Viện quốc tế về Nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT)

21/03/2009
Mở rộng quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc gia nhập các tổ chức quốc tế (bao gồm cả tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật) là một trong các chính sách và đường lối đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Ba (03) bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tóm tắt chức năng, nhiệm vụ của Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT) - một trong các tổ chức quốc tế liên chính phủ có chức năng nghiên cứu và thực hiện các hoạt động hiện đại hoá, hài hoà hoá pháp luật tư, đặc biệt là luật thương mại giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia - mà Việt Nam nên nghiên cứu gia nhập.

Tác giả các bài viết hy vọng thông tin về tổ chức này (chức năng nhiệm vụ;  thành tựu lập pháp, quy trình lập pháp; một số chính sách ưu tiên của tổ chức này dành cho các nước đang phát triển và đặc biệt là quyền lợi, nghĩa vụ của một quốc gia khi trở thành viên của UNIDROI) sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (trong đó có Bộ Tư pháp) tham khảo trong quá trình nghiên cứu gia nhập các thiết chế đa phương thuộc lĩnh vực pháp luật và tư pháp - một trong các nhiệm vụ quan trọng đã được đề ra trong các Chiến lược về cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam.  

Chức năng của UNIDROIT

 Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư  (Iinternational Institute for the Unification of Private Law /Iinstitut International Pour l'unification du Droit Prive (UNIDROIT/ Viện) là tổ chức liên Chính phủ có trụ sở tại Rome - Ý. Mục đích của Viện là nghiên cứu nhu cầu và phương pháp hiện đại hoá, hài hoà hoá và điều hoà luật tư, đặc biệt là luật thương mại giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia.

Viện được thành lập vào năm 1926 với tư cách là một cơ quan giúp việc của Hội quốc liên. Sau khi Hội quốc liên tan rã, Viện đã được thành lập lại vào năm 1940 theo một thoả thuận đa phương – Quy chế của UNIDROIT.

Thành viên

Chỉ quốc gia nào gia nhập Quy chế của UNIDROIT thì mới được làm thành viên của UNIDROIT. Hiện nay UNIDROIT có 63 quốc gia thành viên từ 5 châu lục, đại diện cho nhiều hệ thống pháp luật, kinh tế và chính trị khác nhau, cũng như các truyền thống văn hoá khác nhau. Viện được cấp tài chính bằng đóng góp hàng năm từ các quốc gia thành viên với mức do Đại hội đồng ấn định và kinh phí cố định hàng năm do Chính phủ Ý đóng góp. Viện cũng có thể nhận được ngân sách bổ sung dành cho các mục đích do nhà tài trợ xác định. Tiền đóng góp này được đưa vào một quỹ riêng (quỹ tín thác).

Cơ cấu tổ chức
UNIDROIT được cơ cấu theo ba cấp, gồm Ban Thư ký, Hội đồng điều hành và Đại hội đồng.

Ban Thư ký (Secretariat)   là cơ quan chấp hành của UNIDROIT, chịu trách nhiệm tiến hành Chương trình công việc của Viện. Ban Thư ký do Tổng Thư ký vận hành. Tổng Thư ký do Hội đồng điều hành bổ nhiệm theo sự đề cử của Chủ tịch Viện. Giúp việc cho Tổng Thư ký là một nhân viên của bộ phận phụ trách về dân sự quốc tế và nhiều nhân viên văn phòng khác.

Ban Thư ký sẵn sàng tiếp nhận nhân viên biệt phái từ các quốc gia thành viên, cũng như các thực tập sinh có nhu cầu thực tập tại một tổ chức quốc tế hoặc để hoàn thành chương trình đào tạo của mình tại trường đại học, hoặc muốn học hỏi kinh nghiệm trong một tổ chức như UNIDROIT.

Hội đồng điều hành (Governing Council) giám sát mọi vấn đề chính sách được xây dựng nhằm đạt được các tôn chỉ, mục đích của Viện, đặc biệt là giám sát Ban Thư ký thực hiện Chương trình làm việc do mình thiết kế. Hội đồng gồm Chủ tịch Viện (nguyên là công chức cao cấp) và 25 thành viên được bầu, thường là thẩm phán, những người hành nghề luật, học giả và viên chức.

Đại hội đồng (General Assembly)  là cơ quan ra quyết định cao nhất của UNIDROIT: Đại hội đồng biểu quyết ngân sách hàng năm của Viện; thông qua Chương trình làm việc ba năm một lần; bầu Hội đồng điều hành 5 năm một lần. Đại hội đồng gồm các đại diện của các nước thành viên - mỗi nước một đại diện.

Ngôn ngữ chính thức của UNIDROIT là tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha; ngôn ngữ làm việc là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác và Mạng lưới thông tín viên

UNIDROIT duy trì các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế cùng chuyên môn (luật), cả liên chính phủ và phi chính phủ (ví dụ như Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (The Hague Conference on International Private Law), Uỷ ban Luật thương mại của Liên hợp quốc United Nations Commission on International Trade Law – UNCITRAL) v.v... Thông thường mối quan hệ đó được thể hiện dưới hình thức các thoả thuận hợp tác được ký kết giữa các Ban Thư ký.

Do kiến thức và kinh nghiệm về nhất thể hoá pháp luật trên phạm vi quốc tế, UNIDROIT cũng được các tổ chức quốc tế nói trên phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu so sánh pháp luật và/hoặc soạn thảo Công ước làm cơ sở cho việc chuẩn bị và/hoặc hoàn chỉnh các văn kiện quốc tế trong các tổ chức quốc tế đó. 

Để đạt được các mục đích hoạt động của mình,  UNIDROIT cần phải có có được thông tin cập nhật về tình hình pháp luật ở tất cả các quốc gia khác nhau trên thế giới. Do khó khăn từ việc tự thu thập đầy đủ các thông tin đó,  nên UNIDROIT duy trì một mạng lưới thông tín viên tại các quốc gia thành viên và không phải là thành viên, do Hội đồng điều hành bổ nhiệm trong số luật gia nghiên cứu và luật sư hành nghề.

Tư liệu làm việc của UNIDROIT được in trong cuốn Thủ tục và Tài liệu của UNIDROIT (UNIDROIT Proccedings and Papers) - một tạp chí định kỳ - và các tư liệu khác. 

Các hoạt động và các nguồn lực khác của UNIDROIT

UNIDROIT thực hiện và duy trì các hoạt động sau nhằm hỗ trợ cho công tác nhất thể hoá pháp luật của tổ chức mình: 

  • duy trì một thư viện nổi tiếng thế giới 

  • chuẩn bị một số ấn phẩm chuyên môn trong lĩnh vực nhất thể hoá pháp luật 

  • chương trình hợp tác pháp luật

  • dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về luật thống nhất: UNILAW

  • tổ chức định kỳ các đại hội, cuộc họp và toạ đàm/ hội thảo.

UNIDROIT đặc biệt ý thức được tầm quan trọng của việc tạo thêm cơ hội cho các quốc gia thành viên và không phải thành viên, các cơ quan nghiên cứu và cá nhân tranh thủ lợi thế của Viện và khuyến khích việc tham gia tích cực của họ trong quá trình hài hoà hoá pháp luật. Nhu cầu riêng của các nước đang phát triển và các nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế được đặc biệt ưu tiên.

Chương trình học bổng của UNIDROIT cung cấp đào tạo và cơ hội nghiên cứu cho những luật sư hàng đầu từ các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi nền kinh tế.

Cơ hội nghiên cứu về nhất thể hoá pháp luật tư tại UNIDROIT

Thư viện của UNIDROIT không chỉ là trung tâm nghiên cứu cho những người tham gia hoạt động lập pháp của Tổ chức này và cho các nghiên cứu viên từ nơi khác đến, mà còn là đầu mối và nơi hội họp của những chuyên gia thuộc các nền văn hoá pháp lý khác nhau trong suốt 75 năm hoạt động lập pháp của UNIDROIT. Thư viện tạo cơ hội nghiên cứu có một không hai tại một địa điểm đặc biệt thuận lợi – Khu biệt thự Villa Aldobrandini - nằm ngay sát trung tâm thành Rome.

Quan chức chính phủ và thành viên nghề luật, đặc biệt là học giả và những người hành nghề luật, cũng như sinh viên luật từ khắp nơi trên thế giới được sử dụng Thư viện của UNIDROIT, với điều kiện đơn xin sử dụng chính thức của họ được Thư viện chấp nhận. Người làm đơn có thể sử dụng giấy chấp nhận đó để đề nghị người đỡ đầu (có thể là cơ quan, tổ chức mà họ trực thuộc, các nhà tài trợ công và tư, cơ quan, tổ chức khuyến khích nghiên cứu pháp luật và cải cách pháp luật v.v…) tài trợ cho việc lưu trú của họ tại Rome. Các dự án liên quan đến hoạt động lập pháp trước đây của UNIDROIT cũng như các vấn đề về Chương trình làm việc hiện nay của UNIDROIT được đặc biệt  ưu tiên nghiên cứu. 

Học bổng nghiên cứu cho luật sư từ các nước đang phát triển và các nước đang trong quá trình chuyển đối nền kinh tế.

Phù hợp với các hoạt động hợp tác pháp luật của UNIDROIT, một Chương trình học bổng đã được xây dựng dành cho các luật sư hàng đầu từ các nước đang phát triển hoặc các nước đang trong quá trình chuyển đối nền kinh tế. Từ năm 1993, khi bắt đầu được triển khai thực hiện, Chương trình này đã tài trợ cho gần 180 nghiên cứu viên từ khoảng 50 nước.

Tài chính: Chương trình học bổng nghiên cứu giai đoạn 2006-2007 hiện đang được các nhà tài trợ sau đây cấp kinh phí :

·         Chính phủ Hàn Quốc: 2-3 học bổng, ưu tiên các ứng viên khu vực châu Á;

·         Chính phủ Trung Quốc: 1-2 học bổng, ưu tiên các ứng viên Trung Quốc và khu vực châu Á;

·         Chính phủ Tây Ban Nha (Vụ Quan hệ Văn hoá và Khoa học, Bộ Ngoại giao): 4 học bổng dành cho các ứng viên từ châu Mỹ Latinh, khu vực Maghreb/Trung Đông, Cận Sahara, châu Phi và khu vực châu Phi/Thái Bình Dương.

·         Chính phủ Ý (Vụ Hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao): 1 học bổng từng phần trong học bổng chung UNIDROIT/Khoá học về Luật thương mại quốc tế sau đại học (ILO), Turin, Ý.

·         Ngân sách chung của UNIDROIT: 6-8 học bổng (theo quy định, tiền này chỉ là một phần của các học bổng, phần còng lại được bổ sung bởi nhà tài trợ khác do ứng viên tự xác định);

·         Học bổng của Tổng Thư ký UNIDROIT: tiền riêng của Tổng Thư ký.

Các nhà tài trợ trong những năm trước đây gồm: Cơ quan của Khối Pháp ngữ (Agence de la Francophonie - ACCT); Hiệp hội cho thuê Ý (Associazione Italiana Leasing - ASSILEA); Nhóm Công tác hàng không; Hội đồng châu Âu; Chính phủ Phần Lan; Chính phủ Pháp; Chính phủ Thuỵ Điển; Quỹ cải cách pháp luật Nga; Tổ chức nghiên cứu pháp luật và kinh doanh xuyên quốc gia (Sơ-un, Hàn Quốc).

UNIDROIT cung cấp loại học bổng (thời gian trung bình: 2 tháng, tối thiểu 6 tuần; ngoại lệ là 4 tháng đối với học bổng của Quỹ Vương quốc Anh) có thể bao gồm mọi chi phí sinh hoạt tại Rome trong khoảng thời gian ấn định, nhưng về nguyên tắc người nhận học bổng phải tự trang trải chi phí đi lại của mình.

Học bổng do Hội đồng điều hành của UNIDROIT hoặc Tổng Thư ký thay mặt Hội đồng trao theo khuyến nghị của Uỷ ban về học bổng theo các tiêu chí sau đây (ngoài các yêu cầu cụ thể về phía nhà tài trợ):

  • Đề tài nghiên cứu của ứng viên phải liên quan đến luật thống nhất/tư pháp quốc tế, ưu tiên các đề tài phù hợp với Chương trình làm việc của UNIDROIT;

  • Khả năng kết quả nghiên cứu đề tài được áp dụng vào điều kiện thực tế của nước đó, ưu tiên các đề tài nghiên cứu liên quan đến soạn thảo văn bản pháp luật quốc gia hoặc nhằm thúc đẩy việc thông qua các văn bản pháp luật thống nhất;

  • Tiêu chuẩn của ứng viên (trình độ “đại học” hoặc “trên đại học”) và vị trí công tác (học giả, viên chức, thẩm phán, người hành nghề);

  • Khả năng làm việc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp là điều kiện không thể thiếu.

Trung tâm tài liệu pháp luật quốc tế

Từ ngày thành lập, UNIDROIT đã đặt ra ưu tiên xây dựng một trung tâm tài liệu pháp luật quốc tế nhằm giúp cho việc nghiên cứu mà Tổ chức này sẽ tiến hành. Ban đầu Trung tâm này được thành lập chỉ đơn giản nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động khoa học và lập pháp, nhưng qua nhiều năm Thư viện đã trở thành một trong những trung tâm tài liệu pháp luật đứng đầu ở châu Âu và trên thế giới.

Thư viện:

Kho tư liệu trong Thư viện của UNIDROIT hiện nay gồm trên 260.000 tập và khoảng 450 tạp chí pháp luật xuất bản định kỳ từ rất nhiều nước, bao trùm các lĩnh vực chính của tư pháp và, ở mức độ ít hơn, các ngành luật khác (luật sở hữu trí tuệ, công pháp quốc tế, luật kinh tế, luật La Mã và luật lệ giáo). Đặc biệt Thư viện là nơi lưu trữ phong phú các nguồn tư liệu về các chủ đề thuộc nội dung hoạt động lập pháp của UNIDROIT, cả trước đây và hiện nay. Các chủ đề này bao gồm: nhất thể hoá pháp luật (toàn cầu, khu vực và quốc gia), giao dịch thương mại: hợp đồng nói chung (ví dụ như các Nguyên tắc của Hợp đồng thương mại quốc tế UNIDROIT) và các hợp đồng chuyên biệt (mua bán, đại diện, cho thuê, nhượng quyền kinh doanh, đại lý, giao dịch có bảo đảm v.v...), luật giao thông, luật du lịch, trách nhiệm dân sự, luật gia đình, giải quyết tranh chấp, luật sở hữu trí tuệ, tư pháp quốc tế và luật về thủ tục tố tụng dân sự quốc tế và thị trường vốn quốc tế.

Thư viện cũng cho phép tiếp cận nhiều thư mục pháp luật quốc gia. Trong đó đặc biệt chú ý đến bộ sưu tập văn bản pháp luật và án lệ – nhất là liên quan đến luật tư – của các nước châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, Canađa, Úc và nhiều nước châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Ngoài một bộ tài liệu đầy đủ của UNIDROIT, Thư viện còn lưu trữ tài liệu của các tổ chức quốc tế khác như Hội quốc liên, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Hàng hải quốc tế, Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu, tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Hội đồng Bắc Âu và Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế. Ngoài ra, Thư viện UNIDROIT còn là một Thư viện lưu chiểu các hồ sở chính thức của Liên hợp quốc và các ấn phẩm để bán.

Thư viện cho phép tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau và các các cơ sở dữ liệu khác, kể cả các nguồn thông tin điện tử như Westlaw (Pháp luật phương tây), Hein-on-Line, DeAgostini Professional, Eur-lex, v.v… Những nguồn tư liệu tham khảo quan trọng khác như cơ sở dữ liệu “the UNILEX” về Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế và các Nguyên tắc quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế UNIDROIT, cũng như Thư mục luật thống nhất được đăng trong Tạp chí Luật thống nhất các năm 1994-1995.

Năm 1987, Giáo sư Gino Gorla, nguyên là Giáo sư Luật so sánh tại Trường đại học Rome "La Sapienza", đã tặng Thư viện UNIDROIT bộ sưu tập các tập có một không hai mà Ông đã viết để phục vụ việc cho công trình nghiên cứu của mình về luật án lệ ở châu Âu từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19. Bộ sưu tập này bao gồm 550 chủ đề (khoảng 900 tập) về các điều ước, bình luận, tập hợp các quyết định, giải pháp, quyết định hoà giải, các câu trả lời, lập luận và các kết luận giám định gây tranh cãi. Hầu hết các tập này được xuất bản ở Ý, số còn lại có nguồn gốc từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Anh và Hoa Kỳ. Bộ sưu tập của Giáo sư Gorla còn gồm có một số tập từ thể kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19th về luật thương mại và luật hàng hải.

 Thư viện lưu chiểu của Liên hợp quốc  

Thư viện UNIDROIT lưu giữ một bộ sưu tập các ấn phẩm của Hội quốc liên và thu thập các tài liệu, ấn phẩm của Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và của các tổ chức quốc tế khác.

Thư viện của UNIDROIT có  chức năng là một thư viện lưu chiểu của Liên hợp quốc. Thư viện nhận và thu thập tất cả các tài liệu và ấn phẩm xuất bản tự do của Liên hợp quốc. Các tư liệu này được công chúng tiếp cận miễn phí.   Liên hợp quốc kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện lưu giữ tài liệu được ký thác bằng các phiếu hỏi bắt buộc phát ra hai năm một lần hoặc bằng việc đến kiểm tra trực tiếp của các thành viên của Thư viện Dag Hammarskjold./.

(Các bài tiếp theo: 1) Hoạt động lập pháp của UNIDROIT (chức năng lập pháp, thành tựu lập pháp, quy trình lập pháp (quy trình soạn thảo, đàm phán, xây dựng các Công ước của UNIDROIT)) và: 2) Quyền lợi, nghĩa vụ của một quốc gia khi trở thành viên của nước UNIDROIT).                  

                           Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

_________________________________ 

Các bài liên quan:

________________________________
Bài 1 giới thiệu tổng quan về chức năng, nhiệm vụ của UNDROIT, bài 2 trình bày các thành tựu lập pháp quy trình lập pháp (quy trình soạn thảo, đàm phán, xây dựng các điều ước quốc tế, các Luật Mẫu) của tổ chức này; Bài 3 phân tích quyền lợi, nghĩa vụ của một nước thành viên khi gia nhập thiết chế quốc tế đa phương nói trên.