Chất lượng công tác văn bản của Bộ Tư pháp từ góc độ cán bộ: Chênh vênh giữa ranh giới chung – riêng (Bài II)

02/10/2009
Về cơ bản, chế độ chính sách đối với đội ngũ công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng VBQPPL cũng không khác gì với chế độ, chính sách dành cho cán bộ, công chức nói chung. Nhưng, trong thực tế, công việc của ngành lại yêu cầu đòi hỏi ở họ rất nhiều tiêu chí riêng biệt. Chính vì thế, chênh vênh giữa ranh giới chung - riêng là tâm trạng của số đông những cán bộ này.

Chung nhẹ, riêng nặng

Là một trong những Bộ, ngành trung ương có nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tư pháp, nên chế độ chính sách mà đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp nói chung, và đội ngũ trực tiếp tham gia công tác xây dựng VBQPPL nói riêng đã và đang được hưởng về cơ bản không khác gì so với các Bộ, ngành khác. Thế nhưng, trong thực tiễn công việc thì đội ngũ công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng VBQPPL thường xuyên phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ và yêu cầu năng lực, trách nhiệm cũng không kém hơn là mấy. Bên cạnh đó, để phục vụ công việc, họ phải cố gắng phấn đấu để có thể “song toàn” cả bằng cấp pháp lý lẫn chuyên ngành, còn ngoại ngữ, kinh nghiệm, kiến thức chính trị - xã hội là những điều tất yếu phải có.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp, hiện nay tiêu chuẩn của công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng VBQPPL vẫn được áp dụng theo Quyết định số 483/TCCB-QĐ ngày 26/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức hành chính tư pháp, lương thì áp dụng theo thang bảng lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/11/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang. Nhưng, nếu so với công việc hiện tại, nhất là yêu cầu đối với toàn ngành Tư pháp trong tình hình mới, thì các tiêu chuẩn, thang bậc hiện hành này bắt đầu có những biểu hiện không còn phù hợp nữa. Hay nói cách khác, chế độ đãi ngộ “chung” nếu so với yêu cầu công việc “riêng” đã “nhẹ” hơn quá nhiều. Điều này, khiến cho công chức của các đơn vị xây dựng pháp luật nảy sinh tâm lý không yên tâm công tác, công hiến, không thu hút được cán bộ mới, có năng lực. Đó là lý do vì sao mà có một số đơn vị xây dựng pháp luật vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng biên chế theo chỉ tiêu được giao.

Để cho “áo” vừa “người”

Mô tả một cách văn hoa đây chính là tình trạng “áo” không lớn kịp “người”. Vì thế, để cho “áo” vừa “người” đòi hỏi phải sớm có tiêu chuẩn chức danh của công chức trực tiếp xây dựng VBQPPL sao cho cụ thể và phù hợp với đặc thù của công tác này.

Được biết, cùng với nhiều ngành khác, ngành Tư pháp cũng đã thấy được việc cần phải xem xét sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức các ngành (trong đó có ngạch chuyên viên pháp lý) do Bộ Nội vụ (lúc đó là Ban tổ chức cán bộ Chính phủ) xây dựng từ những năm 1993-1994. Tuy nhiên, việc sửa đổi chẳng thể tiến hành trong một thời gian ngắn vì có nhiều mối liên quan khác nhau. Nên trước mắt, theo kế hoạch của Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, công việc kiện toàn nội bộ sẽ được thực hiện để từ đó có thể sớm hoàn thiện các vấn đề liên quan đến việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ công chức trong ngành nói chung và công chức trực tiếp làm công tác xây dựng VBQPPL nói chung.

Hồng Minh

Thay đổi mức kinh phí “khiêm tốn” trong Thông tư 100

Trên thực tế, ngoài lương, đội ngũ công chức thuộc các đơn vị xây dựng pháp luật có thể được hỗ trợ thêm một phần kinh phí theo quy định tại các Thông 100/2006/TT-BTC ngày 23/10/2006 và Thông tư liên tịch 109/2004/TTLT-BTC-BTP về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL. Nhưng, các mức kinh phí được quy định trong các Thông tư này được đánh giá là khá “khiêm tốn” so với thực tiễn công việc. Chính vì thế hiện nay, văn bản thay thế đang được xây dựng để ban hành.