Để hiểu rõ hơn về giá trị của công chứng trong đời sống xã hội, nhất là với các giao dịch về đất đai, trước phương án dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra "Việc công chứng hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo nhu cầu của các bên", chúng tôi xin giới thiệu ý kiến đóng góp của một số công chứng viên:
Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng VP công chứng Nguyễn Tú, Hà Nội: Công chứng hợp đồng sẽ ngăn chặn được các giao dịch bất hợp pháp
Trong bối cảnh hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng của người dân còn rất hạn chế, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, ngân hàng ngày càng tinh vi, xảo quyệt thì vấn đề bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân trong giao dịch phải được đặt lên hàng đầu. Việc công chứng các loại hợp đồng này sẽ ngăn chặn được các giao dịch bất hợp pháp, ngăn ngừa được các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời giảm được gánh nặng cho cơ quan xét xử. Thực tiễn cho thấy, hoạt động công chứng trong những năm qua đã góp phần đưa các giao dịch có liên quan đến bất động sản đi vào trật tự. Việc xác lập hợp đồng, giao dịch có công chứng, chứng thực đã trở thành thói quen ổn định trong phần lớn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn hoá hồ sơ đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, phòng ngừa rủi ro và hạn chế tranh chấp. Qua việc công chứng hợp đồng, giao dịch, kiến thức pháp luật về đất đai, nhà ở và ý thức tuân thủ pháp luật khi giao kết hợp đồng của người dân được nâng lên một cách rõ rệt, điều đó rất có lợi cho công tác quản lý và cho chính các bên tham gia giao dịch.
Để đảm bảo hoạt động quản lý đất đai có hiệu quả, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được tôn trọng và thực thi, Luật Đất đai sửa đổi lần này không nên bỏ quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất.
Ông Phạm Văn Vĩnh - Trưởng phòng công chứng số 1 Hải Dương: Thực hiện tự do, sẽ "thiệt đủ đường"
Các giao dịch về bất động sản trong dân phần lớn là được thực hiện tự do mà không phải công chứng, chứng thực, điều đó làm cho Nhà nước không thu được thuế, các tranh chấp về đất đai xảy ra thường xuyên và phổ biến và rất phức tạp, gây sức ép lớn cho các cơ quan liên quan trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, đặc biệt là Tòa án nhân dân các cấp. Còn người dân thì cũng thiệt hại không nhỏ khi tự mình buộc mình vào các tranh chấp không đáng có.
Các giao dịch về bất động sản nếu có được chứng thực tại UBND cấp xã thì về cơ bản là chất lượng văn bản rất thấp do trình độ cán bộ không chuyên môn, lại thiếu nên những giao dịch ở trường hợp này không đem lại hiệu quả cao là ngăn ngừa được các tranh chấp về bất động sản.
Từ đây ta biết được nguyên nhân của tồn tại trên là do nhà nước buông lỏng quản lý, các giao dịch không được điều chỉnh phù hợp bằng pháp luật, vì nếu không bắt buộc công chứng đối với các giao dịch bất động sản thì tình trạng hỗn loạn trong quản lý đất đai sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc công chứng các hợp đồng giao dịch về bất động sản có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của tổ chức và công dân có liên quan góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do vậy hơn lúc nào hết cần phải quy định rõ ràng và cấp thiết việc công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản là bắt buộc.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng Văn phòng công chứng Lạc Việt, Hà Nội: Người dân có thể bị lừa
Đất đai là tài sản có giá trị lớn, có tính đặc thù, trong khi sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân có hạn thì các giao dịch trên thị trường như chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp... nếu không được công chứng thì dễ dẫn đến rủi ro, tranh chấp. Người dân có thể bị lừa nếu như không biết chính xác nguồn gốc tài sản đó do đâu mà có, thuộc quyền sử dụng của những ai, có hợp pháp không. Bởi lẽ khi giao dịch, nếu người dân tự làm các thao tác xác minh thì sẽ rất khó khăn để có thông tin chính xác về tài sản.
Khác với người dân, công chứng viên ngoài việc được trang bị kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, họ còn được trang bị phần mềm ngăn chặn rủi ro. Ví dụ như ở Hà Nội hiện nay, phần mềm (dùng nội bộ) ngăn chặn này được cập nhật hàng ngày. Chỉ cần một thao tác đơn giản, công chứng viên đã có thể biết tài sản đó đã được đem ra giao dịch hay chưa, giao dịch bao nhiêu lần với những ai. Từ các thông tin này người dân có thể quyết định lựa chọn có tiếp tục thực hiện giao dịch hay không. Trong tương lai, phần mềm này được kết nối trong toàn hệ thống, chia sẻ với các ngành như tài nguyên môi trường và các ngành khác có liên quan để sử dụng chung. Cùng với phần mềm có tác dụng công khai minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản, công chứng viên sẽ giúp người dân sàng lọc các giao dịch hợp pháp. Chỉ nhìn từ góc độ này đã thấy nếu quy định công chứng thực hiện theo nhu cầu trong bối cảnh hiện nay sẽ là không phù hợp.
Thu Hằng