Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm có dấu hiệu trái pháp luật: Thấy gì từ thực tế? (Bài 1)

15/06/2009
Sau 5 năm thực hiện, cùng với sự khởi sắc trong hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp, có thể nói Nghị định 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 về kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thành sứ mệnh của mình với nhiều “tiếng còi” chính xác điểm mặt, chỉ tên các VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật, gây thiệt hại cho đời sống, người dân. Tuy nhiên, cùng từ những hoạt động hiệu quả của Nghị định 135, có thể thấy còn khá nhiều vấn đề xuất phát từ thực tiễn của công tác kiểm tra văn bản.

Bạt ngàn “sản phẩm lỗi”

              Theo thống kê của Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2008, trong năm 2008 toàn ngành Tư pháp đã kiểm tra được 38.083 văn bản, trong đó phát hiện 8.752 văn bản có sai sót; đã kiến nghị xử lý 4.565 văn bản. Riêng Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 1.968 văn bản theo thẩm quyền (gồm 865 văn bản của cấp Bộ và 1.283 văn bản của địa phương), bước đầu phát hiện 490 văn bản có sai sót về nội dung và hình thức. Trở lại năm 2007, qua kiểm tra 1.506 văn bản pháp luật đã ban hành của cấp Bộ và địa phương trong năm này, đã phát hiện 320 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Như vậy, khoảng từ 20-25% số văn bản được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm. Các văn bản chủ yếu sai về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung hoặc thẩm quyền...

            Dư luận xã hội hẳn chưa quên, ngay thời gian gần đây thôi, một số Bộ, ngành, cơ quan đã làm cho cộng đồng, người dân nửa lo đến mất mật, nửa cười nôn ruột bởi những văn bản chẳng giống ai. Mở đầu loạt “bi, hài văn bản ký” này là Quyết định số 33, 34 về tiêu chuẩn sức khỏe của người tham gia giao thông của Bộ Y tế. Đây là một văn bản pháp luật có nhiều vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung. Trong đó, điểm bất hợp lý dễ thấy nhất và bị dư luận phản bác nhiều nhất đó là quy định những người thấp bé nhẹ cân (cao chưa  đủ 1,45m, nặng chưa tới 40kg) hoặc ngực lép (vòng ngực trung bình dưới 72cm)... không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50 đến 175cm3. Tiếp theo đó là Quyết định số 51 của UBND thành phố Hà Nội cũng có nhiều điểm vi phạm qua các quy định mang tính “ngăn sông, cấm chợ”. Cụ thể, Khoản 1 của Quyết định này có quy định “cấm vận chuyển, gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành, nội thị” và Khoản 4 cấm vận chuyển những sản phẩm trên bằng “xe máy, xích lô hoặc các phương tiện thô sơ khác”... Rất may, những văn bản này đã “được” Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp kịp thời phát hiện những sai sót và “tuýt còi” yêu cầu đình chỉ ngay.

            Tuy nhiên, trong thực tế, với tỷ lệ 20-25% số văn bản được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm mà phần đầu bài viết đề cập thì số lượng VBQPPL sai phạm là... bạt ngàn và Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp dù có trăm tay, nghìn mắt cũng đành chịu, không thể kiểm soát hết nổi. Hay nói như ông Ngô Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Quốc hội khi trả lời báo giới: “...Trước một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ, bao gồm các văn bản của cả trung ương và địa phương thì Cục Kiểm tra văn bản QPPL khó có thể đảm đương rà soát được toàn bộ...”.

Những hậu quả nhãn tiền

             Không nên nghĩ rằng khi một cơ quan quản lý Nhà nước ban hành một VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị cơ quan kiểm tra văn bản lên tiếng yêu cầu thu hồi, hủy bỏ... thì sự việc chỉ đến đấy là chấm dứt. Trái lại, trong thực tế, nó đã để lại những hậu quả vật chất khá nặng nề (đối với những văn bản đã kịp có hiệu lực điều chỉnh và đã được áp dụng, thi hành), hay hậu quả tinh thần cũng nghiêm trọng không kém (đối với cả hai trường hợp văn bản đã thi hành hoặc chưa kịp thi hành). Đó là chuỗi tâm lý từ đặt câu hỏi cho đến thái độ nhờn luật, xem thường cơ quan Nhà nước của người dân.

            Quay lại với những loạt “bi, hài văn bản ký” đã đề cập ở đầu bài. Quyết định số 33, 34 về tiêu chuẩn sức khỏe của người tham gia giao thông của Bộ Y tế được coi là một sự kiện phản cảm khá nổi bật của năm 2007. Đến nỗi nó đã bị  đưa cả vào Chương trình “Gặp nhau cuối năm” để giúp người dân... cười giải trí! Cũng bởi vậy mà dư luận mỗi khi nhắc lại vẫn hài hước gọi đây là “Quyết định ngực lép”!!! Còn xét dưới góc độ pháp luật thì việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn lái xe đối với những người có thể hình nhỏ bé khiêm tốn đã làm hạn chế quyền hiến định (được Hiến pháp công nhận) của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện giao thông. Chưa kể, việc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn có thể gây phiền hà cho người dân cũng như dễ dẫn đến tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khỏe để cấp bằng lái xe. Điều này đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính mà Nhà nước ta đang tiến hành.

Một ví dụ khác là dự thảo về quản lý xe thô sơ, môtô 2 bánh, 3 bánh kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa hay gọi nôm na là quản lý những người hành nghề xe ôm. Vừa mới mạnh nha ở giai đoạn dự thảo đã gặp nhiều ý kiến phản bác của dư luận xã hội. Buồn hơn, thay vì vui mừng trước việc được pháp luật quan tâm, điều chỉnh, rất nhiều bác tài xe ôm đã quả quyết sẽ... lách luật vì luật quá xa rời với thực tế. Theo họ, thà không có luật thì hơn, chứ “rằng thương như thế bằng mười hại nhau”!

Bùi Nguyễn

Xây dựng được Nhà nước pháp quyền không thể để tồn tại những quy định gây khó dễ cho dân

Trả lời báo giới, ông Ngô Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Quốc hội đã từng nói: Là người làm công tác xây dựng pháp luật, tôi rất lấy làm tiếc khi chúng ta có những sản phẩm “bị lỗi” như vậy. Để có thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì không thể để tồn tại những quy định gây khó dễ cho người dân và nhất lại là không phù hợp với pháp luật.