Quan niệm về pháp luật và hệ thống pháp luật ở phương Tây

23/10/2012

1. Quan niệm về pháp luật

Xây dựng một định nghĩa về hệ thống pháp luật sẽ không có cơ sở nếu như chúng ta chưa có sự minh xác trong định nghĩa hoặc quan niệm về pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ thấy rằng, định nghĩa về pháp luật không đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ.[1] Quan niệm về pháp luật (và kéo theo đó là quan niệm về hệ thống pháp luật) luôn là chủ điểm của các tranh luận triết học phức tạp trong lịch sử loài người. Lý do giản đơn là, mỗi quan niệm về “pháp luật” đều trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh hoặc gắn với khía cạnh vị thế, quan điểm, lý do biện minh cho sự tồn tại của các lực lượng xã hội, các nhóm lợi ích nhất định.[2]

Nhìn lại lịch sử triết học pháp luật trên thế giới, có thể thấy rằng, nhiều nhà tư tưởng hoặc học giả ở các nước phương Tây đã làm công việc định nghĩa về pháp luật. Ví dụ, Cicero (106 – 43. tr. CN), một triết gia và luật gia thời La Mã cổ đại khẳng định, pháp luật là “sự phân biệt giữa những thứ công bằng và bất công.”[3] Nói cách khác, theo quan điểm của Cicero, luật và công lý là đồng nhất. Quan điểm này vẫn được chia sẻ rộng rãi trong dân chúng phương Tây. Với nhiều người trong số họ, luật (pháp luật) được hiểu là hiện thân của công lý.[4] St. Augustine (354-430), triết gia thần học La Mã thì cho rằng chỉ có luật công bằng mới là luật (nguyên văn “luật bất công không phải là luật”).[5] Quan điểm này cũng không quá xa lạ với quan điểm của Cicero và luận điểm “luật bất công không được xem là luật” đã trở thành luận đề kinh điển của trường phái pháp luật tự nhiên trong nhiều thế kỷ ở phương Tây. Đối với Thomas Aquinas (1225-1275), triết gia thần học người Ý, pháp luật không phải là gì khác hơn là “một mệnh lệnh của lý trí vì mục tiêu tốt đẹp của cộng đồng”. Nói cách khác, pháp luật phải bao hàm được trong nó yếu tố hợp lý. Hệ quả của quan niệm này là, những gì bất hợp lý trong pháp luật sẽ không nên được xem là pháp luật. Quan niệm này, có thể nói, cũng là một biến thể của tư tưởng pháp luật tự nhiên. Đối với John Locke (1632-1704), triết gia người Anh, cha đẻ của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), pháp luật “không là gì khác hơn chính là các giới hạn đối với cá nhân thông minh và tự do trong việc theo đuổi lợi ích hợp lý của mình, và đặt ra yêu cầu không vượt quá yêu cầu đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng người chịu sự điều chỉnh của luật đó.” Nói cách khác, theo John Locke, pháp luật là đường phân ranh giới tự do giữa người và người, đường ranh giới mà nếu vượt qua nó, thì tự do của người này sẽ xâm phạm tới tự do của người khác và hệ quả là con người sẽ không còn tự do. Cũng theo John Locke, “mục đích tối hậu của pháp luật là để tạo lập, bảo vệ và mở rộng tự do cá nhân của con người chứ không phải là để xóa bỏ hoặc hạn chế tự do cá nhân. … Tự do [của một người] được hiểu là sự vắng bóng những cản trở, ràng buộc hoặc đe dọa từ người khác [vào việc thực hiện những điều mà người này mong muốn]…sẽ không có tự do nếu không có sự hiện diện của pháp luật.”[6] Đối với Jean Jacques Rousseau (1712-1778), triết gia khai sáng người Thụy Sỹ, một trong những cha đẻ của thuyết khế ước xã hội, pháp luật là “đạo luật thể hiện ý chí chung của cộng đồng.” Nói cách khác, pháp luật phải mang hơi thở của cộng đồng dân chúng, là linh hồn (tinh thần) của mỗi cộng đồng dân cư. Đối với William Blackstone (1723-1780), luật gia nổi tiếng người Anh, pháp luật là “quy tắc điều chỉnh hành vi văn minh do cơ quan tối cao trong một nhà nước ban hành, đòi hỏi sự thực hiện điều phải và ngăn cấm những điều sai trái.” Với John Austin (1790-1859), triết gia pháp luật người Anh, pháp luật là “những yêu cầu của đấng có chủ quyền”[7] hoặc pháp luật là các “quy phạm được đặt ra để hướng dẫn con người thông minh bởi những người thông minh nắm quyền cai trị.”[8] Quan điểm của Blackstone và Austin là những tư tưởng mở đầu cho trường phái triết học pháp luật thực chứng về sau này. Đối với Oliver W. Holmes (1841-1935), thẩm phán nổi tiếng của Tòa Tối cao Hoa Kỳ, pháp luật là “những gì mà tòa án sẽ tuân thủ.” Nói cách khác, những gì nằm ngoài nhận thức của tòa án, ngoài khả năng áp dụng của tòa án, sẽ không được coi là pháp luật. Đối với Rudolf von Ihering (1817-1892), cha đẻ của trường phái xã hội học pháp luật tại Đức, pháp luật là “tổng thể các quy phạm bắt buộc đang có hiệu lực trong một nhà nước.” Đây là một quan điểm mang tính chất mô tả về pháp luật, coi pháp luật là một hiện tượng xã hội khách quan mà con người có thể quan sát, nhận thức và mô tả được. Đối với Max Weber (1864-1920), một trong những cha đẻ của xã hội học hiện đại, pháp luật “tồn tại nếu nó được bảo đảm bởi khả năng cưỡng chế (về thể chất hoặc tâm lý) để buộc chủ thể bị điều chỉnh phải tuân thủ hoặc nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý và được áp dụng bởi một đội ngũ những người có chức trách chuyên làm nhiệm vụ này.” Đối với Roscoe Pound (1870-1964), luật gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, nguyên Hiệu trưởng trường Luật Đại học Harvard, pháp luật là “một hình thức kiểm soát xã hội đặc biệt trong một xã hội đã có hình thức tổ chức chính trị ở bậc cao. Đó là hình thức kiểm soát xã hội thông qua việc áp dụng một cách có trật tự và hệ thống trấn áp trong xã hội ấy.”[9] Đối với Karl Marx (1818-1883), cha đẻ của lý thuyết cộng sản hiện đại, pháp luật của [xã hội tư sản] chẳng qua chỉ là “ý chí của các ông [giai cấp tư sản] được nâng lên thành luật áp dụng chung cho tất cả mọi người – thứ ý chí mà nội dung chủ yếu của nó do điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định.”[10]

Có thể thấy, sự khác biệt trong quan niệm của các nhà tư tưởng nổi tiếng kể trên phản ánh sự thực là, khái niệm pháp luật, tuy là khái niệm dùng để diễn tả một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, nhưng đã bị lăng kính chủ quan của người nhìn nhận làm nó khác đi. Nói như ngôn ngữ hiện đại, mỗi quan niệm pháp luật đều có chiều cạnh “chính trị” của nó.

Ngày nay, ở phương Tây, trong bối cảnh chủ nghĩa thực chứng pháp lý đang có vị trí thống trị, các định nghĩa về pháp luật thường được xây dựng từ góc độ chức năng của nó.[11] Cụ thể, dưới đây là một số định nghĩa khá phổ biến về pháp luật đang được sử dụng trong đào tạo luật ở Anh và Hoa Kỳ.

- “Pháp luật là một tập hợp các quy phạm, có thể thực thi/áp dụng bởi tòa án, điều tiết việc quản trị của nhà nước và điều chỉnh quan hệ giữa nhà nước với công dân cũng như giữa các công dân với nhau.”[12] Với cách định nghĩa này, căn cứ vào đặc trưng, tính chất của đối tượng chịu sự điều chỉnh, pháp luật được phân thành 2 lĩnh vực cơ bản là luật công (các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong nội bộ bộ máy nhà nước và các quy phạm điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước với công dân/tổ chức phi nhà nước) và luật tư (các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ giữa các công dân, tổ chức phi nhà nước với nhau; trong lĩnh vực pháp luật này, người bị thiệt hại từ hành vi của người khác phải chủ động yêu cầu sự can thiệp của nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình).[13] 3 lĩnh vực pháp luật thường được xếp vào lĩnh vực luật công bao gồm: luật hiến pháp, luật hành chính và luật hình sự. 3 lĩnh vực này thường gắn với cái gọi là “trật tự công cộng” và nhà nước đóng vai trò chủ thể chủ động/tích cực trong việc bảo vệ “trật tự công cộng”.

- “Pháp luật là một tập hợp các nguyên tắc điều chỉnh hành vi có thể được thực thi (áp dụng) bởi tòa án hoặc các cơ quan hành chính.”[14] Một trong những chức năng cơ bản của pháp luật là cung cấp một sự ổn định, tính dự đoán trước, và tính liên tục (kế thừa) để người dân trong xã hội có thể biết cách tổ chức, quản lý công việc của mình trong một trật tự nhất định.[15] Nói cách khác, pháp luật là công cụ kế hoạch hóa của cá nhân và của cộng đồng.[16]

- “Pháp luật là sản phẩm của nền văn minh và cũng là công cụ duy trì nền văn minh…Pháp luật phản ánh triết lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, đạo đức và chính trị của mỗi xã hội… Pháp luật là một công cụ kiểm soát xã hội, có chức năng điều tiết, trong những giới hạn nhất định, hành vi của con người và các quan hệ giữa người với người…[Pháp luật thực hiện điều này thông qua] việc cho phép, bắt buộc và cấm đoán.”[17] Pháp luật có 3 chức năng cơ bản đó là: (1) giải quyết tranh chấp, (2) bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của dân chúng và (3) bảo vệ sự vận hành chính quyền một cách bình thường.[18]

- Pháp luật là “một tập hợp các quy phạm, do nhà nước tạo lập, có giá trị ràng buộc trong một phạm vi lãnh thổ và được đảm bảo thực thi bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế và chế tài.”[19] Cũng theo các tác giả này, pháp luật được sinh ra là để “tổ chức, thúc đẩy sự an toàn và thuận tiện cho các thành viên của cộng đồng xã hội và để điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên này với nhau.” [20] Trong một quốc gia phát triển (đã công nghiệp hóa và đạt được mức sống phồn vinh cao), xã hội phải cần một hệ thống pháp luật đồ sộ và phức tạp nhằm đáp ứng các yêu cầu then chốt sau: (1) Quy định cấu trúc quản trị quốc gia và quy trình lập pháp (bằng các quy định của luật hiến pháp); (2) Quy định việc thu thuế để tài trợ cho các hoạt động cung ứng hàng hóa và dịch vụ công cộng (thông qua các quy định của pháp luật về thuế và luật hành chính); (3) Điều tiết và thúc đẩy việc phát triển nền kinh tế (thông qua các quy định về dân sự, hành chính, hình sự và các lĩnh vực pháp luật khác); (4) Thúc đẩy một trật tự công cộng, bảo vệ an ninh quốc gia (thông qua các quy định của pháp luật hình sự là chủ yếu); (5) Đảm bảo cho các thành viên trong cộng đồng có thể xác lập được các quyền và nghĩa vụ theo ý chí của mình trong các giao lưu dân sự (thông qua chủ yếu các quy định của pháp luật dân sự như pháp luật sở hữu, hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thừa kế, gia đình), kinh tế, thương mại (thông qua các quy định về kinh doanh, thị trường tài chính v.v.).[21]

- Pháp luật (trong xã hội hiện đại) là một “tập hợp các quy tắc điều chỉnh hành vi của con người được áp dụng chung cho tất cả các thành viên trong một cộng đồng hoặc một xã hội xác định, có nguồn gốc từ một chính quyền chính đáng và được thực thi bởi các cơ quan của chính quyền này thông qua việc áp dụng các chế tài phạt cho các chủ thể có hành vi vi phạm.”[22]

Tóm lại, ở các nước phương Tây hiện nay, pháp luật được quan niệm khá phổ biến là một hệ thống riêng biệt các quy phạm, độc lập [tương đối] với các lĩnh vực khác (như áp lực chính trị nhất thời, các quy phạm xã hội ngoài pháp luật v.v.) và được bảo đảm thực hiện bởi nhà nước.[23] Pháp luật luôn có tính quy phạm và có giá trị ràng buộc: nó đưa ra các yêu cầu mà đối tượng chịu sự điều chỉnh được kỳ vọng sẽ tuân thủ. Nó là những chỉ dẫn đã được quyền uy hóa. Vì thế, pháp luật có chức năng “thúc đẩy, điều kiện hóa xã hội”.[24] Trong bối cảnh đó, quy phạm pháp luật luôn là bộ phận của dự án cải biến xã hội. Pháp luật được phân biệt với các quy phạm xã hội khác nhờ nguồn phát sinh quy phạm được xác định một cách cụ thể trong mỗi hệ thống pháp luật. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, quy phạm pháp luật chỉ có thể phát sinh trực tiếp từ sản phẩm của cơ quan lập pháp hoặc các cơ quan được cơ quan lập pháp ủy quyền hoặc từ án lệ của tòa án.[25] Theo quan niệm này, pháp luật được coi như một thế giới riêng biệt, độc lập, làm cơ sở cho những nghề nghiệp đặc trưng, riêng biệt, như nghề thẩm phán, luật sư, công tố viên, cảnh sát v.v.[26] 

Ẩn chứa đằng sau các quan điểm thực chứng này, chính là việc các tác giả ngầm thừa nhận tính chính danh (tính chính đáng) của các chính thể hiện tại ở phương Tây.

Tuy nhiên, cũng có cách nhìn khá phổ biến ở phương Tây là “pháp luật là công cụ” để thúc đẩy một số mục tiêu xã hội nào đó, chẳng hạn, những mục tiêu tích cực kiểu “giải quyết mâu thuẫn/tranh chấp”, “ổn định xã hội”, “hiệu quả kinh tế”, và tự do cá nhân hoặc những mục tiêu ẩn giấu (tiêu cực) kiểu, “sự thống trị/bóc lột giai cấp”, “sự thống trị/bóc lột chủng tộc”, và “sự thống trị/bóc lột về giới tính”.[27]

 

2. Trường phái pháp luật tự nhiên và trường phái pháp luật thực chứng

 

Khía cạnh “chính trị” trong quan niệm về “pháp luật” có lẽ cũng là một trong những lý do giải thích vì sao ở phương Tây tồn tại một cuộc tranh luận dai dẳng giữa trường phái pháp luật tự nhiên (natural law) và trường phái pháp luật thực chứng (legal positivism) xoay quanh câu hỏi “pháp luật là gì?”[28] (định nghĩa nó ra sao, bản chất/đặc điểm nhận dạng của nó, pháp luật có quan hệ gì với lẽ công bằng, pháp luật có mối quan hệ gì với việc đảm bảo tự do cá nhân của con người, pháp luật có mối liên hệ gì với đạo đức v.v.).[29] Liệu luật pháp của các chế độ chuyên chế, bất công (chẳng hạn, pháp luật dưới thời Đức quốc xã - thứ luật pháp biện minh cho chế độ phát xít, diệt chủng hoặc pháp luật dưới thời chế độ phân biệt chủng tộc Aparthaid ở Nam Phi) có nên coi là thứ pháp luật đích thực/đúng nghĩa của nó không?

Theo quan điểm của trường pháp luật tự nhiên, pháp luật là hình thức tồn tại của công lý. Pháp luật là biểu hiện của công lý. Pháp luật phải phù hợp với lẽ công bằng. Pháp luật bất công không được coi là pháp luật. Trường hợp, một chính quyền áp đặt một thứ pháp luật bất công thì dân chúng không có nghĩa vụ phải tuân thủ thứ pháp luật ấy.[30]

Theo quan điểm của trường phái pháp luật thực chứng, pháp luật là sản phẩm sáng tạo của con người.[31] Giữa pháp luật và lẽ công bằng (công lý) hoặc đạo đức không nhất thiết phải có mối quan hệ nội tại với nhau theo kiểu cái này quyết định cái kia. Trong những trường hợp nhất định, pháp luật có thể là hiện thân của công lý, phù hợp với các nguyên tắc đạo đức, nhưng sự bất đồng giữa pháp luật và đạo đức trong nhiều trường hợp không đương nhiên làm cho pháp luật không còn giá trị áp dụng.[32] Nói cách khác, pháp luật chỉ đơn thuần là những quy tắc xử sự có giá trị ràng buộc do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận.[33] Không thể lấy sự bất công của pháp luật làm cơ sở để kết luận rằng pháp luật đó đã mất giá trị hiệu lực áp dụng.[34]

Với luận điểm căn bản trong định nghĩa pháp luật mà những người theo triết thuyết pháp luật tự nhiên nêu ra rằng “pháp luật bất công không phải là pháp luật”, nên muốn trở thành pháp luật đích thực, pháp luật phải phù hợp với lẽ công bằng của xã hội. Điểm mạnh của luận điểm này chính là việc mở ra các khả năng đòi hỏi cải thiện, hoàn thiện pháp luật thực định một cách không ngừng để pháp luật ngày càng có tính nhân bản hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của luận điểm này chính là mối lo ngại rằng nếu như “công lý” và “bất công” là những khái niệm mang đậm yếu tố giá trị đạo đức chủ quan, phản ánh những quan niệm văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng người (thậm chí là mỗi cá nhân thành viên cộng đồng), thì liệu có thể tạo ra thứ pháp luật ổn định, hợp lý, được toàn thể mọi người chấp thuận và tuân thủ không? Cần lưu ý rằng, giá trị “công bằng”/”công lý” thường là sản phẩm đúc kết những trải nghiệm và ước vọng của mỗi cộng đồng. Trong thực tế lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể chứng kiến những trường hợp, cùng một loại hành vi, cùng một loại quy phạm, có những cộng đồng thì cho là “bình thường” (công bằng) nhưng không ít cộng đồng khác lại cho là “bất bình thường” (là bất công). Ví dụ, việc duy trì quy định về án tử hình ở châu Âu ngày nay thường bị coi là phi nhân bản và bất công nhưng ở Mỹ, quy định như vậy đối với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có thể coi là bình thường/công bằng. Cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, giá trị công bằng hay giá trị đạo đức của chính một cộng đồng cũng không nhất thành bất biến, mà có sự thay đổi theo thời gian. Ngay với chính cùng một cộng đồng, trong thời điểm lịch sử này, cùng một quy định pháp luật thì có thể coi là bình thường, nhưng ở thời điểm khác, quy định pháp luật như thế có thể bị coi là bất bình thường và bất công. Các quy định về phân biệt đối xử giữa con trong giá thú với con ngoài giá thú, các quy định phân biệt đối xử giữa nam và nữ đã từng được nhiều nước trong lịch sử coi là bình thường nhưng trong thời hiện đại lại bị coi là bất bình thường và bất công. Bởi vậy, nếu coi “công lý” là yếu tố để định nghĩa pháp luật, dưới góc độ của nhà cầm quyền, sẽ có e ngại lớn rằng, lý luận này cung cấp cho dân chúng một thứ lý do khá dễ dãi để không chấp hành những quy định pháp luật không có lợi cho mình (chẳng hạn, không chấp hành pháp luật thuế) bằng việc biện minh rằng thứ pháp luật mà họ đang chấp hành là thứ pháp luật bất công.

Một vấn đề khác với những người theo trường phái pháp luật tự nhiên chính là lý luận của trường phái này cũng có thể mở đường cho việc biện minh cho các loại hành vi áp đặt giá trị trong quan hệ quốc tế - một hình thức của chủ nghĩa bá quyền hoặc chủ nghĩa thực dân/đế quốc về văn hóa. Chẳng hạn, nếu các nước lớn khăng khăng theo đuổi quan niệm về luật tự nhiên bằng việc tự cho rằng pháp luật nước mình là kiểu mẫu của công lý, rồi dùng tiêu chuẩn và kiểu mẫu ấy để đánh giá, xếp loại hệ thống pháp luật khác, thì rõ ràng, cách tiếp cận này sẽ rơi vào cái gọi là “chủ nghĩa đế quốc về pháp luật” khi coi thường giá trị đạo đức/văn hóa/pháp luật của một cộng đồng này là cao hơn giá trị đạo đức/pháp luật của cộng đồng khác. Như vậy, một trong những điểm chưa hoàn thiện của học thuyết pháp luật tự nhiên chính là khả năng cho phép tái lập lại chủ nghĩa thực dân về pháp luật. Câu chuyện về dân chủ và nhân quyền trên thế giới hiện nay cũng không quá xa với vấn đề chúng ta đang bàn luận ở đây.

Với quan điểm của trường phái pháp luật thực chứng (trường phái thực chứng pháp lý), pháp luật là những gì nhà cầm quyền (nhà nước) hoặc cộng đồng mà nhà nước đó đại diện coi là pháp luật. Với quan niệm này, pháp luật là sản phẩm sáng tạo của con người. Pháp luật có nguồn gốc rõ ràng và việc xác định ranh giới cái gì là pháp luật với cái gì không phải pháp luật sẽ trở nên đơn giản hơn.

Tuy nhiên, do con người không phải đấng toàn năng, pháp luật, cũng giống như các sản phẩm khác do con người tạo ra, đôi khi có những khuyết tật, thậm chí là những điểm mà qua thời gian, có thể không được coi là công bằng, hợp lý. Quan điểm của phái thực chứng pháp lý, nếu đi kèm với một chế độ thiếu dân chủ, sẽ có thể dẫn tới xu hướng áp đặt giá trị của giới cầm quyền lên xã hội trái với nguyện vọng của dân chúng. Trường phái pháp luật thực chứng, vì thế, có thể đưa ra các biện minh cho tính chính đáng của các quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế, thậm chí là các quy phạm bất hợp lý, bất công, không coi trọng giá trị nhân phẩm của con người. Trường phái pháp luật thực chứng cũng thường có xu hướng thiếu chú ý thỏa đáng tới khoảng cách giữa pháp luật và thực tế.

Trong quy trình xây dựng pháp luật, có lẽ, trường phái pháp luật tự nhiên sẽ có giá trị đặc biệt trong công đoạn soạn thảo để xây dựng pháp luật, còn trường phái thực chứng pháp lý sẽ có giá trị rất hữu ích trong giai đoạn áp dụng và thực thi pháp luật. Những khuyết tật của trường phái thực chứng pháp lý có lẽ sẽ khắc phục được tốt hơn nếu pháp luật là sản phẩm của quá trình xây dựng đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và là sản phẩm của chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân, thứ chính quyền mà chủ quyền cai trị xã hội đích thực phải thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, dù nhìn nhận dưới góc độ nào, chúng ta cũng thấy rằng, cách xây dựng khái niệm hoặc cách nhận thức về bản chất pháp luật ở các nước phương Tây có xu hướng bỏ qua hoặc xem nhẹ khía cạnh bản chất giai cấp của pháp luật. Đây là điểm rất khác biệt giữa lý luận pháp luật của phương Tây và lý luận pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, do ảnh hưởng của nền khoa học pháp lý Xô Viết, được thuyết phục bởi lý luận Mác-Lênin, nhất là nhận xét của Mác có tính chất nhận thức luận sâu sắc về bản chất của pháp luật trong một xã hội có giai cấp (mà cụ thể là xã hội tư sản thời kỳ giai cấp tư sản mới giành được chính quyền, đang thiết lập và bành trướng mô thức kinh tế tư bản tự do cạnh tranh những năm giữa của thế kỷ 19) rằng pháp luật tư sản “chẳng qua là ý chí của giai cấp tư sản được đề lên thành luật. Cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp tư sản quy định.[35] Nhận xét nổi tiếng này thể hiện trong áng văn bất hủ, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848 đã từng là một trong những luận điểm then chốt trong lý thuyết Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật. Trên cơ sở này, các nhà lý luận ở Việt Nam cũng như các nhà lý luận luật học Xô Viết cho rằng, pháp luật là hiện tượng xã hội tồn tại khách quan trong mọi xã hội có giai cấp. Pháp luật được định nghĩa là “hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể.”[36]

Nếu có thể xếp loại quan điểm chính thống ở Việt Nam về pháp luật, có thể thấy rằng, đây là thứ quan niệm thực chứng luận và giai cấp luận. Nói cách khác, pháp luật được nhìn dưới lăng kính của trường phái thực chứng pháp lý nhưng đã được tô đậm màu sắc giai cấp.

Gần đây, trong bối cảnh đất nước ta có nhiều thay đổi, nhất là việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khép kín, sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập với quốc tế, nhiều quan niệm truyền thống của lý luận Mác Lê nin đã được xem xét lại để bổ sung, hoàn thiện. Trong bối cảnh ấy, khía cạnh giai cấp của pháp luật tuy tiếp tục được khẳng định, nhưng khía cạnh xã hội hay vai trò/giá trị xã hội của pháp luật được coi trọng hơn.[37] Bối cảnh ấy cũng mở đường cho việc đánh giá các quan điểm về pháp luật của phương Tây với thái độ cởi mở và độ lượng hơn. Không ít lý luận pháp luật của các nước phương Tây trước đây đã không còn đơn thuần bị dán nhãn “tư sản” và bác bỏ toàn bộ, giới luật gia Việt Nam đã mạnh dạn tiếp thu, thừa nhận không ít quan niệm, lý thuyết pháp luật của phương Tây. Việc thăng hoa trong các công trình nghiên cứu về nhà nước pháp quyền ở Việt Nam thời gian qua sẽ thật khó giải thích, nếu không có sự tiếp thu một cách chọn lọc này.[38]

 

3. Quan niệm về hệ thống pháp luật ở phương Tây

 

Ở Việt Nam, khái niệm “hệ thống pháp luật” được các học giả Việt Nam xây dựng dựa trên sự tiếp thu nhất định lý luận về “hệ thống pháp luật” ở Liên Xô trước đây. Theo khảo cứu của GS.TS. Lê Minh Tâm, giới luật gia Xô Viết có khá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, “hệ thống pháp luật” là cấu trúc bên trong của pháp luật còn “hệ thống luật thực định” (hệ thống văn bản pháp luật hoặc hệ thống nguồn của pháp luật) là “hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật”.[39] Cũng theo quan điểm này, “hệ thống pháp luật” là “tổng thể các quy phạm pháp luật có tính thống nhất nội tại bền vững, đồng thời có tính độc lập nhất định, được phân chia thành các chế định pháp luật và các ngành luật” còn “hệ thống pháp luật thực định” là “hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong một đất nước, và về thực chất, đó là kết quả của quá trình tập hợp hóa và pháp điển hóa”.[40] Các yếu tố khác như nguyên tắc chính trị, triết học, kỹ thuật pháp lý… nằm ngoài khái niệm “hệ thống pháp luật”. Thêm vào đó, các tác giả thuộc phái này bất đồng với nhau trong việc xác định “tế bào” của hệ thống pháp luật (là quy phạm pháp luật, là điều luật hay các văn bản quy phạm pháp luật hay bao gồm tất cả những thứ đó?).[41]

Quan điểm thứ hai không phân tách hai khái niệm “hệ thống pháp luật” và “hệ thống luật thực định” thì cho rằng, tế bào của hệ thống pháp luật chính là các quy phạm pháp luật.[42] GS.TS. Lê Minh Tâm ủng hộ quan điểm cho rằng, “quy phạm pháp luật” là “thành tố tế bào của pháp luật” và cũng chính là “thành tố tế bào/thành tố cuối cùng của hệ thống pháp luật”.[43] Cũng theo GS.TS. Lê Minh Tâm, hai khái niệm “hệ thống pháp luật” và “hệ thống luật thực định” có “mối liên hệ mật thiết không thể chia tách”.[44] Cũng theo GS.TS. Lê Minh Tâm, có quan điểm cho rằng, hệ thống pháp luật có nội dung rất rộng, không chỉ bao gồm các QPPL hiện hành mà còn bao gồm các nguồn khác như: “trào lưu… pháp lý, kỹ thuật pháp lý, các nguyên tắc chính trị, triết học, cũng như các phương pháp hoạt động của các nhà luật học-thực nghiệm”.[45] Quan điểm này bị cho là “chưa chính xác” bởi lẽ khái niệm hệ thống pháp luật “bao giờ cũng có giới hạn nội dung nhất định. Giới hạn đó chỉ bao gồm những vấn đề có mối liên hệ nội tại với nhau, không hàm chứa những yếu tố bên ngoài không có đặc điểm đó…”[46]

Dựa trên việc cắt nghĩa “hệ thống pháp luật” = “hệ thống” + “pháp luật”, GS.TS. Lê Minh Tâm cho rằng, “hệ thống là một chỉnh thể bao gồm những ý tưởng, vấn đề hoặc bộ phận có liên hệ mật thiết với nhau, được sắp xếp theo một trật tự (trình tự) logic, khách quan và khoa học”.[47] Khái niệm hệ thống “chỉ giới hạn ở những vấn đề mà giữa chúng có mối liên hệ bản chất. Nó không bao hàm những vấn đề hoặc yếu tố, dù có những ảnh hưởng nhất định, nhưng hoàn toàn là yếu tố bên ngoài, rời rạc.”[48]  “Pháp luật … là tổng thể các quy phạm xã hội do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận thể hiện ý chí nhà nước, phản ánh những nhu cầu khách quan của xã hội để điều chỉnh các quan hệ xã hội… Pháp luật luôn có tính thống nhất, vì pháp luật phản ánh những nhu cầu khách quan, phổ biến có tính chân lý, do những quy luật vận động nội tại của xã hội quyết định; đồng thời thể hiện ý chí Nhà nước, nó là kết quả hoạt động tự giác, chủ quan của con người.”[49] “Các quan hệ xã hội dù phức tạp và nhiều loại, nhưng luôn có liên hệ nội tại với nhau, vì chúng hình thành và phát triển phù hợp với các quy luật vận động khách quan của xã hội. Ý chí của nhà nước thể hiện trong pháp luật…phải xuất phát và phụ thuộc vào tính chất của các quan hệ xã hội vốn có mối liên hệ nội tại thống nhất đó, tạo ra cho pháp luật một khả năng vượt lên sự tản mạn, thứ yếu, ngẫu nhiên, tự phát, để có được tính ổn định tương đối, tính thống nhất nội tại.”[50] Vì vậy, “pháp luật luôn hình thành một hệ thống. Tính hệ thống vừa mang yếu tố khách quan lại vừa là kết quả của yếu tố chủ quan. Tính hệ thống của pháp luật biểu hiện ở chỗ nó bao gồm nhiều bộ phận hợp thành, và giữa các bộ phận đó có mối liên hệ nội tại ổn định và thống nhất với nhau.”[51]

Trên nền tảng nhận thức đó, GS.TS. Lê Minh Tâm cho rằng “hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau được phân định thành các chế định pháp luật và các ngành luật, được thể hiện trong các văn bản do Nhà nước ban hành theo trình tự và hình thức nhất định.”[52] Theo quan niệm này, hệ thống pháp luật có hai mặt biểu hiện cụ thể là “hệ thống cấu trúc… của pháp luật” và “hệ thống văn bản pháp luật”.[53] GS.TS. Lê Minh Tâm cũng đưa ra 4 tiêu chuẩn cơ bản để xác định mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật bao gồm: (1) tính toàn diện của hệ thống pháp luật, (2) tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, (3) tính phù hợp của hệ thống pháp luật, và (4) có trình độ kỹ thuật pháp lý cao.[54]

Có thể nói, quan điểm của GS.TS. Lê Minh Tâm nhận được sự tán đồng khá rộng rãi trong giới khoa học pháp lý ở nước ta. Chẳng hạn, theo GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Đinh Văn Mậu, hệ thống pháp luật là “tổng thể các quy phạm pháp luật được quy định một cách khách quan bởi các điều kiện kinh tế-xã hội, được phân chia thành các bộ phận cấu thành khác nhau (các ngành luật, phân ngành luật, chế định pháp luật), phù hợp với đặc điểm, tính chất của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, nhưng các bộ phận khác nhau ấy có mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ và thống nhất với nhau.[55] Cũng theo GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Đinh Văn Mậu, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn chỉnh của một hệ thống pháp luật gồm 3 nhóm tiêu chí sau: (1) Có cơ cấu hoàn chỉnh, thống nhất và ổn định (không có khoảng trống, không có mâu thuẫn nội tại trong từng văn bản và giữa các văn bản với nhau; các văn bản có hiệu lực lâu dài, ít bị sửa đổi hay bãi bỏ nhưng không cứng nhắc, bất biến); (2) Vai trò của các đạo luật ngày càng được đề cao và vươn lên vai trò chủ đạo; (3) các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu hợp pháp và hợp lý cả về nội dung và hình thức thể hiện.[56]

Ở phương Tây, khái niệm “hệ thống pháp luật” được coi là khái niệm “đa nghĩa”.[57] Ít nhất, khái niệm này có 2 nghĩa cơ bản.

Nghĩa thứ nhất, “hệ thống pháp luật” được coi là một hệ thống các quy phạm.[58] Theo nghĩa này, nói đến hệ thống pháp luật của một quốc gia là nói tới “tổng hợp có tính cách khép kín các quy tắc và nguyên tắc đang có hiệu lực trong biên giới của một vùng lãnh thổ quốc gia”.[59] Cũng theo nghĩa này, khái niệm “pháp luật” (law) và “hệ thống pháp luật” (legal system) được coi là hai khái niệm tương đồng như nhau.[60] Cũng theo nghĩa này, hệ thống pháp luật của một quốc gia được hiểu là tất cả các quy phạm pháp luật của quốc gia đó cũng như mối quan hệ giữa các quy phạm ấy với nhau.[61] Theo nghĩa này, tế bào của hệ thống pháp luật là các quy phạm pháp luật.[62] Các quy phạm pháp luật có tính thứ bậc nhất định, trong đó, quy phạm này có thể là sản phẩm của sự suy diễn, giải nghĩa hoặc cụ thể hóa các quy phạm khác có thứ bậc cao hơn. Ở tầm cao nhất của hệ thống quy phạm chính là các quy phạm pháp luật cơ bản của hệ thống pháp luật. Các quy phạm cơ bản này thường chính là các quy phạm trong Hiến pháp của quốc gia đó.[63]

Quan điểm vừa nêu về hệ thống pháp luật được thể hiện rõ nét nhất trong các tác phẩm của triết gia Hans Kelsen, một triết gia pháp luật người Áo có ảnh hưởng rộng rãi tại châu Âu lục địa và tại Bắc Mỹ.

Theo Hans Kelsen, “pháp luật là một trật tự hành vi của con người. Nó là một hệ thống quy phạm… [Hệ thống này là] một tập hợp các quy phạm có tính thống nhất với nhau để tạo lập nên cái gọi là một hệ thống…Sẽ là sự sai lệch khi nhận thức về bản chất pháp luật khi chúng ta bỏ qua mối liên hệ giữa các quy phạm với nhau trong một hệ thống pháp luật.”[64] Chính vì vậy, “tính liên kết” của các quy phạm phải được coi như một trong những yếu tố để hiểu ra bản chất của pháp luật. Theo Hans Kelsen, mối quan hệ giữa các quy phạm pháp luật trong một hệ thống pháp luật là mối quan hệ có tính thứ bậc nhất định. Giữa các quy phạm pháp luật có thể có mối quan hệ phái sinh với nhau, theo đó, từ một quy phạm mẹ có thể trở thành nền tảng để xây dựng hoặc nảy sinh ra nhiều quy phạm pháp luật con. Theo chuỗi liên hệ ấy, hệ thống pháp luật được thống nhất với nhau bởi một tập hợp các quy phạm pháp luật gốc. Các quy phạm gốc hoặc quy phạm cơ bản này thường chính là quy phạm nằm trong Hiến pháp của mỗi quốc gia.[65] Ngoài ra, cũng theo Hans Kelsen, một trong những yếu tố phân biệt “pháp luật” với các quy phạm xã hội khác chính là tính “cưỡng chế thi hành của pháp luật” bởi nhà nước.[66]

Ở phương Tây, nhiều học giả đã nghiên cứu những thuộc tính của một hệ thống pháp luật tốt (có chất lượng). Chẳng hạn, Lon Fuller, giáo sư luật Đại học Harvard, ngay từ những năm 1960 đã khẳng định, một hệ thống pháp luật sẽ không thể tồn tại được nếu vi phạm 8 tiêu chuẩn cơ bản sau: (1) không có tính quy phạm (tức là chứa đựng các quy định pháp luật nhưng không thể hiện rõ điều đúng/sai, hợp pháp/bất hợp pháp, cho phép/cấm đoán, thưởng phạt rõ ràng cho người chấp hành nghiêm và người vi phạm), (2) không công khai các quy định của nó cho công chúng, (3) ngôn từ sử dụng trong các quy định tối nghĩa, khó hiểu, (4) quy định hiệu lực hồi tố, (5) quy định những quy phạm có nội dung mâu thuẫn nhau, (6) đưa ra các quy định mà đối tượng bị áp dụng cũng như chủ thể có trách nhiệm áp dụng không thể thực thi được, (7) thay đổi quá thường xuyên theo thời gian, và (8) không có tính nhất quán trong việc áp dụng pháp luật.[67] 8 tiêu chuẩn này được giáo sư Lon Fuller coi là những tiêu chuẩn thiết yếu mà một hệ thống pháp luật nên có và phải có. Thiếu một trong 8 tiêu chí ấy, chức năng, tác dụng thực tế của hệ thống pháp luật sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, những tiêu chí mà giáo sư Lon Fuller đưa ra, cũng có những tiêu chí không hoàn toàn mới. Đối với Người phương Tây, ngay từ hàng trăm năm trước Công nguyên đã biết tới quan điểm rằng, “các đạo luật (luật pháp) nên có tuổi thọ cao hàng trăm năm, có tính ổn định và không nên sửa đổi.”[68] Ngay từ thời đó, các quốc gia La Mã cổ đại đã biết tới yêu cầu phải có quy trình kiểm tra các đạo luật để “loại bỏ những điểm mâu thuẫn, chồng chéo, dư thừa” trong hệ thống pháp luật.[69] Đối với dân chúng Hi Lạp cổ đại, nguyên tắc pháp quyền (rule of law) được coi là dấu hiệu của nền văn minh và sự thiếu vắng nguyên tắc pháp quyền (để duy trì tình trạng tùy tiện, cực quyền trong việc thực thi quyền lực nhà nước) bị coi là chỉ dấu về tình trạng dã man, mông muội.[70]

Nghĩa thứ hai của “hệ thống pháp luật” chính là nghĩa mà người dân ở các quốc gia này thường hiểu. Đó chính là hệ thống các thiết chế liên quan đến việc sản sinh và thực thi các quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, John Henry Merryman, một học giả nổi tiếng ở Hoa Kỳ định nghĩa “hệ thống pháp luật” (legal system) là “một tập hợp các thiết chế, thủ tục và các quy phạm pháp luật đang được vận hành”.[71] Theo nghĩa này, hệ thống pháp luật bao gồm các bộ phận cấu thành như cơ quan lập pháp (nghị viện), nội các, tòa án và các thiết chế liên quan. Tương ứng với hệ thống đó là các hệ thống chức danh như nghị sỹ, thành viên nội các, thẩm phán, công tố, cảnh sát, luật sư v.v.[72] Theo nghĩa này, tế bào của hệ thống pháp luật là những con người có chức danh pháp lý và những thiết chế mà những con người đó hoạt động.[73] Có thể nói, “legal system” (hệ thống pháp luật) trong trường hợp này được hiểu gần với nghĩa là “hệ thống vận hành pháp luật” hơn là khái niệm “hệ thống pháp luật” như trong cách hiểu trong các giáo trình đào tạo luật ở nước ta hiện nay.

Cách nhìn hệ thống pháp luật như là hệ thống vận hành pháp luật (một kiểu nhìn pháp luật trong trạng thái động) tương đối phổ biến tại các trường luật ở Anh và Hoa Kỳ khi sinh viên luật phải học các môn học nhập môn về hệ thống pháp luật (Introduction to Legal System). Chẳng hạn, trong cuốn giáo trình “Tài liệu và án lệ về hệ thống pháp luật [của Anh]”, Michael Zander, Giáo sư danh dự Trường Kinh tế và Chính trị Luân Đôn, một chuyên gia hàng đầu về hệ thống pháp luật ở Anh, quan niệm khi mô tả hệ thống pháp luật của Anh cần đề cập tới các nội dung sau: (1) Nguồn của pháp luật; (2) Tổ chức hệ thống tòa án; (3) Thủ tục tố tụng tại Tòa án (gồm các vấn đề về tư pháp hình sự và tư pháp dân sự); (4) Các vấn đề khác như: trợ giúp pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế (ADR); (5) Nghề luật và các chức danh tư pháp.[74]

Trong tác phẩm “Outline of the U.S. Legal System” (được dịch ở Việt Nam là “Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ”),[75] các học giả Hoa Kỳ không đưa ra khái niệm về hệ thống pháp luật (legal system), nhưng đề cập tới các nội dung chủ yếu sau: (1) Hệ thống tư pháp liên bang và hệ thống tư pháp bang (tức là hệ thống tòa án); (2) Chủ thể tham gia tố tụng tại Tòa án (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, nguyên đơn, bị đơn, v.v.); (3) Thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, cuốn sách cũng đề cập sơ bộ tới Hiến pháp, nguồn luật, phân ngành luật (thành luật dân sự và luật hình sự) và cách tổ chức bộ máy nhà nước tại Hoa Kỳ theo chiều ngang (ngành lập pháp, ngành hành pháp và ngành tư pháp).

Trong cuốn sách có tính chất bách khoa thư về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ,[76] các tác giả của cuốn sách này quan niệm, khi nói tới hệ thống pháp luật là chủ yếu chỉ nhấn mạnh tới các cơ chế, thiết chế và chức danh vận hành nên hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.[77] Cụ thể, cuốn sách đề cập tới các vấn đề liên quan tới thẩm phán, luật sư, thư ký tòa án, cảnh sát (cách thức đào tạo, hành nghề, tuyển dụng, đạo đức, thiết chế hành nghề, trách nhiệm), cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án,  bộ máy thi hành pháp luật (lực lượng cảnh sát, thừa phát lại và chấp hành viên), thủ tục tố tụng dân sự và hình sự tại tòa án. Tuy nhiên, cuốn sách cũng đề cập một vài nội dung về luật nội dung như luật hợp đồng, luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và luật hình sự.

Tuy nhiên, trong thực tế, để tránh quan niệm giản đơn đồng nhất “pháp luật” với “hệ thống pháp luật” (tức là chỉ hiểu hệ thống pháp luật theo nghĩa thứ nhất), nhưng cũng không thể tách rời được hai khái niệm này, không ít học giả ở Hoa Kỳ khi giới thiệu về pháp luật Hoa Kỳ đã phải dùng cả hai thuật ngữ “pháp luật” và “hệ thống pháp luật”. Chẳng hạn, trong một cuốn giáo trình nhập môn về pháp luật đã được tái bản nhiều lần trong suốt 30 năm qua (ấn bản mới nhất, ấn bản lần thứ 10 cho năm 2011), Frank August Schubert, giáo sư Đại học Northeastern, Hoa Kỳ) đã dùng tựa đề “Giới thiệu pháp luật và hệ thống pháp luật” (An Introduction to Law and the Legal System) để đề cập tới các nội dung sau:

- Giới thiệu về luật (pháp luật là gì và các cách tiếp cận nghiên cứu pháp luật);

- Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức;

- Các loại nguồn pháp luật (Hiến pháp, các đạo luật, các quy chế hành chính, án lệ, luật nước ngoài);

- Hệ thống tư pháp (tòa án); Thủ tục tố tụng dân sự; Giới hạn của quyền tư pháp (xét xử); Các biện pháp tư pháp; Luật hình sự và tố tụng hình sự;

- Luật gia đình; luật hợp đồng; luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; luật tài sản;

- Luật hành chính;

- Các phương thức giải quyết tranh chấp phi tố tụng tòa án.[78]

Cũng với mong muốn phân biệt “pháp luật” với “hệ thống pháp luật” (theo nghĩa thứ hai), trong tác phẩm “Các nguyên lý của pháp luật Pháp” (Principles of French Law), nhóm giáo sư tại Đại học Cambridge và một số đại học khác tại Anh, khi đề cập tới “hệ thống pháp luật” tại Pháp, chỉ đề cập các nội dung sau: (1) các nguồn pháp luật tại Pháp và thứ bậc của các quy phạm pháp luật theo nguồn (Hiến pháp, Điều ước quốc tế, Luật của Liên minh Châu Âu, văn bản pháp luật, án lệ, các học thuyết pháp lý), (2) hệ thống tòa án, (3) các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, (4) các chức danh tư pháp. Trong khi đó, khi đề cập tới phần “pháp luật”, các tác giả lại đề cập tới một phần riêng về “pháp luật thủ tục/tố tụng” (trong đó có 3 loại luật thủ tục là luật thủ tục/tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính, và luật tố tụng hình sự) và một phần riêng về luật nội dung trong đó có phân thành luật công (đề cập tới 3 lĩnh vực pháp luật là luật hiến pháp, luật hành chính, và luật hình sự) và luật tư (đề cập tới 4 lĩnh vực pháp luật là luật gia đình, luật sở hữu, luật nghĩa vụ, và luật thương mại). Các tác giả cũng đề cập tới lĩnh vực pháp luật lao động và coi rằng lĩnh vực này không thể xếp thuần túy là luật công hay luật tư vì hai yếu tố đan quyện vào nhau.[79]

Có thể thấy rằng, khi đề cập tới khái niệm “hệ thống pháp luật” với ý nghĩa là “hệ thống vận hành pháp luật”, người phương Tây đã hàm chứa một ý tưởng ăn sâu, bám dễ trong tư tưởng của họ, đó là nói tới luật là nói tới tòa án.[80] Tuy nhiên, cũng chính vì định kiến này, trong những ngày đầu xảy ra sự tiếp xúc Đông – Tây của thời kỳ thực dân (khoảng thế kỷ 18-19), nhiều người phương Tây đã coi các nước ở phương Đông (điển hình là Trung Quốc) là những quốc gia không có hệ thống pháp luật.[81]

Có lẽ sẽ là một điểm thiếu sót nếu như bàn về cách sử dụng khái niệm “hệ thống pháp luật” ở phương Tây mà không đề cập tới cách sử dụng khái niệm này của các học giả luật so sánh. Các nhà khoa học luật so sánh cũng cho rằng “hệ thống pháp luật” (legal system) là khái niệm “có nhiều nội hàm khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh sử dụng thuật ngữ đó”.[82] Tuy nhiên, khái niệm này cũng có hai nghĩa cơ bản. Nghĩa thứ nhất, đó là “tổng thể các quy phạm pháp luật của [một] quốc gia hay vùng lãnh thổ”.[83] Nghĩa thứ hai, đó là “không chỉ là tổng thể các quy phạm pháp luật mà còn bao hàm cả các thiết chế pháp luật của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ.”[84] Thậm chí, khái niệm này còn mở rộng tới mức bao hàm cả văn hóa pháp luật, các thiết chế pháp lý, và các quy trình pháp lý có liên quan.[85] Ngoài ra, “hệ thống pháp luật” còn được sử dụng “để nói tới pháp luật của một nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà hệ thống pháp luật của chúng có những điểm chung nhất định” với ý nghĩa nhấn mạnh tới “triết học pháp luật và kỹ thuật pháp lý” chung của nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.[86] Khi đó, các học giả về luật so sánh dùng khái niệm “hệ thống pháp luật” (legal system) căn bản tương đồng với khái niệm về dòng họ pháp luật (families of law), truyền thống pháp luật (legal traditions) hoặc nền văn hóa pháp luật (legal cultures).[87] Với cách sử dụng khái niệm như vậy, các học giả luật so sánh (mà tiêu biểu là Rene David) đã chia hệ thống pháp luật tại các nước phát triển thành hệ thống pháp luật án lệ (common law) và hệ thống pháp luật thành văn (civil law).[88] Trong trường hợp này, hệ thống pháp luật, được sử dụng theo nghĩa nhấn mạnh tới các khía cạnh thuộc về bản sắc pháp luật (đặc biệt là bản sắc trong tư duy pháp lý) của mỗi quốc gia[89] (ví dụ, hệ thống pháp luật án lệ coi trọng việc sử dụng án lệ, nhấn mạnh tới tính liên tục, kế thừa của pháp luật, sử dụng tư duy quy nạp, có trí khôn của pháp luật được phát hiện từ những trải nghiệm cụ thể của xã hội;[90] trong khi hệ thống pháp luật thành văn thiên về hướng cách tân, thay đổi, đoạn tuyệt với quá khứ bằng các đạo luật và nhấn mạnh tới tư duy diễn dịch, đi từ nguyên lý chung, để giải quyết các trường hợp cụ thể. Các đạo luật được coi như những cẩm nang về trí khôn trong ứng xử…).[91] Cũng chia sẻ với cách tiếp cận kể trên của David Rene và nhiều nhà khoa học luật so sánh khác, Michel Fromont[92], giáo sư luật so sánh của trường Đại học Patheon-Sorbonne (Paris I), cho rằng, để hiểu được một hệ thống pháp luật, cần hiểu những khía cạnh cơ bản sau đây: (1) nền tảng tư tưởng và lịch sử, (2) các yếu tố văn hóa và xã hội (với tư cách là bối cảnh hoặc môi trường mà hệ thống pháp luật vận hành, nó cũng là thứ mà hệ thống pháp luật đóng vai trò phản ánh hoặc tác động trở lại), và (3) kỹ thuật pháp lý (ví dụ, vai trò của án lệ và của các đạo luật trong hệ thống pháp luật).[93] Ngoài ra, cũng theo Michel Fromont, mỗi hệ thống pháp luật thường đặc trưng bởi các yếu tố sau: (1) quan niệm về trật tự xã hội (dựa vào nguồn gốc tôn giáo hay thế tục; theo cá nhân luận hay theo cộng đồng luận hoặc tập thể luận), (2) quan niệm về vai trò của pháp luật (có đóng vai trò trung tâm hay ngoại vi trong việc chỉ dẫn hành vi của con người; chỉ đơn thuần là công cụ duy trì trật tự xã hội hay còn là công cụ để cải biến xã hội v.v.); (3) hệ thống nguồn luật; (4) cơ cấu của quy định pháp luật (tức là có sử dụng hệ thống khái niệm nền hay không).[94] Khi đi vào trình bày một hệ thống pháp luật cụ thể, Michel Fromont trình bày các yếu tố sau: (1) lược sử của hệ thống pháp luật (sự phát triển của công pháp và tư pháp qua các thời kỳ lịch sử), (2) hệ thống tòa án và thủ tục tố tụng, (3) nguồn của pháp luật (vai trò của Hiến pháp, các điều ước quốc tế, các đạo luật, án lệ v.v.), (4) nội dung pháp luật thực định (tư pháp và công pháp).

Khi nghiên cứu về hệ thống pháp luật của Trung Quốc, các học giả phương Tây cũng sử dụng khái niệm này theo nghĩa hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật cả về nội dung, thủ tục và thiết chế pháp lý.[95] Ví dụ, trong ấn bản năm 2009 của cuốn sách, “Hệ thống pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Một giới thiệu tóm lược” (The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell), Daniel C.K. Chow, giáo sư luật Đại học Ohio (Hoa Kỳ), đã trình bày các nội dung cơ bản sau: (1) bối cảnh kinh tế-xã hội và chính trị của hệ thống pháp luật Trung Quốc, (2) lịch sử pháp luật Trung Quốc, (3) Hiến pháp, (4) Đảng Cộng sản Trung Quốc, (5) hoạt động lập pháp và giải thích pháp luật ở Trung Quốc, (6) hệ thống tòa án và công tố, (7) luật sư và nghề luật, (8) luật tố tụng (dân sự và hình sự), (9) luật nội dung (luật hình sự, luật dân sự và kinh tế, luật hành chính, pháp luật về đầu tư nước ngoài, bảo hộ sở hữu trí tuệ).[96]

 

4. Một vài nhận xét

 

Có thể nói rằng, ở phương Tây, không có cái gọi là quan niệm chính thống về pháp luật và hệ thống pháp luật. Các nhà nghiên cứu có thể đưa ra định nghĩa riêng, quan niệm riêng về hệ thống pháp luật. Các định nghĩa hoặc quan niệm ấy là sản phẩm chủ quan của mỗi nhà nghiên cứu. Trong mỗi quan niệm, thường có những dấu ấn cá nhân về ý thức hệ hoặc giá trị đạo đức mà tác giả đã chọn lựa hoặc bị ảnh hưởng.

Mặc dù, chúng tôi không tiếp cận được bằng chứng về mối tương tác giữa pháp luật phương Tây với pháp luật Xô Viết để khẳng định rằng quan niệm về pháp luật và hệ thống pháp luật của các luật gia của phương Tây và luật gia Xô Viết trước đây có quan hệ gì với nhau, nhưng chúng tôi vẫn tìm thấy không ít điểm tương đồng trong cách quan niệm về pháp luật và hệ thống pháp luật của các luật gia phương Tây và các luật gia Liên Xô trước đây, xét từ góc độ kỹ thuật tư duy.

Một trong các điểm tương đồng có thể kể đến là, “hệ thống pháp luật” có thể quan niệm là hệ thống các quy phạm pháp luật. Hệ thống này có mối quan hệ logic, nội tại với nhau. Giữa các quy phạm pháp luật trong cùng hệ thống ấy có tính thứ bậc nhất định. Hệ thống quy phạm này được hợp thành bởi nhiều quy phạm thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau (có tính đa dạng). Sự phân biệt lĩnh vực pháp luật này với lĩnh vực pháp luật khác cũng dựa cơ bản trên sự khác biệt về bản chất và loại quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh bởi mỗi lĩnh vực.

Mặc dầu vậy, có nhiều điểm khác biệt khó có thể phủ nhận trong quan niệm về hệ thống pháp luật của các luật gia Xô Viết trước đây với các luật gia phương Tây. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, “hệ thống pháp luật” trong quan niệm của phương Tây có thể được hiểu đơn thuần chính là hệ thống các thiết chế sản sinh ra pháp luật và hệ thống thi hành, thực thi pháp luật. Trong nhiều trường hợp, hệ thống pháp luật chỉ đơn thuần được hiểu là hệ thống thiết kế cùng với cơ chế vận hành của các thiết chế đó. Nói cách khác, khái niệm “legal system” chỉ giản đơn được hiểu là “hệ thống vận hành pháp luật”. Về khía cạnh này, có lẽ, các luật gia Xô Viết không chia sẻ cách tiếp cận này. Nói cách khác, khái niệm “hệ thống pháp luật” trong cách dùng của các luật gia phương Tây có vẻ rộng hơn so với khái niệm tương ứng trong quan niệm của các luật gia Xô Viết.

Thứ hai, về việc phân ngành pháp luật. Việc phân ngành pháp luật ở các nước phương Tây mang tính ước lệ về học thuật nhiều hơn là một quan niệm chính thống. Cách phân chia quy phạm pháp luật thành luật công và luật tư có vẻ tương đối phổ biến trong khi cách phân chia này lại không được thừa nhận do rào cản về ý thức hệ trong các luật gia Xô Viết.[97]

Thứ ba, do nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tòa án trong việc thực thi và áp dụng pháp luật, nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa pháp luật và công lý, trong quan niệm chung của các học giả phương Tây về hệ thống pháp luật thường nhấn mạnh tới vai trò nổi bật của tòa án. Nói cách khác, dường như có một quan niệm khá thống nhất giữa các học giả phương Tây đó là, đã nói tới pháp luật, là phải nói tới hệ thống tòa án. Tòa án và pháp luật là hai yếu tố không thể tách rời.

Thứ tư, cách tiếp cận của các luật gia Xô Viết trước đây thiên về việc phân tích bản chất giai cấp và tính công cụ của pháp luật, trong khi cách tiếp cận của các luật gia phương Tây có xu hướng nhấn mạnh tới bản chất/vai trò/giá trị xã hội của pháp luật. Chính vì thế, trong một thời gian dài, quan điểm của trường phái pháp luật tự nhiên không được chú ý thỏa đáng trong công tác xây dựng, thực thi và đánh giá pháp luật. Chúng tôi cho rằng, nếu kết hợp cả cách tiếp cận bản chất giai cấp và bản chất xã hội của pháp luật, kết hợp cả cách tiếp cận của pháp luật tự nhiên và pháp luật thực chứng, nhận thức của chúng ta về bản chất, vai trò của pháp luật của chúng ta sẽ toàn diện và đầy đủ hơn.

TS. Nguyễn Văn Cương  - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý,  Bộ Tư pháp

 


[1] Mặc dù xét về mặt ngôn ngữ, ngay trong tiếng Việt, từ “pháp luật” cũng không hề là từ đơn nghĩa. Chí ít, giữa từ “pháp luật” khi đứng một mình với từ “pháp luật” trong cụm từ “quy phạm pháp luật” chắc chắn đã có nghĩa không hoàn toàn giống nhau.

[2] Các học giả của phương Tây cho rằng, những vấn đề như “pháp luật là gì?”, “pháp luật có nguồn gốc từ đâu? Pháp luật tồn tại dựa trên cơ sở nào? Pháp luật phục vụ lợi ích của ai? Là những câu hỏi không dễ trả lời và luôn là chủ điểm của các tranh cãi triết học. Xem, Anthony Walsh & Craig Hemmens, Law, Justice and Society (New York: Oxford University Press, 2008) at 3.

[3] Cited in James M. Donovan, Legal Anthropology: An Introduction (Lanham: Altamira Press, 2008) at 6.

[4] Hans Kelsen, General Theory of Law and State (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1945) at 5.

[5] David Brooke, Jurisprudence (New York: Routledge, 2011) at 6.

[6] John Locke, trích dẫn trong F.A. Hayek, The Constitution of Liberty: The Definitive Edition (London: University of Chicago Press, 2011) tr. 232.

[7] David Brooke, Jurisprudence (New York: Routledge, 2011) at 4.

[8] Cited in James M. Donovan, Legal Anthropology: An Introduction (Lanham: Altamira Press, 2008) at 6.

[9] Cited in James M. Donovan, Legal Anthropology: An Introduction (Lanham: Altamira Press, 2008) at 7

[10] Brian Z. Tamanaha, A General Jurisprudence of Law and Society (Oxford: Oxford University Press, 2001) at 41.

[11] Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at 48.

[12] Sarah Riches & Vida Allen, Business Law, 9th ed. (London: Pearson, 2009) at 3. Cũng theo các tác giả này, điều phân biệt giữa quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội chính là tiêu chí, quy phạm nào sẽ được tòa án công nhận và thực thi. Quy phạm pháp luật thì được tòa án công nhận và thực thi trong khi các quy phạm xã hội không phải là quy phạm pháp luật thì không mang đặc điểm này.

[13] Sarah Riches & Vida Allen, Business Law, 9th ed. (London: Pearson, 2009) at 3-4.

[14] David P. Twomey & Marianne Moody Jennings, Business Law and the Legal Environment, 21st ed. (Mason, OH: South-Western, 2011) at 4.

[15] Kenneth W. Clarkson, et.al, Business Law: Text and Cases, 12th ed. (Mason, OH: South-Western, 2012) at 2.

[16] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 225.

[17] Richard A. Mann & Barry S. Roberts, Business Law and the Regulation of Business, 10th ed. (Mason, OH: South-Western, 2011) at 3.

[18] Richard A. Mann & Barry S. Roberts, Business Law and the Regulation of Business, 10th ed. (Mason, OH: South-Western, 2011) at 3.

[19] Alix Adams, Law for Business Students, 6th ed. (London: Pearson, 2010) at 6.

[20] Alix Adams, Law for Business Students, 6th ed. (London: Pearson, 2010) at 8.

[21] Alix Adams, Law for Business Students, 6th ed. (London: Pearson, 2010) at 8.

[22] Anthony Walsh & Craig Hemmens, Law, Justice and Society (New York: Oxford University Press, 2008) at 3.

[23] Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at 48.

[24] F.C. DeCoste, On Coming to Law: An Introduction to Law in Liberal Societies (Markham, Ont: Butterworths Canada, 2001) at 4.

[25] Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at 48.

[26] Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at 48-53; F.C. DeCoste, On Coming to Law: An Introduction to Law in Liberal Societies (Markham, Ont: Butterworths Canada, 2001) at 5.

[27] F.C. DeCoste, On Coming to Law: An Introduction to Law in Liberal Societies (Markham, Ont: Butterworths Canada, 2001) at 4.

[28] Tuy nhiên, ngày nay, nhiều triết gia pháp luật của phương Tây nổi tiếng như Joseph Raz (tác giả cuốn “The Authority of Law” (2009)) và Neil MacCormick (tác giả cuốn sách “Institutions of Law” (2007)) cho rằng việc phân loại lý thuyết pháp luật thành trường phái “thực chứng” và “tự nhiên” là cách phân loại lỗi thời, gây nhầm lẫn và không nên tiếp tục theo đuổi. Xem David Brooke, Jurisprudence (New York: Routledge, 2011) at 5.

[29] Cees Maris & Frans Jacobs, Law, Order and Freedom: A Historical Introduction to Legal Philosophy (Springer, 2011) at 4.

[30] Cees Maris & Frans Jacobs, Law, Order and Freedom: A Historical Introduction to Legal Philosophy (Springer, 2011) at 8.

[31] David Brooke, Jurisprudence (New York: Routledge, 2011) at 5.

[32] Cees Maris & Frans Jacobs, Law, Order and Freedom: A Historical Introduction to Legal Philosophy (Springer, 2011) at 8.

[33] Cees Maris & Frans Jacobs, Law, Order and Freedom: A Historical Introduction to Legal Philosophy (Springer, 2011) at 8.

[34] Cees Maris & Frans Jacobs, Law, Order and Freedom: A Historical Introduction to Legal Philosophy (Springer, 2011) at 8.

[35] Mác-Ăng ghen, Tuyển tập, t.1 (Hà Nội: NXB Sự thật, 1980) tr. 262-263.

[36] Lê Minh Tâm và Nguyễn Minh Đoan (chủ biên), Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 98.

[37] Lê Minh Tâm và Nguyễn Minh Đoan (chủ biên), Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr.107.

[38] Hàng loạt các công trình nghiên cứu về nhà nước pháp quyền được xuất bản ở Việt Nam thời gian qua cho thấy sự lớn mạnh trong tư duy pháp lý của giới nghiên cứu pháp luật hiện nay, trong đó, có thể kể đến các tác phẩm cơ bản sau: Đào Trí Úc (chủ biên), Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2005); Nguyễn Trọng Thóc, Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2005); Trần Hậu Thành, Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (Hà Nội: NXB Lý luận chính trị, 2005); Nguyễn Văn Thảo, Xây dựng nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2006); Lê Văn Quang và Văn Đức Thanh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và các định chế xã hội ở nước ta hiện nay (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2006); Đào Trí Úc (chủ biên), Mô hình tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007); Nguyễn Duy Quý và Nguyễn Tất Viễn (đồng chủ biên), Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân – Lý luận và thực tiễn (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2008) v.v.

[39] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 24.

[40] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 25.

[41] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 26.

[42] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 27.

[43] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 29.

[44] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 30.

[45] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 30.

[46] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 31.

[47] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 32.

[48] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 33.

[49] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 33.

[50] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 33.

[51] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 33.

[52] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 34.

[53] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 34.

[54] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án tiến sỹ), 1992, tr. 40-51.

[55] GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Đinh Văn Mậu, Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Giao thông vận tải, 2009, tr. 336. Cũng theo ấn phẩm này, hệ thống pháp luật là “một cơ cấu thống nhất gồm các bộ phận cấu thành: ngành luật, chế định pháp luật. Phần tử cấu tạo nên các bộ phận trên của hệ thống pháp luật là quy phạm pháp luật.” (tr. 337) và “hệ thống pháp luật là hình thức bên trong của pháp luật.” (tr. 337).

[56] GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Đinh Văn Mậu, Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Giao thông vận tải, 2009, tr. 346.

[57] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 5.

[58] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 5.

[59] Ugo A. Mattei, Teemu Ruskola, and Antonio Gidi, Schlesinger’s Comparative Law: Cases-Text-Materials, 7th ed. (New York: Thomson Reuters, 2009) at 177.

[60] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 8th ed. (St. Paul, MN: West, 2004) at 900.

[61] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 5.

[62] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 5.

[63] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 26. Tuy nhiên, cách lập luận này cũng có vấn đề riêng của nó. Chẳng hạn, điều gì làm cho Hiến pháp của một quốc gia được coi là có giá trị pháp lý và buộc phải tuân thủ bởi tất cả các công dân, tổ chức hoạt động trong quốc gia đó? Liệu yếu tố xác định giá trị pháp lý của Hiến pháp có nằm trong hệ thống pháp luật hay không? Đây đều là những câu hỏi không dễ trả lời.

[64] Hans Kelsen, General Theory of Law and State (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1945) at 3.

[65] Hans Kelsen, General Theory of Law and State (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1945) at 123-124.

[66] Hans Kelsen, General Theory of Law and State (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1945) at 26.

[67] Lon L. Fuller, The Morality of Law (New Haven, CT: Yale University Press, 1964) at 39.

[68] Shirley Robin Letwin, On the History of the Idea of Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2005) at 1.

[69] Shirley Robin Letwin, On the History of the Idea of Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2005) at 2.

[70] Shirley Robin Letwin, On the History of the Idea of Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2005) at 2.

[71] John Henry Merryman and Rogelio Perez-Perdomo, The Civil Law Tradition: An Introduction to the Legal Systems of Europe and Latin America, 3rd ed. (Standford: Standford University Press, 2007) at 1

[72] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 5.

[73] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2011) at 5.

[74] Michael Zander, Cases and Materials on the English Legal System, 10th ed. (Cambridge: Cambridge University Press, 2007).

[75] Vũ Thế Hùng, Hồng Hạnh, và Minh Nguyệt (dịch), Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia 2006).

[76] Timothy L. Hall (ed.), The U.S. Legal System (Pasadena, California: Salem Press, 2004) at ix.

[77] Timothy L. Hall (ed.), The U.S. Legal System (Pasadena, California: Salem Press, 2004) at ix.

[78] Frank August Schubert, Introduction to Law and the Legal System, 10th ed. (Boston, MA: Wadsworth, 2012).

[79] John Bell, et. al, Principles of French Law, 2nd ed. (Oxford: Oxford University Press, 2007).

[80] Chẳng hạn, đã có học giả ở phương Tây định nghĩa “pháp luật là một hệ thống các quy tắc xác định được áp dụng bởi thẩm phán”. Xem, Edward H. Levi, An Introduction to Legal Reasoning (Chicago: University of Chicago Press, 1970) at 1.

[81] William C. Jones, “Trying to Understand the Current Chinese Legal System” in Ugo A. Mattei, Teemu Ruskola, and Antonio Gidi, Schlesinger’s Comparative Law: Cases-Text-Materials, 7th ed. (New York: Thomson Reuters, 2009) at 292.

[82] Nguyễn Quốc Hoàn (chủ biên), Giáo trình Luật so sánh (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 17.

[83] Nguyễn Quốc Hoàn (chủ biên), Giáo trình Luật so sánh (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 18. Cuốn giáo trình này dẫn lại quan niệm của Joseph Raz, thể hiện trong ấn phẩm “The Concept of a Legal System – An Introduction to the Theory of Legal System” (Oxford: Clarendon Press, 1980) tr. 121 và Fran Maher & Louis Waller, An Introduction to Law (Australia: The Law Book Company Limited, 1991) tr. 3.

[84] Nguyễn Quốc Hoàn (chủ biên), Giáo trình Luật so sánh (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 18. Cuốn giáo trình này dẫn lại quan niệm của Winterton thể hiện trong bài tạp chí “Comparative Law Teaching”, American Journal of Comparative Law, Vol. 23 (1975) tr. 69-70.

[85] Nguyễn Quốc Hoàn (chủ biên), Giáo trình Luật so sánh (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 18.

[86] Nguyễn Quốc Hoàn (chủ biên), Giáo trình Luật so sánh (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 19-20.

[87] Frank August Schubert, Introduction to Law and the Legal System, 10th ed. (Boston: Wadsworth, 2011) at 88. Tuy nhiên, John Henry Merryman, một học giả nổi tiếng về luật so sánh, cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “hệ thống pháp luật” là không hợp lý mà nên thay bằng thuật ngữ “truyền thống pháp luật” (legal traditions). Xem John Henry Merryman and Rogelio Perez-Perdomo, The Civil Law Tradition: An Introduction to the Legal Systems of Europe and Latin America, 3rd ed. (Standford: Standford University Press, 2007) at 1. Tuy nhiên, nhiều học giả về luật so sánh thì lại cho rằng “khó có thể tách biệt được một cách rõ ràng các khái niệm “hệ thống pháp luật”, “truyền thống pháp luật”, và “văn hóa pháp luật”. Xem Nguyễn Quốc Hoàn (chủ biên), Giáo trình Luật so sánh (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 24.

[88] Rene David and John E.C. Brierley, Major Legal Systems in the World Today: An Introduction to the Comparative Study of Law, 2nd ed. (New York: The Free Press, 1978).

[89] John Henry Merryman giải thích khái niệm về “truyền thống pháp luật” gắn liền với khía cạnh văn hóa pháp luật như sau: “truyền thống pháp luật không phải là … một tập hợp quy phạm pháp luật…mà là một tập hợp các thái độ pháp luật được quy định bởi điều kiện lịch sử và đã ăn sâu [trong tâm thức dân tộc] về bản chất của pháp luật, về vai trò của pháp luật trong xã hội, về chính thể, về cách thức tổ chức và vận hành một cách hợp lý hệ thống pháp luật, và về cách thức mà luật pháp được hoặc nên được tạo ra, được áp dụng, được nghiên cứu, được hoàn thiện, và được giảng dạy.” Xem John Henry Merryman and Rogelio Perez-Perdomo, The Civil Law Tradition: An Introduction to the Legal Systems of Europe and Latin America, 3rd ed. (Standford: Standford University Press, 2007) at 2.

[90] Frank August Schubert, Introduction to Law and the Legal System, 10th ed. (Boston: Wadsworth, 2011) at 88.

[91] Frank August Schubert, Introduction to Law and the Legal System, 10th ed. (Boston: Wadsworth, 2011) at 88.

[92] Michel Fromont, Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới (Bản dịch tiếng Việt của Trương Quang Dũng), NXB Tư pháp, 2006.

[93] Michel Fromont, Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới (Bản dịch tiếng Việt của Trương Quang Dũng), NXB Tư pháp, 2006, tr. 11.

[94] Michel Fromont, Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới (Bản dịch tiếng Việt của Trương Quang Dũng), NXB Tư pháp, 2006, tr. 16-19.

[95] Xem Anthony Dicks, "The Chinese legal system: reforms in the balance," The China Quarterly, No. 119 (September 1989), p. 540; cũng xem Pitman B. Potter, “The Chinese Legal System: Continuing Commitment to the Primacy of State Power”, The China Quarterly, No. 159, Special Issue: The People's Republic of China after 50Years (Sep., 1999), pp. 673-683.

[96] Daniel C.K. Chow, The Legal System of the People’s Republic of China in a Nutshell, 2nd ed. (St. Paul, MN: West, 2009).

[97] Khi các luật gia Xô Viết trước đây phải tuân thủ quan điểm có tính phương pháp luận nhận thức của Lênin rằng mọi quy phạm pháp luật đều là luật công.