Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện tổng số công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã là 14.920 người, tương ứng với tỷ lệ 1,4 công chức/xã; 34,5% số xã trong cả nước có từ 02 công chức Tư pháp hộ tịch trở lên. Để chuyên nghiệp hóa công tác hộ tịch, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ xây dựng chức danh Hộ tịch viên. Và đây sẽ là một trong những ”điểm nhấn” quan trọng của dự án Luật Hộ tịch.
Hộ tịch viên cũng là chức danh tư pháp
Công chức tư pháp – hộ tịch ở cấp xã hiện nay ngoài việc giúp UBND cấp xã thực hiện việc quản lý và đăng ký hộ tịch ở địa phương còn phải đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau, do đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công tác hộ tịch ở cơ sở. Ngoài ra đội ngũ cán bộ này lại thường xuyên biến động, hay bị thay đổi, do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch rất khó khăn. Nhiều nơi công chức hộ tịch tư pháp không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch. Đây chính là nguyên nhân làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. Sai phạm trong đăng ký hộ tịch tương đối nhiều do không gắn liền trách nhiệm của họ vào công việc (người ký giấy tờ hộ tịch là lãnh đạo UBND, đóng dấu UBND).
Dự án Luật Hộ tịch đang được xây dựng dự kiến tất cả các việc đăng ký hộ tịch (cho mọi trường hợp cả trong nước và cả yếu tố nước ngoài) sẽ do cấp xã làm. Hộ tịch viên sẽ là người chịu trách nhiệm đăng ký các việc về hộ tịch và quản lý sổ hộ tịch.
Theo đó, hộ tịch viên cũng được xác định là một trong các chức danh tư pháp. Được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hộ tịch như các chức danh tư pháp khác (công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên...). Hộ tịch viên được bổ nhiệm, ổn định vị trí công tác và phải có các tiêu chuẩn bắt buộc như có bằng tốt nghiệp từ trung cấp luật trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hộ tịch (Nghị định 158/Cp hiện hành chỉ quy định cán bộ tư pháp hộ tịch phải có đủ tiêu chuẩn của cán bộ công chức cấp xã theo quy định về cán bộ, công chức).
Phải có lộ trình
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương tỏ ra lo ngại: bổ sung thêm chức danh hộ tịch viên là cả vấn đề về bộ máy biên chế. Thực tế ở Hà Nội hiện nay cho thấy mỗi đợt bầu cử, ngành Tư pháp ”mất” cán bộ rất nhiều vì cán bộ hộ tịch được cất nhắc lên những vị trí mới (ở Hà Nội mỗi năm có khoảng 20-30% cán bộ tư pháp rời khỏi vị trí của mình). ”Bổ nhiệm hộ tịch viên là phải ”ngồi một chỗ” suốt đời. Liệu họ có chịu yên vị không? - Ông Phương đặt câu hỏi.
Riêng về chuyện phân cấp tất cả các việc về đăng ký hộ tịch cho cấp xã, ông Phương dẫn chứng ngay việc chuyển cho Phòng Tư pháp (ở khu vực nội thành) các bản dịch nước ngoài (mà trước đây thuộc thẩm quyền của các Phòng Công chứng - PV), chỉ cần mắc vài từ hay một câu thôi là cơ quan quản lý đã mất rất nhiều thời gian để gỡ. Sau này nếu dồn cả về cho xã thì hộ tịch viên sẽ giải quyết ra sao?
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận đội ngũ cán bộ cấp xã hiện còn nhiều bất cập. Phân cấp quá sẽ dồn gánh nặng cho cơ cở, dẫn đến quá tải, tiêu cực.
Ông Trịnh Tiến Hải (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cho rằng phân cấp sẽ thông thoáng cho người dân hơn nhưng nếu phân cấp cho cả các khu vực đặc thù như biên giới thì đó là vấn đề hoàn toàn không đơn giản.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, về lâu dài để chuyên nghiệp hóa công tác hộ tịch thì việc xây dựng chức danh hộ tịch viên và phân cấp về cho xã là việc làm cần thiết để các cấp khác chuyên tâm vào công tác quản lý nhà nước.
Thu Hằng
Vì phần lớn các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc hiện nay đã bố trí 2 biên chế làm công tác tư pháp - hộ tịch hoặc 1 cán bộ tư pháp - hộ tịch và một cán bộ hợp đồng. Do đó, việc quy định chức danh Hộ tịch viên sẽ không làm phát sinh thêm biên chế và số lượng cán bộ, công chức cấp xã; nguồn để bổ nhiệm hộ tịch viên là cán bộ tư pháp - hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn. |