Nghề luật sư trong công cuộc cải cách tư pháp và thời kỳ hội nhập: Để vươn xa cần một điểm tựa vững chắc

19/05/2009
Nghề luật sư là một hoạt động bổ trợ tư pháp, có vị trí quan trọng đặc biệt trong Nhà nước pháp quyền, đặc biệt trong điều kiện thực hiện cải cách tư pháp, đổi mới và hội nhập quốc tế như ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở những quy định ngày càng thông thoáng hơn của pháp luật về luật sư cộng với sự nỗ lực, giới luật sư Việt Nam đã có nhiều điều kiện “vẫy vùng” để cung cấp các dịch vụ pháp lý hết sức đa dạng, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Luật sư tham gia tố tụng  - tăng tính khách quan

Tham gia tố tụng là lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các luật sư (LS) hiện nay. Trong thời gian qua, các LS đã tham gia vào việc giải quyết hàng trăm nghìn vụ án. Nhờ thế, vai trò của LS trong quá trình tham gia tố tụng đã có những bước phát triển về chất. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 08/NQ-TW (ngày 02/01/2002) của Bộ Chính trị, vai trò của LS trong quá trình tham gia tố tụng đã được nâng lên một bước. Hoạt động tham gia tố tụng của LS đã góp phần quan trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, một trong những yêu cầu trọng tâm của cải cách tư pháp, góp phần cải thiện một bước chất lượng hoạt động tố tụng, làm tăng thêm tính dân chủ, công bằng, khách quan của các phiên toà.

Có thể nói, những năm qua, đặc biệt từ giai đoạn chúng ta thực hiện công cuộc cải cách tư pháp thì đội ngũ LS Việt Nam đã làm rất tốt “sứ mệnh” người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân, bảo vệ công lý của mình. Các LS không chỉ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho thân chủ mà còn giúp các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án một cách minh bạch, khách quan, góp phần bảo vệ pháp chế.

Cũng vì thế, khi tham gia tranh tụng ý kiến của các LS ngày càng được các cơ quan tố tụng lưu tâm và tôn trọng, vị thế của LS trong các phiên toà ngày càng được nâng cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho LS tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được thì hoạt động tham gia tố tụng của LS còn những hạn chế, cần phải phấn đấu khắc phục. Mặc dù công cuộc cải cách tư pháp đang được tiến hành khẩn trương, nhưng ước tính hàng năm có tới 90% số vụ án do TAND các cấp giải quyết không có LS tham gia. Nguyên nhân có thể là phần lớn hoạt động tranh tụng của các LS Việt Nam mới chỉ “bó hẹp” trong các phiên toà hình sự và một số vụ án dân sự, hôn nhân gia đình; rất ít LS tham gia các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài cũng như các vụ tranh chấp kinh doanh thương mại mà cá nhân, tổ chức là người nước ngoài...

Ngoài ra, những “barie” như kỹ năng nghề nghiệp trong tham gia tố tụng, đặc biệt kỹ năng tranh tụng của LS nhìn chung chưa cao, lại vừa thiếu hụt về kiến thức pháp luật, chưa cân bằng được quan điểm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng nhưng đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ pháp chế XHCN... đã phần nào hạn chế chất lượng tham gia tố tụng của LS.

            LS tư vấn pháp luật – tránh những rủi ro pháp lý

 Trong thời kỳ hội nhập, trước sự đa dạng của các kiến thức pháp luật trong và ngoài nước, tư vấn pháp luật (TVPL) là lĩnh vực hành nghề quan trọng của LS. Ban đầu chỉ là những hoạt động TVPL trong các lĩnh vực truyền thống như dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, đến nay các LS đã mở rộng và phát triển TVPL trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại... Thông qua đó, phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài... Có nhiều LS đã tham gia tư vấn cho những hợp đồng thương mại, những dự án đầu tư lớn đạt kết quả tốt, được khách hàng trong nước và nước ngoài tin tưởng. Năm 2008, có tới 47,27% doanh nghiệp đã từng thuê LS , chủ yếu để đáp ứng nhu cầu TVPL.

 Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì hoạt động TVPL của các LS hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Vì vậy, một yêu cầu bức xúc được đặt ra đối với đội ngũ LS Việt Nam hiện nay là phải nâng cao kiến thức pháp luật về kinh doanh, thương mại, pháp luật quốc tế, kỹ năng hành nghề, trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

 Ngoài ra, các LS cũng rất quan tâm đến hoạt động đại diện ngoài tố tụng, tuy rất mới mẻ nhưng đang có chiều hướng phát triển, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội. Bên cạnh đó, để góp phần đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, đội ngũ LS Việt Nam còn tham gia tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách trong hàng chục nghìn vụ việc. Đây là một nghĩa vụ của LS đối với xã hội, góp phần tạo lập sự công bằng cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý.

 Với số lượng còn hạn chế, lại gánh vác nhiều trọng trách để đóng góp cho công cuộc cải cách tư pháp, giới LS Việt Nam cần nhiều nỗ lực cũng như những sự hỗ trợ tích cực để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, bước “đột phá” về chất trong các dịch vụ pháp lý của mình. Điều đó trước tiên trông chờ vào Liên đoàn LS Việt Nam – cầu nối giữa giới LS với các cơ quan tố tụng và các cơ quan khác có liên quan - để giải quyết những vướng mắc đang hạn chế hiệu quả vai trò của LS trong hoạt động tố tụng, như hy vọng của LS.Đỗ Ngọc Thịnh (ĐLS TP.Hà Nội, Trưởng Văn phòng LS Gia Hưng & cộng sự) tại Đại hội Đại biểu LS toàn quốc lần thứ nhất. Đồng thời tạo điểm tựa vững chắc cho đội ngũ và nghề LS thẳng bước trên con đường thênh thang mà công cuộc cải cách tư pháp đang mở ra cho họ trong thời kỳ nước nhà hội nhập kinh tế - quốc tế./.

Huy Anh - Quỳnh Lưu