Một trong những điểm rất đáng chú ý của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) là việc các nhà làm luật đã đưa vào luật khái niệm về trách nhiệm sản phẩm. Với môi trường kinh doanh Việt Nam nói riêng và ý thức hệ của người Việt Nam nói chung, đây là một khái niệm hoàn toàn mới và tương đối khó hiểu. Tuy nhiên, thực tế áp dụng ở nhiều nước trên thế giới đã chứng minh, nó là chính là công cụ giúp cho quyền lợi của NTD được bảo vệ ở mức cao nhất.
Trách nhiệm liên đới mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh
Theo dự Luật, một sản phẩm bị coi là có khuyết tật nếu như sản phẩm đó không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý cho NTD so với các sản phẩm cùng loại lưu hành trên thị trường, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tiêu dùng. Ở mức cao hơn nữa, một sản phẩm cũng có thể bị coi là khuyết tật ngay cả trong trường hợp sản phẩm đó được sản xuất theo đúng quy cách, tiêu chuẩn hiện hành hoặc tiêu chuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, công nhận nhưng không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý cho NTD. Việc xuất hiện của sản phẩm bị coi là khuyết tật (với điều kiện đã được đưa vào lưu thông) sẽ kéo theo sự hình thành trách nhiệm sản phẩm của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
“Trách nhiệm sản phẩm” sẽ là trách nhiệm liên đới và độc lập đối với mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh có tham gia vào quá trình cung cấp sản phẩm có khuyết tật đến NTD, trong đó không loại trừ tổ chức, cá nhân đưa tên thương mại, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn thương mại gắn với sản phẩm; tổ chức, cá nhân kinh doanh nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam và tổ chức, cá nhân kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện cấu thành sản phẩm nếu trường hợp khuyết tật của sản phẩm có nguyên nhân một phần hoặc toàn bộ từ những nguyên vật liệu, phụ kiện cấu thành do tổ chức, cá nhân đó cung cấp.
Từ những quy định của điều luật có thể hiểu, “trách nhiệm sản phẩm” là một khái niệm hoàn toàn mới và tương đối khó hiểu, khó áp dụng trong bối cảnh môi trường kinh doanh Việt Nam nói riêng và ý thức hệ của người Việt Nam nói chung. Bởi ở nước ta, phần nhiều các nhà sản xuất đều có chung suy nghĩ chỉ cần đã bán được sản phẩm đến tay NTD là hết trách nhiệm, thì nói gì đến việc yêu cầu nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà phân phối sản phẩm phải “giơ đầu chịu báng”. Tuy nhiên, theo một thành viên của Ban soạn thảo thì thực tế áp dụng ở nhiều nước trên thế giới đã chứng minh, “trách nhiệm sản phẩm” là chính là công cụ giúp cho quyền lợi của NTD được bảo vệ ở mức cao nhất. Và, nhiệm vụ của các nhà làm luật là phải xây dựng được một đạo luật có khả năng áp dụng lâu dài, tránh tình trạng “áo vừa may xong đã chật”
Tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD - uy và lực phải song hành
Nói về thực trạng của các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, ông Đặng Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương đã nhận định, cho đến nay, dù rất nỗ lực nhưng các tổ chức này vẫn chưa thực sự đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguyên nhân chính là do hạn chế về nguồn lực cũng như cơ chế hoạt động của Hội. Ông Hải cũng cho rằng, để phát triển các hội này đúng với vai trò của nó thì cần phải có biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính từ phía các cơ quan Nhà nước. Sự hỗ trợ này cần phải được thực hiện dựa trên hiệu quả hoạt động mà các tổ chức này mang lại trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Quan điểm nói trên của ông Hải cũng là quan điểm của các nhà soạn thảo dự Luật BVQLNTD. Vì thế, bên cạnh việc quy định các quyền tiếp nhận khiếu nại, hòa giải, đại diện khởi kiện, tham gia ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước về pháp luật..., dự Luật cũng quy định việc ngân sách Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD để các tổ chức này thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Và, cũng chính từ nguồn kinh phí này, các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD sẽ đảm nhiệm án phí trong các vụ án bảo vệ quyền lợi NTD khi tổ chức đại diện khởi kiện. Có thể nói, nếu điều luật này trở thành hiện thực thì đây sẽ là tin vui đối với NTD, bởi từ nay các vụ việc quyền lợi, sức khỏe của NTD bị xâm hại sẽ không còn bị “chìm xuồng” vì tâm lý “con kiến kiện cụ khoai” như trước đây nữa.
Hồng Minh
Ông Đỗ Gia Phan – Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho biết, trong cuộc điều tra ý kiến NTD toàn quốc do Hội thực hiện tháng 8/2008, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho vấn đề hướng soạn thảo Luật BVQLNTD và trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó, chiếm đa số là số ý kiến cho rằng nên quy định việc cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD (717/1000 phiếu) và tiếp đến là số ý kiến mong muốn tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hoạt động theo hướng giúp NTD giải quyết những khiếu nại của họ (745/1000 phiếu) |
___________________________
Bài viết có liên quan: