Bưu chính là một ngành có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự ra đời của Nhà nước cách mạng, các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Bí mật thư tín là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định.
Việc gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay đã tạo cơ hội cho ngành bưu chính phát triển và cũng đặt ra những khó khăn thách thức mới, đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bưu chính nhằm khắc phục những quy định không còn phù hợp của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về bưu chính nói riêng.
1. Nội dung cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực bưu chính
Đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh, để kết thúc đàm phán gia nhập WTO với các nước, Việt Nam đã cam kết cho phép thành lập liên doanh 51% vốn đầu tư nước ngoài ngay khi gia nhập và cho phép thành lập côgn ty 100% vốn nước ngoài năm năm sau khi gia nhập.
Để tạo điều kiện cho ngành bưu chính Việt Nam phát triển ổn định sau khi tách khỏi lĩnh vực viễn thông, thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích, Việt Nam đã đàm phán bảo lưu được một mảng dịch vụ chuyển phát nhanh dành riêng, có ý nghĩa thương mại, cho bưu chính Việt Nam kinh doanh. Đó là kinh doanh chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản, kể cả thông tin dưới dạng không đóng gói dán kín, bao gồm cả thông tin quảng cáo trực tiếp. Hai tiêu chí xác định phạm vi dành riêng là khối lượng: dưới 2kg và giá cước: gấp 10 lần giá cước một bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước ở nấc khối lượng đầu tiên và thấp hơn 9 đô la Mỹ (USD) khi gửi quốc tế.
Đồng thời, phù hợp với định hướng xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, Việt Nam cũng đã cam kết không phân biệt đối xử giữa các dịch vụ chuyển phát nhanh và các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, kể cả bưu chính Việt Nam, đối với các loại hình dịch vụ chuyển phát nhanh đã cho phép cạnh tranh.
II. Nội dung thể hiện trong Dự thảo Luật Bưu chính
1.Tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
Do các nội dung quy định về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tương đối chi tiết về tỷ lệ, thời gian thực hiện nên trong Dự thảo Luật Bưu chính chỉ đưa ra nguyên tắc thực hiện các hoạt động đầu tư và kinh doanh dịch vụ bưu chính (Điều 23).
Điều 23. Đầu tư và kinh doanh dịch vụ bưu chính 1 Hoạt động đầu tư và kinh doanh dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. 2. Hình thức, điều kiện về đầu tư, kinh doanh và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định của điều ước quốc tế liên quan đến bưu chính mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. |
Các nội dung này sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định của Chính phủ. Ngoài nội dung liên quan đến tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định của Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết về hình thức, điều kiện về đầu tư và kinh doanh dịch vụ bưu chính.
2. Dịch vụ dành riêng
Nhằm bù đắp chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập, cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính ở các nước (cả các nước đang phát triển và các nước phát triển) đã quy định cơ chế dịch vụ bưu chính dành riêng (hầu hết là dịch vụ thư) với nấc khối lượng và mức cước khác nhau ở mỗi nước trên cơ sở điều kiện đặc thù về thị trường chung cũng như hoàn cảnh của từng quốc gia nhằm mục đích hài hòa lợi ích của các quốc gia và đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập và chất lượng dịch vụ. Ở các nước thị trường bưu chính đã được tự do hóa như Thụy Điển, New Zealand... vấn đề này không gặp nhiều khó khăn do giá cước của dịch vụ phổ cập đã đủ bù đắp chi phí, thậm chí có lãi. Tuy nhiên, đối với các nước mà giá cước không đủ bù đắp chi phí, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... thì đây là một vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Ở Việt Nam, để Bưu chính Việt nam có khả năng thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông có quy định “Nhà nước có chính sách hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ tài chính khác”. Như vậy, dịch vụ bưu chính dành riêng được xác định là một trong các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp Bưu chính Việt Nam thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay giá cước dịch vụ thư cơ bản đang ở mức dưới giá thành nên trước mặt việc đặt ra phần dịch vụ dành riêng khó có thể đáp ứng mục tiêu lấy một phần lãi đề bù đắp cho chi phí cung cấp dịch vụ phổ cập mà chủ yếu là nhằm mục tiêu tập trung lưu lượng thư cho doanh nghiệp khai thác để giảm chi phí.
Nhằm tạo sự minh bạch về chính sách quản lý của Nhà nước, Dự thảo Luật Bưu chính đã quy định rõ về dịch vụ bưu chính dành riêng (khoản 15 Điều 4, khoản 3 Điều 34).
Điều 4. Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 15. Dịch vụ bưu chính dành riêng là dịch vụ bưu chính mà Nhà nước dành riêng cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cung ứng nhằm bù đắp chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ công ích. Điều 34. Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích 3. Dịch vụ bưu chính dành riêng là dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 (hai) kilôgam được cung ứng theo giá cước do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng sẽ giảm dần theo lộ trình căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ. |
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Bưu chính cũng quy định về nguyên tắc có lộ trình kết thúc phạm vi dành riêng và giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về lộ trình này cho linh hoạt và phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và phù hợp với định hướng mở cửa thị trường bưu chính (Điều 34). Chính sách này tạo sự minh bạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có định hướng xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài.
Điều 34. Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích 1. Việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích do Tổng công ty Bưu chính Việt Nam thực hiện trên mạng bưu chính công cộng theo chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng. 2. Nhà nước hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác. 3. Dịch vụ bưu chính dành riêng là dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 (hai) kilôgam được cung ứng theo giá cước do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng sẽ giảm dần theo lộ trình căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ. |
Khánh Linh