Sóc Trăng: ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP, ngày 07/12/2007 của Chính phủ

05/03/2008
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP, ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Để triển khai thực hiện có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, ngày 21/02/2008 UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết 61/2007/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và đề ra tám giải pháp cụ thể như sau:

1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tổ chức thường xuyên, liên tục và sâu rộng nhằm giúp cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

3. Sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả; kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể.

 Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện đại chúng để nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp theo hướng bảo đảm tính thiết thực, tránh hình thức; xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của Hội đồng là tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Đổi mới, kiện toàn tổ chức làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này; xác định rõ khoản ngân sách hàng năm cho hoạt động này theo hướng tăng thêm để đáp ứng kịp thời, đầy đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Kết hợp có hiệu quả việc tuyên truyền pháp luật với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo...

7. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, tổ chức khác trong việc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 

8. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Phạm Tuân