Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghệ thông tin và dự án Luật Điện ảnh

24/05/2006
Ngày 23/5/2006, ngay đầu giờ buổi sáng, thay mặt cho gần 500 đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phát biểu, chia sẻ những mất mát, đau thương của nhân dân một số tỉnh miền Trung do cơn bão số 1 gây ra. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghệ thông tin và dự án Luật Điện ảnh. Các đại biểu Quốc hội vui mừng nhận thấy công nghệ thông tin (CNTT), một trong những ngành khoa học mũi nhọn được điều chỉnh bởi một luật riêng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự án Luật CNTT gồm 6 chương và 79 điều, quy định về hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT; các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt nêu rõ, về cơ bản, các ý kiến đều tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến bổ sung về ưu tiên ứng dụng CNTT trong trường hợp khẩn cấp; công cụ tìm kiếm thông tin số; thiết lập trang thông tin điện tử (Website); điều kiện để triển khai, ứng dụng CNTT; ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; phổ cập kiến thức CNTT; đầu tư cho CNTT. Nhiều đại biểu đều thừa nhận công nghệ thông tin phát triển đã tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận một cách nhanh chóng và thuận tiện mọi thông tin cần thiết trong nước và thế giới. Công nghệ thông tin đã bước đầu góp phần tích cực trong cải cách hành chính các cơ quan Nhà nước...

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông)

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Nông) khẳng định: Công nghệ thông tin phát triển sẽ đem lại tăng trưởng cao cho đất nước. Sự ra đời của Luật CNTT sẽ góp phần không nhỏ cho ngành CNTT Việt Nam phát triển.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ giáo viên, y, bác sỹ công tác tại vùng sâu, vùng xa cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) mong muốn: Cần có hình thức ưu đãi thích hợp để giúp giáo viên, y, bác sỹ công tác tại vùng sâu vùng xa tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ, y tế và các giáo trình nâng cao trình độ khác. Thực tế, tại An Giang, nhiều giáo viên và bác sỹ đã được dành một số giờ để khai thác internet, đọc những tài liệu thông tin khoa học - công nghệ và giáo trình nâng cao trình độ. Do vậy Dự án luật này nên có thêm mục ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng sâu, vùng xa… 

Đại biểu Hứa Chu Keng (Bạc Liêu)

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh. Theo đó, bà nêu rõ: Dự thảo luật lần này đã thể hiện rõ chủ trưởng xã hội hoá trong hoạt động điện ảnh, đảm bảo sự bình đẳng giữa các cơ sở điện ảnh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong hoạt động điện ảnh cũng như hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai...

Các nội dung về chính sách của Nhà nước để phát triển điện ảnh, xuất-nhập khẩu-phổ biến phim và xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh là những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến trong buổi thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh. 

Đại biểu Đoàn Văn Hồng (Đồng Tháp)

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La), Đặng Thị Phương Phi (Long An), Nguyễn Văn Trì (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Hồng Đào (An Giang), Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Trần Thu Hà (Hà Nội), Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa)... nhất trí cao với dự thảo Luật, đồng thời nêu ý kiến bổ sung những vấn đề về chính sách phát triển điện ảnh, quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh, những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, quản lý doanh nghiệp điện ảnh, sản xuất phim đặt hàng, xuất- nhập khẩu phim, phát sóng phim trên truyền hình...

Tổng hợp ý kiến của các đại biểu, Đoàn Chủ tịch giao Ban Soạn thảo và Ban Thư ký tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo Luật nêu trên để cuối kỳ họp này có báo cáo giải trình Quốc hội xem xét thông qua.

Ngày mai, 24/5/2006, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật Trợ giúp pháp lý. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trợ giúp pháp lý.

(Theo website Chính phủ)