I. Sự cần thiết phải ban hành Nghị định
Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khoá XII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 (sau đây gọi là Luật Quốc tịch Việt Nam), có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Mặc dù Luật Quốc tịch Việt Nam đã quy định tương đối cụ thể các vấn đề về quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là các quy định về điều kiện, hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch trên cơ sở tiếp thu các quy định của Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 (sau đây gọi là Nghị định 104/1998/NĐ-CP) nhưng do Luật Quốc tịch Việt Nam có một số quy định rất mới, khác với các đạo Luật Quốc tịch trước đây. Vì vậy, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam là rất cần thiết, nhằm bảo đảm việc thi hành Luật chính xác, thống nhất và đồng bộ.
II. Bố cục của Dự thảo Nghị định
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam gồm 31 điều, chia làm 5 chương, cụ thể như sau:
Chương I- Những quy định chung (gồm 5 điều, từ Điều 1 đến Điều 4);
Chương II- Những quy định cụ thể (gồm 15 điều, từ Điều 6 đến Điều 20), chia làm 4 mục sau đây:
Mục 1- Nhập quốc tịch quốc tịch Việt Nam;
Mục 2- Trở lại quốc tịch Việt Nam;
Mục 3- Thôi quốc tịch Việt Nam;
Mục 4- Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, thông báo có quốc tịch nước ngoài.
Chương III- Ghi vào Sổ hộ tịch các việc về quốc tịch (gồm 4 điều từ Điều 21 đến Điều 24);
Chương IV- Trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch (gồm 5 điều, từ Điều 25 đến Điều 29);
Chương V- Điều khoản thi hành (gồm 2 điều: Điều 30 và Điều 31).
III. Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định
1. Quy định chi tiết một số điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 6 Dự thảo Nghị định)
1.1. Về khả năng tiếng Việt của người nhập quốc tịch Việt Nam: Theo quy định tai điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì một trong những điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam là đương sự phải “biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam”. Để làm rõ điều kiện này, khoản 1 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định: “Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó”. Như vậy, điều kiện quan trọng để hòa nhập cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của người đó. Mặt khác khả năng giao tiếp này được đánh giá tùy thuộc môi trường xã hội nơi người đó sống và làm việc.
1.2. Về điều kiện thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì người xin nhập quốc tịch phải có ít nhất 5 năm thường trú ở Việt Nam. Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì những người thuộc diện ưu tiên không bắt buộc phải có điều kiện này cũng như một số điều kiện khác. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định rõ người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đã được cấp thẻ thường trú. Điều kiện thường trú được coi là điều kiện bắt buộc đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam; những người chưa được hưởng quy chế thường trú thì không được nhập quốc Việt Nam.
1.3. Về điều kiện bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin hập quốc tịch Việt Nam: Để làm rõ điều kiện “có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam” của người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, khoản 3 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định: “Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản hoặc nguồn thu nhập hợp pháp của người đó.”
2. Quy định chi tiết về trường hợp được miễn một số điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 7 Dự thảo Nghị định)
Để làm rõ trường hợp nào được miễn một số điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định:
Khoản 1: “Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó”.
Khoản 2: “Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng và việc nhập quốc tịch của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển trong các lĩnh vực nói trên của Việt Nam”.
Quy định nêu trên được kế thừa chủ yếu từ những quy định của Nghị định số 104/1998/NĐ-CP, đã được áp dụng trong thực tiễn hơn 10 năm qua mà đến nay vẫn còn phù hợp.
3. Quy định chi tiết một số giấy tờ có trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 8 Dự thảo Nghị định)
3.1. Về giấy tờ chứng minh trình độ biết tiếng Việt: Để chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam đủ để hòa nhập cộng đồng Việt Nam, điểm b khoản 1 Điều 8 dự thảo nghị định quy định:
“Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây: bản sao Bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp.
Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam không có một trong các giấy tờ nêu trên thì Bộ Tư pháp hướng dẫn Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn để kiểm tra trình độ tiếng Việt của người đó; Biên bản phỏng vấn thay thế giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt”.
3.2. Về giấy tờ chứng minh điều kiện bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam: Để chứng minh điều kiện bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, điểm đ khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định: “Giấy tờ chứng minh điều kiện bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm một trong các giấy tờ sau: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; Giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; Giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; Giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú của người xin nhập quốc tịch Việt Nam về mức thu nhập và điều kiện kinh tế của người đó”.
Các quy đinh nêu trên về giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt và điều kiện bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam chủ yếu được kế thừa từ Nghị định số 104/1998/NĐ-CP, đồng thời có bổ sung một số loại giấy tờ mới do căn cứ vào tình hình thực tiễn giải quyết vấn đề này trong nhiều năm qua.
4. Về giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam (Điều 9 Dự thảo Nghị định)
Vấn đề người không quốc tịch, không có các giấy tờ về nhân thân cư trú lâu năm trên lãnh thổ Việt Nam là một thực tế tồn đọng từ nhiều năm nay chưa giải quyết xong. Trong quá trình xây dựng Luật Quốc tịch Việt Nam, vấn đề này đã được thảo luận kỹ và thống nhất tinh thần là giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người thuộc đối tượng nêu trên theo một thủ tục đơn giản. Khoản 2 Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định: Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của người không quốc tịch được thực hiện như sau:
“a) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức việc rà soát, lập danh sách, hỗ trợ làm hồ sơ, xác minh về nhân thân đối với những người không quốc tịch cư trú tại địa phương có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến về hồ sơ và danh sách của những người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam gửi Bộ Tư pháp;
c) Căn cứ vào hồ sơ và danh sách những người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.
Quy định nêu trên của Dự thảo Nghị định thể hiện tinh thần đơn giản hoá thủ tục hành chính, đồng thời đề cao trách nhiệm và tính chủ động của các cơ quan của Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề quốc tịch cho những người không quốc tịch thuộc diện được quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống. Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Uỷ ban nhân dân các tỉnh (chủ yếu là các tỉnh dọc theo biên giới phía Tây, Tây-nam, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác phía Nam, nơi có nhiều người không quốc tịch thuộc diện quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam sinh sống sẽ cần phải ban hành Kế hoạch tổ chức “chiến dịch” rà soát, lập Danh sách những người này để trình lên Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Vì đây là công việc mang tính chất quá độ, chuyển tiếp nhằm giải quyết những tồn đọng của nhiều năm nay về vấn đề người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nên nhiệm vụ này cần được xác định thời hạn để giải quyết giứt điểm (theo khoản 3 Điều 9 Dự thảo Nghị định thì đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012 sẽ kết thúc).
5. Quy định chi tiết về những trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 13 Dự thảo Nghị định)
Để làm rõ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam về trường hợp người chưa được thôi quốc tịch Việt Nam do còn đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam, Điều 13 Dự thảo Nghị định phân biệt hai trường hợp tài sản công và tài sản tư. Trong trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam mà đang nợ thuế hoặc nghĩa vụ tài sản công (không phân biệt nhiều hay ít) thì chưa được thôi quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp người xin thôi quốc tịch mà đang có nghĩa vụ tài sản đối với các tổ chức, cá nhân mà không phải là tài sản công thì sẽ tùy thuộc vào ý kiến của chủ nợ: Nếu chủ nợ có văn bản yêu cầu ngăn chặn thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không giải quyết cho thôi quốc tịch đối với con nợ; nếu chủ nợ không có yêu cầu thì việc thôi quốc tịch của con nợ không bị cản trở.
Để bảo đảm các quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam, về những trường hợp chưa được thôi, không được thôi quốc tịch Việt Nam, Điều 15 Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thông báo cho cơ quan giải quyết việc thôi quốc tịch về người chưa được thôi, không được thôi quốc tịch Việt Nam.
6. Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (Mục 4 Dự thảo Nghị định)
Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là một chế định hoàn toàn mới trong Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng không rõ ràng về quốc tịch Việt Nam của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
6.1. Về đối tượng đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam: Theo khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam thì: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Thực tế người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để xác định rõ những trường hợp nào phải đăng ký giữ quốc tịch, trường hợp nào không phải đăng ký, Điều 17 Dự thảo Nghị định quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch nước ngoài đồng thời chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch nước ngoài, thì không phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
6.2. Về trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam: Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là vấn đề tương đối nhạy cảm, do đó quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cần theo hướng đơn giản, thông thoáng và khả thi. Vì vậy, khoản 1 Điều 19 Dự thảo Nghị định người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ cần làm Tờ khai (theo mẫu) nộp cho Cơ quan đại diện Việt Nam, nếu họ có giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam thì nộp kèm theo bản chụp giấy tờ đó.
Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không có nghĩa là Cơ quan đại diện Việt Nam phải công nhận ngay tại thời điểm đăng ký là người đăng ký có quốc tịch Việt Nam. Việc xem xét người đăng ký có quốc tịch Việt Nam hay không được phân ra hai trường hợp:
Trường hợp 1: Nếu người đăng ký giữ quốc tịch có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, thì việc công nhận quốc tịch Việt Nam của người đó được thực hiện ngay bằng việc ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch là người đó có quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp 2: Nếu người đăng ký giữ quốc tịch không có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, thì Cơ quan đăng ký phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành xác minh. Kết quả xác minh sẽ được ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch.
Điểm cần lưu ý là thời hạn xác minh nêu trên không nằm trong thời hạn 5 năm theo quy định của khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Để xác định một người đang có quốc tịch Việt Nam hay không, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay. Đây là việc làm rất phức tạp, thậm chí có vấn đề nhạy cảm nên trong Dự thảo Nghị định không quy định cụ thể việc áp dụng các văn bản này như thế nào mà giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện (có thể bằng Thông tư hoặc bằng công văn không phổ biến rộng).
7. Thông báo có quốc tịch nước ngoài
Điều 20 Dự thảo Nghị định quy định “Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu có quốc tịch nước ngoài sau ngày 01 tháng 7 năm 2009 thì trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài biết; nếu không thông báo thì Cơ quan đại diện Việt Nam sẽ không thực hiện việc đăng ký công dân cho người đó.”
Quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan quản lý quốc tịch của Nhà nước ta nắm được tình trạng quốc tịch của những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, tránh tình trạng không rõ ràng về quốc tịch Việt Nam của những người này. Nếu như quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam là nhằm giải quyết tình trạng không rõ ràng về quốc tịch Việt Nam tồn đọng từ trước đến nay của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì quy định tại Điều 20 Dự thảo Nghị định là nhằm đề phòng phát sinh tình trạng đó từ nay về sau.
8. Ghi quốc tịch vào các giấy tờ hộ tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài
Việc Luật Quốc tịch Việt Nam mở rộng ngoại lệ cho phép công dân Việt Nam có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài trước hết đặt ra yêu cầu phải ghi nhận quốc tịch nước ngoài của những người này trong các giấy tờ hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp như thế nào? Để giải quyết vấn đề này, Điều 23 Dự thảo Nghị định quy định: “Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi đăng ký hộ tịch trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì quốc tịch của người đó trong giấy tờ hộ tịch được ghi theo Hộ chiếu mà họ xuất trình; trong trường hợp người đăng ký hộ tịch có yêu cầu thì quốc tịch thứ hai mà người đó đồng thời có cũng được ghi vào giấy tờ hộ tịch của họ.”
9. Đăng ký, ghi vào Sổ hộ tịch các việc về quốc tịch
Xét theo một góc độ nào đó thì vấn đề quốc tịch liên quan rất chặt chẽ với vấn đề hộ tịch, là một bộ phận của chế định hộ tịch. Cách thức để xác định quốc tịch của một cá nhân, đặc biệt là quốc tịch của trẻ em cũng như các thay đổi về quốc tịch của cá nhân đều liên quan đến hộ tịch. Vì vậy, Dự thảo Nghị định đã dành riêng một chương (Chương III) để quy định việc ghi vào Sổ hộ tịch các việc về quốc tịch, cụ thể là: Ghi quốc tịch Việt Nam của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch (Điều 21); Ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch của người được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam (Điều 22); Ghi quốc tịch trong các giấy tờ về hộ tịch đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài (Điều 23); Ghi chú vào Sổ hộ tịch việc thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 24)
IV. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau
1. Về đối tượng phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
Về vấn đề này, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang có quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam mới phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy, những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch nước ngoài (chỉ có quốc tịch Việt Nam) thì không phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Với quy định này sẽ tránh được tình trạng công dân Việt Nam ở nước ngoài (không có quốc tịch nước ngoài) rơi vào tình trạng không quốc tịch nếu sau thời hạn 5 năm họ không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, theo đúng tinh thần lời văn của khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam thì tất cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực đều phải đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo Nghị định quy định người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo loại ý kiến thứ nhất (Điều 17).
2. Thông báo có quốc tịch nước ngoài
Về vấn đề này, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như Điều 20 Dự thảo Nghị định là cần thiết để bảo đảm công tác quản lý quốc tịch của Nhà nước ta đi vào nền nếp, đặc biệt là đối với những trường hợp có hai quốc tịch. Tuy nhiên, quy định này chủ yếu là mang tính chất hướng dẫn để công dân tự giác chấp hành, khi không thông báo họ cũng không bị mất quốc tịch Việt Nam. Nhưng để nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân, cũng như đảm bảo cho điều luật được khả thi, thì Dự thảo Nghị định cần quy định một chế tài cụ thể.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Luật Quốc tịch Việt Nam không quy định việc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài biết. Vì vậy, nếu quy định như Điều 20 Dự thảo Nghị định là không có căn cứ pháp lý và khó khả thi vì trong trường hợp nếu họ không thông báo thì họ cũng không bị mất quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo Nghị định quy định về vấn đề này theo loại ý kiến thứ nhất (Điều 20).
3. Ghi quốc tịch trong các giấy tờ về hộ tịch đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài (Điều 23)
Về vấn đề này, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đăng ký hộ tịch trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì quốc tịch của họ được ghi theo Hộ chiếu mà người đó xuất trình; trong trường hợp người đăng ký hộ tịch có yêu cầu thì quốc tịch thứ hai mà người đó đồng thời có cũng được ghi vào giấy tờ hộ tịch của họ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đăng ký hộ tịch trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì quốc tịch của họ được ghi trong giấy tờ hộ tịch là quốc tịch Việt Nam; trong trường hợp người đăng ký hộ tịch có yêu cầu thì quốc tịch thứ hai mà người đó đồng thời có cũng được ghi vào giấy tờ hộ tịch của họ.
Dự thảo Nghị định quy định về vấn đề này theo loại ý kiến thứ nhất (Điều 23).
Trên đây là những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Ban soạn thảo Nghị định