Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp

25/05/2009
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp
Vấn đề quan trọng không phải là giao cơ quan nào quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) mà làm sao phải đơn giản, thuận tiện nhất cho người dân khi có yêu cầu

Tiếp tục chương trình làm việc, cuối tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Luật LLTP. Đây là dự luật được các đại biểu QH quan tâm đặc biệt và thảo luận rất sôi nổi.

Dẹp bỏ nỗi lo phình biên chế

Trong khi nhu cầu xin cấp phiếu LLTP của công dân ngày càng cao (nhiều địa phương tăng đột biến), thì việc giải quyết các yêu cầu này lại rất rườm rà: Tư pháp nhận hồ sơ, Công an tra cứu, rồi quay về Tư pháp trả kết quả. Do phải đi đường vòng nên người dân phải chờ đợi mất nhiều thời gian. Từ thực tế này, nhiều đại biểu QH cho rằng cần phải thành lập Trung tâm LLTP quốc gia để thuận lợi cho việc tra cứu, cấp phiếu LLTP.

“Nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý cơ sở dữ liệu LLTP là tốt nhất”, đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) nêu ý kiến. Ông Hồng phân tích: nếu giao cho Bộ Tư pháp thì sẽ dẹp bỏ nỗi lo phình biên chế (việc cấp phiếu LLTP hiện Bộ Tư pháp đã làm nhiều năm – PV) vì Trung tâm LLTP chỉ thành lập ở cấp quốc gia (dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 4 thành lập Trung tâm ở cả các tỉnh). Mặt khác, cũng là phù hợp với tinh thần Nghị quyết TW 5: những công việc nào có thể dân sự hoá thì nên giao cho các Bộ, ngành chứ không nhất thiết phải do an ninh quốc phòng quản lý.

Đồng tình, đại biểu Ngô Thị Minh Hồng (Tp.Hồ Chí Minh) nêu thực tế: việc hành chính mà dân phải đến công an thì rất ngại. Nếu sai sót mà cơ quan hành chính giải quyết thì dân còn dám cự cãi, còn Công an thì không. Đại biểu Hồng nhấn mạnh: LLTP không chỉ là những thông tin về bản án mà còn có thông tin về chấp hành án (mà chấp hành các bản án dân sự thì lại do ngành tư pháp quản lý - PV). Tuy nhiên, bà Hồng lưu ý, Trung tâm LLTP quốc gia phải là nơi bao trùm nhất để nhận những thông tin từ gốc. Toà án và trại giam phải gửi thông tin tập trung về Trung tâm để các Sở Tư pháp tra cứu, chứ không nên theo quy trình ngược là Toà, trại giam cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp như Dự thảo.

Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến ĐBQH cho rằng nên giao việc quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cho TANDTC hoặc Bộ Công an. Vấn đề này, UBTVQH cho rằng, nếu giao cho một cơ quan nào quản lý thì cũng phải xây dựng tổ chức, bộ máy từ đầu, đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, cập nhật, xử lý thông tin về án tích và tình trạng thi hành án. Hơn nữa, đây là lĩnh vực hành chính tư pháp đang do Chính phủ quản lý để phục vụ yêu cầu cấp Phiếu LLTP không chỉ của những người có án tích mà còn cho tất cả các công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam. Mặt khác, cần phân biệt rõ cơ sở dữ liệu LLTP không đồng nhất và không thay thế hệ thống dữ liệu tàng thư căn cước can phạm do ngành công an quản lý (Một bên chủ yếu phục vụ trực tiếp công tác điều tra, xử lý tội phạm và các yêu cầu khác của cơ quan tố tụng, một bên mang tính chất dân sự).

Cơ quan, tổ chức cũng có quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP?

Ngoài cá nhân, có quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP của mình, theo Dự thảo Luật còn có các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Theo UBTVQH,  trường hợp các cơ quan, tổ chức cần biết về LLTP của cá nhân để phục vụ cho hoạt động quản lý nhân sự, đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hành nghề… thì có thể yêu cầu cá nhân xuất trình phiếu LLTP.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) nếu chỉ quy định cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP thì chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Đại biểu Chung dẫn chứng: Luật Doanh nghiệp không có quy định cơ quan đăng ký kinh doanh phải yêu cầu cá nhân xuất trình phiếu LLTP. Do đó, nên bổ sung quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Một số đại biểu khác đề nghị bổ sung quyền yêu cầu đối với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và hợp tác xã.

Thời hạn: nên rút lại

Hiện nay, trong công tác cấp phiếu LLTP, vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất chính là thời hạn. Như trên đã nói, do phải đi vòng nên người dân có yêu cầu phải mất công chờ đợi. Dự thảo lần này đưa ra thời hạn 15 ngày để giải quyết, trường hợp phức tạp được kéo dài hơn không quá 10 ngày.

Phần đa các đại biểu QH không tán thành với quy định nói trên vì cho rằng thời hạn này là quá dài, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính và nếu Luật này được thông qua thì sẽ có một cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP giúp cho việc tra cứu nhanh hơn rất nhiều.

Đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng) thì đây là một quy định thụt lùi, chưa coi trọng quyền lợi chính đáng của người dân. Dự thảo trình QH lần trước là 5 ngày, phức tạp không quá 10 ngày, cơ quan tố tụng yêu cầu là 3 ngày, thậm chí 24h.  Đại biểu Mai đề nghị thời hạn là 10 ngày, phức tạp không quá 15 ngày.

Tuy nhiên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lại cho rằng đối với các trường hợp phức tạp phải xác minh ở nhiều nơi, đề nghị kéo dài thêm thời hạn vì thực tế hiện nay nhiều trường hợp phải làm đến 1,2 tháng.

Thu Hằng