ngày 30-12-2004, luật về chống phân biệt đối xử và bình đẳng được ban hành, trong đó các Điều 20, 21 tại Mục 3 bổ sung thêm một số hành vi vi phạm pháp luật quy định ở Luật ngày 29-7-1881 bao gồm: hành vi gây tổn thương, lăng mạ, xúc phạm, xúi giục việc thù ghét hay bạo động hoặc kỳ thị một người, nhóm người vì giới tính, xu hướng tính dục hoặc bệnh tật của họ. Các hành vi tấn công, giết hại các nạn nhân đồng tính luyến ái sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ. Người đồng tính được quyền quan hệ tình dục khi 15 tuổi[28], được gia nhập quân đội và hưởng hầu hết các quyền dân sự, kinh tế, chính trị khác giống như người dị tính. Pháp luật Pháp ghi nhận hình thức sống chung có đăng ký của cặp đôi đồng tính vào năm 1999. Các cặp đôi này được pháp luật bảo vệ, hưởng các quyền và nghĩa vụ như những cặp dị tính kết hôn khác. Họ được phép nuôi con của một trong hai người với một người khác giới trước đó nhưng không được quyền nhận nuôi con nuôi chung và thụ tinh nhân tạo.
Năm 2013, sự kiện Cộng hòa Pháp hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới là một chấn động của thế giới khi mà nhiều ý kiến cho rằng đây là một quốc gia vốn rất bảo thủ đối với vấn đề đồng tính. Tháng 2-2013, Dự luật về hôn nhân bình đẳng được đưa ra bàn luận và trở thành một trong những đề tài nóng bỏng nhất những tháng qua tại Pháp. Phe đối lập, đứng đầu là đảng UMP, không chỉ “khẩu chiến” ở nghị trường mà còn trình đến 5.000 văn bản phản đối dự luật. Do vậy, quá trình thảo luận cũng kéo dài hơn nhiều so với thường lệ.
Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ dự luật cho phép hôn nhân đồng tính trên khắp nước Pháp trong ngày 27-1-2013 (theo báo Le Monde).[29] Chỉ riêng ở thủ đô Paris của nước Pháp đã có hàng trăm ngàn người (125.000 người theo số liệu của cảnh sát và 400.000 người theo số liệu của các nhà tổ chức) xuống đường “hô khẩu hiệu, giương biểu ngữ”[30]. Tại các địa phương khác, tổng cộng số người tham gia hoạt động này cũng lên đến 100.000 người. Đại diện các nhà tổ chức Nicolas Gougain nhận định số lượng người xuống đường đông đảo lần này cho thấy không chỉ có người đồng tính mà cả người dị tính cũng muốn bày tỏ sự đồng tình với dự luật[31].
Trước đó, một số cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức vào cuối năm 2012 và giữa tháng 1-2013. Tất cả đều thành công với số lượng người tham gia đông đảo. Hầu hết người tham gia biểu tình đều cho biết họ vẫn ủng hộ nguyên tắc của các tôn giáo, vốn chỉ chấp nhận hôn nhân dị tính. Nhưng họ mong rằng việc người đồng tính lập gia đình sẽ được pháp luật công nhận để có cuộc sống “danh chính ngôn thuận” như bao người khác. Kết quả thăm dò dư luận hồi giữa tháng 12-2012 của báo Le Journal du Dimanche cho thấy có đến 60% người Pháp được hỏi đồng ý với dự luật cho phép người đồng tính kết hôn[32]. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ những cặp đôi này nhận con nuôi chỉ chiếm 46%. Nguyên nhân vì nhiều người lo ngại trẻ em sẽ gặp các vấn đề về tâm lý - xã hội khi sống trong gia đình “đặc biệt” như vậy. Trong đoàn người xuống đường ngày 27-1-2013 có Tổng thư ký đảng Xã hội cầm quyền Harlem Désir, Thứ trưởng chuyên trách Bình đẳng lãnh thổ Cécile Duflot, Chủ tịch đảng Cánh tả Jean-Luc Mélenchon…
Hôn nhân đồng tính cũng là một trong những luận điểm quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Pháp François Hollande hồi tháng 4-2012. Trong khi đó, phần lớn các đảng cánh hữu đối lập đều phản đối dự luật này. Chính vì vậy, năm 2012, cũng có trên 100.000 người ở Pháp tham gia biểu tình phản đối Chính phủ nước này hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, cho phép các cặp kết hôn đồng tính nhận con nuôi. Cảnh sát cho biết ít nhất 70.000 người biểu tình đã tràn ra các đường phố ở thủ đô Paris, số còn lại tập trung tại các thành phố Lyon, Toulouse và Marseille, theo tin tức từ AFP[33]. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande hứa hẹn sẽ thay đổi một số điều luật, theo đó các cặp đồng tính có thể kết hôn và nhận con nuôi hợp pháp. Vào ngày 23-4-2013, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nam và nữ xin con nuôi, với 331 phiếu thuận và 225 phiếu chống. Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Theo quy định mới của Pháp (quy định trong đạo Luật sửa đổi Điều 143 của Bộ luật dân sự năm 2013), các cặp đôi đồng tính sẽ được kết hôn từ tháng 5-2013. Điều 143 của Bộ luật dân sự được sửa đổi lại như sau: “Hôn nhân được đăng ký giữa hai người cùng giới tính hoặc khác giới tính. Các thuật ngữ “vợ”, “chồng”, “cha”, “mẹ” sẽ được thay thế bằng những thuật ngữ trung lập như “bên phối ngẫu” (spouse/parent)”. Cùng với việc công nhận kết hôn cùng giới, Pháp cũng cho phép việc cặp đôi có quyền tiến hành thụ tinh nhân tạo, nhận con nuôi chung”[34].
Tuy nhiên, một số người nước ngoài sẽ không được cưới bạn đời của họ nếu có thỏa thuận song phương ký kết giữa Pháp và quốc gia mà họ mang quốc tịch, trong đó quy định các điều kiện kết hôn do từng quốc gia quy định[35] (Ba Lan, Algeria, Tunisia, Morocco - nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ, Campuchia và Lào)[36]. Luật mới cũng quy định thêm các vấn đề liên quan đến công nhận hôn nhân cùng giới ở các nước thuộc Liên minh châu Âu, việc cấp visa xin thị thực đối với các cặp đôi đồng tính…
Trương Hồng Quang - Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp
[3] Xem: Abraham, Julie (May), “Public Relations: Why the Rush to Same-Sex Marriage? And Who Stands to Benefit?”. The Women's Review of Books 17 (8): 12-14. “its most vocal advocates want gay marriage because marriage stands at the center of a system of legitimazation [...].”; Azzolina, David (February 2003). “The End of Gay (and the Death of Heterosexuality).(Book Review)”. Library Journal: 288; Warner, Michael (1999), The Trouble with Normal. The Free Press, tr. 80.
[5] Xem: Sharpton chides black churches over homophobia, gay marriage, Southern Voice, Dyana Bagby, 27-1-2006; Frank: Scalia's legal opinions reveal his homophobia, CNN, truy cập 9-9-2009; Craig A. Rimmerman; Clyde Wilcox, The politics of same-sex marriage. University of Chicago Press, 2007, tr. 234. ISBN 9780226720012. “Clearly homophobia is at the heart of blanket opposition to gay rights policies”; Evan Gerstmann, Same-sex marriage and the Constitution, Cambridge University Press, 2004, tr. 56. ISBN 9780521009522. “Keeping marriage heterosexual and dual gendered clearly has more widespread support than other homophobic policies”.
[7] Có 17 bang/tiểu bang, bao gồm: Massachusetts, Connecticut, Iowa, Vermont, New Hampshire, Washington D.C, New York, Rhode Island, Delaware, Minnesota, Maryland, Columbia, California, Illionois, New Yersey, Hawaii và New Mexico.
[9] Chỉ có Thủ đô Mexico.
[10] Theo lgbt.vn, ngày 6-5-2013.
[11] Ý nói đến lá cờ cầu vồng - biểu tượng của cộng đồng LGBT trên thế giới. Lá cờ cầu vồng được sáng tạo bởi họa sĩ Gilbert Baker, được xem là “lá cờ tự do". Những gam màu khác nhau tượng trưng cho sự đa dạng của cộng đồng, thể hiện niềm hy vọng cũng như sự khát khao cho cộng đồng những người LGBT trên toàn thế giới. Các gam màu trên lá cờ đặc biệt này mang những ý nghĩa sau: Màu đỏ tượng trưng cho dũng khí, màu cam tượng trưng cho nhận thức và các khả năng, màu vàng tượng trưng cho sự thách thức, màu xanh lá cây thể hiện sự khích lệ và phấn đấu, màu xanh dương là hy vọng, sự chia sẻ, giúp đỡ, đấu tranh và màu tím tượng trưng cho sự thống nhất, hòa hợp, đoàn kết.
[19] Xem nội dung bản Hiến pháp này tại địa chỉ: http://laws-lois.justice.gc.ca/eng/Const/page-15.html#h-39
[20] Xem: Clara Cortina, Benoît Laplante, Ana Fostik, Teresa Castro Martín, Same-sex marriages and partnerships in two pioneer countries, Canada and Spain,
http://www.iussp.org/sites/default/files/event_call_for_papers/IUSSP_Cortina_Laplante_Fostik_Castro-Martin.pdf
[21] Xem nội dung Đạo luật này tại địa chỉ: http://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/C-31.5/page-1.html
[22] Được sửa đổi, bổ sung 11 lần, lần gần đây nhất vào năm 2003. Xem nội dung bản Hiến pháp tại địa chỉ:
http://www.info.gov.za/documents/constitution/1996/a108-96.pdf
[23] Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
[24] Xem Điều 8 của Đạo luật này tại địa chỉ: http://www.info.gov.za/view/DownloadFileAction?id=67843.
[27] Xem: Văn phòng Quốc hội, Tuyển tập Hiến pháp một số nước, Hà Nội, 2011, tr. 155.
[28] Law 82-683 of 4 August 1982.
[29] Xem: Tuổi trẻ Online ngày 28-01-2013.
[30] Xem: Tuổi trẻ Online ngày 28-01-2013.
[31] Xem: Tuổi trẻ Online ngày 28-01-2013.
[32] Xem: Tuổi trẻ Online ngày 28-01-2013.
[36] Xem: Seyfarth Shaw LLP Jason E. Burritt , Pavan Dhillon, Deirdre M. Murphy, Angelo A. Paparelli, John F. Quill and Elaine M. Walsh, Same-sex marriage rights conferred under French immigration procedures,