Ông Trần Văn Quảng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp: Thông tư 01 sẽ đi vào thực tiễn suôn sẻ, hiệu quả

15/06/2009
Như vậy là sau một thời gian chuẩn bị Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT – BTP –BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01) đã được ký kết và có hiệu lực. Đối với nhiều cán bộ tư pháp, đặc biệt là ở địa phương, Thông tư này thực sự là một tín hiệu vui vì từ nay tình trạng thiếu cán bộ, công việc quá tải – vốn vẫn là vấn đề vướng mắc thường trực trước nay của ngành – sẽ được giải quyết.

Nhưng, khi đi vào cuộc sống, việc thực hiện Thông tư chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, đòi hỏi phải có các biện pháp bảo đảm thực hiện. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Quảng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp về vấn đề này.

 

- Thưa ông, sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành (28/4/2009), Thông tư liên tịch số 01 đã bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, như ông đã biết, trong thực tế, việc thực hiện chắc chắn sẽ không phải là dễ dàng gì vì nhiều lý do. Vậy, xin ông cho biết, ngành Tư pháp đã có kế hoạch gì để đảm bảo việc thực hiện những quy định của toàn bộ nội dung Thông tư nói chung và đặc biệt là Khoản 2 Điều 8 nói riêng tại các địa phương?

- Ông Trần Văn Quảng: Trước hết phải khẳng định, việc ban hành Thông tư liên tịch số 01 để thay thế Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục kiện toàn chức năng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương.

   Để đảm bảo cho việc thực hiện, trước khi Thông tư liên tịch số 01 được ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã  có Công văn số 972/BTP-TCCB yêu cầu các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và tư pháp cấp xã để xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương, chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch mới.

   Và ngay sau khi Thông tư liên tịch số 01 ban hành, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 60/BCS ngày 10/6/2009 của Ban Cán sự Bộ Tư pháp gửi Thường vụ Tỉnh ủy và Thành ủy về kiện toàn củng cố cơ quan tư pháp địa phương. Trong đó, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quán triệt và nhận thức đầy đủ, thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương. Từ đó, có kế hoạch triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và có lộ trình cụ thể nhằm kiện toàn, nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp địa phương đáp ứng với nhu cầu của nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và của ngành Tư pháp nói riêng.

   Còn riêng về việc thực hiện quy định tại Khoản 2  Điều 8 của Thông tư liên tịch số 01, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, đánh giá thực trạng về nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung biên chế đối với những nơi có khối lượng công việc lớn, dân số đông để khắc phục tình trạng quá tải về công việc của cán bộ tư pháp - hộ tịch, đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệm vụ của đội ngũ cán bộ này.

- Hiện nay tại nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là tư pháp cơ sở như cấp xã, phường thường bị rơi vào tình trạng thiếu và yếu, có hiện tượng cán bộ xin chuyển ra khỏi ngành hoặc cơ cấu vào bộ máy chính quyền... Tại các hội nghị toàn ngành hàng năm, vấn đề này đã được các lãnh đạo tư pháp địa phương nhiều lần đề cập tới và mong muốn phải sớm có một hướng giải quyết. Là người chịu trách nhiệm về vấn đề cán bộ, quan điểm của ông là như thế nào và ngành Tư pháp đã có cách giải quyết vấn đề này chưa?

- Ông Trần Văn Quảng: Theo kết quả khảo sát và báo cáo của địa phương, hiện nay, ở một số các cơ quan tư pháp địa phương đúng là đang có tình trạng thiếu hụt về cán bộ, hay trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã. Bên cạnh đó, cũng có hiện tượng công chức trong ngành Tư pháp xin chuyển công tác ra khỏi ngành vì lý do ca nhân và mang tính cá biệt. Còn lại, việc biến động đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã ở một số địa phương phần lớn là do được cơ cấu vào bộ máy chính quyền địa phương hoặc được bố trí công tác khác theo yêu cầu của địa phương.

   Về cơ bản, Bộ Tư pháp đã nắm và thấu hiểu được tình hình này. Và, để đảm bảo sự ổn định của cán bộ tư pháp địa phương, Bộ đã hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch cán bộ và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng có kế hoạch nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương yên tâm làm việc ổn định, lâu dài ở cơ sở.

- Như năm 2008, năm 2009 cũng là “Năm của công tác tổ chức cán bộ” của ngành Tư pháp với nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ tư pháp. Trong đó, có kế hoạch rất được nhiều người quan tâm là việc điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là việc luân chuyển cán bộ trẻ từ Trung ương về địa phương để nâng cao hiểu biết thực tế về công tác tư pháp ở địa phương được thực hiện ở các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp, các cơ quan THADS địa phương. Xin ông cho biết, tình hình triển khai kế hoạch này đã được tiến hành đến đâu và đã có những kết quả bước đầu gì?

- Ông Trần Văn Quảng: Trong năm 2008 và 2009 là ”Năm tổ chức cán bộ” của toàn ngành Tư pháp.Việc kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng là yếu tố có ý nghĩa quyết định để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành. Trong những năm này, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành nói chung và công tác cán bộ nói riêng như: trình Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 01; ban hành Quy chế làm việc của Bộ và các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ... Trong đó, những hoạt động để kiện toàn một bước về tổ chức, cán bộ của các đơn vị, cũng như chỉ đạo hướng dẫn địa phương về kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương, tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp về số lượng, chất lượng... rất được chú trọng.

   Trong những hoạt động của công tác cán bộ, kế hoạch luân chuyển và đưa cán bộ trẻ đi thực tế ở địa phương, nhất là các cơ quan thi hành án dân sự được xem là một giải pháp hết sức quan trọng để nâng cao năng lực giải quyết công việc thực tiễn của đội ngũ cán bộ. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện công tác này trong thời gian tới, đồng thời tăng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, quản lý Nhà nước  có đội ngũ cán bộ cán bộ tư pháp các cấp. Cùng với việc xây dựng các Đề án xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp, Bộ Tư pháp cũng đang tích cực xây dựng và triển khai Đề án xây dựng các trường Trung cấp Luật để đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở.

-            Xin cảm ơn ông!

Xuân Hoa

Điều 8. Công chức Tư pháp - Hộ tịch

   1. ....

   2. Đối với những xã, phường, thị trấn có khối lượng công việc lớn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

(trích Thông tư liên tịch số 01)