Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Vẫn chưa mạnh tay giao quyền tự chủ

15/10/2009
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này được cho rằng chỉ tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc. Tuy nhiên, lại có những vướng mắc mà thực tiễn đòi hỏi thì chưa được dự luật tháo gỡ.

Chưa phân cấp triệt để

Dự thảo Luật sửa đổi Điều 42, Điều 51 Luật hiện hành theo hướng giao một số thẩm quyền quản lý giáo dục thuộc Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) như quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể đối với trường đại học; quyền cho phép viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ… Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đề nghị, câu chuyện phân cấp quản lý giáo dục cần được xem xét một cách toàn diện hơn. Muốn vậy, phải rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định về thẩm quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và phù hợp với nguyên tắc chung.

Bên cạnh đó, dự luật sửa đổi cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành hữu quan và địa phương, cơ sở giáo dục theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở giáo dục nhiều hơn, nhất là các trường đại học. Bộ GD&ĐT tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; hoàn thiện môi trường pháp lý; tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục… Chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục tại địa phương; quy hoạch đất đai, xây dựng trường sở; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng các chính sách của địa phương về đầu tư cho giáo dục, chính sách đối với người dạy, người học và quyết định mức thu học phí tại địa phương phù hợp với quy định chung của Chính phủ. Đặc biệt, các trường đại học cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, kế hoạch, tổ chức nhân sự và hợp tác quốc tế. Song song với việc trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các cơ sơ giáo dục đại học, dự luật cũng nên tăng cường bổ sung các quy định về tiêu chí và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Thiếu cơ sở pháp lý cho Đại học quốc gia, Đại học vùng

Khoản 1 Điều 42 quy định cơ sở giáo dục đại học bao gồm trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, qua thực tế phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ngoài các cơ sở giáo dục được quy định tại điều khoản trên của Luật còn có các Đại học quốc gia và Đại học vùng. Đây là các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo mô hình đại học đa lĩnh vực, bao gồm một số trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên và những đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học trực thuộc khác về các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Loại hình này đang hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay với tư cách là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, giữ vai trò nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học quốc gia cũng như của các vùng miền trong cả nước. Trong cơ cấu tổ chức và chuyên môn liên thông, thống nhất, các Đại học quốc gia và Đại học vùng không chỉ thực hiện vai trò cơ quan chủ quản của các cơ sở thành viên, trực thuộc mà còn trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng cao hoặc mang tính đa ngành, liên ngành. Mặt khác, các cơ sở thành viên, trực thuộc của các Đại học quốc gia và Đại học vùng cũng hoạt động trong sự phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau chứ không độc lập, riêng rẽ như các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thông thường. Vì vậy, việc chưa bổ sung loại hình Đại học quốc gia và Đại học vùng của dự luật là chưa phản ánh đúng thực trạng hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

Luật Giáo dục hiện hành và cả dự luật sửa đổi còn thiếu chế tài trong một số quy định như Điều 87 về “Nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của Nhà nước” chưa có chế tài xử lý những trường hợp sinh viên được nhà nước cấp kinh phí đào tạo ở nước ngoài nhưng không trở về nước làm việc hoặc không chấp hành sự điều động của nhà nước mà không có lý do chính đáng. Hay Điều 53 quy định về “Hội đồng trường” mà đến nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thực thi, chưa thành lập Hội đồng trường… Cũng theo ông Thi, phải rà soát toàn diện, xác định những vấn đề cần quy định có tính bắt buộc cao hơn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm chế tài chặt chẽ nhằm tăng cường tính nghiêm minh và hiệu lực của Luật.

Hoàng Thư