Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh đã cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề theo dõi tình hình của trẻ sau khi được cho làm con nuôi người nước ngoài.
* Thưa ông, báo cáo tình hình phát triển của trẻ Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài có được cha mẹ nuôi gửi đều đặn theo đúng quy định không và cụ thể là bao nhiêu?
- Hàng năm cha mẹ nuôi người nước ngoài vẫn gửi hồ sơ báo cáo về Cục, về Sở Tư pháp địa phương nơi có trẻ được cho đi làm con nuôi nhưng Cục vẫn chưa thống kê được những ai gửi, những ai chưa gửi. Cục chúng tôi rất ít người mà những công việc chính như giải quyết hồ sơ hàng ngày, xây dựng Dự án Luật Nuôi con nuôi, dự thảo Đề án tham gia Công ước La Hay… đã chiếm quá nhiều thời gian nên chưa theo dõi được hết. Do không thống kê được nên tôi không thể đưa ra được một con số cụ thể nhưng ước tính có khoảng 70% số cha mẹ nuôi gửi báo cáo tình hình phát triển của trẻ. Ngoài ra, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi chưa thấy có trường hợp trẻ em Việt Nam bị đánh đập, lạm dụng.
* Theo đánh giá của Cục, quốc gia nào làm tốt công tác này?
- Thường xuyên và đều đặn nhất đầu tiên phải kể đến là Ailen vì Ailen có phần mềm quản lý theo dõi 21 báo cáo về trẻ đến năm 18 tuổi. Thứ 2 là tổ chức DTH của Canada, báo cáo được đóng thành từng tập, mấy tháng lại gửi cho Việt Nam một lần. Thứ 3 là Italia. Một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực con nuôi của Italia yêu cầu cha mẹ nuôi đặt cọc để bảo đảm nghĩa vụ báo cáo, nếu làm tốt thì không sao nhưng nếu không làm thì coi như đó là khoản tiền phạt. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận rằng nước nhận ít trẻ thường làm tốt hơn. Chẳng hạn, trong 5 năm gần đây Ailen mới nhận khoảng 500 trẻ, còn riêng năm ngoái Hoa Kỳ đã nhận tới hơn 700 trẻ song lại là một trong những nước báo cáo ít nhất.
Do chưa có số liệu nên cũng không chỉ đích danh được gia đình nào báo cáo tốt, gia đình nào chưa báo cáo. Nghị định 68/2002/NĐ-CP có quy định nghĩa vụ báo cáo của cha mẹ nuôi nhưng đó là nghĩa vụ đơn phương. Các hiệp định song phương về con nuôi cũng không ràng buộc trách nhiệm báo cáo của cha mẹ nuôi. Thông thường, 6 – 12 tháng, trẻ sẽ được công nhận là công dân của nước họ mà đã là công dân của nước họ thì vấn đề bảo hộ quyền lợi cũng như xử lý vi phạm nếu có sẽ do luật của nước đó quy định chứ Việt Nam không thể can thiệp. Đặc biệt, một số nước châu Âu như Pháp còn quy định những thông tin dữ liệu cá nhân về lai lịch, sức khoẻ… của trẻ thuộc phạm vi bí mật đời tư, nếu cha mẹ không báo cáo thì Bộ Tư pháp Pháp cũng không áp dụng biện pháp chế tài được
* Vậy, chúng ta không có biện pháp gì để nhắc nhở sao, thưa ông?
- Trong các cuộc họp hỗn hợp giữa 2 bên, Việt Nam luôn yêu cầu phía nước ngoài có biện pháp đôn đốc cha mẹ nuôi gửi báo cáo. Còn nếu muốn được thông tin cụ thể có thể thực hiện 2 cách là gửi công văn yêu cầu tới ĐSQ của nước đó ở Việt Nam hoặc thông qua cơ quan con nuôi TƯ của nước họ có liên hệ song phương với Việt Nam và qua chuyến đi công tác để tiếp xúc trực tiếp. Với cách đầu, Cục hoàn toàn có thể yêu cầu cập nhật tình hình của bất kỳ trẻ nào. Chẳng hạn, gần đây, chúng tôi gửi công văn đến Đại sứ quán Bỉ về một trẻ ở Quảng Ninh sang Bỉ từ năm 1994 – 1995 và sau 3 tháng đã có hồi âm cung cấp đầy đủ thông tin, ảnh chụp của trẻ. Với cách thứ 2, trong chuyến đi, chúng tôi sẽ chọn vài gia đình đến thăm một cách bất ngờ. Ngoài ra, có trường hợp quá đặc biệt thì báo chí đã cập nhật thông tin giúp rồi, chẳng phải chờ mình yêu cầu như trẻ được gia đình Pitt – Jolie nhận nuôi.
* Xin cảm ơn ông!
Cẩm Vân