Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan

03/11/2011
Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ca-dắc-xtan (sau đây gọi là Hiệp định) đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tư pháp Ca-dắc-xtan Rashid Tussupbekov ký ngày 31/10/2011 tại Hà Nội trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Ca-dắc-xtan Nursultan Narzabayev.

Hiệp định được ký sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác vốn có giữa Việt Nam – Ca-dắc-xtan, nâng cao hiệu quả hợp tác trên mọi mặt vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Hiệp định được ký kết sẽ đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh từ quan hệ dân sự và thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước.

I. Sự cần thiết, yêu cầu, mục đích đàm phán, ký Hiệp định

1. Nhu cầu hợp tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Ca-dắc-xtan

Ca-dắc-xtan là nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ và chỉ một năm sau khi Ca-dắc-xtan tuyên bố độc lập, Việt Nam và Ca-dắc-xtan đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/9/1992. Trước đây hai nước đã từng có quan hệ điều ước về hợp tác tương trợ tư pháp (Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết ký ngày 10/12/1981). Khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, phối hợp hoạt động và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước mặc dù còn khiêm tốn nhưng đang có chiều hướng gia tăng: kim ngạch thương mại năm 2008 đạt 96 triệu USD, tăng 50% so với năm 2007 và tăng gần gấp năm lần so với năm 2006. Hai nước cũng đã ký một số Hiệp định và Thỏa thuận song phương như: Hiệp định về hợp tác kinh tế và thương mại (ký ngày 01/02/1994), Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký ngày 01/02/1994), Hiệp định về đi lại lẫn nhau của công dân hai nước, Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác lao động, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và khoáng sản Ca-dắc-xtan về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tài nguyên và khoáng sản, Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu khí Ca-dắc-xtan.

Bên lề chuyến thăm chính thức Ca-dắc-xtan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 15/9/2009,  Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có cuộc gặp song phương với Ngài Rashid T. Tussepbekov, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hoà Ca-dắc-xtan. Hai bên cùng thống nhất rằng để quan hệ hợp tác chung giữa hai nước phát triển vững chắc thì cần thiết phải tạo lập các cơ sở pháp lý trong đó có việc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư… tại nước sở tại, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các quan hệ này trong thời gian tới.

2. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước

Việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Ca-dắc-xtan là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Cụ thể, hai Nghị quyết này đều chỉ rõ nhiệm vụ tiếp tục ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, trước hết ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước quan hệ truyền thống.

II. Quá trình xây dựng, đàm phán Hiệp định

Để chủ động trong quá trình đàm phán Hiệp định, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Hiệp định và thuyết phục phía Ca-dắc-xtan chấp nhận sử dụng Dự thảo Hiệp định do phía Việt Nam đề xuất làm cơ sở đàm phán.

Vòng đàm phán thứ nhất được diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 05-07/7/2011 với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước.

Trên cơ sở kết quả Vòng đàm phán thứ nhất Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện Dự thảo Hiệp định và tiến hành đàm phán Vòng thứ hai Hiệp định tại Astana, Ca-dắc-xtan từ ngày 11-14/10/2011. Tại Vòng đàm phán này, hai Bên đã đạt được thống nhất về toàn văn Dự thảo Hiệp định để trình các cấp có thẩm quyền xem xét việc ký Hiệp định nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Ca-dắc-xtan Nursultan Nazarbayev trong các ngày 31/10 và 01/11/2011.

III. Nội dung của Hiệp định

Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan gồm có Lời nói đầu và 35 điều, chia làm 6 chương, cụ thể như sau:

1. Chương I "Những quy định chung"

          - Điều 1: Phạm vi tương trợ tư pháp

          - Điều 2: Bảo hộ pháp lý

          - Điều 3: Miễn giảm án phí và trợ giúp pháp lý miễn phí

          - Điều 4: Tạm ứng án phí

          - Điều 5: Các kênh liên lạc

          - Điều 6: Ngôn ngữ

          - Điều 7: Chi phí tương trợ tư pháp

          - Điều 8: Yêu cầu tương trợ tư pháp

          - Điều 9: Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp

          - Điều 10: Từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp

          - Điều 11: Chuyển giao tài liệu, đồ vật và tiền

          - Điều 12: Trao đổi thông tin và tài liệu pháp luật

          - Điều 13: Chuyển giao giấy tờ hộ tịch

          - Điều 14: Miễn hợp pháp hóa lãnh sự

 - Điều 15: Thực hiện tương trợ tư pháp theo yêu cầu của nhiều Bên

2. Chương II "Tống đạt giấy tờ"

- Điều 16: Yêu cầu tống đạt giấy tờ

- Điều 17: Tống đạt giấy tờ cho công dân của nước mình

3. Chương III "Thu thập và cung cấp chứng cứ"

- Điều 18: Yêu cầu thu thập và cung cấp chứng cứ

- Điều 19: Thực hiện yêu cầu thu thập và cung cấp chứng cứ

- Điều 20: Thu thập chứng cứ từ công dân của nước mình

4. Chương IV "Triệu tập người làm chứng, người giám định"

- Điều 21: Triệu tập người làm chứng, người giám định

- Điều 22: Bảo hộ người làm chứng, người giám định

5. Chương V “Công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài”

- Điều 23: Công nhận các bản án, quyết định của Tòa án

- Điều 24: Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án

- Điều 25: Điều kiện công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án

- Điều 26: Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án

- Điều 27: Thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án

- Điều 28: Hiệu lực của việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án

- Điều 29: Công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài

6. Chương VI “Điều khoản khác”

- Điều 30: Quan hệ với các điều ước quốc tế khác

- Điều 31: Giải quyết bất đồng

- Điều 32: Trao đổi ý kiến

- Điều 33: Phê chuẩn và hiệu lực

- Điều 34: Sửa đổi và bổ sung

- Điều 35: Điều khoản cuối cùng

Hiệp định có phạm vi tương trợ tư pháp bao quát đầy đủ các vấn đề dân sự cần yêu cầu tương trợ tư pháp và cụ thể hoá quy định của Luật Tương trợ tư pháp. Đồng thời, Hiệp định cũng đã có quy định cụ thể về thời hạn tối đa cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp cũng như thông báo việc từ chối hay hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp. Quy định này là tiến bộ so với các Hiệp định trước đây, đảm bảo thời gian cho một yêu cầu tương trợ tư pháp được thực hiện và có kết quả.

IV. Hiệu lực, thời hạn hiệu lực của Hiệp định

Hiệu lực: Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi (30) kể từ ngày Việt Nam và Ca-dắc-xtan trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Thời hạn hiệu lực: Hiệp định có hiệu lực vô thời hạn. Hiệu lực của Hiệp định sẽ chấm dứt sau sáu (06) tháng kể từ ngày Việt Nam/Ca-dắc-xtan nhận được thông báo bằng văn bản về ý định chấm dứt Hiệp định của Ca-dắc-xtan/Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao.

V. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hiệp định được ký kết theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực sẽ phát sinh nghĩa vụ đối với Việt Nam trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Ca-dắc-xtan và ngược lại, các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam cũng sẽ được phía Ca-dắc-xtan thực hiện trên cơ sở của Hiệp định.

VI. Đánh giá tác động chính trị, kinh tế - xã hội và những tác động khác

Việc Việt Nam và Ca-dắc-xtan hết Hiệp định sẽ đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh từ quan hệ dân sự và thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước. 

Hoàng Thu Hà, Vụ Hợp tác quốc tế