Liên đoàn luật sư Việt Nam - Triển vọng và thách thức

06/07/2009
Trong lịch sử về tổ chức và hoạt động luật sư Việt Nam thì sự kiện ra đời Tổ chức luật sư toàn quốc với tên gọi Liên đoàn luật sư Việt Nam là một dấu mốc quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam bắt đầu được đặt nền móng từ những chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thể chế hoá chủ trương này, Luật Luật sư năm 2006 đã dành một Chương riêng quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, trong đó xác định rõ cơ sở pháp lý cho việc thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc cũng như vị trí, vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này. Triển khai quy định của Luật Luật sư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 76/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 phê duyệt Đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc và thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội. Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc, cơ quan chịu trách nhiệm chuẩn bị và tổ chức Đại hội cũng đã được thành lập. Sau một thời gian chuẩn bị hết sức chu đáo, tích cực và hiệu quả, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức từ ngày 10-12/5/2009 tại thủ đô Hà Nội với sự tham gia của gần 100% số đại biểu được triệu tập. Trải qua 3 ngày Đại hội, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, đó là thông qua Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam; bầu ra Hội đồng luật sư toàn quốc, thông qua Báo cáo chính trị và phương hướng hoạt động của Liên đoàn  nhiệm kỳ I. Hội đồng luật sư toàn quốc gồm 92 thành viên, trong đó có 62 thành viên đương nhiên là Chủ nhiệm các đoàn luật sư và 30 thành viên được bầu tại Đại hội. Hội đồng luật sư toàn quốc cũng đã họp phiên đầu tiên để bầu ra Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ngày 29/5/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định phê duyệt Điều lệ và Kết quả Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất. Liên đoàn luật sư Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu một bước phát triển mới, vững mạnh của đội ngũ luật sư Việt Nam trên con đường củng cố tổ chức và hoạt động, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.

I. MỘT SỐ NÉT VỀ THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ VÀ VAI TRÒ CỦA LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 Đoàn luật sư[1], với hơn 5.300 luật sư, hơn 2000 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong gần 1.500 tổ chức hành nghề luật sư. Trong gần 7 năm (2001-2008), số lượng luật sư đã tăng 250% so với trước khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta đã và đang từng bước được nâng cao (96,95% luật sư có trình độ cử nhân luật trở lên; 65,8% luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư). Theo số liệu thống kê trong 4 năm (2005-2008), các luật sư đã tham gia tố tụng hơn 60.000 vụ án hình sự, 30.000 vụ việc về dân sự, gần 2.000 vụ việc về kinh tế, 800 vụ việc về lao động, 1.000 vụ việc về hành chính; gần 90.000 vụ việc về tư vấn pháp luật; 25.000 vụ việc về dịch vụ pháp lý khác. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, đội ngũ luật sư đã có những đóng góp tích cực cho công tác tư pháp nói chung, bảo đảm cho hoạt động xét xử được khách quan, công khai, minh bạch. Hoạt động của luật sư, đặc biệt là việc tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, thương mại cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý thống nhất về hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động luật sư, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã cùng với các cơ quan nhà nước có liên quan hết sức nỗ lực trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hỗ trợ sự ra đời của Tổ chức luật sư toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao làm Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội. Ban Chỉ đạo Đại hội với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo thành công Đại hội thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam. Việc thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư:

Thứ nhất, Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư từ Trung ương tới địa phương, thực hiện có hiệu quả hơn nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư đã được Luật luật sư ghi nhận.

Thứ hai, Liên đoàn luật sư Việt Nam là đầu mối thống nhất đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn luật sư, các luật sư, đặc biệt là góp phần bảo đảm cho luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật. Liên đoàn luật sư sẽ trở thành chỗ dựa tin cậy của các luật sư trong phạm vi cả nước[2] trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực của luật sư và hoạt động luật sư.

Thứ ba, Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập sẽ trở thành tổ chức đại diện thống nhất cho 62 Đoàn luật sư và toàn thể các luật sư Việt Nam. Liên đoàn luật sư Việt Nam có trách nhiệm phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, đồng thời, tạo điều kiện cho luật sư hành nghề chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Thứ tư, Liên đoàn luật sư Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển các tổ chức hành nghề luật sư và nâng cao vai trò của tổ chức hành nghề luật sư,  trong việc quản lý luật sư và thông qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư.

Thứ năm, Liên đoàn luật sư Việt Nam là cấu nối giữa luật sư với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, mở rộng giao lưu giữa luật sư Việt Nam với luật sư của các nước trên thế giới và trong khu vực. Liên đoàn luật sư Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi cả nước có vai trò hỗ trợ chính cho các thành viên của mình trong môi trường hành nghề luật sư quốc tế, trong việc giao lưu, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của các đồng nghiệp nước ngoài.

II. TRIỂN VỌNG VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

1. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh cải cách tư pháp thì vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội ngày càng được đề cao. Trong bối cảnh đó, Liên đoàn luật sư đang đứng trước những triển vọng to lớn về vai trò, tầm vóc và sự phát triển.

i)  Sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nhận thức ngày càng cao của người dân, của các nhà doanh nghiệp về vai trò của luật sư đã làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý, mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động hành nghề luật sư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ luật sư Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh và mạnh, đặt Liên đoàn luật sư Việt Nam trước cơ hội tham gia và khẳng định vai trò trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam. Nếu có những biện pháp và giải pháp phù hợp, Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ tranh thủ tốt được những cơ hội để góp phần đẩy nhanh sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư ở Việt Nam, đặc biệt là chất lượng hành nghề của luật sư trong tư vấn và tranh tụng thương mại quốc tế[3].

ii) Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của luật sư trong việc mở rộng tranh tụng. Những nội dung cải cách tư pháp đang được triển khai một cách tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu là điều kiện thuận lợi để luật sư được tham gia vào tiến trình cải cách tư pháp; tham gia thực chất hơn vào quá trình giải quyết các vụ án, đặc biệt là trong việc tranh tụng tại phiên toà. Trong bài Phát biểu quan trọng tại Đại hội luật sư toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã nhấn mạnh “thực tiễn thực hiện cải cách tư pháp vừa qua đã chứng minh rằng, không thể có phiên toà xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp nếu thiếu sự tham gia tranh tụng của các luật sư có năng lực, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp”. Nhiều luật sư đã thể hiện vai trò xuất sắc trên diễn đàn “pháp đình”, những nhân tố này cần phải được phát huy, nhân rộng, mang thêm niềm tin đến cho nhân dân vào công lý và sự khách quan, minh bạch trong quá trình giải quyết các vụ án. Cải cách tư pháp càng đi vào chiều sâu, vai trò của luật sư càng quan trọng và càng được chú ý, đây là cơ hội lớn để Liên đoàn luật sư Việt Nam thể hiện sự tham gia như một chủ thể tích cực vào tiến trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở Việt Nam.

iii) Tiến trình hội nhập quốc tế đang đặt Liên đoàn luật sư Việt Nam trước cơ hội lớn được giao lưu, hội nhập với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trên thế giới, khẳng định vai trò và tiếng nói của các luật sư Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư Việt Nam trên Diễn đàn quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam nói chung, công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp nói riêng với các nước trên thế giới. Thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, Liên đoàn luật sư Việt Nam có cơ hội được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về hoạt động hành nghề luật sư, đặc biệt là kinh nghiệm hành nghề luật sư của những quốc gia có nền tư pháp và hệ thống pháp luật phát triển.

iv) Đảng và Nhà nước đã và đang hết sức quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Luật Luật sư ban hành năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo thành khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Các nghị quyết của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp đều nhấn mạnh đến cải cách các chế định bổ trợ tư pháp, đổi mới và tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động luật sư. Đặc biệt, trước thềm Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Đây là những tiền đề quan trọng, đặt Liên đoàn luật sư Việt Nam trước cơ hội lớn được phát triển về tổ chức, hoạt động và khẳng định mình trong hệ thống chính trị của đất nước.

2. Tuy nhiên, cùng với triển vọng phát triển, Liên đoàn luật sư Việt nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, số lượng luật sư hiện có ở nước ta so với dân số vẫn còn vào hàng thấp nhất trên thế giới (1 luật sư/hơn 16.000 người dân[4]), trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000, Nhật Bản là 1/4.546, Pháp là 1/1.000, Mỹ là 1/250). Số lượng luật sư phát triển chưa cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du (có những tỉnh như Lai Châu vẫn chưa có đủ số lượng 3 luật sư để thành lập Đoàn luật sư). Số lượng luật sư cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ngay cả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên thực tế, chỉ khoảng 20% vụ án hình sự trong cả nước có sự tham gia của luật sư. Ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng luật sư không đủ để bào chữa trong các vụ án bắt buộc có sự tham gia của luật sư làm nhiều vụ án phải tạm hoãn, kéo dài. Sự thiếu vắng luật sư trong các vụ án hình sự đã không bảo đảm được nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Liên đoàn luật sư là cùng với các cơ quan nhà nước tạo lập môi trường và điều kiện để phát triển đội ngũ luật sư, tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ luật sư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, như vấn đề về cơ chế, chính sách, vấn đề đào tạo, tạo nguồn luật sư, nhu cầu dịch vụ luật sư của xã hội, độ “thu hút” của nghề luật sư, mức độ phát triển kinh tế xã hội…v..v, vì vậy, Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đứng trước thách thức phải nghiên cứu, đề xuất, thực hiện và phối hợp thực hiện một hệ thống các giải pháp khả thi, đặc biệt là những giải pháp về “kích cầu”, đào tạo nguồn…v.v để góp phần phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong giai đoạn tới.

b) Thứ hai, chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu dịch vụ tư vấn ở trong nước và quốc tế, nhất là trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập. Nghề luật sư vốn là một nghề cao quý, có vị trí trong xã hội song một số luật sư còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, nhận thức chính trị, một số luật sư thậm chí còn vi phạm pháp luật đến mức bị kết án, xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư, bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng, làm giảm uy tín của giới luật sư. Vì vậy, một trong các nhiệm vụ nặng nề của Liên đoàn luật sư Việt Nam là xây dựng và thực hiện các biện pháp để cùng với các cơ quan nhà nước, phát triển đội ngũ luật sư “vừa hồng, vừa chuyên”, có chuyên môn giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và trên thế giới. Theo quy định của Luật luật sư, Liên đoàn luật sư có nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư, phối hợp đào tạo nghề luật sư, xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Đây là những công việc nặng nề, đòi hỏi phải có thời gian. Trước mắt, Liên đoàn luật sư Việt Nam đang tập trung vào việc xây dựng để ban hành sớm Bộ Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư. Việc xây dựng, ban hành Quy tắc này không khó, vấn đề thách thức nằm ở chỗ Liên đoàn luật sư Việt Nam phải có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc thực hiện Bộ Quy tắc này, kịp thời uốn nắn, xử lý những biểu hiện sai lệch, tạo ra một hình ảnh đẹp về luật sư trong hành nghề, xứng tầm với địa vị cao quý của sứ mệnh nghề nghiệp luật sư.

c) Thứ ba, nhận thức của một bộ phận nhân dân, cán bộ, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng về vai trò, vị trí của luật sư còn chưa đầy đủ vẫn đang là một nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động của luật sư. Vị trí của luật sư trong phiên toà vẫn chưa tương xứng.  Điều này cũng đặt Liên đoàn luật sư Việt Nam trước nhiệm vụ phải đề xuất các giải pháp để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội về vị trí, vai trò của luật sư. Cơ chế  và sự phối hợp của Liên đoàn luật sư Việt Nam với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tạo điều kiện cho luật sư hoạt động đúng quy định của pháp luật cũng cần thiết phải được xây dựng và làm rõ.

d) Thứ tư, sự kỳ vọng của Nhà nước, xã hội, các đoàn luật sư, các luật sư Việt Nam vào sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong việc phát triển và nâng tầm hoạt động luật sư là rất lớn. Sau sự thành công của Đại hội, hiện đang có rất nhiều cặp mắt dõi theo các hoạt động, bước đi sắp tới của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Đây là những thuận lợi cơ bản, song cũng đồng thời là thách thức và sức ép lớn, đòi hỏi Liên đoàn luật sư Việt Nam phải nhanh chóng khẳng định mình, tạo ra những bước đột phá trong hoạt động luật sư, nhất là trong việc nâng cao vị thế, vai trò của luật sư, chất lượng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp luật sư ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiệm kỳ có tính chất nền tảng cho hoạt động của Liên đoàn trong một tầm nhìn xa và lâu dài hơn.

e) Thứ năm, Liên đoàn luật sư Việt Nam là một tổ chức hoạt động theo cơ chế tổ chức xã hội – nghề nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, cơ sở vật chất chỉ là trong giai đoạn đầu, về lâu dài Liên đoàn phải tự chủ về kinh phí hoạt động. Đây là một thách thức không nhỏ đối với một tổ chức mới được thành lập, đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Ban lãnh đạo Liên đoàn, tinh thần tự nguyện đóng góp của giới luật sư cả nước để Liên đoàn luật sư Việt Nam từng bước khẳng định và trưởng thành.

Có thể nói, sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam là phù hợp với đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới đất nước, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trước những triển vọng to lớn của sự phát triển, chắc chắn, Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ có những giải pháp phù hợp để tận dụng các cơ hội, nâng cao vị thế, vai trò, góp phần vào sự phát triển có tính chất bước ngoặt về tổ chức và hoạt động luật sư ở Việt Nam./.

 Đỗ Hoàng Yến

 

 

_____________________________________

[1] Còn tỉnh Lai Châu chưa thành lập Đoàn luật sư.

[2] Trong cơ cấu tổ chức của Liên đoàn luật sư Việt Nam có  các  Ủy ban trực thuộc, trong đó có Ủy ban Bảo vệ quyền lợi của luật sư.

[3] Theo kết quả khảo sát về đánh giá nhu cầu về dịch vụ pháp lý và thực trạng luật sư trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện năm 2008 thì số lượng luật sư có đủ kinh nghiệm, kỹ năng về tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ 1,2% trong tổng số luật sư. 

[4] Tỷ lệ này đã tăng lên trong khoảng 1 năm trở lại đây (từ 1luật sư/20.000 người dân lên 1luật sư/hơn 16.000 người dân).