Việc phân chia di sản theo di chúc theo quy định tại Điều 684 thì: Việc phân chia này được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, nếu trong di chúc đó không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản phải chia đều cho từng người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Việc phân chia di sản theo pháp luật theo quy định tại Điều 685 thì: Nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người đó còn sống khi sinh ra được hưởng, nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Để đảm bảo giá trị pháp lý của việc phân chia tài sản, pháp luật cũng có quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục và hình thức của việc phân chia. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, để có căn cứ khi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản thì cần phải có văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của Khoản 1, Điều 49 Luật Công chứng hoặc tiết a, b điểm 1.1, Khoản 1, Mục I của Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Liên bộ: Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất. Như vậy, việc công chứng, chứng thực văn bản thoả thuận phân chia di sản rất quan trọng đối với việc phân chia di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Văn bản thoả thuận phân chia di sản được công chứng, chứng thực là cơ sở để làm căn cứ cho việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Tuy nhiên hiện nay quy trình thực hiện công chứng hoặc chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản lại không thống nhất với nhau nhất là trong việc quy định về thời gian niên yết việc thực hiện. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng thì:Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn mười lăm ngày. Trong khi đó tại điểm 2.3, Khoản 2, Mục II Thông tư số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT lại quy định: Trường hợp chứng thực văn bản phân chia tài sản thừa kế, văn bản nhận tài sản thừa kế thì thời hạn niêm yết 30 ngày đối với việc phân chia tài sản thừa kế, nhận tài sản thừa kế không tính vào thời hạn chứng thực nêu tại điểm 3.4 khoản này. Như vậy, cùng một vấn đề nhưng 2 văn bản pháp lý lại quy định khác nhau. Chính vì sự bất cập này này trong thực tiễn gặp không ít khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế, nhất là ở các địa phương chưa có hoặc ở xa các Tổ chức hành nghề công chứng. Bởi vì theo quy định của pháp luật thì công dân có quyền lựa chọn việc thực hiện công chứng hoặc chứng thực cho phù hợp với yêu cầu nội dung công việc hoặc thẩm quyền công chứng, chứng thực. Nhưng trong trường hợp này lại gây khó khăn cho những người thực hiện thỏa thuận phân chia di sản trong việc lựa chọn công chứng hay chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Cụ thể:
- Nếu những người thỏa thuận phân chia di sản lựa chọn hình thức chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại UBND cấp có thẩm quyền thì thời hạn niêm yết sẽ kéo dài đến 30 ngày. Trong khi đó những người này đang rất cần thiết thực hiện thời gian ngắn hơn để đảm bảo các quyền tài sản của mình.
- Nếu những người thỏa thuận phân chia di sản lựa chọn hình thức công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại các Tổ chức hành nghề công chứng thì thời hạn niêm yết sẽ được rút ngắn 15 ngày theo quy định. Nhưng những người này phải có mặt tại trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng hoặc phải làm các thủ tục khác theo quy định để đảm bảo theo yêu cầu của việc thực hiện công chứng. Điều này vừa gây tốn kém cho công dân vì phải đi lại, ăn ở (nếu ở xa) hoặc phải trải qua nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây phiền toái cho công dân khi thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Từ những bất cập nêu trên, đề nghị các cơ quan những nước có thẩm quyền sớm có những sửa đổi, bổ sung và tháo gỡ những bất cập nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền tài sản của mình cũng như bảo đảm sự an toàn pháp lý và có hiệu lực pháp luật cao trong việc thỏa thuận phân chia di sản.
Lê Kim Chinh - Sở Tư pháp Bình Định