Trong xã hội Việt Nam truyền thống, gia đình là một đơn vị cơ sở rất quan trọng trong đời sống của mỗi con người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến lúc qua đời. Khác với xã hội phương Tây, nơi mà gia đình kiểu mẫu bao giờ cũng chỉ duy nhất tồn tại một thế hệ chung sống với nhau, khi con cái đến tuổi trưởng thành thì việc ra ở riêng, tách khỏi cha, mẹ đã trở thành truyền thống. Gia đình Việt Nam theo “chuẩn mực” truyền thống bao giờ cũng là gia đình “tam, tứ đại đồng đường” với nhiều thế hệ cùng tụ họp bên nhau. Đời sống kinh tế theo kiểu cùng làm, cùng hưởng, cùng sinh sống dưới một mái nhà. Hình ảnh gia đình tập trung nhiều thế hệ như thế có thể nói là một dấu ấn riêng, tạo nên bản sắc đặc trưng cho tinh thần cố kết cộng đồng và lối sống trọng tình, trọng nghĩa của người Việt, có nguồn gốc từ truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước. Nghề nông trồng lúa theo thời vụ rất cần có sự đoàn kết giúp đỡ nhau nên con người sống rất gắn bó, gia đình nào đông người thì càng tăng thêm sức lao động, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc đồng áng để thu hoạch nhanh chóng. Lúc đó chức năng kinh tế của gia đình chính là sản xuất, cả gia đình phải đoàn kết hợp sức lại thì mới có thể sản xuất ra của cải vật chất, một mình một cá nhân không bao giờ có thể tự lao động sản xuất trong thời đó. Chính vì không thể không đoàn kết, gắn bó để cả gia đình cùng lao động sản xuất mà yếu tố cá nhân trong gia đình Việt Nam xưa có phần mờ nhạt, lợi ích chung của gia đình luôn được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, thời xưa, khoa học - kĩ thuật chưa phát triển nên nghề nông phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, kinh nghiệm của những người lớn tuổi rất được xem trọng. Điều này cũng đã góp phần hình thành những quan niệm chuẩn mực trong xã hội bấy giờ - người già, những bậc cao niên bao giờ cũng được cả nể, kính trọng. Trong gia đình, cũng từ đó hình thành mối quan hệ theo kiểu tôn ti, thứ bậc - người sinh ra trước là bậc trên, người sinh ra sau là bậc dưới. Người đứng đầu gia đình là các cụ cao tuổi, có tiếng nói, quyết định mọi việc trong nhà và được con cháu nể trọng. Người lớn tuổi quyết định mọi việc do kinh nghiệm và người nhỏ tuổi phải tuân theo, vì thế mà tính dân chủ hay sự tự do cá nhân vốn là một khái niệm xa lạ trong gia đình Việt Nam xưa.
Cùng với sự biến đổi của tình hình kinh tế, xã hội, xã hội Việt Nam nông nghiệp truyền thống thay da đổi thịt qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan niệm về gia đình và vấn đề sở hữu tài sản trong gia đình, về các mối quan hệ trong gia đình đã có nhiều biến đổi trong đó yếu tố cá nhân được đề cao nhiều hơn.
Ở thời điểm hiện tại, kiểu gia đình “tam, tứ đại đồng đường” hầu như đã trở nên rất hiếm hoi. Phổ biến ở các đô thị bây giờ là gia đình một hoặc hai thế hệ và hầu như xu hướng chung của các cặp vợ chồng là sinh rất ít con. Do đời sống hiện tại phát triển nhanh chóng, mọi người đều bị cuốn hút theo công việc để kiếm thêm thu nhập nên việc sinh ít con cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, vừa có thời gian tập trung cho công việc, tìm nguồn thu nhập cao; mặt khác, lại có điều kiện kinh tế để chăm lo cho con cái tốt hơn. Trong một xã hội phát triển, đời sống của con người được cải thiện đáng kể, thu nhập tăng cao đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống cho con người, mỗi thành viên trong gia đình vì thế mà cũng có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện bản thân.
Vấn đề bình đẳng giới cũng được chú trọng và đề cao, người đàn ông - người cha trong gia đình không còn nắm độc quyền kinh tế mà người phụ nữ cũng đã bắt đầu bước ra xã hội để khẳng định vị trí của mình trong sự đóng góp vào nguồn thu nhập của cả gia đình. Nếp sống tôn ti, gia trưởng theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” của gia đình truyền thống dần dần bị xóa bỏ. Thay vào đó là tinh thần dân chủ trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày càng có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp xúc với những tiến bộ của thời đại, khoa học - kĩ thuật và công nghệ, tiếp nhận những trào lưu, xu hướng văn hóa mới của thế giới… Do đó, trong họ cũng bắt đầu hình thành nếp suy nghĩ độc lập, dân chủ hơn, tự do nói lên ý nghĩ, tình cảm của mình về mọi vấn đề mà họ quan tâm. Những bậc cha mẹ thời hiện đại cũng đã quen thuộc với điều đó, chấp nhận cho con cái một “khoảng trời riêng”… Theo Báo cáo tóm tắt kết quả điều tra gia đình năm 2006 (công bố năm 2008) thì hoạt động sản xuất kinh doanh do gia đình như một đơn vị kinh tế thực hiện có xu hướng giảm, hoạt động kinh tế do cá nhân thực hiện ngoài gia đình có xu hướng tăng lên. Sự thay đổi về kinh tế, xã hội và giao lưu văn hóa đã mang lại cho gia đình một luồng sinh khí mới: thu nhập, mức sống, mức hưởng thụ, trình độ tiêu dùng, đời sống vật chất và tinh thần, sự cập nhật thông tin, sự bình đẳng và dân chủ của hai vợ chồng ngày càng được nâng cao. Cả gia đình nói chung và vợ chồng nói riêng không cùng làm kinh tế như trước nữa, họ theo đuổi những con đường riêng và có những hoạt động kinh tế khác nhau. Vì vậy mà họ có thu nhập riêng, có tài khoản riêng, bên cạnh sự tiêu dùng chung cho gia đình thì việc tiêu dùng riêng cho cá nhân cũng là lẽ rất bình thường, họ không cùng sản xuất và quản lí chung một “nguồn ngân sách” như gia đình truyền thống. Nhưng, bởi vì các yếu tố truyền thống trong gia đình Việt Nam vốn không thể ngày một ngày hai đã bị phủ định hoàn toàn, tư duy “duy tình” chứ không phải “duy lí” vẫn là đặc trưng của văn hóa Việt Nam nên vấn đề tiền bạc nhiều khi lại được coi là một mối đe dọa đến hạnh phúc gia đình. Theo lời khuyên của các chuyên gia thì để tránh sự đổ vỡ “không gì quan trọng bằng việc bàn bạc và chia sẻ mục tiêu một cách thẳng thắn. Một số người cứ hay nhạy cảm khi đề cập đến tiền bạc, bởi họ cho rằng đó là vấn đề cá nhân rất riêng tư. Nhưng nên nhớ, một khi quyết định tiến tới hôn nhân nghĩa là đôi bên đồng ý kết hợp hai cuộc đời lại với nhau, dựa trên căn bản của sự thành thật và có niềm tin. Trước khi kết hôn, các cặp đôi nên thảo luận về tình hình tài chính của cả hai. Nên đặt ra những câu hỏi khó để cùng nhau thương lượng và tìm cách giải quyết. Ví dụ như mức sống của chúng ra sẽ như thế nào? Trung bình một tháng nên đóng góp bao nhiêu tiền cho gia đình? Khi nào chúng ta sẽ có con? Ai sẽ là người chăm sóc con cái? Có kế hoạch cho chúng đi học nước ngoài hay không?...”. Nhiều khi sự rõ ràng về tiền bạc có thể sẽ làm giảm đi sự lãng mạn của tình cảm vợ chồng song lại có thể khiến cho hôn nhân trở nên bền vững hơn, đảm bảo cho hạnh phúc gia đình, Szilagy Vilmos trong cuốn hôn nhân trong tương lai có viết rằng: “dù lạnh lùng đến thế nào tôi vẫn phải mạo muội khẳng định một điều thoạt đầu nghe có vẻ phi lí: Về lâu dài, một cuộc hôn nhân vì tình yêu khép kín chính ra lại chứa đựng những mối hiểm nguy lớn hơn cho sự phát triển nhân cách so với hôn nhân theo giao kèo vốn được thỏa thuận và kí kết bởi hai phía mà không có ảo tưởng gì”. Vậy nên, nhu cầu được chủ động quản lí tiền bạc và tự do hoạch định về tài chính của các cặp vợ chồng có xu hướng tăng mà theo qui định của pháp luật thì những tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kì hôn nhân đều là tài sản chung, điều này dễ khiến cho các kế hoạch về tài chính của vợ chồng trở nên không có cơ sở pháp lí và dễ dàng bị vô hiệu. Pháp luật cũng đã có qui định về thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân song qui định này lại thiếu tính chặt chẽ và chưa thể trở thành giải pháp tốt cho việc hoạch định tài chính của vợ chồng. Việc xây dựng những qui định phù hợp để tạo điều kiện cho vợ chồng tự do hoạch định vấn đề tài chính là điều cần thiết hiện nay.
2. Tình trạng chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân để đầu tư kinh doanh riêng
Toàn cầu hoá kinh tế là xu thế tất yếu và nó đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Biểu hiện dễ nhận thấy của nó là sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế có nhiều sự thay đổi. Sự ra đời của các tổ chức kinh tế thế giới như WTO, EU, AFTA...và nhiều tam giác phát triển khác cũng do toàn cầu hoá đem lại. Theo xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO khiến cho kinh tế Việt Nam ngày càng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Theo thống kê: đầu năm 2004, Việt Nam có 72.012 doanh nghiệp đang hoạt động, tính tới thời điểm ngày 31-12-2005 số doanh nghiệp đang thực tế hoạt động trong cả nước là 113.352 vậy mà con số này chưa được bằng 2/3 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (175.297 doanh nghiệp) tính đến thời điểm ngày 18/4/2010. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư kinh doanh ngày một phát triển và mở rộng. Theo báo cáo sơ bộ về tình hình tài chính của thị trường chứng khoán năm 2009 của ủy ban chứng khoán nhà nước tính đến tháng 10 năm 2009 số tài khoản đầu tư chứng khoán cá nhân là 763.578 tài khoản. Như vậy có thể thấy không chỉ là hoạt động đầu tư có qui mô (hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) mà cả hoạt động đầu tư kinh doanh cá nhân cũng rất phổ biến. Hoạt động kinh tế phát triển thì “như một hệ quả đương nhiên, các mối quan hệ xã hội sẽ phức tạp hơn nhiều, trong đó có các mối quan hệ gia đình mà đặc biệt là quan hệ sở hữu tài sản vợ chồng, khi vợ chồng là các chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là chủ thể liên quan trong các hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Như đã phân tích, chức năng kinh tế của gia đình đã chuyển từ sản xuất sang tiêu dùng, vợ chồng có những hoạt động kinh tế khác nhau. Trong thực tế, hoạt động đầu tư kinh doanh thường chỉ thực hiện bởi một người vợ hoặc chồng, điều này dẫn đến logic là chỉ có một người vợ hoặc chồng nắm được và chịu trách nhiệm với hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng các hoạt động kinh tế này lại liên quan đến vấn đề tài sản chung của vợ chồng nên cần thiết phải có một cơ chế để giải quyết vấn đề này. Hệ thống văn bản pháp luật về hôn nhân gia đình hiện nay đã phần nào phân định được tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng và trách nhiệm của vợ chồng đối với tài sản. Tuy nhiên khi vợ chồng đã trở thành những chủ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vợ, chồng còn bị chi phối bởi hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó việc xác định tài sản chung, tài sản riêng và trách nhiệm về tài sản của vợ chồng trong trường hợp này trở nên khó khăn và phức tạp hơn bao giờ hết. Bởi vậy nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến giải pháp chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình có qui định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lí do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung”. Hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng được qui định tại Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 8 Nghị định 70 qui định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên qui định về chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân còn chưa chặt chẽ, có nhiều điểm không rõ ràng đặc biệt là về hình thức của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Thực tế đó cho thấy, cần có một giải pháp pháp lí cho vấn đề tài sản của vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
3. Tình trạng li hôn gia tăng kèm theo vấn đề chia tài sản khi li hôn
Báo cáo kết quả điều tra gia đình Việt Nam 2006 (công bố năm 2008) số vụ li hôn ngày càng tăng: năm 2000 gần 52.000 vụ, năm 2001 có 54.000 vụ, đến năm 2005 tăng lên 65.929 vụ và đến năm 2010 là xấp xỉ 90.000 vụ. Tỉ lệ li hôn ngày một tăng có thể là do quan niệm về vấn đề li hôn không còn nặng nề như trước nữa.
Trong hôn nhân người ta thường nói “của chồng công vợ”, tuy nhiên, khi đời sống vợ chồng không còn êm ấm, những tranh chấp tài sản trở thành đề tài nóng hổi trước tòa; lúc vợ chồng thuận hoà, người trong cuộc thường không nghĩ đến chuyện phân chia tài sản vì “của anh cũng như của em” và ngược lại, tuy nhiên, khi chia tay, tranh chấp quyền sở hữu tài sản là một vấn đề nóng bỏng. Việc phân định rạch ròi tài sản thuộc về ai là điều hết sức quan trọng đối với cuộc sống của hai người và cả con cái sau khi li hôn. Thế nhưng, việc phân định này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên thực tế, đã có những trường hợp người phụ nữ hay đàn ông phải chạy theo những vụ kiện kéo dài vài năm, thậm chí nhiều hơn thế để đòi quyền lợi, phần tài sản chính đáng của mình. Có những vụ li hôn đầy cay đắng và nước mắt trong đó người vợ chỉ nhận được 1/20 khối tài sản đã chung tay tạo dựng, có những vụ li hôn bạc tỉ đã khiến nhiều người tham dự phiên tòa phải kinh hãi vì mức độ kiệt nghĩa cạn tình. Tất cả những hoàn cảnh bi đát đó cũng chỉ vì vấn đề chứng minh tài sản chung, tài sản riêng. Theo lời khuyên của các chuyên gia, để tránh những rắc rối về phân chia tài sản sau hôn nhân, tốt nhất cả hai vợ chồng nên ý thức được về việc sở hữu tài sản ngay từ đầu. Trong thời đại ngày nay, đã xuất hiện nhiều gia đình có tài sản kếch xù và trong nhiều trường hợp khả năng tạo lập tài sản chỉ thuộc về một người. Nếu vợ chồng không có thỏa thuận gì khác và theo đúng qui định của pháp luật thì khối tài sản tạo lập được sẽ phải chia đôi, trong nhiều trường hợp điều này trở nên thiếu công bằng và bất hợp lí. Việc tạo một cơ sở pháp lí để bảo đảm quyền sở hữu của vợ chồng thật sự là cần thiết và là nhu cầu của thời đại ngày nay; không chỉ đơn thuần là để tránh các tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi li hôn mà, nó còn bảo vệ quyền lợi hợp lí cho người đã bỏ rất nhiều công sức tạo lập nên tài sản.
4. Hiện tượng kết hôn với người nước ngoài trở nên phổ biến
Trong xu thế hội nhập, kết hôn với người nước ngoài là quyền nhân thân của mỗi người trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, hạnh phúc và hiện đã không còn bị luật pháp cấm đoán. Theo các số liệu thống kê được đưa ra tại Hội thảo “Di cư và hôn nhân ở Việt Nam – Vấn đề và giải pháp” do Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển (thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Kinh tế & Luật pháp Osaka, Nhật Bản vừa tổ chức, từ 1995-2007 có khoảng 180.000 người Việt Nam kết hôn với người của 60 nước, trong đó phụ nữ chiếm tới 80%. Do hôn ước tương đối phổ biến ở nước ngoài, vậy nên khả năng một người Việt Nam kết hôn với một người nước ngoài và hai người có lập hôn ước là rất cao. Phù hợp với xu hướng đó, pháp luật Việt Nam cần qui định về hôn ước.
Thậm chí, hiện nay, trên lí thuyết, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận hôn ước trong một số trường hợp. Theo chúng tôi, pháp luật Việt Nam thừa nhận hôn ước trong một số trường hợp sau đây. Thứ nhất, trong trường hợp hai công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, kết hôn với nhau và lập hôn ước, theo nguyên tắc của tư pháp quốc tế thì luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về vấn đề kết hôn sẽ là luật của quốc gia nơi thực hiện nghi thức kết hôn; vì thế, mặc dù pháp luật Việt Nam không có qui định về hôn ước song khi đó hôn ước của hai công dân Việt Nam sẽ vẫn có hiệu lực. Thứ hai, Việt Nam mặc dù không có qui định cho phép lập hôn ước nhưng cũng không có qui định nào cấm lập hôn ước. Điều 18 Nghị định 68/2002/NĐ-CP về từ chối đăng kí kết hôn ở Việt Nam không có qui định nào về từ chối đăng kí kết hôn trong trường hợp vợ chồng có lập hôn ước; nếu hai bên nam nữ lập hôn ước ở Việt Nam thì chỉ gặp duy nhất một khó khăn để hôn ước có hiệu lực đối với pháp luật nước ngoài: đó là hôn ước không thể được công chứng chứng thực, tuy nhiên nếu công dân Việt Nam kết hôn với công dân Mĩ thì hôn ước này chỉ cần lập bằng văn bản, có chữ kí của hai người để khi li hôn ở tòa án của Mĩ, hôn ước này được coi là đã lập và phát sinh hiệu lực ở Việt Nam.
5. Một số quan điểm về hôn ước tại Việt Nam hiện nay
5.1. Hợp đồng hôn nhân: cần sớm có lời giải
Pháp luật một số nước phương Tây cho phép trước khi kết hôn, nam nữ có quyền lập khế ước (hợp đồng) hôn nhân. Các bên thỏa thuận các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không công nhận vấn đề này bởi nó không phù hợp văn hóa và truyền thống hôn nhân gia đình là đề cao lòng chung thủy, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, lâu dài.
Với quan điểm ủng hộ việc ký kết hợp đồng hôn nhân, nhiều ý kiến cho rằng “Hợp đồng được ký kết với mục đích lớn nhất là đi đến thống nhất chung, tránh tranh cãi về sau, đôi bên cùng có lợi, mang đến tình yêu, hạnh phúc bền vững. Bởi, tình cảm chỉ lâu bền khi kinh tế rõ ràng”. Trái ngược với ý kiến này, một số ý kiến khác lại cho rằng, không thể vì những vấn đề khó giải quyết khi hôn nhân gặp trục trặc mà làm thay đổi cả bản chất tốt đẹp của nó bởi nền tảng của hôn nhân là tình yêu, không phải là vật chất, không toan tính, vụ lợi. Tuy hợp đồng hôn nhân có thể giải quyết một số rắc rối phát sinh nếu cuộc hôn nhân không như mong muốn nhưng việc này sẽ làm thay đổi bản chất của hôn nhân. Việc ký hợp đồng trước hôn nhân tức là chưa cưới nhau đã nghĩ đến chuyện ly hôn rồi thì liệu gia đình có hạnh phúc?”.
Ở các nước theo theo hệ thống pháp luật common law (đặc biệt ở Hoa Kì) tồn tại quan niệm hôn nhân là một loại hợp đồng dân sự vì có sự thoả thuận giữa một người đàn ông và một người đàn bà để thiết lập một quan hệ pháp lý làm phát sinh và thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với nhau. Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam, hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa 2 bên. Sự liên kết này không phụ thuộc vào tính toán vật chất, mà dựa trên cơ sở tình yêu thương, bình đẳng và tự nguyện giữa vợ và chồng, với mục đích xây dựng mối quan hệ bền vững. Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành chỉ ghi nhận tài sản vợ chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nên chưa bao quát hết những phức tạp phát sinh trong đời sống và thực tế đã có nhiều vụ việc phức tạp, bởi việc phân biệt tài sản chung, riêng trong đời sống hôn nhân không đơn giản. Tiêu biểu là vụ kiện đình đám thời gian qua của ông Nguyễn Quốc An (Việt kiều Mỹ) kiện đòi người mẫu Ngọc Thúy trả số tài sản 14,4 triệu USD ông nhờ đứng tên trong thời gian còn là vợ chồng. Sau khi li hôn, Tòa án bang California, Mỹ đã quyết định thu hồi số tài sản này trả lại cho ông An vì được mua bằng tiền riêng của ông. Còn theo luật Việt Nam, tài sản này khó có thể phân biệt riêng, chung vì nó được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và đều do Ngọc Thúy đứng tên. Do Việt Nam và Hoa Kì chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên bản án này chưa thể thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng tài sản trước hôn nhân đương nhiên là tài sản riêng nếu không có thỏa thuận khác song nhiều cặp vợ chồng muốn giấy trắng mực đen để “yên tâm chung sống”. Khi có tranh chấp, họ dễ dàng chứng minh tài sản nào là của mình. Do vậy, việc luật hóa chuyện hôn ước là cần thiết. Ngoài ra, khi có hôn ước, nếu tranh chấp xảy ra, tòa cũng dễ xét xử hơn và không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hôn ước cần phải được lập thành văn bản trên tinh thần tự nguyện, trung thực và có chứng thực của chính quyền địa phương hoặc văn phòng công chứng. Khi có tranh chấp, tòa án sẽ coi văn bản này là một trong những chứng cứ để ra phán quyết. Có thể nói, bất cứ vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Nếu như hợp đồng hôn nhân là công cụ đắc lực cho những người trong cuộc muốn bảo tồn được tài sản của mình thì nó cũng vô tình tạo ra sự nghi ngại, ngăn cách giữa hai bên khi họ quyết định kết hôn. Do vậy, trước khi ban hành, các cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc để có những quy định phù hợp.
Thời gian qua đã có một số đôi vợ chồng trước khi kết hôn đã kí kết xong bản hợp đồng hôn nhân như một sự cam kết chung sống và sẵn sàng chia tay mỗi người một ngả khi tình yêu không còn. Tức là, ngay từ đầu, họ đã tạo dựng sẵn cho mình tâm lí phòng thủ. Như vậy, sự chân thành, tôn trọng và yêu thương liệu có tồn tại lâu bền? Ở nước ta, dù luật pháp không công nhận tính pháp lý của hợp đồng hôn nhân, song đã có nhiều cặp vợ chồng áp dụng. Điều đó chứng tỏ trong một số trường hợp, hợp đồng hôn nhân phát huy hiệu quả nhất định. Tuy vậy, để bản hợp đồng này đi vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng thì nên coi nó là điều khoản kèm theo của giấy đăng ký kết hôn. Bởi, hợp đồng hôn nhân không chỉ đề cập đến quyền lợi, tài sản cửa hai bên mà nó còn có thể chứa đựng những vấn đề thường nhật trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, để các bên có trách nhiệm cùng chăm sóc con cái tốt hơn…
5.2. Hợp đồng hôn nhân là công bằng và tiến bộ
Khi gia đình hạnh phúc, ấm êm, có lẽ chẳng mấy ai nghĩ đến “của anh, của tôi”, nhưng không may mâu thuẫn, xích mích, thì đây lại là nguyên nhân khiến mâu thuẫn gia đình thêm trầm trọng. Nhiều gia đình, tuy vẫn “bằng mặt” với nhau, nhưng vợ chồng lại không thể “bằng lòng” khi người kia tự ý mua bán, cho tặng, đầu tư... từ “tài sản chung”, mà thực ra là tài sản riêng vì họ được tặng cho, hoặc có công sức chủ yếu để làm ra khối tài sản đó. Thực ra, Luật HN&GĐ cũng đã ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng. Song, việc chứng minh đâu là tài sản riêng rất khó khăn vì hầu hết hai bên vợ chồng không có thỏa thuận trước, hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cụ thể. Thế nên, khi một trong hai người muốn đầu tư kinh doanh, hoặc có con riêng cần cấp dưỡng, muốn giúp đỡ anh em bên họ nhà mình… mà người kia không đồng thuận, thì rất khó tự quyết định. Việc áp đặt một chế độ tài sản trong hôn nhân đang cho thấy sự cứng nhắc, không đảm bảo được quyền tự định đoạt của người có tài sản (cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội)... Điều này đang đặt ra yêu cầu pháp luật phải có qui định cụ thể, hợp lý hơn về tài sản chung, riêng của vợ chồng, tạo cơ sở cho quyền tự định đoạt của vợ, chồng về tài sản của mình, đồng thời tránh những rắc rối, phức tạp có thể xảy ra khi hôn nhân đổ vỡ. Thực ra, chế độ tài sản trong hôn nhân theo thỏa thuận đã được quy định trong pháp luật ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến năm 1959 và ở miền Nam Việt Nam từ năm 1959 đến ngày 25/3/1977, nên đây không phải là vấn đề mới ở Việt Nam.
Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là, việc thực hiện chế độ hôn sản theo thỏa thuận (hay còn gọi là hôn ước tài sản, “hợp đồng hôn nhân”) có làm phá vỡ đi tính “cộng đồng trách nhiệm” của hôn nhân, cũng như khó đảm bảo được lợi ích chung của gia đình, đặc biệt là của con cái? Trước khi kết hôn, đã quá “cân nhắc” về tài sản “chứng tỏ” vợ chồng thiếu tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng cuộc sống gia đình bền vững… Không thể phủ nhận rằng, trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận áp dụng chế độ cộng đồng toàn sản (tất cả tài sản của vợ, chồng đều thuộc sở hữu chung hợp nhất như hiện nay) thì thỏa thuận này rõ ràng mang tính “cộng đồng” cao hơn so với thỏa thuận chế độ hôn sản pháp định. Tuy nhiên, chế độ hôn ước tài sản cũng sẽ không làm “mất đi bản chất tốt đẹp của hôn nhân” nếu được hai vợ chồng cùng nhìn nhận là qui định tiến bộ và đồng thuận tuân theo. Khi đó, vợ chồng được tự định đoạt tài sản riêng, sẽ khiến mỗi người cảm thấy hôn nhân có sự ràng buộc, nhưng không làm mất đi quyền tài sản của cá nhân. Vì vậy, giải pháp hợp lý được nhiều Bộ, ngành đồng tình góp ý xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình là đưa ra qui định “mở”: Một mặt thừa nhận chế độ hôn sản theo thỏa thuận, mặt khác thiết lập những quy định về việc bảo đảm những điều kiện cần thiết cho đời sống gia đình, nhất là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đồng thời, nếu hai vợ chồng không muốn lập hôn ước tài sản, thì tài sản của họ từ khi kết hôn sẽ được tính là tài sản chung, như pháp luật hiện hành.
“Hôn ước tài sản” khi kết hôn là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Hôn ước tài sản sẽ là cơ sở để bảo vệ tài sản riêng của từng cá nhân, giúp giảm thiểu xung đột, thậm chí là tiết kiệm được án phí chia tài sản khi ly hôn… Nếu cả hai bên đều nhìn nhận việc lập hôn ước tài sản là cách sống hiện đại, thì điều này còn có thể củng cố vững chắc hơn quan hệ vợ chồng, khi hai bên hiểu rõ ràng quan điểm của nhau về tài sản vốn là vấn đề nhiều người thấy khó xử. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một “cam kết hôn nhân” thực sự, chứ không nhằm mục đích “đổi đời” khi kết hôn với người có điều kiện kinh tế tốt hơn. Thỏa thuận về chế độ hôn ước tài sản phải được lập trước khi kết hôn và có hiệu lực tại thời điểm đăng ký kết hôn. Về hình thức, thỏa thuận phải được lập thành văn bản, được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn ghi chú vào Sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, thỏa thuận về chế độ tài sản ước định có thể được sửa đổi, bổ sung khi có lý do chính đáng và việc sửa đổi, bổ sung phải tuân theo những thể thức như khi lập hôn ước trước khi kết hôn.
Theo các chuyên gia pháp luật, trên thực tế với những trường hợp vợ chồng có nhiều tài sản riêng, công ty riêng… thì cách phân chia tài sản vợ chồng duy nhất như quy định hiện hành là cứng nhắc, dễ gây thiệt thòi cho người dân.
Mới đây, tỉ phú LA cho biết ông đã tự bảo vệ khối tài sản của mình bằng một bản… di chúc. Theo ông A., ngay sau khi cưới hai vợ chồng ông ra phường sửa lại bản di chúc ông đã lập trước đó. Ông kể: “Trong di chúc mới nhất có nói rằng tài sản gồm a, b, c… do tôi hình thành trước khi lấy vợ. Toàn bộ tài sản tôi dành cho Từ thiện LA do tôi làm chủ tịch, vợ tôi làm phó chủ tịch. Vợ tôi được kế thừa chứ không được quyền thừa kế khối tài sản trên, tức vợ chỉ thay tôi làm từ thiện chứ không có quyền định đoạt khối tài sản đó”.
Tuy nhiên, các chuyên gia luật cho rằng cách làm trên của tỉ phú A. gần như không có giá trị pháp lý trong việc không cho vợ thừa kế. Giá như ông được quyền lập hôn ước thì ông dễ dàng bảo vệ khối tài sản riêng của mình. Luật sư Nguyễn Hoàng Anh (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết theo Điều 669 Bộ luật Dân sự thì vợ ông A. là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Theo đó, vợ ông sẽ được hưởng ít nhất 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật đối với số tài sản của chồng cho dù trong di chúc ông có chia tài sản cho bà hay không, trừ khi vợ ông từ chối nhận di sản hoặc trở thành người không có quyền hưởng di sản vì giả mạo di chúc, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với chồng… (theo Điều 643 BLDS 2005).
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng luật cần công nhận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận để đảm bảo quyền sở hữu tài sản cá nhân cho những trường hợp như tỉ phú A. Đây là chế độ tài sản ước định, còn gọi là thỏa thuận tiền hôn nhân về tài sản (gọi tắt là hôn ước). Về nguyên tắc, hôn ước được lập trước khi hai người kết hôn. Trong trường hợp này, nếu luật đã công nhận hôn ước và nếu vợ chồng ông A. đi lập hôn ước trước khi kết hôn với những nội dung như trên thì luật sẽ ưu tiên giải quyết theo hôn ước, tức theo mong muốn của hai người. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 có 09 tỉnh, thành trong cả nước (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Nó trợ giúp kế hoạch dự trù tài sản riêng hay tài sản chung trong hôn nhân, giúp giảm thiểu xung đột và tiết kiệm án phí tranh tụng trong trường hợp ly hôn… Thêm vào đó, việc lập hôn ước có thể củng cố vững chắc quan hệ vợ chồng, bởi nếu hiểu rõ ràng ý kiến của nhau về tiền bạc, tài sản sẽ giúp cuộc hôn nhân lâu bền hơn. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một cam kết hôn nhân thực sự chứ không vụ lợi và làm giảm tranh chấp khi ly hôn.
5.3. Thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn: Phụ nữ sẽ được lợi
Theo Tòa án nhân dân tối cao, thực tế giải quyết các vụ ly hôn cho thấy phụ nữ gặp rất nhiều thiệt thòi khi phân chia tài sản. Nhiều vợ chồng đưa tài sản riêng vào sử dụng chung nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản nên khi phân chia khó xác định đâu là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng. Nhiều người vợ ở nhà làm nội trợ, nuôi con, chồng đi làm, phần của chồng là tài sản phát sinh sau khi chia, trong khi phần của vợ đã dùng hết cho việc gia đình nên người vợ rất thiệt thòi. Để tháo gỡ bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình bổ sung chế định hôn sản ước định. Trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận thì vẫn áp dụng chế độ hôn sản pháp định bình thường. Có 2 phương án cho thỏa thuận này.
Phương án 1: Thỏa thuận phải được lập thành văn bản có công chứng và được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn ghi chú vào Sổ bộ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn hoặc sổ hộ tịch cá nhân.
Phương án 2:Thỏa thuận phải được lập thành văn bản có chữ ký của hai bên (không phải công chứng) và được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn ghi chú vào Sổ bộ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn hoặc sổ hộ tịch cá nhân.
Vấn đề đặt ra là với quan niệm và truyền thống hôn nhân gia đình ở Việt Nam, việc người vợ hay người chồng đề nghị người còn lại lập văn bản thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn có khiến người kia suy nghĩ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình? Hầu hết ý kiến chuyên gia đều cho rằng, việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Đó là cơ sở để bảo vệ tài sản riêng của từng cá nhân. Việc lập hôn ước có thể củng cố vững chắc quan hệ vợ chồng, bởi nếu hiểu rõ ràng ý kiến của nhau về tiền bạc, tài sản sẽ giúp cuộc hôn nhân lâu bền hơn. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một cam kết hôn nhân thực sự chứ không vì hôn nhân vụ lợi. Nó làm giảm tranh chấp khi ly hôn.
Những người phản đối lập hợp đồng hôn nhân đều cho rằng nếu vợ, chồng có ý phân định tài sản chung, riêng là không muốn chung sống lâu dài. Song, thực tế cho thấy, không có gì bảo đảm hôn nhân sẽ bền vững mãi mãi và mỗi người phải nhìn nhận “toàn diện” vấn đề tài sản khi kết hôn. Thực tế cũng có không ít các cặp vợ chồng dù tình yêu đã hết nhưng vẫn chấp nhận “sống chung” vì không biết phải chia khối tài sản mà họ đang sở hữu chung như thế nào cho hợp lý. Không ít cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn vì tài sản mình có trước khi kết hôn nhưng không thể tự quyết để kinh doanh, mua bán, giúp đỡ anh em, bạn bè được vì vợ, chồng không đồng ý. Cũng không ít chị em khi lấy chồng được bố mẹ cho một khoản của hồi môn kha khá, nhưng quá trình chung sống đã đưa vào sử dụng chung. Không may hôn nhân đổ vỡ, họ phải ra đi trắng tay vì công sức, tài sản mua sắm vào khối tài sản chung với cả gia đình chồng nên xác định không dễ, còn nhà đất dù bỏ tiền ra xây nhưng đứng tên bố mẹ chồng nên không thể đòi chia được...
Giữa thực tiễn và pháp lý như nói trên, các nhà làm luật cần nghiên cứu, khảo sát thực tế để qui định hợp đồng hôn nhân – chế định phát triển thêm của qui định tài sản riêng của vợ chồng cho hợp lý, bởi thực tế đã phát sinh bất cập, và luật không thể “ngày một, ngày hai” lại sửa đổi, bổ sung được.
5.4. Hợp đồng hôn nhân: Không phù hợp với văn hóa người Việt
Nhiều ý kiến cũng phản đối hình thức hợp đồng hôn nhân. Ví dụ như Luật sư Triệu Trung Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng xét về mặt văn hóa, đạo đức thì chưa nên công nhận hợp đồng tiền hôn nhân vì lối sống của chúng ta hoàn toàn khác các nước phương Tây. Hơn nữa, đây là một vấn đề tương đối phức tạp, cần phải nghiên cứu một cách cẩn trọng nếu ban hành. Luật sư Dũng lấy ví dụ: trước khi cưới người chồng đã có nhà cửa, công ăn việc làm ổn định còn người vợ không có tài sản gì. Sau thời gian chung sống, họ làm thủ tục ly hôn. Nếu trong hợp đồng có ghi, "tất cả những tài sản trong ngôi nhà đều của người chồng trong trường hợp ly hôn" thì có khác gì đẩy người vợ ra đường với hai bàn tay trắng. Trong khi đó người vợ này đã mất một thời gian để chăm sóc gia đình mà không có thời gian để làm kinh tế... Đây cũng là một suy nghĩ phổ biến hiện nay ở Việt Nam./.
Trương Hồng Quang – Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp