Hà Tĩnh: 05 năm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin đạt nhiều kết quả tích cực

28/08/2023
Hà Tĩnh: 05 năm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin đạt nhiều kết quả tích cực
Sau khi Luật Tiếp cận thông tin được ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 13/9/2016 về triển khai Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến cho đội ngũ cán bộ cốt cán của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thông qua hình thức trực tuyến. Theo nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị lựa chọn nhiều hình thức phù hợp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật. Trong 05 năm thi hành Luật tiếp cận Thông tin, Sở Tư pháp tổ chức 10 Hội nghị trao đổi, chia sẻ về các kỹ năng tuyên truyền pháp luật, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên và nhân dân; biên soạn và cấp phát 10.000 tờ gấp tìm hiểu về Luật Tiếp cận thông tin; phát hành 2.500 cuốn bản tin Tư pháp, trong đó có nội dung tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin; xây dựng chương trình Pháp luật và Đời sống số chuyên đề về Luật tiếp cận thông tin; cung cấp đầy đủ các văn bản tài liệu do Bộ Tư pháp biên soạn thông qua hệ thống thư điện tử “guinhanvb.hatinh.gov.vn” và Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp; các sở, ban, ngành mỗi đơn vị đã tổ chức 2-3 Hội nghị tuyên truyền, quán triệt, thu hút hơn 8.000 lượt người tham gia; các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức trên 150 Hội nghị với hơn 20.000 lượt người tham gia; cấp xã đã tổ chức hàng trăm cuộc với hàng nghìn lượt người tham gia..
Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày càng được cải thiện, đặc biệt là việc cung cấp thông tin trong lĩnh vực hành chính. UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh. Công tác văn thư lưu trữ, thống kê được củng cố, kiện toàn; tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu.
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh cập nhật, đăng tải đầy đủ, công khai các thông tin có liên quan hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh cần lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thông tin hướng dẫn thủ tục hành chính; cung cấp các dịch vụ công... Đặc biệt, chuyên mục “Hỏi-Đáp” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân; các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin hoạt động trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương để phục vụ công tác tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, đặc biệt là khu vực các huyện miền núi thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống tại khu vực biên giới, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động; lồng ghép cung cấp thông tin qua các hội nghị tập huấn; cấp phát ấn phẩm, báo, tạp chí; xây dựng phim tài liệu…
Qua 05 năm triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về cơ bản người dân đã nắm bắt được quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin và cách thức để thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Tính từ ngày 1/7/2018 đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 12.648 lượt yêu cầu cung cấp thông tin với hình thức chủ yếu là trực tiếp đến tại trụ sở cơ quan nhà nước. Tổng số thông tin được cung cấp theo yêu cầu là 12.556 lượt thông tin, trong đó, trực tiếp tại trụ sở là 7.278 lượt, cung cấp thông tin qua mạng điện tử là 3.196 lượt, cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax là 2.082 lượt.
Trên cơ sở kết quả 05 năm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung chú trọng và huy động nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác này, từ đó giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, đồng thời góp phần minh bạch, công khai hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà./.
                                               Nguyễn Thị Kim Oanh - Sở Tư pháp Hà Tĩnh