Chế định “nhầm lẫn” chính thức xuất hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ Pháp lệnh hợp đồng dân sự (hết hiệu lực năm 1996), tiếp đến là Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 (hết hiệu lực năm 2006) và hiện nay là BLDS năm 2005. So với Pháp lệnh hợp đồng dân sự và BLDS 1995 về nhẫm lẫn, BLDS 2005 đã có sự sửa đổi. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định này lại gây nên một số bất cập về khái niệm nhầm lẫn, nguyên nhân gây nhầm lẫn… rất cần phải sửa đổi trong thời gian tới.
Không có định nghĩa “nhầm lẫn”
BLDS 2005 cho phép, hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn nhưng lại không đưa ra định nghĩa “nhầm lẫn”. Vì vậy, trong thực tiễn, có nhiều hợp đồng giao dịch đã được Toà án xác định là có nhầm lẫn mà không lý giải tại sao đó là nhầm lẫn. Theo TS. Đỗ Văn Đại (Đại học Luật TP. HCM), nếu phân tích kỹ thì không hiếm trường hợp kết luận của Toà án về sự tồn tại của “nhầm lẫn” có thể hoàn toàn khác.
Ông Đại dẫn chứng, hai đương sự ký kết hợp đồng thuê nhà, sau đó có tranh chấp và lôi nhau ra Toà. Toà nhận định, người cho thuê không phải là chủ sở hữu mà chỉ là đồng thừa kế ngôi nhà nên việc ký hợp đồng cho thuê nhà là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn… Còn người cho thuê khẳng định, đã cung cấp đầy đủ giấy tờ nhà, giao chìa khoá nhà và đã nói với người thuê những thông tin trên. Nếu đúng như vậy thì không có nhầm lẫn vì người thuê đã biết sự việc. Ông Đại lý giải, có lẽ Toà án đã “tuỳ tiện” xác định có nhầm lẫn là do BLDS 2005 không định nghĩa khái niệm này.
Thiếu nguyên nhân gây nhầm lẫn
BLDS 2005 dự liệu 2 nguyên nhân gây nhầm lẫn do lỗi vô ý hay cố ý của một bên làm cho hợp đồng vô hiệu. Song thực tế lại xảy ra trường hợp một bên nhầm lẫn mà bên kia hoàn toàn “không có lỗi” và không thể suy luận được ai trong hai bên có lỗi. Ví dụ, bên bán và bên mua cùng nghĩ tài sản là đồ cổ của thế kỷ thứ 15. Một thời gian sau, cả 2 bên lại biết được đây là đồ cổ của thế kỷ thứ 12. Rõ ràng, 2 bên đều nhầm lẫn và nhẫm lẫn của bên bán, không hề có lỗi của bên mua.
Một chuyên gia kiến nghị, không nên giới hạn các nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn bằng 2 cách. Một là, quy định cho phép yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn mà không quy định nguyên nhân của sự nhầm lẫn, tương tự với hướng sửa đổi BLDS phần hợp đồng của Cộng hoà Pháp. Cách thứ 2 là, bổ sung thêm nguyên nhân “cả 2 cùng nhầm lẫn” bên cạnh 2 nguyên nhân trên, giống như quy định trong Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng.
Chưa ổn về thời hiệu yêu cầu
Khoản 1 Điều 136 BLDS 2005 quy định, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Nhiều chuyên gia đánh giá, thời hiệu trên vẫn được coi là hợp lý, tuy nhiên, nếu áp dụng trong trường hợp hợp đồng được ký kết do bị nhầm lẫn thì chưa thật ổn và không đảm bảo được quyền khởi kiện chính đáng của người bị xâm hại.
Rất ít nước trên thế giới lấy điểm xuất phát là “ngày giao dịch được xác lập” để tính thời hiệu như Việt Nam. Chẳng hạn, pháp luật của Pháp quy định thời hiệu là 5 năm kể từ ngày chấm dứt đe doạ, từ ngày phát hiện nhầm lẫn hay lừa dối. Còn đối với Hà Lan, thời hiệu là 3 năm kể từ ngày chấm dứt đe doạ, phát hiện lừa dối hay nhầm lẫn… Do đó, ông Đại đề xuất, trong lần sửa đổi BLDS 2005 tới đây, nhằm bảo đảm quyền lợi cho bên bị vi phạm hợp đồng, thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn vẫn là 2 năm nhưng bắt đầu từ thời điểm bên nhầm lẫn biết hay phải biết về sự nhầm lẫn này.
Hoàng Thư
“Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu TA tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này” (trích Điều 131 BLDS 2005) |