Quốc hội thảo luận dự án Luật Về luật sư; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi)

23/05/2006
Ngày 22/5, buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường dự án Luật Về luật sư. Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu thảo luận dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi).

Trước khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Về luật sư, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Về luật sư.

Dự thảo Luật Về luật sư gồm 9 chương, 96 điều, quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề luật sư, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư; tổ chức hành nghề luật sư; hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho biết: Có rất nhiều ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luât; Khái niệm về luật sư và hành nghề luật sư; Về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư; Về hình thức luật sư làm việc cho các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước theo chế độ viên chức; Về hình thức luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, làm việc cho cơ quan, tổ chức theo chế độ hợp đồng lao động…

Phát biểu ý kiến tại Hội trường, hầu hết đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu và bổ sung  đầy đủ so với dự thảo lần trước. Tuy vậy, nhiều đại biểu thấy vẫn còn có những điều khác nhau cần được tiếp tục làm rõ.  
 

Đại biểu Đinh Thị Nính (Sơn La)

Về điều kiện hành nghề luật sư, ông Hoàng Thiện Cát (tỉnh Hưng Yên) nhất trí với quy định tại Điều 10 dự thảo Luật là, một người muốn hành nghề luật sư phải có chứng chỉ hành nghề luật sư, phải gia nhập Đoàn luật sư, vì chúng ta đều biết hoạt động của luật sư là một nghề tự do, có điều kiện.  Để đảm bảo lợi ích của khách hàng, lợi ích của xã hội, đồng thời không vi phạm từ phía các luật sư, thì Nhà nước cần phải có các quy định chặt chẽ như vậy để kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động cho đúng pháp luật. Có như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức mới được bảo vệ đầy đủ .


Cũng có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để các luật sự mở rộng phạm vi hành nghề, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, giảm dần sự mất cân đối giữa các vùng, các khu vực, đặc biệt vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Bà Đinh Thị Nính (tỉnh Sơn La) cho rằng, luật sư chỉ tập trung ở các thành phố lớn, tỉnh miền xuôi, còn các tỉnh miền núi hiện nay có tỉnh chỉ có một đến hai luật sư, thậm chí có những tỉnh không có luật sư như tỉnh Điện Biên và Lai Châu, nên hoạt động hết sức khó khăn.  Bà Đinh Thị Nính đề nghị: Trong bản dự thảo luật cần có một điều quy định ưu tiên, hoặc quan tâm đào tạo đối với luật sư ở các tỉnh miền núi, đồng thời tạo điều kiện cho luật sư các tỉnh miền núi hoạt động.


Đào tạo nghề luật sư, đại biểu Lê Minh Hồng (Ninh Bình) phát biểu về hai nội dung cần được làm rõ: Cơ sở ngoài công lập có đào tạo được không? và điều kiện để thành lập một cơ sở đào tạo nghề luật sư là gì? Theo ông Lê Minh Hồng, nên cho phép cả cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập được đào tạo, điều quan trọng là chúng ta tăng cường quản lý Nhà nước và quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập các cơ sở đào tạo này.
 

Đại biểu Mã Điền Cư (Bình Thuận)

Vấn đề hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, nhiều đại biểu tán thành với phương án 1, tức là quy định một số nội dung cụ thể liên quan đến hoạt động tham gia tố tụng của luật sư. Ông Mã Điền Cư (tỉnhBình Thuận) cho biết: Theo nhận thức của tôi, Luật Về luật sư quy định một số nội dung cụ thể liên quan đến hoạt động tham gia tố tụng của luật sư thực chất là cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của luật sư trong từng lĩnh vực ngành nghề. Quy định rõ hơn cơ chế pháp lý bảo đảm cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời đề cao trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong quá trình hành nghề luật sư. Luật Về luật sư cần quy định  những nội dung mà những văn bản pháp luật khác chưa quy định. Bởi vì hoạt động tham gia tố tụng của luật sư là một trong những hình thức hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý quan trọng của luật sư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức, đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng…


Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hàng dân dụng Việt Nam (sửa đổi).

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) gồm có 10 chương, với 201 điều, quy định về hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm các quy định về tàu bay, cảng hàng không, sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không, trách nhiệm dân sự, hàng không chung và các hoạt động khác có liên quan đến hàng không dân dụng.

 

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh)

Phát biểu thảo luận, các đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau về: Phạm vi điều chỉnh; nội dung quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; Trách nhiệm quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; Về các quyền đối với tàu bay; Về đình chỉ thực hiện chuyến bay, tạm giữ tàu bay, khám xét tàu bay; Về cụm cảng hàng không khu vực hiện nay; Về cảng hàng không, sân bay; Hoạt động bay, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Về nghĩa vụ của người vận chuyển khi vận chuyển hành khách… Những vấn đề này đã được các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Đào (tỉnh An Giang), Châu Thị Lê (tỉnh Bình Thuận), Hoàng Thanh Phú (tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Xuân Thiết (tỉnh Vĩnh Phúc), Huỳnh Văn Chính (thành phố Đà Nẵng), Phương Hữu Việt (thành phố Hồ Chí Minh)… phát biểu, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét và bổ sung để luật phù hợp với thực tế cuộc sống hơn.

         

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp xây dựng, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Về luật sư và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), cuối kỳ họp này có báo cáo giải trỉnh để Quốc hội xem xét thông qua.

Ngày 23/5/2006, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghệ thông tin. Buổi chiều, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh.

(Theo website Chính phủ)