Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện đã có khoảng 500 nghìn người lao động (NLĐ) Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không ít NLĐ Việt Nam ở nước ngoài không được bảo đảm về môi trường làm việc và điều kiện sống hay chính bản thân họ vi phạm pháp luật của nước sở tại. Bảo vệ quyền con người, quyền được hưởng lợi ích chính đáng của NLĐ thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những giải pháp rất đáng được quan tâm. Tuy nhiên, giải pháp đó chưa phải đã được các nước thực hiện một cách toàn diện và sâu rộng.
Việt Nam mới chỉ trợ giúp nạn nhân
Pháp luật Việt Nam quy định NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có quyền được tiếp cận pháp luật trong nước và pháp luật của nước tiếp nhận và quyền được bảo vệ bởi các cơ quan có thẩm quyền. Song trên thực tế, NLĐ ít được tư vấn cụ thể về pháp luật hoặc việc tiếp nhận các thông tin, tư vấn còn rất thụ động. Nhận thức được sự cần thiết phải hỗ trợ cho NLĐ trong việc nâng cao kiến thức pháp luật, tại Điều 34 khoản 6 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL đã quy định pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm là một trong các lĩnh vực TGPL song song với các lĩnh vực khác có thể TGPL cho NLĐ như pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội; pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, khiếu nại…
Trong thời gian qua, các Trung tâm TGPL Việt Nam đã trợ giúp cho những NLĐ nghèo thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ họ làm các thủ tục vay vốn ưu đãi cho các hợp đồng đi lao động ở nước ngoài, tư vấn các kiến thức pháp luật về lao động, hợp đồng lao động, các vấn đề về thị thực; cử luật sư, trợ giúp viên đại diện cho NLĐ trong các tranh chấp về hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; TGPL cho những NLĐ Việt Nam sau khi làm việc tại các nhà máy, xưởng sản xuất ở nước ngoài bị nhiễm chất độc hoá học, bị sa thải hoặc cho nghỉ việc trở về nước đòi tiền bồi thường. Nhưng các hoạt động TGPL cho NLĐ di cư mới tập trung vào việc trợ giúp cho các nạn nhân, nghĩa là phần nhiều được thực hiện sau khi vụ việc đã xảy ra và bước đầu mới truyền thông về các quy định pháp luật, chứ chưa có những biện pháp tích cực, chủ động trong triển khai các hoạt động cụ thể đối với nhóm có nguy cơ cao và trong cộng đồng chăn
Các nước chủ yếu dừng ở tư vấn
Theo bà Cong Hui (Trung tâm TGPL, Bộ Tư pháp Trung Quốc), một đặc điểm nổi bật của hoạt động TGPL cho NLĐ di cư ở Trung Quốc là tất cả các vướng mắc của NLĐ di cư được thực hiện trong khuôn khổ của một hệ thống giải quyết cụ thể do Hội nghị liên tịch của Hội đồng nhà nước hướng dẫn. Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc của NLĐ di cư liên quan đến việc trả lương, bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội, đào tạo và tuyển dụng, việc giáo dục con của NLĐ di cư và điều kiện sống… Với tư cách là một thành viên của liên tịch, Bộ Tư pháp Trung Quốc chịu trách nhiệm về TGPL, tư vấn pháp luật và thông tin về hoạt động TGPL cho NLĐ di cư. Mô hình này hữu ích đối với việc thiết lập thông tin và bộ máy liên lạc, hợp tác giữa các cơ quan và chia sẻ nguồn lực. Nhờ đó, hàng loạt những vướng mắc của NLĐ di cư sẽ được giải quyết ở cấp độ cao hơn, rộng hơn.
Việc TGPL cho NLĐ Australia sống ở nước ngoài lại không phổ biến như Trung Quốc nhưng Uỷ ban TGPL vẫn có thể tiến hành trợ giúp cho họ khi vụ việc phát sinh ở Australia hoặc việc xét xử sẽ diễn ra tại Australia. Uỷ ban TGPL sẽ tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin pháp lý và tư vấn của người sống ở nước ngoài mà không cần có đơn xin trợ giúp của họ. Ông Hamish Gilmore – Giám đốc Uỷ ban TGPL bang Nam Australia nhấn mạnh, những vấn đề liên quan đến luật của Australia có yêu cầu giúp đỡ thì những yêu cầu đó sẽ được giúp đỡ theo cách thông thường nhất là tư vấn. Riêng yêu cầu về đại diện tại toà án sẽ chỉ được Uỷ ban TGPL chấp nhận sau khi kiểm tra các điều kiện bao gồm điều kiện tài chính, điều kiện tính chất vụ việc và điều kiện hướng dẫn.
Mặc dù không có hệ thống TGPL riêng cho công dân Hàn Quốc làm việc ở nước ngoài song nước này lại khá quan tâm đến việc TGPL cho người lao động nước ngoài. Luật sư Kang-hyun Lee (Văn phòng khu vực Seoul, Cục TGPL Hàn Quốc (KLAC) cho biết, ngày 1/4/2000, KLAC bắt đầu thực hiện TGPL cho người nước ngoài có thu nhập hàng tháng dưới 1,5 triệu won và chỉ giới hạn với các vụ việc dân sự như hoàn trả tiền lương, thảm hoạ công nghiệp. Từ ngày 15/4/2003, quy định trên được mở rộng cho tất cả các vụ việc dân sự. Theo thống kê gần đây, KLAC đã trợ giúp cho người nước ngoài trong hơn 4500 vụ việc dân sự, gia đình hành chính thông qua hình thức hoà giải, đại diện, biểu mẫu pháp lý và từ ngày 1/1/2004 đã đại diện hình sự miễn phí cho 184 vụ án. Ước tính tài chính hàng tháng cung cấp dịch vụ TGPL cho người nước ngoài lên tới 2,4 tỷ won.
NLĐ Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ của các nước
Ông Hamish Gilmore nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở Australia (chiếm khoảng 0,8% dân số Australia) có thể tiếp cận dịch vụ giúp đỡ pháp lý với tất cả các hình thức như cung cấp thông tin, tư vấn, chuyển vụ việc và đại diện trước toà án. Rào cản về ngôn ngữ có thể là trở ngại đối với việc hiểu quyền và nghĩa vụ pháp lý và trong một số trường hợp những người Việt Nam rất cần sự trợ giúp bằng tiếng Anh. Vì vậy, Uỷ ban TGPL sẽ thuê phiên dịch, và khi cần thiết, để tạo thuận lợi cho việc tư vấn, cung cấp thông tin cũng như đại diện, Uỷ ban TGPL phát hành thẻ bằng tiếng Việt thông báo cho NLĐ Việt Nam biết họ có thể được giúp đỡ pháp lý miễn phí thông qua phiên dịch.
Theo bà Jennie Hui - Cục TGPL Hồng Kông, Cục thỉnh thoảng có nhận được đơn yêu cầu trợ giúp của người Việt Nam. Tuy nhiên, do không có phương thức trợ giúp riêng biệt cho NLĐ Việt Nam nên sẽ theo trình tự giống các lao động nhập cư khác. Đó là, NLĐ có thể gửi đơn với tư cách cá nhân hoặc qua cơ quan lãnh sự hay thông qua hiệp hội, tổ chức mà họ là thành viên, thậm chí kể cả các tổ chức phi chính phủ ở Hồng Kông. Sau đó, Cục sẽ cử luật sư giải quyết các yêu cầu từ tiến hành thủ tục tố tụng đến bào chữa trong các vụ việc dân sự hay lời buộc tội hình sự. Trong trường hợp NLĐ nhập cư không nói hoặc hiểu được tiếng Anh, tiếng Trung, họ sẽ được thu xếp phiên dịch
Ông Wei-Shyang Chen – Phó Tổng thư ký Quỹ TGPL Đài Loan (LAF) cho biết, một trong những vụ việc điển hình là vụ chủ sử dụng lao động đã giữ lại hoặc trừ lương của 134 công nhân lao động Việt Nam để thu thuế cho Việt Nam, đề phòng NLĐ bỏ trốn, đóng tài khoản tiết kiệm và bảo hiểm NLĐ từ lúc họ đặt chân sang Đài Loan làm việc. Người sử dụng lao động cũng đặt ra một số nguyên tắc làm việc trái với luật lao động và vi phạm quyền của những công nhân trên bằng cách hạn chế các hoạt động ngoài giờ của họ. Với sự giúp đỡ của Trung tâm niềm tin của NLĐ, những lao động này đã được LAF trợ giúp và được chủ sử dụng hoàn trả số tiền bị giữ lại đề phòng NLĐ bỏ trốn, tiền tiết kiệm. Ngoài ra, người sử dụng lao động nhất trí thay đổi quy tắc làm việc song không đồng ý trả số tiền thuế, bảo hiểm lao động và đe doạ chấm dứt hợp đồng lao đồng, trả NLĐ về nước nếu còn khiếu kiện. Nhiều người đã lựa chọn cách giữ im lặng, nhưng vẫn có 17 công nhân sẵn sàng đấu tranh cho quyền lợi của mình và đề phòng việc tiếp tục vi phạm quyền của những NLĐ khác. Năm 2007, luật sư TGPL của Đài Loan đã nhận giúp đỡ yêu cầu hoàn trả tiền lương bị giữ lại bất hợp pháp và hiện vụ án đang được toà án thành phố Đài Bắc thụ lý giải quyết.
Hoàng Thư
Nhiều NLĐ Việt Nam không biết mình có các quyền được tiếp cận pháp luật trong nước, pháp luật của nước tiếp nhận và quyền được bảo vệ bởi các cơ quan có thẩm quyền. Các doanh nghiệp cũng khó có thể hướng dẫn cụ thể cho NLĐ các vấn đề về pháp luật trọng nước và pháp luật nước tiếp nhận. Đặc biệt, những NLĐ nghèo lại càng khó có cơ hội tiếp cận các vấn đề về pháp luật để có thể tự bảo vệ mình và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Kết quả khảo sát năm 2008 tại Trung Quốc cho thấy có 52% NLĐ di cư thích giải quyết những tranh chấp liên quan đến lao động di cư thông qua thương lượng, 42,9% tìm sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước - trong số đó 37,3% nộp đơn xin TGPL. các phương thức TGPL cho NLĐ di cư phần lớn là tăng cường áp dụng biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế, phổ biến pháp luật và hướng dẫn NLĐ di cư sử dụng pháp luật khi giải quyết các tranh chấp… Tính đến tháng 9/2008, tổng số vụ việc dân sự trợ giúp cho người Việt Nam ở Đài Loan là 1.962. Hai loại vướng mắc pháp luật phổ biến nhất là luật lao động và luật hôn nhân gia đình. Vụ việc lao động thường liên quan đến tranh chấp về lương và đòi bồi thường thiệt hại do tai nạn nghề nghiệp. Vụ việc về hôn nhân gia đình chủ yếu xoay quanh vấn đề ly hôn, tranh chấp về giám hộ hoặc quyền đối với con cái. |