Lao động trở về nông thôn: Bài toán khó thời kỳ khủng hoảng?

31/08/2009
Trong 2 cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, có chuyên gia đã nhận định rằng nông nghiệp là một “phao đỡ” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề lao động quay trở về nông nghiệp, nông thôn lại là bài toán khó mà nếu không khéo sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội.

Ở Việt Nam, nông dân đang chiếm 60% tổng lực lượng lao động và đa phần, nhất là những nhân công trẻ, có xu hướng muốn làm việc ở thành thị hơn. Điều đó khiến cho lao động nông nghiệp nước ta giảm khá nhanh với tốc độ 800 nghìn - 1 triệu người/năm. Tuy nhiên, cơn bão khủng hoảng đã kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị gia tăng và những người phải gánh chịu nhiều thiệt hại chính là lao động nông thôn, mặc dù đến nay chưa có thống kê cụ thể về số lao động trở về nông thôn.

Nói về bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, GS Ari Kokko (Trường Đại học Kinh Tế Stockholm) cho biết, trong cuộc khủng hoảng hiện nay,  Trung Quốc có đến 20 triệu lao động trở về nông thôn và đây là lực lượng từng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước này. Trung Quốc đã làm rất tốt gói kích thích kinh tế lên tới 4.000 tỷ nhân dân tệ nhưng lại gặp nhiều khó khăn đối với việc xử lý số lao động trở về trên. Đầu tư cho nông nghiệp của Trung Quốc vốn rất mạnh song khi cuộc khủng hoảng kinh tế dần qua đi, họ không chuẩn bị sẵn sàng để mà hỗ trợ thêm cho 20 triệu người trở về. Lao động trở về không được hút mạnh vào sản xuất nông nghiệp như trước nên không tạo được sức đẩy mạnh đáng có trong sản xuất nông nghiệp và thu nhập chung của lao động trở về cũng bị hạn chế. Điều đó dẫn đến một số vấn đề xã hội, nhất là các chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, lương hưu… sẽ phát triển chậm hơn. Theo GS Kokko, Việt Nam có thể giải quyết tốt bài toán này do có những chính sách thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn.

Chia sẻ quan điểm của GS Kokko, TS. Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD) khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng hàng loạt chính sách, chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết TƯ VII được ban hành vào cuối năm 2008. “Chúng ta có những giải pháp ngắn hạn để xóa đói giảm nghèo, đồng thời bắt đầu triển khai những giải pháp dài hạn để phát triển nông nghiệp. Cần phải có thời gian để các giải pháp đưa lại những hiệu quả. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng chú ý là nông nghiệp năm nay của chúng ta vẫn tăng trưởng tương đối ổn định”, ông Sơn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia phân tích thêm, phần lớn nông dân Việt Nam ít có cơ hội rời bỏ đồng ruộng của họ, kể cả khi họ muốn vậy thì tăng cường mùa vụ, chuyển sang cây trồng và các loại giống có giá trị cao hơn và có thể là lao động bán thời gian ngoài nông nghiệp sẽ là việc làm cần thiết. Nhiều người dù đã tìm được việc làm phi nông nghiệp, nhưng họ vẫn muốn giữ lại đất đai canh tác của gia đình, ngay cả khi họ không dùng đến đất này cho các lý do phi kinh tế. Một số khác muốn giữ lại đất để họ có thể trở về bất kỳ lúc nào nếu chẳng may họ bị mất cơ hội làm việc ở thành phố. Bởi thế, bài toán lao động trở về nông thôn do khủng hoảng kinh tế không phải quá nan giải nếu Việt Nam tìm cách nâng cao thu nhập trong nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho nông thôn, cải thiện cơ sở hạ tầng cho giao thông và thông tin liên lạc…

Cẩm Vân

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng IPSARD: Đầu tư vào nông nghiệp là cách đầu tư hiệu quả

Trao đổi về vai trò của nông nghiệp đối với nền kinh tế nước ta, ông Sơn cho biết: “Nông nghiệp là phao đỡ, là hậu phương, chỗ dựa cho nền kinh tế về an ninh lương thực, tạo ra ngoại tệ mạnh vì khi nền kinh tế nước ta nhập siêu thì nông nghiệp lại xuất siêu, tạo việc làm cho những lao động mất việc tại đô thị… Đó những thứ hết sức quý, là thế mạnh của chúng ta, ít nhất trong giai đoạn hiện nay nếu chúng ta tiếp tục chăm lo, hỗ trợ cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn”.

* Rõ ràng, chủ trương “tam nông” của Việt Nam là rất kịp thời?

- Đúng vậy! Chủ trương “tam nông” không phải là câu chuyện ngắn hạn. Nhưng chúng tôi nghĩ điều quan trọng hơn mà Nghị quyết Trung ương Khóa XII đã khẳng định, đó là nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lực lượng chiến lược không những trong lúc đất nước gặp chiến tranh, khủng hoảng mà cả trong lúc đất nước phát triển kinh tế, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa . Như vậy, “tam nông” thực sự là nguồn năng lực kinh tế, nguồn năng lực lao động, nguồn năng lực tài nguyên cho kinh tế đất nước trong suốt quá trình đất nước.

* Xin ông cho biết vị trí của nông nghiệp trong tái cơ cấu nền kinh tế?

- Chúng tôi có làm nghiên cứu và cho thấy một điều rất thú vị. Giả sử chúng ta đầu tư 1% GDP vào riêng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thì trường hợp chúng ta tăng đầu tư riêng cho nông nghiệp lại cho mức tăng trưởng kinh tế cao nhất, cho mức tăng thu nhập trong các đối tượng xã hội cũng cao nhất và tạo ra công bằng xã hội. Có thể nói, đầu tư vào nông nghiệp là một trong những đầu tư hiệu quả của nước ta trong thời điểm hiện nay và tương lai.

* Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn chưa thiết tha với nông nghiệp?

- Đầu tư vào nông nghiệp là có tiềm năng và hiệu quả. Song nếu về nông thôn sẽ thấy đầu tư vào nông nghiệp lúc này là rủi ro cao và lợi nhuận thấp. Lý do khá đơn giản, cơ sở hạ tầng như điện, nước, thông tin liên lạc… còn kém, lực lượng lao động nông nghiệp đông nhưng không mạnh, không giỏi trong khi giáo dục phổ thông lẫn đào tạo nghề lại rất yếu…Tất cả những yếu tố đó tạo ra những e ngại nhất định đối với nhà đầu tư.

* Thế chúng ta cần đầu tư gì cho nông nghiệp để hút được các nhà đầu tư?

- Theo chúng tôi có 3 điểm mà Nghị quyết Trung ương Khóa VII hay Đại hội X cũng đã chỉ ra để phát triển “tam nông”. Đầu tiên, chúng ta phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng từ đường sá đến điện, nước, thông tin liên lạc sao cho gần với đô thị, trong đó thủy lợi rất quan trọng. Thứ 2 là đào tạo nguồn nhân lực, phải làm thế nào đó để trình độ học sinh nông thôn phải ngang với học sinh thành thị. Rồi đến y tế, dịch vụ cũng phải tốt, bác sĩ ở bệnh viện nông thôn phải chất lượng để nông dân không chạy về thành phố, đổ vào các bệnh viện TƯ nữa. Thứ 3 là phát triển khoa học công nghệ. Hiện nay, ở nông thôn vẫn là “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Công nghệ, nhất là cơ giới hóa, điện khí hóa, áp dụng máy móc thiết bị hiện đại, giống mới, phân mới còn rất ít. Chúng ta nếu muốn cạnh tranh được với thế giới thì phải đầu tư rất nhiều vào khoa học công nghệ. Tất nhiên là còn nhiều yếu tố khác nhưng đây là 3 điểm đột phá mà chúng ta làm tốt 3 việc này thì tình hình sẽ thay đổi. Hiện nay, chúng ta mới bắt đầu triển khai Nghị quyết Trung ương Khóa VII bởi năm nay đang phải vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Tất cả chúng ta phải dồn sức cùng nhau làm để ước mơ thành thực tế.

* Xin cảm ơn ông!