Tổ chức quốc tế về phát triển Luật (IDLO) - thiết chế hiệu quả về hợp tác pháp luật của các quốc gia đang phát triển

29/04/2009
Tiếp theo các bài đã đăng về một số tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật (Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH), Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT)), chúng tôi xin giới thiệu thêm 02 bài viết nữa về một tổ chức liên chính phủ khác có bề dày hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo pháp luật – đó là Tổ chức quốc tế về phát triển Luật (The International Development Law Organization (IDLO).

Bài 1 trình bày về mục đích, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của tổ chức này. Bài 2 giới thiệu những sáng kiến chiến lược và thành tựu hợp tác phát triển của IDLO. Mục đích của bài viết là cung cấp thông tin tham khảo cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tư pháp trong quá trình nghiên cứu, đề xuất gia nhập các tổ chức quốc tế (bao gồm cả tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật) nhằm góp phần thực hiện đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế - một trong các chính sách và đường lối đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.  

Tổ chức quốc tế về phát triển Luật (The International Development Law Organization (IDLO)  là một tổ chức phát triển liên chính phủ đóng trụ sở tại Rome và có văn phòng khu vực tại Cairo (Ai cập) và Sydney (Úc) và các văn phòng chương trình ở Banda Aceh, Bishkek, Colombo và Kabul.  

Từ khi thành lập vào năm 1983 đến nay, mục đích của Tổ chức này luôn là:

- Khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc cải thiện và sử dụng các nguồn luật trong quá trình phát triển;

- Đóng góp vào việc xây dựng, phát triển và áp dụng nguyên tắc quản trị tốt và pháp quyền tại các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi nền kinh tế;

- Giúp các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi nền kinh tế to nâng cao năng lực đàm phán trong các lĩnh vực hợp tác phát triển, đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế khác;

- Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua hoàn thiện và duy trì hệ thống pháp luật và tư pháp của các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi nền kinh tế.

IDLO thực hiện chức năng của mình bằng việc cung cấp đào tạo, trợ giúp kỹ thuật, nghiên cứu và xuất bản cho các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ (NGOs), cộng đồng địa phương và hiệp hội nghề nghiệp tại các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi nền kinh tế và các nước mới thoát ra từ  các cuộc xung đột vũ trang. Bắt đầu từ năm 1983, IDLO là tổ chức quốc tế đầu tiên tập trung vào công việc của mình trong lĩnh vực này và đã có được tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Tổ chức này đã làm việc với trên 14.000 thành viên nghề luật từ 175 nước và đã lập ra 41 Hội cựu sinh viên trên toàn thế giới, thực hiện ở tầm quốc gia những hoạt động mà  IDLO tiến hành ở tầm quốc tế. 

IDLO chủ yếu hoạt động bằng nguồn đóng góp tự nguyện từ các chính phủ, tổ chức đa phương, các quỹ và khu vực tư. Một số kinh phí có nguồn gốc từ các quỹ được hiến tặng do IDLO sở hữu. 

Chức năng của IDLO  

IDLO nỗ lực tăng cường nguyên tắc pháp quyền và quản trị hiệu quả tại các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi nhằm bảo đảm an toàn cho cá nhân và giảm đói nghèo bằng việc bảo vệ các quyền cá nhân và hoạt động kinh tế và bằng việc tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp và địa phương để thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật cho thương mại, mậu dịch và đầu tư. 

- IDLO hành động nhằm đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc;

- IDLO cam kết cải thiện cuộc sống của nhân dân các nước đang phát triển;

- IDLO  khuyến khích sự hiểu biết đa văn hoá và sự hài hoà giữa các nền văn hoá;

- IDLO thực hiện công việc một cách độc lập và trung lập về chính trị;

- IDLO hoạt động một cách minh bạch và có trách nhiệm;

- IDLO là đối tác hợp tác trong mọi nhiệm vụ được thực hiện.    

Phương pháp hoạt động  của IDLO 

IDLO chuyển giao các kiến thức và kỹ năng rút ra từ các hệ thống pháp luật trên thế giới cho các nước mà IDLO phục vụ thông qua: 

 

Chương trình đào tạo 

Cung cấp đào tạo pháp luật nâng cao cho các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của các nước là đối tượng phục vụ của IDLO. Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu và tài liệu của IDLO, các chương trình này chú trọng vào tất cả các khía cạnh pháp luật của sự phát triển kinh tế - xã hội, thương mại quốc tế và cải cách tư pháp. 

Xây dựng mạng lưới các cơ quan địa phương  

Xây dựng một mạng lưới toàn cầu các cơ quan địa phương và cán bộ pháp luật làm nguồn lực phục vụ đào tạo và trợ giúp kỹ thuật để lãnh đạo xã hội hướng tới sự phát triển bền vững.

Dự án trợ giúp kỹ thuật  

Trợ giúp kỹ thuật cho công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Chính phủ nhằm nâng cao và thúc đẩy môi trường an toàn, có thể dự đoán trước và không có tham nhũng cho các cá nhân, doanh nghiệp và xã hội dân sự. 

Học và nghiên cứu từ xa 

Bảo đảm cho các cộng đồng pháp luật và công chúng được tiếp cận và đối thoại chính sách so sánh các thực tiễn tốt nhất trong cải cách pháp luật. IDLO thực hiện hoạt động bằng việc tích luỹ và phố biến những thông tin mới nhất về sự phát triển pháp luật trên toàn cầu thông qua công nghệ đào tạo từ xa. 

Ý nghĩa các hoạt động của IDLO 

IDLO cung cấp các công cụ và kỹ năng xây dựng và duy trì chế độ pháp quyền và quản trị tốt tại các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi nền kinh tế và các nước vừa thoát ra từ các cuộc xung đột vũ trang. Các hệ thống pháp luật tạo ra hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc bảo đảm hoà bình, an ninh, công bằng xã hội, khuyến khích mậu dịch, bảo hộ đầu tư và cho phép thị trường phát triển. Hệ thống pháp luật còn quy định cơ cấu tổ chức và chế độ trách nhiệm cho hoạt động quản lý đất nước của Chính phủ, bảo vệ các quyền tự do cơ bản và tinh thần dân chủ. Theo cách đó, hệ thống pháp luật giải quyết đến các vấn đề nhân quyền, giảm đói nghèo, an ninh, ổn định và thương mại một cách cơ bản và hiệu quả nhất. Pháp luật cho phép nhân dân sống và giao dịch trong một môi trường an toàn và không có tham nhũng. Khi những điều kiện này được thoả mãn, tất cả chúng ta đều có lợi - cá nhân, nhà nước và các nhà doanh nghiệp quốc tế. Thiếu vắng một khuôn khổ pháp luật như vậy thì thậm chí các hệ thống của một quốc gia thành công nhất về kinh tế cũng sẽ suy yếu và những nước nghèo sẽ không còn hy vọng mang lại cho công dân mình cuộc sống tốt hơn.  

IDLO được thừa nhận đã đi tiên phong trong vòng 23 năm qua trong việc đưa chế độ pháp quyền và quản trị tốt thành một quy phạm chứ không phải là một ngoại lệ. Nhu cầu về một nỗ lực quốc tế đã được thể hiện trong Tuyên bố Phát triển thiên niên kỷ, trong đó Liên hợp quốc đưa việc thúc đẩy chế độ pháp quyền và quản trị tốt thành trung điểm của chương trình nghị sự về phát triển và nhiệm vụ hàng đầu trong công tác nhân quyền, trong đó có xóa đói, giảm nghèo trên vụàn cầu.

Cơ cấu tổ chức của IDLO

Hội nghị quốc gia thành viên

IDLO là một tổ chức liên chính phủ gồm 18 quốc gia thành viên. Hội nghị các quốc gia thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của IDLO. Hội nghị họp tại Rome hai năm một lần hoặc theo ý muốn của các quốc gia thành viên. Vai trò của các quốc gia thành viên là chỉ đạo và hướng dẫn chung. Hội nghị kiểm điểm định kỳ các hoạt động của IDLO. Nhiệm vụ của Hội nghị là phê duyệt việc bổ nhiệm Ban giám đốc và phê duyệt kế hoạch làm việc và ngân sách của IDLO. Hội nghị bầu Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và một Báo cáo viên trong số ứng viên từ các nước thành viên. Hội nghị lập ra Ban chỉ đạo với nhiệm kỳ 3 năm. 

Ban giám đốc

Ban giám đốc họp ít nhất mỗi năm một lần. Ban quy định về việc quản lý và giám sát, phê duyệt các chính sách, chương trình làm việc hàng năm, ngân sách và báo cáo tài chính của IDLO. Ban còn bổ nhiệm Tổng Giám đốc và  kiểm toán viên nội bộ của IDLO. Thành viên của Ban gồm Tổng Giám đốc  (thành viên đương nhiên), một đại diện thường trú tại nước chủ nhà, Ý và các nhà chuyên môn được lựa chọn trên cơ sở thành tích nghề nghiệp của họ trong các lĩnh vực pháp luật và phát triển. Các thành viên của Ban, trừ đại diện thường trú tại nước chủ nhà, làm việc với tư cách cá nhân mà không phải với tư cách là đại diện của các chính phủ hoặc tổ chức. Nhiệm kỳ của thành viên của Ban giám đốc là 3 năm và có thể được gia hạn.

Ban giám đốc còn bổ nhiệm một Uỷ ban điều hành gồm Tổng Giám đốc của Ban giám đốc, Chủ tịch và hai Phó chủ tịch của Uỷ ban và các thành viên khác theo quyết định của Ban Giám đốc. Uỷ ban điều hành họp mỗi năm hai lần để đưa ra hướng dẫn và giám sát. Chức năng của Uỷ ban điều hành cũng gồm việc chuẩn bị chương trình nghị sự cho các cuộc họp của Ban giám đốc và phê duyệt các hoạt động tiến hành trong thời gian giữa hai cuộc họp của Ban giám đốc. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc về vận hành và quản lý IDLO và bảo đảm cho các chương trình và mục tiêu của mình được thực hiện một cách đúng đắn. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc là 5 năm và có thể được gia hạn.

Hội đồng tư vấn quốc tế của IDLO

IDLO đã lập ra một Hội đồng tư vấn quốc tế để đưa ra tư vấn mới và đúng đắn  cho các kế hoạch tương lai của IDLO và giúp nâng cao vai trò của IDLO trên các diễn đàn thế giới. Đủ tiêu chuẩn trở thành thành viên của Hội đồng là những người có uy tín quốc tế về khả năng lãnh đạo đặc biệt xuất sắc trong giải quyết các vấn đề phát triển và nhân đạo. Sắp tới đây Hội đồng sẽ tuyển chọn các thành viên từ châu Á và châu Mỹ Latinh. 

Mục tiêu điều hành

Tháng 12/2004 ban quản lý IDLO xác định các mục tiêu điều hành chính để chỉ đạo hoạt động của IDLO trong giai đoạn 2005 – 2007. Những ưu tiên chung trong điều hành nói trên của IDLO sẽ được cập nhật sau khi có kết quả kiểm điểm chiến lược này của DLO tiến hành vào tháng 2 đến tháng 3 năm 2005.

Trong 3 năm tới, IDLO sẽ dành các nguồn lực nhằm giải quyết các điều kiện tiên quyết về thể chế, cơ cấu và pháp luật cho mục tiêu giảm đói nghèo bằng việc xây dựng năng lực để thúc đẩy 1) Pháp quyền; 2) Quản trị tốt và 3) Các mục tiêu cụ thể khác của Tuyên bố Phát triển thiên niên kỷ .  Các mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua đào tạo, các hình thức trợ giúp kỹ thuật khác cũng như tăng cường thể chế và sẽ gồm 4 lĩnh vực sau:

· Cải cách tư pháp

· Quản trị

· Kinh doanh, luật thương mại và tài chính

· Mậu dịch quốc tế và sở hữu trí tuệ./. 

Bài tiếp theo:  Sáng kiến chiến lược và thành tựu hợp tác phát triển của IDLO

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp 

______________________________

Bài viết có liên quan: