Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội: Phù hợp hơn với thực tế và xu hướng hội nhâp quốc tế

22/05/2006
Ngày 19/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh cho biết: Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm và ổn định đời sống cho người lao động, đặc biệt là người lao động đã nghỉ hưu và người nghỉ theo chính sách. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội là phạm vi rất rộng, quy định nhiều chính sách cụ thể. Ngoài những nội dung mà các đại biểu quan tâm, đề nghị các đại biểu tập trung vào những nội dung của 6 vấn đề chung và 22 vấn đề cụ thể, còn có những ý kiến khác nhau. Theo quy trình của công tác xây dựng pháp luật,  đến bước này Đoàn Chủ tịch không gợi ý thảo luận. Đề nghị các đại biểu tập trung vào những vấn đề cử tri cũng như các đại biểu quan tâm. Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. 

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, hầu hết các đại biểu nhận xét: Có thể khẳng định, luật này có vị trí hết sức quan trọng. Hoan nghênh Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý doanh nghiệp. Ông Đặng Ngọc Tùng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Dự án Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội kỳ này có nhiều chính sách xã hội mới tốt hơn lần trình trước. Do đó, ông đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm hai chế độ là hưu trí, tuất. Bảo hiểm thất nghiệp gồm 3 chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của Ban soạn thảo với mong muốn là các chế độ bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua kỳ này phù hợp hơn với thực tế, với sự phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế và xu thế hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. 

Xung quanh vấn đề thời gian tính bình quân lương hưu để tính lương hưu cho người lao động cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Cách tính bình quân về lương hưu hiện nay đề ra 2 mức: mức 15 năm và mức 10 năm, theo các đại biểu, mức 15 năm quá dài. Ông Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) thống nhất đề nghị: Nên lấy mức 10 năm cuối thời gian công tác để tính bình quân lương hưu trước khi tính lương nghỉ hưu cho người lao động là hợp lý. Như vậy sẽ đỡ thiệt thòi cho người lao động và người tham gia đóng bảo hiểm xã hội. 

 

Bà Sơn Thị Ánh Hồng, đại biểu QH tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến.
Ảnh báo Nhân Dân

Tuổi hưởng lương hưu cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Bà Sơn Thị Ánh Hồng (Trà Vinh) đề nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu, quy định tuổi hưởng lương hưu theo nhóm ngành, nghề để phù hợp với xu thế quốc tế. Có những nhóm ngành, nghề ở đó, người lao động nam giới cũng có nhu cầu được nghỉ sớm như lao động nữ giới. Nhưng cũng có những nhóm ngành, nghề, nữ giới có nhu cầu được làm việc và cống hiến như nam giới. Đây chính là nhu cầu chính đáng của người lao động. 

Về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu không tán thành với nội dung Điều 104: Lương và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội lấy từ tiền sinh lời do đầu tư quỹ xã hội, để trả lương cho lực lượng trong ngành. Đại biểu Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng tiền này là của người lao động đóng góp, do đó ông đề nghị: Những người hoạt động trong ngành bảo hiểm xã hội cũng nằm trong đơn vị sự nghiệp, cho nên phải được hưởng lương từ ngân sách nhà nước như cán bộ, công chức nhà nước khác,  không thể có một đặc quyền, đặc lợi so với khu vực hành chính sự nghiệp. Chỉ nên trích một phần lời do đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm và tối đa chừng khoảng 1,5% để phụ cấp trách nhiệm cho người làm công tác bảo hiểm và chi phí cho công tác quản lý thay cho việc trích 3% như đề nghị trong dự thảo Luật. 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, theo ông là rất “tập trung, cụ thể”, song vẫn còn nhiều vấn đề phải chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ông đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh để trình Quốc hội thông qua.

Ngày mai, 20/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Buổi Chiều, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên sẽ trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản. Sau đó Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản.

 

(Theo website Chính phủ)