Đất đai thuộc sở hữu toàn dân

01/07/2013
Qua gần 10 năm thi hành, Luật đất đai 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, bảo đảm các quyền của người dân và ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai nhằm giải quyết những vướng mắc bất cập, trong công tác quản lý, sử dụng đất, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 và những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương và 206 điều có nhiều điểm tiến bộ rất tích cực trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Dự thảo lần này quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể các quyền của Nhà nước, cơ quan nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai và trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Đồng thời, dự thảo tiếp tục hoàn thiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo hướng tùy theo đối tượng sử dụng đất, hình thức sử dụng đất mà người sử dụng đất có các quyền và nghĩa vụ khác nhau và phải tuân thủ các điều kiện theo quy định khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Tại Điều 12, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định:

 “Sở hữu đất đai

1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. 

2. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như sau:

a) Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

b) Quyết định mục đích sử dụng đất; 

c) Quy định về hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất và

thời hạn sử dụng đất;

d) Quyết định thu hồi đất;

đ) Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; 

e) Định giá đất; 

g) Quyết định các chính sách tài chính về đất đai;

h) Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”.

Tôi đồng ý với quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu” như trong dự thảo. Bởi vì:

Trước hết đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, là tài nguyên đặc biệt của mọi quốc gia, không những là tư liệu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… mà còn là tài sản quan trọng về quốc phòng, an ninh, phát triển công nghiệp và phục vụ lợi ích công cộng. Nước ta là một nước nông nghiệp, trên 80% dân số là nông dân, nguồn sống chủ yếu từ đất đai, sở hữu toàn dân tức là mỗi người dân đều có quyền, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả. điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối công bằng, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn đất đai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai, xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai với mục đích bóc lột người sử dụng đất. 

Quy định đất đai là sở hữu toàn dân là cần thiết vì đất đai gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đất đai là xương máu của nhiều thế hệ, cho nên không được lơ là quan điểm "đất đai là sở hữu của toàn dân". Quy định này cũng là sự khẳng định và ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta. Trên thực tế, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện hành đã bảo đảm cho người sử dụng đất đai, chủ yếu là nông dân có các quyền cần thiết như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, được bồi thường, được lựa chọn hình thức sử dụng đất, quyền sử dụng đất lâu dài, quyền cải tạo, bồi bổ đất đai để khai thác có hiệu quả cho cuộc sống…

Xét về quan điểm khoa học pháp lý về sở hữu đất đai có thể thấy, không có một hình thức sở hữu nào trên thế giới về đất đai có ưu điểm tuyệt đối hoặc nhược điểm tuyệt đối. Ngay ở tại các nước lựa chọn hình thức đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân thì vẫn có vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, điều tiết đối với sở hữu đất đai. Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc, chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Như vậy, chế định sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta là phù hợp với thể chế chính trị cả về lý luận khoa học cũng như thực tiễn.

Hồ Nguyễn Quân