Đầu Xuân, “gõ cửa” Tư pháp địa phương

16/02/2024
Đầu Xuân, “gõ cửa” Tư pháp địa phương
Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, tại các cơ quan Tư pháp địa phương không khí làm việc diễn ra hết sức khẩn trương. Ngành Tư pháp các tỉnh quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc và không để chậm trễ, ảnh hưởng đến người dân trong việc giải quyết những thủ tục hành chính.
Hướng tới người dân, giải quyết tốt các thủ tục hành chính
Tại Tuyên Quang, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thược vui mừng cho biết, năm qua ngành Tư pháp Tuyên Quang đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác và đã đạt những kết quả nổi bật. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của địa phương tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm có trọng tâm, trọng điểm; các hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động nghề nghiệp từng bước được nâng cao; ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; công tác hành chính tư pháp được quan tâm thực hiện và phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Kết quả công tác năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang được Bộ Tư pháp xếp hạng xuất sắc, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo chuyên đề năm 2023.
Những ngày đầu năm mới, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị 2 trong 1 triển khai công tác tư pháp năm 2024 và công tác của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật 2024. Ngay sau Hội nghị triển khai này, các công việc đã được tiến hành một cách khẩn trương. Sở Tư pháp cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024. “Năm 2024 một trong những nhiệm vụ ngành Tư pháp Tuyên Quang ưu tiên thực hiện là tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), nỗ lực giúp giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của công dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong lĩnh vực ngành phụ trách”, Giám đốc Nguyễn Thị Thược cho biết.
Tại Hà Nội, năm 2023 Sở Tư pháp đánh giá, công tác xây dựng thể chế bảo đảm hiệu quả. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản được triển khai bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định. Việc phối hợp xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), TP đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chuẩn bị hồ sơ dự án Luật công phu, bài bản và bảo đảm tiến độ. Công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông luôn được ngành Tư pháp thực hiện theo quy định và theo hướng tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân. Kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực Tư pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách pháp luật với việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác PBGDPL có nhiều khởi sắc đã góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân Thủ đô.
Những ngày đầu năm 2024, một trong những nhiệm vụ được các cơ quan Tư pháp Thủ đô triển khai tích cực là tăng cường thông tin, truyền thông về công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và các chính sách pháp luật mới, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp; quan tâm phổ biến những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề “nóng”, bức xúc trong xã hội, những nhiệm vụ chính trị của TP. Bên cạnh đó, năm mới này, nhằm giải quyết các khó khăn của công tác lý lịch tư pháp (LLTP), Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các Quy chế về việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP; Chỉ đạo các sở, ngành ban hành và thực hiện: “Quy chế phối hợp liên ngành về tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP trên địa bàn TP Hà Nội”; Tăng cường thực hiện cấp Phiếu LLTP trực tuyến, qua Cổng dịch vụ công quốc gia và TP; qua dịch vụ bưu chính công ích để tạo thuận lợi cho người dân và hạn chế thấp nhất tình trạng chậm cấp phiếu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP; tập trung nguồn lực giải quyết tình trạng tồn đọng thông tin LLTP; đẩy mạnh cải cách TTHC cấp Phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trong các giải pháp Hà Nội quyết tâm thực hiện, Hà Nội chú trọng yếu tố con người, theo đó, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí đội ngũ công chức, viên chức hợp lý, phù hợp vị trí việc làm để phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân; xây dựng cơ chế huy động và tận dụng mọi nguồn lực ngoài ngành để tham gia vào công tác tư pháp. Bên cạnh đó, là đề cao kỷ luật, kỷ cương.
Tích cực triển khai các nhiệm vụ mới

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho tập thể Sở Tư pháp Tuyên Quang. (Nguồn ảnh: Sở Tư pháp Tuyên Quang)
 
Năm 2023, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh được Bộ Tư pháp xếp loại xuất sắc và tặng danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư pháp” trong Khối thi đua cơ quan Tư pháp các thành phố trực thuộc Trung ương. TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều “điểm sáng” trong công tác tư pháp như đã thẩm định có chất lượng một khối lượng lớn văn bản; tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề pháp lý của TP với tinh thần trách nhiệm cao, công tác chuyên môn chất lượng; công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến… Sở Tư pháp chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả cùng các sở, ngành có liên quan tham gia vào việc tham mưu TP xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong năm 2024, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục nhiều công việc quan trọng tham mưu giúp TP triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó có việc tập trung nghiên cứu, tham gia góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật do TP ban hành để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách quy định tại Nghị quyết. Bên cạnh đó, nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện… Sở Tư pháp sẽ là cơ quan nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Tại Lai Châu, những ngày đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã thực hiện luân chuyển nhiều vị trí cán bộ chủ chốt với kỳ vọng sẽ đem lại những đổi mới cho công tác chuyên môn. Năm vừa qua, Sở đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ chính trị được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh giao. Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác tư pháp trong toàn tỉnh và đã đạt những kết quả đáng khích lệ, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế được đánh giá cao.
Công tác PBGDPL tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức tuyên truyền. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh kết hợp với trực tuyến đến điểm cầu cấp cơ sở đã thu hút được hơn 13.000 lượt người tham dự. Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu” thu hút 30.467 lượt dự thi. Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện tổ chức 27 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 2.000 người là trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và người dân…
Năm 2024, Sở Tư pháp sẽ phát huy tốt hơn vai trò trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành và các hoạt động dịch vụ công; tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các ngành…
Với tinh thần chủ động, khẩn trương ngay từ những ngày đầu năm công tác, bằng những chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể, các địa phương đang tích cực cho một năm công tác mới, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng là năm được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức với cả nước nói chung, ngành Tư pháp nói riêng.