Thay vì phải sử dụng trên 20 loại giấy tờ công dân như hiện nay, một người khi sinh ra được cấp ngay 1 số định danh cá nhân để tham gia mọi quan hệ hành chính trong suốt cuộc đời. Đây là mục tiêu mà dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư hướng tới.
Gần 1.600 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin
Giấy tờ công dân bao gồm toàn bộ các giấy tờ do cơ quan nhà nước cấp cho công dân để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ với nhà nước, bao gồm: giấy khai sinh; thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi; sổ hộ khẩu; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy đăng ký kết hôn; giấy phép lái xe; sổ bảo hiểm xã hội; thẻ bảo hiểm y tế; phiếu lý lịch tư pháp; các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu; các văn bằng, chứng chỉ, thẻ do cơ quan nhà nước cấp; các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân; phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; giấy chứng tử.
Với đặc thù là giấy tờ phục vụ cho công dân, gắn với giấy tờ là các thông tin cơ bản của công dân nên mặc dù được các bộ, ngành khác nhau cấp nhưng trên các giấy tờ công dân đều có ba thông tin chính: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính. Ngoài ra, các thông tin khác như: nơi sinh, quê quán, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc... trùng lặp trên rất nhiều giấy tờ công dân.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, trong 5.400 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng gần 1.600 TTHC yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm ở nước ta trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày.
Với điểm chung là phần lớn TTHC đều đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân thì chi phí hành chính cho hoạt động này lên tới hàng nghìn tỉ đồng/năm.
Phải bắt đầu từ lĩnh vực quản lý hộ tịch
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cắt giảm gánh nặng hành chính cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và áp dụng. Khảo sát của Bộ Tư pháp cho biết, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công cụ số định danh cá nhân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện quản lý xã hội, như Singapore, Malaysia, Đức, Áo, Thụy Điển, Hàn Quốc, Bosnia và Herzegovina... Đặc biệt, Malaysia và Áo đã có những thành công giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết giao dịch hành chính công gắn với công dân cũng như cách thức quản lý nhà nước, và hoạt động của các cơ quan hành chính.
Ở nước ta, mặc dù chưa được triển khai rộng rãi trên toàn quốc nhưng xuất phát từ yêu cầu này, đã có nhiều nơi có sáng kiến trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong mối quan hệ với nhà nước. Tại phường Bến Thành, TP Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương đã triển khai cập nhật thông tin của người dân vào cơ sở dữ liệu của phường, khi đến thực hiện TTHC, công dân không cần mang giấy tờ chứng minh nhân thân mà chỉ sử dụng vân tay để xác thực.
Tại dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư, Bộ Tư pháp nhận định, bối cảnh các ngành, lĩnh vực mới đang trong quá trình triển khai, thậm chí có ngành mới bắt đầu hình thành cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để phục vụ yêu cầu quản lý dân cư là cơ hội để Chính phủ chỉ đạo, định hướng và tiến tới việc phát triển một cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung về dân cư trên nền tảng các cơ sở dữ liệu sẵn có cũng như sắp được xây dựng theo những nguyên tắc thống nhất trong mọi ngành, lĩnh vực. Nếu việc này chậm trễ, sau một thời gian nữa, khi các hệ thống cơ sở dữ liệu riêng lẻ đã được thiết lập và hoàn thiện, sẽ rất khó triển khai việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu riêng lẻ để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý dân cư và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư phải bắt đầu từ lĩnh vực quản lý hộ tịch. Theo đó, các thông tin cơ bản của công dân là các thông tin trên Giấy khai sinh là thông tin gốc, là cơ sở để thực hiện quản lý, cấp giấy tờ công dân trong các lĩnh vực khác, đồng thời là dữ liệu trung tâm trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lan Phương