Chiều 19/7, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Lý Nguyễn Nguyên Vũ – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp và các đồng chí Phó Giám đốc Sở đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám đốc Trung tâm thuộc Sở và đại diện lãnh đạo phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác chuyên môn của Sở Tư pháp được thực hiện thống nhất, tập trung, xuyên suốt. Các phòng Tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ do UBND cấp huyện giao, góp phần nâng cao vai trò của ngành Tư pháp tại địa phương. Công tác văn bản quy phạm pháp luật được duy trì ổn định và chất lượng ngày càng nâng cao. Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa hết hiệu lực năm 2023, công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa kỳ 2019-2023; thực hiện thẩm định 17 hồ sơ, góp ý 151 văn bản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được duy trì ổn định. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và các địa phương thường xuyên được củng cố, kiện toàn, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên nên chất lượng công tác, sự phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng đã phát huy tốt hiệu quả. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu quy định của Luật Đất đai năm 2024, thu hút gần 20.000 lượt thí sinh tham gia thi; công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả tốt, tỷ lệ hòa giải thành đạt 93,47%. Toàn tỉnh có 127/136 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (không bao gồm các xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa). Về thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực hộ tịch theo Đề án 06, toàn tỉnh đã giải quyết 5.424 trường hợp liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và 969 trường hợp liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.
Toàn tỉnh đã hoàn thành số hóa và chuyển chính thức vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử - Bộ Tư pháp hơn 1,46 triệu dữ liệu, đã khai thác và cấp được 27.484 bản sao trích lục hộ tịch (trong đó có 919 bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi đăng ký/nơi cư trú của người yêu cầu). Trong 6 tháng qua, Sở đã cấp 7.321 phiếu lý lịch tư pháp, 100% đúng và sớm hạn (có 58,2% hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 98,8%). Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định hộ tịch, bán đấu giá tài sản…tiếp tục được đẩy mạnh, Sở thường xuyên bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao...
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo phòng Tư pháp cấp huyện đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận về những kinh nghiệm thực tiễn cũng như một số vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là về các lĩnh vực như PBGDPL, xây dựng văn bản pháp luật, xử lý vi phạm hành chính…Các ý kiến về vướng mắc đã được đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Sở giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời, thỏa đáng.
Hội nghị đã thống nhất nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng phần mềm thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan đăng ký hộ tịch khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông; chủ động hướng dẫn chuyên môn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến các lĩnh vực quản lý của ngành tại địa phương…
Đặng Hữu